Dịch: Lá Nhỏ
Đêm đầu tiên làm việc tại nhà tang lễ, Vưu Tuyết Trân đã gặp được đám hiếu vốn dự tính sẽ diễn ra vào ngày mai.
Cô nhận công việc từ người ca trước để lại, sau khi bàn giao công việc xong, cô sẽ phải sắp xếp lại linh đường, hỗ trợ những thợ trang điểm khác, công việc chủ yếu là những việc vặt như đưa đồ đạc. Mặc dù không cần tiếp xúc trực tiếp với thi thể, nhưng việc phải tận mắt nhìn thấy thi thể là chuyện tất yếu.
Người nhà của thi thể túc trực trong linh đường, tiếng khóc ỉ ôi, tiếng an ủi, vỗ về lẫn nhau liên tục vang lên, chỉ có chính giữa linh đường là nơi tĩnh lặng nhất.
Một thợ trang điểm đang chỉnh lại một vài điểm trên gương mặt thi thể, Vưu Tuyết Trân đứng bên cạnh nghe chỉ thị, không dám nhìn thi thể đó thêm cái nào. Thi thể đó là một người lớn tuổi, mặc quần áo Trung Sơn đắt tiền, đeo giày vải, đội mũ, nhìn ông chỉ như đi ngủ quên không cởi quần áo.
Bầu không khí ngập tràn cảm xúc tang thương, Vưu Tuyết Trân liên tục đưa đồ trang điểm, cảm giác tay như đang cầm thứ gì đó rất nặng.
Sau khi xong việc trời cũng hửng sáng. Thi thể đã được chỉnh trang hoàn hảo nhất có thể, thợ trang điểm dặn Vưu Tuyết Trân thu dọn đồ đạc. Cô gật đầu, dọn sạch những đồ đạc và mỹ phẩm dùng cho thi thể xong rồi cất vào hộp.
Cọ trang điểm, bông tẩy trang, kem nền, má hồng, son môi, chì kẻ lông mày… những món đồ trang điểm nhìn vô cùng bình thường, khi cô dùng nó, nó chỉ là cầu nối giúp em xinh đẹp hơn khi ra ngoài chơi, tụ tập bạn bè, tham gia những dịp đặc biệt. Có thể nói nó đại diện cho vẻ đẹp, tươi sáng. Nhưng trong đêm nay, khi chạm vào những màu sắc quá đỗi tươi sáng ấy, Vưu Tuyết Trân không khỏi bàng hoàng.
Dưới lớp trang điểm ấy là làn da đã chìm sâu vào giấc ngủ, là sự tĩnh lặng tới đáng sợ, trong mắt người có gương mặt đắp vô số món đồ trang điểm là vô vàn giọt nước mắt. Cái xấu và vẻ đẹp đều bị nghiền nát, chỉ còn lại lời từ biết không biết phải đối diện thế nào.
Vưu Tuyết Trân đóng hộp, ngước mắt nhìn thi thể nằm nghiêm chỉnh, một chút sợ hãi cũng không còn.
Cô nhớ tới những điều khác.
Ngày từ biệt ông nội, ông cũng nằm chính giữa quan tài màu đen như vậy, hai bên trải đầy hoa, da trên mặt ông hệt như những đóa hoa bên cạnh, mềm mại, trắng nhợt, tĩnh lặng. Đó là sự tĩnh lặng cho dù cô có gào thét trong vô vọng ông cũng sẽ không tỉnh lại. Cô nhớ mình đưa tay chạm vào chân ông nội nhưng bị bố gạt ra, quát cô không được sờ linh tinh, cũng không được khóc, cô khóc ông nội sẽ đau lòng. Cô thút thít rụt tay về, thầm nghĩ, người ông nội cứng như vậy, sao ông còn đau lòng được nữa?
Ông đã không còn mềm lòng với bất kỳ ai nữa rồi, kể cả cô.
Có lẽ đây lại là chuyện tốt.
Ngày thứ hai, khi ông được mang đi hỏa táng, cô không cần bố quát mà tự động không phát ra tiếng động nào, cũng không chạy linh tinh. Cô chỉ đứng bên ngoài lớp thủy tinh, nhìn thi thể cứng ngắc của ông nội dần biến mất trong lò lửa.
Ngọn lửa đó lớn tới nỗi có thể thiêu rụi cả những thứ cứng nhất, cô lặng lẽ rơi nước mắt.
Từ đó về sau, tiếng khóc của cô cũng bị ngọn lửa kia thiêu rụi sạch sẽ, không còn phát ra bất kỳ tiếng động nào. Bởi vì bố nói, người nghe thấy cô khóc sẽ đau lòng. Nhưng cô biết rõ, không còn ai nữa, không còn ai như vậy nữa.
***
Vưu Tuyết Trân xách hộp trang điểm lên, đi tới bậc thềm bên ngoài phòng nghỉ ngơi, đầu gối đau nhức không thôi. Cô ngồi xuống bậc thềm, xoa chân, vùi đầu vào đầu gối, mãi cho tới khi người tới đổi ca tới mới thôi.
Cô ấy giật mình khi thấy nhìn vào mắt Vưu Tuyết Trân: “Em gái, đừng nói em sợ tới phát khóc đấy nhé?”
Vưu Tuyết Trân dụi khóe mắt, vội nói mình không sao, sau đó ngại ngùng cúi đầu chạy ra khỏi nhà tang lễ. Cô vừa lấy điện thoại ra chuẩn bị mở bản đồ đi xuống núi, nhưng lúc đi lên núi vừa gọi điện vừa mở bản đồ, pin điện thoại sụt rất nhanh, điện thoại đã dùng ba năm tự động sập nguồn chỉ trong một buổi tối, mà cô cũng quên mang sạc dự phòng theo.
Đêm đông dài đằng đẵng, sắc trời đang dần thay đổi, phía xa xa lấp ló tia sáng trắng, chính giữa là nơi giao thoa giữa ngày và đêm, trên đỉnh đầu vẫn là một màu đen tuyền.
Chút ánh sáng le lói phía xe khiến con đường xuống núi trông không còn đáng sợ như lúc đi lên, nhưng cũng chỉ bởi những tia sáng đó mà ngọn đèn đường biết rõ thời gian, lần lượt tắt đèn.
Vưu Tuyết Trân hà hơi, xốc lại tinh thần, đi dọc theo con đường đã tắt đèn.
Bình minh ngày đông cực kỳ yên tĩnh, ngay cả tiếng côn trùng cũng không còn.
Cô ngân nga câu hát, chăm chú đi về phía trước. Không biết có phải do ảo giác của cô không mà cô lại thấy một đốm sáng trong bóng cây ở chỗ rẽ.
Tới khi bóng cây kia ngày một rõ rệt, Vưu Tuyết Trân mới đi chậm lại, kinh ngạc sững sờ tại chỗ, nhìn về phía nguồn sáng đó, đó là ánh sáng từ đèn flash điện thoại. Người cầm điện thoại đang bước từng bước về phía cô.
Vưu Tuyết Trân lắp bắp: “Anh… Sao anh lại tới đây?”
Anh đáp: “Thấy cô sắp tan làm nhưng trời vẫn tối.”
“Tôi bảo rồi mà, tôi không sợ.”
Anh đột nhiên đi về phía trước, người hơi cúi xuống, khoảng cách giữa hai người gần tới nỗi khiến cô cảm giác anh sắp hôn cô.
Vưu Tuyết Trân sợ tới người cứng đờ, cơ thể lùi về sau theo phản xạ có điều kiện, mở tròn mắt nhìn gương mặt phóng đại của anh.
Anh dừng lại khi chóp mũi hai người sắp chạm vào nhau. Mạnh Sĩ Long tới gần chỉ để nhìn rõ biểu cảm của cô, kiểm chứng đôi mắt sưng phù kia không phải ảo giác của anh.
Anh lùi về sau, nhíu mày: “Cô khóc à?”
Vưu Tuyết Trân vẫn cứng miệng: “Đâu có đâu?”
“…” Anh không dễ qua mặt như vậy, hỏi tiếp: “Thật sự sợ tới phát khóc à?”
“Sao anh lại xem thường tôi thế?”
“Vậy nên cô thật sự đã khóc.”
Vưu Tuyết Trân bĩu môi, bỏ mặc anh, đi về phía trước: “Hình như là vậy.”
“Đã xảy ra chuyện gì? Cô bị bắt nạt sao?”
“Không…”
Thấy Vưu Tuyết Trân thật sự không muốn nói, Mạnh Sĩ Long cũng không nói gì, lặng lẽ đi phía sau cô.
Đường núi trở nên tĩnh lặng, sau khi đi hết đoạn đường nhỏ, Vưu Tuyết Trân chủ động lên tiếng: “Tôi hỏi anh, rốt cuộc tối qua anh đi xuống từ tầng mấy?”
“Tôi quên rồi.”
“Vậy anh cho tôi xem địa chỉ anh giao đồ ăn đi.”
“…” Anh đầu hàng: “Tầng 16.”
Vưu Tuyết Trân cúi đầu, đầu ngón chân đá viên sỏi ở giữa đường, viên sỏi cứ thế lăn xuống dưới. Cô nhỏ giọng: “Vậy chắc anh về tới nhà cũng muộn lắm rồi, mấy giờ anh dậy thế?”
“Bốn rưỡi.”
“Sớm quá.”
“Ngày nào tôi cũng dậy rất sớm để đi chợ.”
“Vậy hôm nay anh không cần đi chợ nữa sao?”
“Hôm nay tôi đi chợ sớm hơn một tiếng, không sao.”
Vì cô mà anh đã dậy sớm hơn một tiếng.
“Vậy lần sau anh đừng tới nữa, để bản thân ngủ thêm chút nữa đi.”
Có lẽ cuộc gọi tối qua của cô khiến Mạnh Sĩ Long nảy sinh cảm giác mình phải vỗ về, động viên cô trước sự sợ hãi, vậy nên anh mới xuất hiện ở đây vào sáng sớm, chịu trách nhiệm tới cùng với cô. Đây là chuyện chắc chắn anh có thể làm được, mềm lòng tới mức cố chấp.
Anh cười: “Ai biết mai cô có còn bị dọa tới khóc nữa không?”
“Tôi nói rồi, không phải.”
“Vậy tại sao lại khóc?”
Chủ đề lại bị anh kéo về điểm xuất phát.
Vưu Tuyết Trân mím môi, con đường lại rơi vào tĩnh lặng, chỉ còn vang vọng tiếng bước chân của hai người. Mọi thứ giống như cuộc gọi tối qua, bước chân anh giẫm vào tai cô, từng tiếng động liên tục văng vẳng lại.
Nghe mãi nghe mãi, đôi môi mím chặt của cô dần tách ra, lời nói bị bản thân khóa chặt ban nãy đã tự động mở cửa chạy ra ngoài.
Mạnh Sĩ Long nghe thấy tiếng lí nhí phía trước, hệt như con thú nhỏ bị ướt mưa đang cầu cứu: “Tôi nhớ ông nội.”
Đường xuống núi rất dài, dài tới nỗi đủ để Vưu Tuyết Trân nói ra hết nỗi nhớ nhung kìm nén bấy lâu nay. Cô nói về chuyện tại sao mình không dám xem Nhóc Maruko nữa, về chuyện không thể nấu mì trường thọ cho ông nội ăn, cũng không thể cùng ông nghe đài vô tuyến điện…
Truyện được đăng tải duy nhất tại lanho2002.wordpress.com
“Thi thoảng khi đi trên đường tôi sẽ nhìn những đứa trẻ. Có lẽ ông nội đã đầu thai rồi, vậy lúc này chắc ông cũng đã trở thành đứa trẻ bảy tuổi.”
Mạnh Sĩ Long khẽ hỏi: “Sao cô biết ông ấy đã đầu thai?”
Nói mãi nói mãi, Vưu Tuyết Trân dụi mắt: “Bởi vì lâu lắm rồi ông không còn xuất hiện trong giấc mơ của tôi nữa.”
Nói xong câu này, cô chỉ đành dừng lại, nước mắt vừa lau đi lại tuôn rơi, làm nhòe mọi