*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Một ngày tháng tư, Giang Vũ Đồng gọi điện cho tôi, nói cậu ấy đang chuẩn bị thi thạc sĩ vòng hai, nếu thuận lợi thì tháng sáu năm sau có thể đến Vũ Hán làm nghiên cứu sinh. Tôi vẫn nhớ hồi tháng một, Giang Vũ Đồng cũng kể rằng cậu ấy đăng ký thi lên cao học tại một trường đại học ở Vũ Hán, hiện tại coi như đã thành công qua vòng đầu. Chỉ có điều, nếu như một thời gian nữa Giang Vũ Đồng thực sự đến Vũ Hán học, không biết liệu có nhớ đến những chuyện đã qua hay không?
Lam Thiên cũng đã vài tháng không liên lạc gì với tôi, hình như là bởi bận rộn chuẩn bị luận văn. Sau đó chắc là sẽ đến chỗ anh họ mình thực tập như lời cậu ta đã nói. Lam Thiên vẫn luôn là người như vậy, chuyện gì đã xác định rồi thì sẽ nhất quyết làm cho bằng được. Điều duy nhất khiến tôi còn nuối tiếc chính là, có vẻ cậu ấy vẫn chưa nói gì với Giang Vũ Đồng về tình cảm trong lòng mình. Có lẽ Lam Thiên vẫn định ôm theo day dứt để rồi chia xa, nếu không chỉ sợ sau này liên hệ với nhau cũng ngại, tựa như tôi và Dương Tiểu Nghiêu khi trước vậy.
Sau cuộc điện thoại của Giang Vũ Đồng, tôi chẳng thể nào chợp mắt. Suốt hơn nửa năm rối bời, tìm đủ mọi cách tránh né ánh nhìn của bố, cuối cùng tôi vẫn cứ phải đối mặt với vấn đề này, vẫn phải tìm được đường ra tương lai cho mình.
Giống như Thẩm Tâm Di đã từng nói, nếu muốn học lên thạc sĩ, hiện tại nên bắt đầu chuẩn bị luôn. Đại học không giống như là cấp ba. Vào thời cấp ba, chúng tôi chỉ cần toàn tâm toàn ý tập trung sức lực thi lên đại học. Nhưng giờ chuẩn bị thi vào cao học, chúng tôi vẫn phải tham gia vào nhiều nhiệm vụ học hành không quá liên quan, vẫn phải thực tập và đi thực tế.
Có thể thi lên thạc sĩ và sáng tác truyện cũng không hẳn là mâu thuẫn như tôi tưởng tượng. Nhưng mà tôi biết, nếu như hiện tại tôi vì thi cử mà bỏ viết lách, tương lai cũng có thể vì ổn định công việc mà lại tiếp tục từ bỏ. Có lẽ năm năm, có lẽ mười năm. Sau thời gian đó, tôi cũng chẳng biết liệu mình có còn bao nhiêu đam mê tâm huyết để mà tiếp tục theo đuổi ước mơ. Trong cái thế giới mà tôi vẫn biết, không có nhiều người có thể vừa chăm chỉ viết vừa kiêm nhiệm thêm một công việc khác, lại càng ít người từ bỏ nghề riêng để theo con đường sáng tác, hoặc là từ bỏ chuyên môn sáng tác để chuyển sang một lựa chọn an toàn. Một khi chính thức bắt đầu đi làm, tôi cũng không biết liệu mình có đủ can đam để bỏ qua sự yên ổn trước mắt hay không. Bởi vậy, tôi cần quyết định ngay tại lúc này.
Thực ra chuyên tâm ôn tập thi lên thạc sĩ chính là con đường thênh thang nhất để mà đi, có thể giúp cho bố mẹ yên tâm, cũng có thể rời mấy chuyện lựa chọn nghiệp vụ thêm ba năm nữa. Ngoài ra tôi cũng sẽ thêm được một bằng cấp, sau này ra ngoài tìm việc cũng không phải vất vả nhiều. Hơn nữa, nếu tôi từ bỏ việc thi cao học, mai sau tiếp tục lăn lộn viết lách mà vẫn chẳng đi đến đâu, chỉ dựa vào bằng cử nhân chính quy và mấy năm vất vưởng không kinh nghiệm thì sẽ cực khó xin việc theo đúng chuyên môn của mình. Thế nên, tôi không thể không thừa nhận, lựa chọn nghiệp viết là một con đường gian nan khúc khuỷu.
Sau khi học xong thạc sĩ, chắc chắn tôi sẽ có một công việc ổn định. Đây chính là con đường lớn mà nghìn vạn người vẫn muốn chen chân. Thế nhưng tôi lại chẳng muốn đi theo con đường cả nghìn vạn người đều đi. Lòng tôi âm thầm kháng cự. Tôi vẫn còn muốn thực hiện mộng tưởng của mình. Giống như là Frost đã viết trong thơ, cùng một rừng cây lại xuất hiện hai con đường: một con đường thì rộng lớn, dõi mắt nhìn mãi vẫn chẳng thấy tận cùng đâu; con đường còn lại uốn lượn gấp khúc, hẻo lánh, ít dấu chân người.
Tôi nghĩ, tôi nên quyết đoán như là Lam Thiên, đặt ra một cái kỳ hạn cho giả thiết của chính mình. Khi đã đến hạn mà vẫn chẳng đạt được thành tựu gì, ít nhất tôi cũng biết chắc là mình không có tiềm năng, chẳng cần tiếc nuối. Cùng lắm thì cũng chỉ là phí phạm vài năm, sau đó vẫn có thể lại thi lên thạc sĩ.
Đó cũng chính là con đường mà tôi muốn đi. Trong một rừng cây có hai lối rẽ – tôi muốn lựa chọn lối đi vắng bóng người qua, cứ thế theo đó bước hết cả cuộc đời của mình.
Một khi đã bước chân lên trên con đường này, trước khi nhìn thấy ánh sáng, tôi sẽ phải dùng hết sức để chạy thật xa, cho dù mình đầy thương tích.
Tôi vươn tay giữa bóng tối, muốn nắm bắt lấy tia sáng mỏng manh xuyên qua rèm cửa. Sau đó, ngay giữa tiếng ngáy o o của bạn cùng phòng, tôi chầm chậm ngủ thiếp đi.
Buổi trưa hôm sau, tôi muốn gọi điện về nhà cho bố mẹ mình, thông báo với họ tôi đã quyết định sẽ không thi lên thạc sĩ. Lúc này tôi cần tranh thủ nốt chút dũng khí vẫn chưa dùng hết từ đêm hôm trước, nếu không sau này lại càng khó mở lời hơn.
Ăn cơm trưa xong, tôi gọi điện cho bố trước, nhưng mà máy bố lại bận. Tôi chuyển sang gọi cho mẹ, kết quả vẫn chẳng khác gì.
Chút can đảm vớt vát được đã trôi luôn đi một nửa. Tôi nghĩ một lúc, quyết định gọi cho Tử Ninh.
Con bé bắt máy rất nhanh.
“A lô, sao thế?” Qua khoảng cách mấy nghìn kilômét, tôi đã nghe được tiếng em gái mình. Khoảng thời gian qua tôi luôn quên không gọi cho con bé, hiện giờ bất chợt lại có cảm giác đã rất lâu rồi chưa nghe giọng nó.
“Cũng chẳng có chuyện gì to tát đâu, cứ coi như anh tự dưng gọi đi.”
“Ờ.”
Tôi đoán Tử Ninh đang gật gật đầu bên kia điện thoại.
“Đã ăn trưa chưa?” Tôi hỏi.
“Ăn rồi.”
“Ăn cái gì rồi?”
“Em kêu cơm hộp.”
“Ngày nào cũng ăn cơm hộp, ít ra thỉnh thoảng cũng phải tự nấu vài bữa đi chứ.” Tôi cười.
“Kỹ năng nấu nướng của em có phải anh không biết đâu. Nếu không hay anh qua đây nấu cơm cho em ăn đi?”
“Cái gì cũng phải luyện nhiều mới thành tài được.”
“Chuyện này ít ra cũng phải có chút tư chất mới được. Nếu không cháy chảo cháy nồi thì biết làm sao?”
Giọng điệu đầu dây bên kia khiến tôi bật cười thành tiếng. Hồi mấy tháng trước, lần đầu tiên nghe được chuyện con bé nấu cháy cả nồi, tôi cũng đã cười đến đau dạ dày. Cũng may cơn đau không nghiêm trọng lắm, chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ cơ thể, hai ngày sau đã bình thường trở lại.
“Được rồi, đừng có bắt anh phải cười. Dạo này công việc thế nào? Có chuyện gì khó chịu không?”
“Làm gì có gì khó chịu cơ chứ? Nếu không chịu nổi cũng phải cắn răng mà chịu.”
“Thế chỗ các em hiện giờ đã tuyển được thêm người hỗ trợ chưa?” Tôi hỏi.
Tử Ninh im lặng suốt một hồi lâu.
“Sao thế? Lại có vấn đề gì à?”
“Anh, em nghỉ việc chỗ đó rồi.” Giọng của con bé bình tĩnh lạ kỳ.
“Sao lại nghỉ việc? Mà đổi chỗ làm cũng chẳng bảo gì với nhà một câu. Mình em cứ lăn lộn bên ngoài thế, bố mẹ và anh ai cũng lo lắng cho em.”
“Anh, em đã là người lớn rồi, mọi người không cần lo đâu,” Tử Ninh nói. “À, phải rồi, chuyện này anh đừng kể cho bố mẹ.”
Tôi hơi do dự, nhưng rồi cũng đành gật đầu: “Em đổi việc khi nào vậy?”
“Em xin nghỉ từ năm ngoái. Hồi trước nói phải quay về làm việc thực ra là nói dối mọi người thôi. Sau khi nghỉ thì em về nhà luôn, năm nay đến sớm cũng là muốn tìm việc mới.”
Đã hơn nửa năm trôi qua mà con bé chẳng hé răng nửa lời, hiện giờ nói ra, trong lòng hiển nhiên vẫn còn lấn cấn.
“Vậy em tự mình để ý đến mình hơn đi, dù sao cũng là thân gái.”
“Em biết rồi mà.”
“À, phải rồi, sao điện thoại của bố mẹ không gọi được nhỉ? Anh vừa thử đến mấy lần rồi ấy.”
“Hình như họ đang cãi nhau.”
“Hả? Sao em biết thế?” Bỗng nhiên lòng tôi chùng xuống.
“Hôm trước em vừa gọi điện cho mẹ. Đang nói chuyện dở thì chẳng hiểu sao hai người bọn họ lại náo loạn lên, có vẻ như là cãi cọ gì đó, mẹ cũng cúp luôn điện thoại của em.”
“Sao lúc ấy em không khuyên họ luôn?”
“Khuyên nhủ thì có ích gì? Em khuyên được à?” Tử Ninh hỏi ngược lại tôi.
Tôi cũng im bặt, chẳng biết trả lời thế nào, đòi hỏi như vậy quả thực làm khó con bé.
Bầu không khí bỗng trở nên gượng gạo. Chúng tôi nói qua loa hai ba câu rồi nhanh chóng ngắt điện thoại.
Thực ra bố mẹ chúng tôi mâu thuẫn đã lâu. Thời điểm ăn Tết có hơi lắng lại, hiển nhiên là bởi có hai đứa tôi ở nhà.
Bây giờ tôi cũng chỉ biết thở dài, dũng khí tâm sự cùng với phụ huynh đã không còn nữa. Có lẽ lúc ấy Tử Ninh cũng nghĩ như tôi bây giờ. Gia đình đã không hòa thuận, lại càng khó lòng mở lời trao đổi với bố mẹ hơn, chuyện gì cũng muốn tự lập, tự mình quyết lấy.
Tôi biết, trước kia bố mẹ không như bây giờ, nếu không tôi và Tử Ninh cũng đã chẳng được sinh ra trên cõi đời này. Hồi tôi còn bé, tôi cũng không rõ tại sao bố tôi luôn luôn im lặng, im lặng về chuyện năm đó, về những gì ông đã làm. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu được nhiều hơn.
Im lặng không phải là vàng, im lặng chỉ là ngọn lửa thử vàng.
…
Tôi vẫn nhớ rõ khi mình còn nhỏ, tôi luôn luôn thích được ngồi vắt vẻo trên một cái ghế bé tẹo, lắng nghe bố tôi kể về những chuyện ông thường gọi là
truyền kỳ. Khi đó bố tôi vẫn đang còn trẻ, tinh thần hăng hái, tựa như toàn bộ thế giới đều phải nhượng bộ trước những ý chí mãnh liệt của ông.
Vào đầu những năm tám mươi, giáo dục vẫn chưa được phổ cập như bây giờ. Nông thôn vốn đông trẻ nhỏ nhưng chẳng mấy đứa có thể tới trường. Bố tôi là con thứ tư, ở dưới vẫn còn một em gái nữa. Trong nhà tất nhiên không thể lo liệu cho năm đứa trẻ đi học. Mới vừa học xong tiểu học, bố tôi đã đi theo vết xe đổ của các anh chị, lựa chọn ở nhà làm việc đồng áng, thậm chí còn chẳng lên nổi cấp hai. Trình độ văn hóa quá thấp chính là chuyện bố canh cánh trong lòng hàng chục năm trời, cũng là hối hận lớn nhất cả đời ông ấy. Bởi vậy, bố luôn luôn muốn tôi và Tử Ninh học hành đàng hoàng, không chỉ vì chính bản thân chúng tôi, mà còn là vì bố nữa.
Khi ấy, những đứa trẻ ngừng đến trường chính là một nguồn lao động trong nhà, phải chia nhau ra làm việc. Bốn anh em cùng rút thăm, bố tôi phụ trách chăn bò. Khoảng thời gian đó,
thằng chăn bò chính là tên định danh của bố. Thế nhưng từ nhỏ ông đã chẳng phải là người an phận. Theo lời bà tôi thường kể, chắc chắn bố tôi là đứa nghịch ngợm nhất trong tất cả năm anh em. Hồi ấy bố tôi thậm chí còn chưa đặt chân lên huyện, vậy mà đã muốn lang bạt một phen ra ngoài thế giới. Những lúc thả bò, bố vẫn thường hay ngẩn người. Lần hoang đường nhất có lẽ là lần lùa bò xuống ao để tắm, xong rồi cũng lội xuống nước tắm luôn. Bố nói ngày đó cả người ông ấy chỉ có mỗi da bọc xương, có thể nổi trên mặt nước. Vậy là ông ấy cứ thế nằm đó suy nghĩ ngẩn ngơ, nghĩ xem làm thế nào để ra được ngoài kia, nghĩ đến thiếp đi lúc nào không biết. Sau đó chính bà đã lôi bố dậy. Bố tôi nghe bảo có một thằng nhóc đi qua trông thấy ông ấy ngủ trên mặt nước, tưởng rằng đã chết đuối rồi, liền chạy bán sống bán chết về gọi bà tôi. Bà khóc lóc chạy thẳng tới bờ ao, ai ngờ mới bị chạm nhẹ bố đã lăn luôn một vòng, tức thì tỉnh lại. Tất nhiên sau khi về nhà, bố tôi đã ăn no đòn. Tôi cũng chẳng biết câu chuyện đó có bao phần là thật, nhưng khi nghe kể thì vẫn thích thú vô cùng.
Sau khi chăn bò nhiều năm, đến ngày bố mười sáu tuổi, đã vì chuyện được ra ngoài mà tranh cãi với gia đình. Sau đó, ông ấy mang theo một chút tiền cóp nhặt được, nhảy lậu lên một chuyến tàu xuôi về phương nam, đi từ Hồ Nam tới tận Quảng Châu.
Khi đó tuy rằng Quảng Châu vẫn còn chưa có nhiều nhà cao tầng, nhưng cũng đủ khiến một chàng trai trẻ chưa từng rời khỏi nông thôn chao đảo như là động đất. Từ ấy trở đi, bố tôi đã đem lòng yêu cả mảnh đất này. Cũng bởi vậy mà ông đã ở đây đến tận gần ba mươi năm. Nơi này, cũng chẳng khác gì quê hương thứ hai của bố.
Những năm tám mươi chín mươi, cải cách càng ngày càng được xem trọng và mở rộng hơn. Thâm Quyến thiết lập đặc khu, vậy nên rất nhiều thanh niên trai tráng đổ về miền nam, tìm công việc ở Quảng Đông. Bố tôi cũng được coi như là một nhân vật tiên phong thời gian ấy. Có điều, ông cũng chỉ ở Quảng Đông làm công được tầm một năm, sau đó đã đem mấy trăm tệ gom góp được hưng phấn ngồi tàu về nhà, đương nhiên cũng là trốn vé.
Trước đó bà nội tưởng là bố tôi đi lạc, xong rồi về không được nữa. Bà buồn bã suốt một thời gian dài, suýt nữa còn mắc bệnh tim. Sau khi bố tôi trở về, mọi người trong nhà đều phấn khởi vui vẻ cả. Cũng không có ai nói gì nặng lời, chỉ sợ ông lại bỏ nhà ra đi lần nữa. Bố tôi cũng tự biết mình đuối lý, không dám đề cập gì đến chuyện kia, ngoan ngoãn ở nhà mấy năm.
Trong khoảng thập niên chín mươi, ông ấy cũng đã an phận làm đồng làm áng. Hồi đó, cơn bão TV nổi lên từ thành thị tới nông thôn. Bố tôi háo hức cầm hết số tiền tiết kiệm của mình, dựa vào chút kiến thức học lỏm được từ người ta để lắp đặt chiếc TV truyền hình cáp đầu tiên trong thôn tôi. Cả thôn lập tức náo động. Nghe nói rất nhiều gia đình mỗi khi cơm nước xong xuôi là lại sang nhà bà tôi xem ké TV. Bố tôi nắm bắt cơ hội, bắt đầu triển khai dịch vụ lắp đặt truyền hình cáp cho mọi người trong thôn. Mấy năm đó cũng coi như sự nghiệp chói lòa. Bố tôi cũng nhờ vậy mà dư dả, có thể bỏ được tiền túi giúp cho ông bà sửa sang nhà cửa. Căn nhà của bà hồi đó chính là căn nhà khang trang nhất thôn. Mỗi lần nhắc lại chuyện này, ông bà đều cười đến không khép miệng lại được.
Nhưng mà ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ trong vòng có mấy năm, TV đã được phổ cập đến mọi gia đình lớn bé, cũng bởi vậy mà bố tôi thất nghiệp. Sau một thời gian ở nhà ăn không ngồi rồi, bố lại nghĩ tới chuyện vào trong nam. Cũng đúng lúc đó, bố tôi quen được mẹ tôi. Ông đã nói rằng muốn đưa bà đến miền nam làm công cùng mình. Mẹ tôi khi ấy luôn ngưỡng mộ sự quả quyết mạnh dạn của ông, vui vẻ nhận lời không hề do dự. Được sự đồng ý của cả hai bên gia đình, bọn họ ngồi xe lửa đến Quảng Đông. Lần này, bố tôi mua vé.
Ở đất Quảng Đông, đến xưởng làm công kiếm được khá hơn rất nhiều so với làm việc nhà nông. Đương nhiên, cũng sẽ vất vả hơn nhiều. Sau khi kiên trì mấy tháng, bố tôi có chút chán nản, muốn chuyển sang làm đầu bếp. Ông thấy công nhân trong xưởng sáng nào cũng tới tiệm ăn bánh cuốn, thế là định tự đi bán bánh cuốn, như vậy buổi tối không cần tăng ca, tiền kiếm được cũng có thể không thua kém gì. Mẹ tôi không tin tưởng vào tay nghề bếp núc của ông, muốn ông làm thử hai lần trước rồi quyết định. Bố tôi vui vẻ mua bộ đồ nghề về cuốn bánh cuốn, sau khi để mẹ nếm thử hai lần, chuyện này liền quăng luôn ra sau đầu. Theo như lời mẹ tôi kể, bánh cuốn bố làm khó nuốt tới mức tuyệt đối sẽ không có người quay lại lần hai. Bố tôi cố gắng bắt chước người ta mà không hiệu quả, cuối cùng cũng chỉ đành phải tiếp tục làm công trong xưởng.
Một thời gian dài sau đó, hai người về quê kết hôn, thế rồi tôi và Tử Ninh ra đời.
Theo lời bố kể, toàn bộ của ăn của để ông ấy có thể khoe khoang khi đó chính là một chiếc xe máy dùng toàn bộ tiền tiết kiệm mua về. Ông đã vẻ vang lái nó đến nhà mẹ vợ. Lúc ông nhắc đến chuyện này, trên mặt vẫn vương ý cười.
Những chuyện phiêu bạt này kia bố kể, tôi chẳng thể biết thật giả thế nào. Nhưng bản thân tôi đã từng chứng kiến ông ấy biến một hai lời thuận miệng nói ra trở thành sự thật. Lần đầu như thế chính là cái lần bố tôi đưa cả gia đình quay lại Quảng Đông, sau đó khai trương một tiệm cắt tóc của mình.
Bố tôi chưa từng học qua chuyên môn cắt tóc, nhưng mà có thể học lỏm tay nghề người khác, đó chính là kỹ thuật sống mà ông ấy am hiểu nhất. Khoảng thời gian đầu, ông mời hai thợ cắt tóc về tiệm, vừa quản lý vừa tranh thủ học nghề. Điều bố tôi không ngờ được chính là tiệm cắt tóc này sau đó thực sự phát triển, khách hàng càng lúc càng nhiều. Bố đã mở rộng mặt tiền, thuê thêm nhân viên. Sau khi mời được nhiều thợ cắt mới về làm, bố tôi không dám biểu diễn mấy trò tiểu xảo sứt sẹo trước mặt khách hàng nữa, thế nhưng lại kiên quyết lấy đầu tôi ra luyện tập thường xuyên. Đây cũng chính là cái bóng ma tâm lý đã ám ảnh tôi suốt tám năm trời.
Lần đau khổ nhất chính là lần bố lỡ tay cạo hẳn một mảng tóc tôi, sau đó lại cố cạo nốt bên kia để cho cân bằng. Càng cạo càng lệch, càng chỉnh càng sai. Bố tôi tức mình, giận giữ cạo trọc luôn cả đầu tôi. Mặc dù tôi đã khóc lóc phản kháng, nhưng cũng chẳng thể ngăn được tóc mình rơi rụng mỗi lúc một nhiều. Sau đó bố đã mua cho tôi một chiếc mũ, coi như là lời xin lỗi. Tôi đã đội mũ đi học suốt ba tháng trời, chẳng bao giờ dám bỏ ra. Các bạn bảo đầu tôi bị cửa kẹp, tôi cũng chẳng dám mở miệng giải thích câu gì, cứ thế hậm hực suốt cả một thời gian dài.
Mặc dù cửa tiệm làm ăn khấm khá, nhưng chưa đầy hai năm sau, con phố nơi bố mở tiệm đã bị cải tạo để làm thành một khu phố thương mại. Ông phải đóng cửa rất lâu, không thể kiếm được đồng nào. Bố tôi suy nghĩ cẩn thận kỹ càng, cuối cùng quyết định bán lại tiệm cắt tóc đó, đổi lấy được tám vạn tệ. Mười mấy năm trước, tám vạn tệ đã là một số tiền khổng lồ. Bố tôi vui sướng cầm tám vạn này đưa cả gia đình đến nơi ở mới. Sau khi tập trung nghiên cứu một con phố khá sầm uất, ông định mở lại một tiệm cắt tóc, tiếp tục sự nghiệp đỉnh cao của mình.
Thế nhưng từ đó, cuộc sống của gia đình tôi cũng đã hoàn toàn thay đổi.
Mấy tháng đầu mới mở tiệm, bố dựa vào kinh nghiệm cũ và mô hình cũ, nhanh chóng khởi sắc y hệt mặt trời ban trưa. Hồi đó, nụ cười của ông ngạo nghễ và đầy tự tin. Chỉ có điều là, thu nhập càng cao, rắc rối cũng sẽ càng nhiều. Lần đầu biết đến những kẻ giang hồ, bố đã bàng hoàng kinh ngạc.
Tôi vẫn nhớ rõ khi ấy là lúc chiều tà. Bố tôi cho mấy người thợ trong tiệm nghỉ sớm, muốn đưa cả nhà dạo qua siêu thị. Trong khi bố đang sửa sang đồ đạc, tôi và Tử Ninh chơi đùa cùng nhau, còn mẹ thì đã ra chợ bán rau từ sớm.
Tôi và Tử Ninh nô đùa chạy đuổi từ trong ra ngoài, khi vừa mới ra đến cửa thì đã thấy mấy chiếc xe màu đen vây lại quanh tiệm. Cả hai đứa tôi đều chưa từng ngồi ô tô, cùng lúc trông thấy nhiều xe như vậy thì đều òa lên kinh ngạc cảm thán. Bố tôi neo theo tiếng cười bước ra, lại thấy rất nhiều những kẻ xăm trổ đầy mình, lăm lăm gậy sắt trên tay, bao vây cửa tiệm.
Nụ cười trên mặt bố tôi biến mất. Ông hoảng hốt đẩy hai chúng tôi vào bên trong rồi nhanh chóng hạ toàn bộ cửa kéo đang mở lưng chừng xuống đất, còn bản thân mình đứng lại bên ngoài.
Ở cái thời mà những phiên chợ tối vẫn còn chưa được phổ biến như là hiện tại, vào giờ ăn cơm, trên phố dường như không một bóng người. Mà cho dù là có người đi chăng nữa, nhìn thấy những tên lưu manh xăm trổ tay cầm gậy sắt, chắc cũng chỉ đành vòng sang đường khác.
Một lúc lâu sau, tôi và Tử Ninh vẫn đứng trong tiệm, mờ mịt nhìn vào cửa kéo, hoàn toàn không hề hay biết chuyện gì xảy ra bên ngoài. Tất cả những thứ chúng tôi nghe được là những âm thanh ầm ĩ không ngừng. Sau đó cửa tiệm bỗng nhiên bị đạp hai phát cực kỳ chói tai, hai đứa sợ đến mức nhũn cả chân, ngã luôn xuống đất. Tuy lúc ấy tôi còn nhỏ, nhưng tôi cũng biết đây là một chuyện vô cùng tệ hại. Tử Ninh vẫn ngồi dưới đất, đưa tay kéo kéo áo tôi, mặt đẫm nước mắt. Chắc là con bé bị mấy cú đạp vừa rồi dọa sợ, vừa khóc vừa gọi
bố ơi, giọng càng lúc càng thảm thiết. Cuối cùng, tôi nghe thấy bố gào lên một tiếng, thế rồi bên ngoài dần dần lặng yên trở lại. Lúc chúng tôi trông thấy bố lần nữa, cả đám người xe đều đã biến mất không còn tăm hơi. Mặt ông tặt tái nhợt. Khi ông vươn đôi tay ra, tay phải vẫn còn run rẩy không ngừng. Bố ngồi xổm xuống, ôm lấy Tử Ninh vào lòng, khe khẽ thì thầm
con yêu, không sao nữa rồi bên tai con bé.
Tử Ninh đã nín, nhưng trông thấy cái dáng vẻ đó của ông, tôi lại là người muốn khóc. Nhất định vừa rồi những người xấu kia đã đến bắt nạt bố tôi. Nhưng tôi vẫn chỉ cắn môi, cố gắng nhịn lại.
Chiều tối hôm đó, bố đã an ủi chúng tôi rất lâu, rất lâu. Ông ấy đã nói rất nhiều, nhưng chỉ một câu là tôi nhớ kỹ: “Hai con có thể giữ kín chuyện ngày hôm nay được không? Với mẹ cũng đừng có nói, được không?”
Tối ấy, bố tôi hủy bỏ toàn bộ kế hoạch đi chơi, lên tiếng tuyên bố muốn bán lại cửa tiệm này, sau đó chuyển nhà. Chuyện xảy ra quá đột ngột. Mẹ tôi gặng hỏi tại sao, bố lại tùy tiện tìm một lý do qua loa lấy lệ. Thế là bà không đồng ý. Đó cũng là trận cãi vã lớn nhất giữa hai người họ từ trước tới giờ.
Mãi sau tôi mới biết được, đó là những người anh em ở “thế giới ngầm” mà tiệm cắt tóc chéo bên kia đường mời tới. Bọn họ dùng tôi và cả Tử Ninh để uy hiếp bố, ngăn không cho ông báo với cảnh sát. Đàm phán hay là nói lý cũng đều vô ích. Chỉ cần hai nhát đập gậy, bố tôi đã sợ khiếp vía, ông sợ họ sẽ động đến chúng tôi. Sau đó bố tôi thỏa hiệp, đưa tiền, nhận lời dọn đi. Toàn bộ số tiền bố tôi rót vào cửa tiệm còn chưa kịp quay vòng vốn, ông đã phải dốc cạn túi để đưa cho những kẻ kia. Vậy mà ngay trước khi đi, bọn họ còn đánh bố tôi một nhát, coi như là đã “dạy dỗ” chút đỉnh.
Sau biến cố đó, nhà tôi lâm vào khủng hoảnh kinh tế. Nhưng bởi vì lòng tự trọng quá cao, bố tôi nhất định không chịu hé răng nửa lời với mẹ, không muốn bà phải vì chuyện nhà cửa mà lo lắng quá. Thế nhưng bởi không biết được sự thật, mẹ tôi vẫn cứ nổi trận lôi đình.
Hai người họ chiến tranh lạnh suốt một quãng thời gian dài. Bố tôi định chuyển khỏi thành phố này, mẹ tôi lại kiên quyết muốn ở đây cho đến khi anh em tôi học xong. Thế rồi ông ấy cũng chỉ còn cách tự mình đi làm nơi khác, sau đó thuê cho cả gia đình tôi một chỗ trú chân ngay gần trường học.
Bố tôi bươn chải qua vài thành phố, cuối cùng dừng chân lại tại Quảng Đông, quyết định mở mang sự nghiệp cho thuê phòng ốc. Đến khi công việc của bố bắt đầu có được đồng ra đồng vào, tôi và Tử Ninh cũng đã kết thúc học kỳ, mẹ mới đưa hai anh em đến chỗ bố ở. Khi ấy, tôi vẫn cứ tưởng đợt chiến tranh này đã đến hồi kết, cả nhà tôi sẽ trở về trạng thái hòa thuận như xưa.
Mãi tới một ngày, tôi mới thực sự hiểu được, một khi đã bắt đầu rồi thì sẽ rất khó để quay trở lại.
Trong khoảng thời gian có vẻ như hòa hợp đó, tôi nghĩ có lẽ bố mẹ cũng vẫn luôn ngầm đối chọi, chẳng qua chỉ là không thể hiện ra ở trước mặt hai đứa tôi mà thôi.
Ngày đó, tôi đang vui vẻ dõi mắt lên trên màn hình TV. Đấy là một bộ hoạt hình mà hiện tại xem tôi thấy cực kỳ tẻ nhạt, nhưng mà hồi ấy tôi luôn coi không biết chán. Khi bước chân xuống dưới tầng dưới, chuẩn bị gọi cả Tử Ninh lên xem phim cùng, tôi đã nghe thấy tiếng bố mẹ mình cãi nhau. Tôi vừa sợ hãi lại vừa thắc mắc không biết hai người có vấn đề gì, thế là liền xuống dò dẫm nghe trộm ở trong bóng tối. Mặc dù cũng không nghe rõ cụ thể nguyên nhân, nhưng tôi vẫn biết bố mẹ nhắc lại chuyện xưa. Mẹ vẫn chưa từng vượt qua được rào cản đó, vẫn luôn canh cánh trong lòng. Bà nói bố tôi đã thay đổi rồi, trở nên ích kỷ quá đáng, vứt bỏ gia đình của mình, chỉ vì kiếm tiền mà đã mặc kệ vợ con. Bố tôi ban đầu vẫn còn tranh luận với mẹ, nhưng vừa nghe thấy câu đó thì cũng nổi cơm tam bành, trực tiếp mở cửa đi thẳng ra ngoài, sau đó đóng sầm cửa lại.
Tôi đã quên luôn việc mình định rủ Tử Ninh xem phim, lấm lét quay trở về phòng. Tôi muốn làm điều gì đấy để cho bố mẹ giảng hòa với nhau, nhưng lại hoàn toàn bất lực. Cái cảm giác bất lực đó, thật khiến người ta muốn rơi nước mắt.
Cả buổi tối ngày hôm ấy, bố tôi không hề xuất hiện. Ba mẹ con tôi lẳng lặng cùng ngồi ăn cơm. Sau đó khi mẹ rửa bát, tôi lén xới một bát cơm, đi dò từng căn phòng chưa có ai thuê một. Cuối cùng, tôi tìm thấy bố trong một phòng ở tối đen như mực đã rất lâu rồi không có người thuê. Ông đang nằm ở trên giường, hai cánh tay che khuất mắt. Tôi cũng không biết có phải ông ấy ngủ rồi hay không, chỉ biết nhẹ giọng hỏi dò: “Bố ơi, bố ăn cơm ạ.”
Bố tôi nghe tiếng tôi gọi, liền quay đầu sang. Trong căn phòng u tối ấy, tôi chẳng thể nhìn rõ ông, nhưng tôi vẫn biết nhất định trên gương mặt ấy hiện
tại là nét đau buồn. Bố đưa tay xoa đầu tôi, nói: “Tử Dương ngoan quá, bố nằm đây nghỉ một chốc, lát nữa sẽ ăn cơm sau.”
“Dạ.” Tôi đặt bát cơm lên trên chiếc bàn bên cạnh, sau đó đi ra khỏi phòng.
Nhưng tôi cũng chẳng đi xa, cứ len lén canh ngoài cửa. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng bố tôi nức nở, ngay cạnh cửa phòng. Tôi ngồi bệt xuống mặt đất, lưng dựa vào tường, cũng không kìm được nước mắt, nhưng lại không dám khóc ra thành tiếng.
Đó cũng là lần duy nhất trong đời, tôi nghe thấy tiếng một người đàn ông trưởng thành như bố lặng lẽ khóc trong bóng tối. Tôi cũng không quấy rầy ông, chỉ cùng ông ngồi ngoài cửa đợi chờ.
Mãi tới vài năm sau đó, khi tôi bắt đầu hiểu được sự đời, tôi cũng mới hiểu những gì mà bố mẹ tôi suy nghĩ trong đầu khi ấy.
Một người cho rằng đối phương thay đổi, còn người kia thì chỉ đơn giản là không muốn nói ra.
Bố cũng có nỗi ấm ức của bố, ông đã gánh vác tất cả trách nhiệm một mình. Chỉ có điều là từ đầu không nói, về sau lại càng chẳng thể mở miệng kể ra. Mẹ cũng có nỗi vất vả của mẹ. Quãng thời gian bố tôi đi ra ngoài kiếm việc làm mới, chẳng mấy khi gửi được tiền về nhà. Mẹ phải lo cho tôi và Tử Ninh đến trường, lại còn cái ăn cái mặc, sinh hoạt hàng ngày. Cái vất vả đó còn khổ cực hơn nhiều lần so với lúc trước mở tiệm cắt tóc, nhưng mẹ tôi không nhắc tới. Tất cả những gì bà vẫn băn khoăn chỉ là không thể hiểu nổi chuyện bố tôi làm.
Sau đó tôi về quê cũ đi học, cũng chỉ có thể tìm hiểu tình hình gia đình thông qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi. Tuy rằng hai người họ đều thường xuyên tâm sự với tôi, cũng không thể hiện bất cứ vấn đề gì cả, nhưng tôi lại nghe được từ họ hàng không ít những lần bố mẹ bất hòa với nhau.
Sau đó nữa, nhờ vào việc cho thuê phòng nhiều năm, kinh tế của gia đình tôi cũng đã cải thiện không ít. Tuy chẳng phải đại phú đại quý gì, nhưng vẫn có thể thoải mái ăn tiêu. Khi ấy bố tôi kinh doanh, mẹ tôi đến xưởng làm công, cực nhọc hơn trước khá nhiều. Thỉnh thoảng về nhà những lúc nghỉ hè nghỉ đông, tôi cũng phát hiện cả hai người đều mệt mỏi.
Có lẽ cũng bởi áy náy về chuyện năm xưa, bố tôi không muốn để mẹ khổ sở làm lụng, cùng nhau kiếm tiền nuôi cả gia đình. Hiện tại tiền nong dư dả, bố lại muốn bắt đầu thêm lần nữa. Sau khi khảo sát thị trường kỹ càng, ông quyết định không mở tiệm cắt tóc mà lại mở một cửa hàng buôn bán các loại đồ da. Chỉ có điều là mấy năm sau đó, cửa hàng làm ăn không được như ý. Mãi cho tới khi cạn kiệt vốn liếng, bố tôi mới buộc phải ngậm ngùi rút tay về. Hiển nhiên, cuộc sống của hai vợ chồng trong những năm ấy cũng không hề thiếu những trận khẩu chiến cả to cả nhỏ.
Một ngày nghỉ hè cấp hai, tôi quay trở lại Quảng Đông sau một thời gian xa cách. Khi đó cửa hàng đồ da của bố đã sắp đóng cửa đến nơi, nhưng ông vẫn còn miễn cưỡng không chịu từ bỏ. Cả năm chỉ gặp bố một hai lần, sau mỗi lần gặp, tôi lại thấy ông thay đổi rất nhiều. Trong đôi mắt ông không còn tinh thần, không còn cái sự tự tin như những lúc kể chuyện cũ với tôi hồi tôi còn bé. Bây giờ, ông cũng chỉ biết dặn tôi ráng học hành tốt, sau này tìm công việc tốt. Tôi đã gật đầu nhận lời.
Rồi đến một ngày, bố nhìn tôi, nói: “Tử Dương, tóc con dài quá, ra tiệm cắt đi.”
Khi đó, tôi đã có chút kinh ngạc. Bao nhiêu năm qua, bố luôn tự mình cắt tóc cho tôi. Bỗng nhiên tôi hiểu được ra, bố tôi hình như đã mệt mỏi rồi. Chỉ mới chưa tới năm mươi mà trên đầu ông đã điểm không ít sợi bạc. Tôi nhìn bố tôi, trong lòng đau xót.
Năm ấy tôi thi đại học phập phù, bố tôi im lặng suốt cả một thời gian dài. Khi tôi bắt đầu có ý định học lại thêm lần nữa, bố không đồng ý, thế là hai bố con tôi lâm vào trạng thái giằng co. Tới lần tiếp theo tôi nói chuyện được với bố, ông ấy đã bỏ sang Tân Cương rồi.
Hóa ra bố mẹ tôi vẫn cãi vã không ngừng về chuyện tiền nong trong nhà. Sau đó bố tôi nghe được một người họ hàng nói là đi Tân Cương kiếm tiền dễ, kiếm tiền rất nhanh, trong cơn tức giận liền bỏ nhà đi. Chưa đầy một năm, ông đã trở về, kèm theo chứng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tôi đã gặp ông trên bàn giải phẫu tại một bệnh viện ở Trường Sa, chỉ khoảng một tháng trước khi đi thi đại học lần hai.
Sau đó, bố bỏ việc ở Tân Cương, cùng mẹ rời khỏi Quảng Đông, rời bỏ cái nơi ông đã phấn đấu một đời. Hai người kiếm tạm một việc làm ở Trường Sa, lương lậu không cao, nhưng vẫn đủ ăn đủ uống. Có lẽ bố tôi đã thực sự quá mệt mỏi, chẳng muốn động đậy nữa rồi.
Cũng từ cái năm bố tôi đi làm ở tận Đông Hoản, rời xa ra đình, mẹ tôi dần dần trở nên càng ngày càng độc lập hơn, cũng mạnh mẽ hơn. Mình bà vật lộn nuôi hai anh em ăn học, thế nhưng chưa từng oán giận chúng tôi, lại càng không kể khổ với bố tôi. Năm đó, vì không biết chuyện nên bà chỉ trích bố tôi, nhưng sau khi chỉ trích xong lại càng cố gắng làm lụng một mình. Có lẽ cũng là chính từ năm đó, tôi bắt đầu có cảm giác người mẹ xinh đẹp nhất trên thế gian của tôi dần dần trở nên tiều tụy hơn xưa.
Sau này tôi và Tử Ninh trưởng thành hơn trước, mẹ mới bắt đầu có một số chuyện ỷ lại vào hai đứa tôi. Tôi cũng không nhớ được là ai đã nói quá, nói rằng mẹ tôi càng “lớn” thì càng giống một đứa trẻ, muốn được che chở thật nhiều. Nhưng cứ mỗi lần phải gánh trách nhiệm của một phụ huynh, mẹ lại trở nên chín chắn lạ thường. Dù sao đi nữa, bà cũng là một người mẹ.
Tôi biết mẹ tôi rất sợ bóng tối, từ xưa tới nay đã vậy. Bà vẫn luôn sợ phải ở một mình tại nơi nào đó tối tăm. Thế nhưng cái năm thi đại học đó, tôi lại làm ra một chuyện cực kỳ có lỗi với mẹ, đến giờ vẫn còn chưa thôi áy náy. Đó là mấy tháng ngay trước kỳ thi đại học đầu tiên, tôi làm hai bài thi thử, nhưng lại chẳng phát huy được thành tích thường ngày. Mẹ tôi biết tin thì gọi điện an ủi tôi, sau đấy thậm chí còn nghỉ cả việc để chạy tới chỗ trường tôi, thuê một căn phòng gần đó, muốn kèm tôi học. Lúc ấy tâm trạng của tôi không tốt, chỉ nhận lời sẽ ăn cơm cùng bà, nhất quyết không chịu ra ở bên ngoài. Mãi cho tới một buổi tối sau khi kỳ thi kết thúc, tôi mới nhớ ra mẹ mình đã phải ở trong một căn phòng trọ cũ nát tối đen suốt hai tháng trời. Tuy rằng mẹ không nói gì, nhưng tôi cũng đã ân hận rất, rất lâu.
Sau khi nghỉ việc ở chỗ làm cũ, bà cũng không tìm được công việc ổn định, luôn phải vất vả mệt nhọc hết tháng này qua tháng khác với chút đồng lương còm cõi. Tôi vẫn còn nhớ sau kỳ thi ấy, trên đầu mẹ tôi xuất hiện tóc bạc. Một lần chải đầu, bà muốn tôi nhổ giúp mình mấy sợi tóc đó, để bà sẽ không trông già nua nữa.
Mẹ vừa chải tóc vừa nói với tôi: “Mấy đứa càng ngày càng lớn. Một ngày nào đó, hai con cũng sẽ như bố, tất cả đều gọi mẹ là “bà” hết.” Nói xong, mẹ lại thở dài.
Tôi im lặng một hồi lâu, nói không ra lời.
Sau đó, tôi quả quyết lắc đầu: “Không đâu, mẹ sẽ mãi mãi là mẹ.”
Đúng vậy, mẹ sẽ mãi mãi là mẹ. Cho dù mẹ có già đi, bà vẫn là mẹ chúng tôi.
Suốt bao năm qua, cả bố và mẹ đều đã nỗ lực không ngừng vì gia đình này. Chỉ có điều là, họ càng lúc càng thiếu sự sẻ chia, thay vào đó là những lời cãi vã. Tôi biết, cả hai người họ đều không vì bản thân mình. Thế nhưng bố mẹ lại chưa từng thử trải lòng với nhau, luôn luôn duy trì im lặng.
…
Hồi học cấp hai, tôi đã từng viết cho bố mẹ tôi mỗi người một bức thư riêng, nói họ nên thông cảm cho người kia, nên đứng từ lập trường của đối phương mà suy nghĩ. Lúc ấy, tôi chẳng khác gì một ông cụ non trong vai một người hòa giải. Sau lá thư đó, dường như họ cũng đã ngừng cãi cọ. Thế nhưng mãi sau tôi mới biết được, thì ra không phải bọn họ giảng hòa, chẳng qua chỉ là họ không lớn tiếng trước mặt anh em tôi nữa. Cũng từ khi đó, tôi đã bắt đầu hiểu được, cho dù chúng tôi có lớn thế nào, có hiểu thêm nhiều đạo lý đến đâu thì ở trong mắt bố mẹ, cả hai sẽ mãi là những đứa trẻ, sẽ không bao giờ có quyền xen vào chuyện giữa hai người bọn họ. Thế là từ ấy trở đi, đối với mâu thuẫn của bố mẹ mình, tôi cũng chỉ còn có thể im lặng mà thôi.
Sau này, tất nhiên tôi vẫn thường xuyên gọi điện cho họ, nhưng chẳng hề tâm sự gì về chuyện của mình. Những cuộc gọi đó luôn chỉ quẩn quanh mấy chuyện nhà cửa, rồi thì vài việc vui vẻ xảy ra gần đây, xong là kết thúc. Cứ như thể tôi luôn phải tự ép bản thân kiếm tìm chủ đề nào đó, chỉ sợ một khi cả hai ngừng nói, không khí sẽ ngay lập tức trầm lặng hẳn xuống. Vậy nên, cũng chẳng biết từ khi nào, trước lúc gọi điện tôi đều làm xong bài tập về nhà, sau đó gạch ra vài cái đầu dòng về những đề tài định nói, tránh để xảy ra tình huống hai bên đột nhiên không biết nói gì rồi lại ngượng nghịu cúp máy.
Chuyện này thực sự đáng buồn, tôi biết. Nhưng mà nói riêng đến chuyện mở rộng cửa lòng, cho dù là tôi, Tử Ninh, hay là bố, mẹ, tất cả đều thiếu một chút dũng khí.
Tôi vẫn buồn bã ủ dột suốt cả nửa tháng sau đó.
Mãi tới một ngày Thứ Sáu, Thẩm Tâm Di nhắn tin hỏi sao hai tuần qua không thấy tôi rủ cô ấy tới thư viện lần nào cả, có phải đang bận gì không.
Tôi cũng nhắn tin trả lời cô ấy, nói tôi không bận, chẳng qua tâm trạng đang không được tốt, không muốn ảnh hưởng đến cô ấy thôi.
Thẩm Tâm Di lại nhắn tin, nói nếu tôi đang không vui thì để cô ấy mời tôi xem phim. Xem một bộ phim hài hước, tinh thần cũng sẽ thoải mái lên nhiều.
Tôi đáp lại rằng nếu mời xem phim thì cũng nên là tôi mời, làm sao mà lần đầu tiên lại để bạn nữ mời được.
Cô ấy nhắn lại bằng một mặt cười nho nhỏ:
Vậy tôi đợi cậu.Thế là cuối tuần, tôi đặt mua một cặp vé xem phim, mời Thẩm Tâm Di đến rạp cùng mình.
Hai đứa tôi xem một bộ phim hài, đã cười đến đau cả bụng. Bầu trời ảm đạm của tôi cuối cùng cũng đã lóe lên tia sáng. Nhưng mà, thứ khiến cho tâm tình tôi biến đổi nhiều nhất chính là, sau khi xem xong bộ phim, bước ra khỏi rạp, tôi mới ý thức được chuyện mới vừa diễn ra. Đây có phải là hẹn hò không nhỉ? Đã rất lâu rồi tôi không cùng đi xem phim với một bạn nữ, thậm chí trong đầu còn quên béng mất vụ này.
Đương nhiên, sâu trong nội tâm, tôi cũng chẳng hề kháng cự.
Khoảng thời gian gần đây ở cạnh Thẩm Tâm Di, tôi bắt đầu có cảm giác mối quan hệ giữa hai đứa tiến triển khá nhanh, rất nhiều hành động thân mật cũng tới một cách tự nhiên. Nếu cứ tiếp tục như vậy, hai chúng tôi đến với nhau cũng chẳng có gì là lạ. Thế nhưng bản thân tôi vẫn luôn còn một chút lấn cấn, một chút gượng gạo vì trong lòng mình đồng thời lại có hai người con gái.
Sau khi xem phim, chúng tôi tới Ích Hòa Đường ngay gần rạp chiếu gọi hai cốc trà mật ong.
“Cậu nói gần đây có chuyện phiền lòng, có thể kể cho tôi nghe được không? Nếu là về chuyện học hành, biết đâu tôi lại có thể hướng dẫn cho cậu một chút cũng nên.” Thẩm Tâm Di nhìn tôi.
Tôi dùng ngón cái xoa xoa phần nắp nilon ở trên cốc trà, hơi cúi đầu xuống, do dự không biết có nên nói ra hay không.
Tôi không vội đáp, cô ấy cũng chẳng gặng hỏi. Hai đứa chúng tôi mỗi đứa cầm một cốc trà, cũng chẳng ai uống, cứ thế mà chầm chậm bước, quay về trường học.
“Là chuyện gia đình, nói ra không tiện.”
Phải tới vài phút, tôi mới có thể cất lời.
“Bố mẹ không hòa thuận à? Hay là ly hôn?” Thẩm Tâm Di cẩn thận hỏi.
“Chắc chưa tới mức ly hôn, nhưng lúc nào cũng căng thẳng,” tôi ngẩng đầu lên nhìn Thẩm Tâm Di, ánh mắt cô ấy thực sự chân thành tha thiết. “Từ khi tôi vẫn còn nhỏ bố mẹ đã thường xuyên cãi nhau rồi. Cũng chẳng dám nói là có bóng ma tâm lý trong thời thơ ấu, nhưng ít nhất thì chuyện đó cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình cảm và cả sự tin tưởng tôi dành cho họ. Thậm chí đến tận bây giờ, tôi cũng chưa dám kể cho họ nghe dự định của mình ở trong tương lai.”
Rốt cuộc, tôi vẫn nói.
Thẩm Tâm Di gật gật đầu, dường như suy tư gì đó: “Gia đình tôi thì không phức tạp lắm, cho nên những gì tôi nói có lẽ không mang nhiều tính xây dựng, nhưng ít ra cậu cũng có thể dùng tham khảo.”
“Cậu cứ nói đi.”
“Tôi cảm thấy mặc dù quan hệ của bố mẹ không tốt lắm, họ vẫn thực sự nghiêm túc với con cái mình. Giống như bố mẹ tôi vậy, chuyện gì tôi đã quyết tâm, chỉ cần không phải việc gì quá đáng thì họ nhất định sẽ không phản đối. Vậy nên mặc dù cậu không dám nói ra miệng, nhưng nếu bản thân thật sự đã chắc chắn rồi thì cứ cố gắng làm thôi, đợi đến khi nào sẵn sàng mở lòng rồi lại nói sau cũng được.”
“Quá đáng sao?” Tôi cười, trong lòng cũng hơi thấp thỏm. “Có lẽ chuyện tôi hiện đang định làm, bọn họ chắc sẽ cho là quá đáng.”
“Hả!” Thẩm Tâm Di có chút giật mình. “Không đến nỗi vậy chứ?”
“Nếu tôi nói là bây giờ tôi muốn từ bỏ việc thi lên thạc sĩ, từ bỏ toàn bộ kiến thức học trong bốn năm đại học để đi con đường sáng tác, cậu có cảm thấy như thế là quá đáng không?”
“Hóa ra là cậu thích sáng tác à? Thảo nào lại thích đọc sách tới vậy,” Thẩm Tâm Di nhìn tôi, nở một nụ cười tươi tắn. “Ít nhất tôi cũng không thấy việc này có gì quá đáng.”
“Nhưng mà từ nhỏ bọn họ đã không ủng hộ tôi theo con đường này.”
“Có phải chính cậu cũng không muốn tìm cơ hội để nói, sợ là nói ra rồi sẽ xung đột với gia đình mình? Nhưng nếu mà cậu không thể trải lòng với bố mẹ cậu, làm sao bọn họ có thể ủng hộ cậu được? Hơn nữa, bây giờ cậu cứ giữ kín như vậy, chẳng phải cũng là đang tự dày vò bản thân mình sao?” Thẩm Tâm Di nói.
Lời cô ấy rất có lý, tôi chẳng thể phản bác được.
“Nhưng nếu nói từ góc độ của tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ cậu đi theo con đường sáng tác,” Thẩm Tâm Di cười ngọt ngào. “Thực sự tôi rất chờ mong những tác phẩm cậu viết ra. Sau này khi nào cậu viết nhất định phải đưa cho tôi xem nhé, tôi muốn được làm độc giả đầu tiên của cậu.”
Dáng vẻ của người con gái hiện tại đang đứng trước mặt để cổ vũ tôi giống hệt một cô gái khác vào năm năm trước. Tôi nhìn cô ấy suốt một hồi lâu, chẳng thể rời được mắt đi.
“Thẩm Tâm Di, có chuyện này tôi muốn nói, cậu đừng giận nhé.”
“Chuyện gì?”
“Cậu thật sự rất giống với cô gái trước kia tôi thích.” Tôi nhìn vào mắt cô ấy, nói.
Thẩm Tâm Di cười, né tránh ánh mắt của tôi: “Tại sao tôi lại phải giận?”
“Tôi…” Tôi cũng không biết tại sao, nhưng tôi cứ có cảm giác cô ấy sẽ giận.
“Thế rồi sao nữa? Cậu vẫn ở bên cô ấy, hay là đã chia tay rồi?” Thẩm Tâm Di hỏi.
“Đều không phải cả, sau khi tốt nghiệp chúng tôi cũng chẳng liên lạc với nhau. Thậm chí tôi còn chưa dám thổ lộ gì với cô ấy.” Nói đến chuyện này, tôi vẫn đang còn cảm giác hối hận pha chút áy náy trong lòng.
“Vậy cậu đúng là nhát gan thật đấy.”
Nghe Thẩm Tâm Di nhận xét, tôi hơi xấu hổ nhưng lại chẳng thể nói gì. Đó là sự thật.
“Lúc ấy, tôi cũng sợ rằng…”
“Lăng Tử Dương,” Thẩm Tâm Di ngắt lời tôi. “Cũng chỉ vì cậu cứ băn khoăn quá nhiều chuyện nên mới có quá nhiều điều chẳng thể nói ra. Thật đó.”
“Tôi biết,” tôi gật đầu. Tôi biết chứ, nhưng lại chẳng thể dễ dàng thay đổi chính mình. Kiểu người của tôi rất khó thay đổi. Tựa như thí nghiệm tư duy được nhắc tới trong cuốn sách “Tam thể” của Lưu Từ Hân, sau khi đã được cấy vào trong đầu cái suy nghĩ “nước có độc”, mặc dù người tham gia vẫn biết rõ nước không có độc, anh ta cũng không dám uống. Đó là một thứ quan niệm đâm sâu, bén rễ vào trong trí óc.
Thẩm Tâm Di bước nhanh hơn, đến ngay phía trước mặt tôi, sau đó quay người nhìn tôi: “Nếu là tôi, nhất định tôi sẽ không chọn im lặng, tôi sẽ nói thật lòng mình. Mặc dù cuối cùng cũng chẳng có kết quả gì, tôi cũng sẽ không để mình ân hận hết ngày này qua ngày khác. Lăng Tử Dương, những gì cậu cần chỉ là một chút dũng khí mà thôi.”
“Cảm ơn cậu.” Tôi nhìn cô ấy, mỉm cười.
Sau đó hai đứa tôi lại tiếp tục sóng vai tiến về phía trước, thong thả trở về trường học.
Ngay lúc chúng tôi chào nhau, Thẩm Tâm Di lại đột nhiên “à” lên một tiếng.
“Phải rồi, tôi cũng có chuyện muốn nói với cậu. Tháng sáu này tốt nghiệp xong, tôi sẽ đi Nhật Bản Luôn. Giấy báo trúng tuyển đã gửi đến rồi.”
Lúc Thẩm Tâm Di nói những lời này, nét mặt cô ấy vẫn đang tươi cười, vậy mà tôi lại chẳng thể cười nổi.
Sự mất mát trong lòng tôi là thật.
…
Từ ngày biết tin đến ngày mà Thẩm Tâm Di khởi hành, thời gian tựa như trôi nhanh gấp đôi bình thường. Tôi vẫn cùng cô ấy đến thư viện, cùng nhau ăn cơm, cùng uống trà sữa, không hề lăn tăn gì cả.
Khó khăn lắm mới có thêm một người con gái mở cửa vào trái tim tôi, vậy mà vừa gặp đã phải chia xa. Nhưng mà hiện tại cô ấy đã chọn lựa xong cả rồi, tôi cũng chẳng có lý do gì để mà can thiệp vào quyết định đó, chỉ có thể ở sau lưng yên lặng chúc phúc mà thôi.
Tháng sáu tốt nghiệp, Thẩm Tâm Di khoác trên mình lễ phục cử nhân, chạy tới chạy lui khắp trường chụp ảnh, lại còn lôi kéo tôi làm thợ ảnh cho mình với bạn cùng phòng. Suốt một buổi chiều, mọi nơi trong trường đều đã in dấu chân mấy đứa tôi.
“Cậu đã chụp đủ chưa thế?” Tôi mệt bơ phờ, nhấc chân không nổi, phải ngồi nghỉ trên ghế đá.
“Nốt một tấm cuối cùng thôi,” Thẩm Tâm Di cười cười, lôi tôi đến chỗ
con đường tình yêu trong trường, nói với cô bạn cùng phòng: “Chụp hộ bọn tôi một kiểu với nha, dù sao cũng là một đôi bạn tốt quen nhau qua sách.”
Cô ấy kéo kéo tay tôi, chụp nốt bức ảnh tốt nghiệp cuối cùng dưới bóng hoàng hôn.
Trong khoảnh khắc đó, trái tim tôi lại lần nữa loạn nhịp.
Đoạn ký ức đẹp đẽ nhất của hai chúng tôi dường như cũng đã ngừng lại tại giây phút ấy.
Ngày hôm sau, Thẩm Tâm Di ra sân bay, tôi cũng đi theo để tiễn.
Suốt cả chặng đường, hai đứa đều không nói gì. Tôi biết, quan hệ càng tốt, tới lúc chia tay càng có nhiều điều muốn nói thì lại càng khó mở lời, dù chỉ một câu.
Đến sân bay rồi, tôi chỉ dừng bên ngoài cửa: “Tới đây thôi nhé. Vào trong đó rồi, tôi sợ tôi không nỡ để cậu đi.”
“Nói vậy nghĩa là cậu đang luyến tiếc đó à?” Thẩm Tâm Di tinh nghịch nói.
“Tôi chỉ đơn giản là luyến tiếc một người bạn tri kỷ thôi mà.”
Thẩm Tâm Di cười, nụ cười tươi sáng đến lạ: “Nếu tôi không đi du học mà vẫn cứ ở trong nước, tôi nghĩ, chắc là tôi sẽ thích cậu.”
Tôi chợt ngẩn ra, muốn đáp lại rằng:
Nếu cậu không đi, chắc tôi cũng sẽ thích cậu.Nhưng những lời này lại kẹt cứng trong cổ họng của tôi, chẳng thể nào nhả ra được.
Tôi biết, mặc dù đã nhận được thư mời học từ trường đại học Nhật Bản, nhưng nếu hiện tại tôi nói ra những lời đó, cũng có khả năng cô ấy sẽ chọn ở lại. Tôi không dám, bởi vì hiện tại tôi vẫn chưa xác định được là mình thích Thẩm Tâm Di, hay là Thẩm Tâm Di giống với Dương Tiểu Nghiêu. Tôi sợ sẽ làm cô ấy lỡ dở. Cũng như lời Thẩm Tâm Di từng nói, tôi luôn băn khoăn quá nhiều.
Nhưng tôi cũng chẳng thể bởi vậy mà ích kỷ như thế được.
“Cảm ơn cậu,” tôi đáp.
Thẩm Tâm Di xoay người rời bước, bóng dáng cô ấy chầm chậm nhòe dần trong đôi mắt tôi.
Tôi quay đầu đi, dùng tay lau khô khóe mắt.
Lần tới, lần tới khi tôi đã góp đủ dũng khí rồi, nhất định tôi sẽ không im lặng nữa.
Bonus 1
THE ROAD NOT TAKEN
Two roads diverged in a yellow wood,
And sorry I could not travel both
And be one traveler, long I stood
And looked down one as far as I could
To where it bent in the undergrowth;Then took the other, as just as fair,
And having perhaps the better claim,
Because it was grassy and wanted wear;
Though as for that the passing there
Had worn them really about the same,And both that morning equally lay
In leaves no step had trodden black.
Oh, I kept the first for another day!
Yet knowing how way leads on to way,
I doubted if I should ever come back.I shall be telling this with a sigh
Somewhere ages and ages hence:
Two roads diverged in a wood, and I—
I took the one less traveled by,
And that has made all the difference.Robert Frost
CON ĐƯỜNG CHƯA ĐI
Trong một cánh rừng vàng có hai ngả đường riêng
Nhưng tiếc thay tôi không thể đi trên cùng hai lối
Người khách bộ hành là tôi đứng hồi lâu bối rối
Nhìn xuống con đường dài tít tắp đến nơi xa
Nơi đường uốn quanh giữa những rặng cây giàĐoạn đường kia cũng tít tắp trải dài
Và hứa hẹn đầy rẫy những chông gai
Bởi nơi đây có mọc dày và lối hoang sơ quá
Mặc dầu vậy cả hai ngả đường xa
Nhìn chẳng khác nhau trong mắt những người qua.Bình minh lên chiếu sáng hai ngả đường
Trên thảm lá chưa bước chân nào vương
Thôi! Dành lối đầu tiên một ngày kia sẽ bước
Tôi dấn bước trên con đường tôi chưa hề biết trước
Tự vấn lòng mình khi nào ta trở lại nơi đây?Một ngày kia tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện này
Một phút quyết định khiến cả cuộc đời tôi đổi thay
Hai ngả đường – hai lối rẽ khác nhau trong cánh rừng phía trước
Tôi đã chọn con đường ít ai bước
Kẻ ngao du khám phá sự khác thường!Mộc Trà dịch
Bản đọc thơ của Triệu Hựu Đình | Vietsub: Higemama
Bonus 2
Chuyện xưa của trái đất: Tam thể – Khu rừng đen tối – Tử thần vĩnh sinh