*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Hơn nửa giờ sau, tôi đã về tới khu nhà nhỏ của mình.
Bây giờ còn chưa đến năm giờ chiều, nhưng bóng tối mông lung đã phủ kín mọi nơi, đường chân trời dần dần chuyển thành màu đen mờ mịt. Mọi căn nhà trong tiểu khu đều đã sáng đèn, thậm chí tôi còn ngửi thấy được mùi tỏi phi thơm nức cùng tiếng xào rau xèo xèo trong căn bếp của vài gia đình có thói quen ăn tối sớm.
Lang thang ngoài đường cả ngày trời, tôi thực sự cũng hơi mỏi mệt, chỉ muốn về nhà nhanh nhanh rồi trèo lên sofa ngủ một giấc thật thoải mái, sau đó thì dậy ăn cơm.
Vào trong hành lang, tôi theo thói quen bấm thang máy, lên tầng, rút chìa khóa, mở cửa, vào phòng khách, lên sofa nằm. Một chuỗi hành động thuần thục như nước chảy mây trôi.
“Mẹ ơi, con về rồi ạ.” Sau khi đã yên vị ở trên sofa, tôi mới chậm rãi lên tiếng thông báo.
Mẹ tôi đi ra từ trong phòng bếp: “Nay đi chơi có vui không?”
Mẹ vừa nói vừa cười.
“Vui ạ, nhưng hơi mệt xíu. Tử Ninh đâu ạ? Sao con không nhìn thấy nhỉ?” Bình thường tầm giờ này, đáng nhẽ ra con bé phải đang nằm đây xem TV mới đúng.
“Vẫn chưa dậy, chiều nay ba giờ nó mới vào phòng đi ngủ.”
“Dạ.”
Hai mẹ con đang nói chuyện thì bố tôi cũng từ phòng trong đi ra: “Hôm nay con ra ngoài chơi với bạn học à?”
“Vâng ạ.” Tôi đáp.
“Bạn học thời nào thế?”
“Cấp ba ạ.”
“Chiều nay cũng có một bạn học cấp ba của con tới nhà mình đấy. Bố còn tưởng mấy đứa đã đi chơi với nhau rồi cơ.” Bố tôi nói.
“Làm gì có ạ? Con với các bạn đều đến chỗ công viên liệt sĩ chơi mà, có rủ ai về nhà đâu?”
“Đúng rồi, mẹ cũng đang định bảo con đấy,” mẹ vừa nói vừa đi sang chỗ tôi. “Khoảng tầm hai giờ chiều có một bạn gái đến gõ cửa nhà mình. Mẹ mở cửa thấy là một cô gái, còn tưởng Tử Ninh ở đây mới quen thêm ai, đang gọi con bé ra tiếp khách thì người ta lại bảo là tới tìm con.”
“Nhưng mà con thực sự không hẹn bạn nào mà,” tôi có hơi dở khóc dở cười. “Cô gái đó tên là gì ạ?”
“Hình như là Dương Dương gì đó…”
Trong một khắc, tôi bật dậy từ trên sofa, khuôn mặt bỗng chốc cứng đờ: “Có phải là Dương Tiểu Nghiêu không ạ?”
Tôi lo lắng hỏi, vừa có chút chờ mong, lại vừa sợ hãi câu trả lời của mẹ.
“Đúng đúng đúng, đúng là cái tên đó đó.” Mẹ tôi bừng tỉnh đại ngộ, nói.
Não bộ của tôi đóng băng vài giây, đáp án này khiến tôi hoảng loạn trong lòng. Dương Tiểu Nghiêu? Dương Tiểu Nghiêu tại sao lại đột nhiên xuất hiện trước cửa nhà tôi? Tại sao em lại đến tìm tôi? Tại sao em lại biết địa chỉ của tôi?
Tôi hít thở mấy cái thật sâu, cố gắng khiến cho mình bình tĩnh lại, thực sự bình tĩnh để có thể nghĩ kỹ về vấn đề này.
Có phải em biết được địa chỉ thông qua đơn hàng chuyển phát tôi đã gửi không? Có lẽ vậy, đây là cách giải thích hợp lý duy nhất. Nhưng lý do tại sao em lại đến đây thì tôi không biết, cũng không đoán nổi. Nếu là để làm hòa, nhắn tin trên QQ chẳng phải là được rồi sao, chẳng nhẽ lại còn sợ tôi sẽ chặn tài khoản của em? Hơn nữa, đã hơn ba năm qua rồi, có cần thiết phải cố gắng hòa giải nữa không? Dù sao thì trước đó chúng tôi cũng chỉ là bạn thường thường thôi mà?
Càng nghĩ, lòng tôi càng thấy rối bời.
Mấy năm qua, cái tên Dương Tiểu Nghiêu vẫn chỉ luôn quẩn quanh trong danh sách bạn tốt trên QQ của tôi. Hôm nay em đột ngột tới gần tôi như vậy, tôi thực sự khó bình thản được.
“Cô bé đó quan hệ thế nào với con vậy? Bạn gái hả?” Giọng điệu của bố khiến tôi không phân biệt nổi là đang trêu đùa hay đang trách móc.
“Không phải ạ.” Tôi lắc đầu.
Tôi đứng dậy, cầm điện thoại, mở cửa: “Con ra ngoài một lát.”
“Sắp ăn cơm đến nơi rồi, con còn đi đâu đó?” Mẹ hỏi tôi.
“Không có gì đâu ạ, mọi người cứ ăn trước đi, chốc nữa về con ăn sau.”
“Ầy…” Mẹ tôi hình như vẫn còn đang muốn nói thêm gì đó.
“Được rồi, để nó đi đi.” Bố tôi lắc đầu, trở về phòng mình.
Tôi nhìn theo bóng bố xoay người bước vào trong, đóng cửa nhà lại.
Không kịp chờ thang máy, tôi sải bước chạy thẳng xuống dưới theo đường thang bộ. Nhà tôi ở tầng bốn, cũng không phải quá cao, nhưng mà hiện giờ thang máy đang trên tầng chín, chưa chắc đã xuống được nhanh bằng tôi chạy.
Đầu tôi nóng lên. Dương Tiểu Nghiêu hai giờ chiều tới nơi này. Hiện tại đã qua ba tiếng, cho dù tôi có tức tốc đuổi theo thì liệu có thể đuổi được cái gì cơ chứ? Hơn nữa, tôi biết đi đâu tìm em bây giờ?
Sau khi xuống được tầng một, tôi vừa chạy vừa lấy điện thoại ra mở QQ, trực tiếp tiến tới không gian của em. Lần này không còn thời gian để băn khoăn nhiều nữa.
So với ngày hôm qua, không gian của Dương Tiểu Nghiêu đã có thêm ba bài đăng mới. Một cái là sáng nay khi em xuất phát, một cái nữa cũng là buổi sáng, em chụp ảnh tập thể với cả tá người khác. Cái cuối cùng mới up nửa giờ trước đây, là tấm ảnh chụp một chiếc vé tàu hỏa khứ hồi, thời gian bên trên là sáu giờ năm phút.
Hiện tại là năm giờ đúng, đến ga tàu ít nhất phải mất khoảng bốn mươi phút, nhưng có lẽ vẫn còn kịp.
Tôi cất điện thoại, ba chân bốn cẳng phóng đến bến tàu điện ngầm.
Khi đi đường tôi chẳng cảm nhận được bao nhiêu gió, nhưng khi chạy thì hàng đợt gió lạnh cứ tới tấp ập vào mặt tôi, khiến da mặt tôi rát buốt. Chạy được một đoạn, tôi đã bắt đầu thở dốc, cổ họng vì hít phải nhiều khí lạnh nên vừa khô vừa đau. Tôi cố gắng nín nhịn, dùng hết sức bình sinh mà cắm đầu cắm cổ chạy. Cứ nghĩ tới việc đây là cơ hội gần nhất để được gặp em sau ngần ấy năm, tôi lại thật sự không muốn bỏ cuộc.
Sau khi đã chạy đến hụt hơi, tôi chầm chậm giảm tốc độ, tiến vào bến tàu điện ngầm. Phải qua mười mấy bến nữa mới tới nhà ga. Giờ này vừa đúng giờ cao điểm, trên tàu vô cùng đông đúc. Tôi miễn cưỡng lách người vào trong, sau đó hổn hển nép mình một góc, từ từ ổn định hơi thở.
Nửa tiếng giày vò trên tàu điện ngầm khiến tôi sốt ruột muốn chết. Tôi sợ không đuổi kịp chuyến tàu của Dương Tiểu Nghiêu, thậm chí còn hận tàu điện ngầm sao lại nhất định phải dừng giữa chừng, sao lại không thể mang tôi chạy thẳng tới ga tàu hỏa.
Lúc đến được ga tàu đã là năm giờ bốn mươi. Cũng may là cái bến này cách cổng ga không xa lắm. Tôi chạy một mạch từ bến tàu điện ngầm tới ga tàu hỏa, định vào thẳng sảnh chờ, nhưng không may là đã có một hàng dài mười mấy người xếp ngay trước cửa kiểm tra an ninh.
Phải mất hơn năm phút tôi mới qua được cửa này. Tôi xông thẳng vào trong nhà ga, nhanh chóng lướt mắt lên bảng tin điện tử hòng tìm kiếm thông tin chuyến tàu của em. Vừa trông thấy mấy chữ liên quan, tôi đã phóng vội đi luôn, chả kịp đọc thêm kỹ càng gì nữa.
Mong muốn đuổi kịp Dương Tiểu Nghiêu, mong muốn được nhìn thấy em, mong muốn đứng trước mặt em tràn ngập đầu tôi.
Ở sảnh 2, tôi xuyên qua đám đông chạy thẳng vào trong, đôi mắt tham lam lướt qua khắp sảnh như con hổ đói đang kiếm tìm mồi. Một đoàn người đang xếp hàng kiểm vé, hơn nửa số hành khách đã qua cửa thành công. Trái tim tôi đột nhiên căng thẳng.
Tôi ngẩng đầu nhìn màn hình nhỏ đằng trước hàng người đó, không phải là chuyến của em. Chuyến tàu của Dương Tiểu Nghiêu hình như bên phải đằng xa phía đó, trên màn hình hiển thị hai chữ đỏ tươi:
Đến muộn.
Tôi thở phào nhẹ nhõm một hơi, chưa bao giờ cảm thấy may mắn vì có tàu xe trễ giờ như là lần này.
Bây giờ là năm giờ năm mươi bảy phút.
Tôi bắt đầu thong thả bước vào bên trong sảnh chờ, vẫn luôn đưa mắt nhìn khắp xung quanh, hi vọng có thể trông thấy một dáng hình đã hơn ba năm chưa thấy, một dáng hình quen thuộc đến chẳng thể quen thuộc hơn.
Tới gần đến cửa soát vé của chuyến tàu Dương Tiểu Nghiêu đi, tôi cẩn thận nhìn quanh đó xem có thấy em đâu không. Sau khi bước thêm vài bước, ánh mắt của tôi liền bị thu hút bởi một góc mặt nhìn nghiêng. Đó chính là góc nghiêng tôi đã từng nhìn không biết bao lần mỗi lúc quay đầu, khi hai đứa tôi còn ngồi cùng bàn chung lớp.
Giây phút ấy, tôi đã thở dài trong thanh thản. Mọi sức lực của tôi đều đã cạn kiệt cả rồi. Hiện giờ, tôi chỉ muốn cứ nhìn em như thế mà ngồi xuống đất, sau đó cẩn thận quan sát từng đường nét nhỏ trên khuôn mặt kia, cẩn trọng cảm nhận bóng hình của em. Cuối cùng, mọi nỗ lực của tôi đã không uổng phí.
Dương Tiểu Nghiêu đang đeo một chiếc ba lô nhỏ bằng da màu đen sau lưng, trên tay còn cầm theo một chiếc mũ len màu hồng phấn. Em ngồi trên ghế chờ, ngoảnh đầu sang một bên, dường như ánh mắt đang bị hấp dẫn bởi thứ gì đó ở đằng bên ấy.
Chỗ em ngồi cách tôi chưa đầy hai mươi bước. Tôi nhấc chân, chầm chậm tiến về phía em.
Một bước, hai bước, ba bước…
Đột nhiên, Dương Tiểu Nghiêu quay đầu nhìn về bên này. Tôi lập tức xoay người sang hướng khác theo phản xạ, còn chột dạ kéo thấp mũ xuống.
Lăng Tử Dương, cái đồ đần độn này. Mày đang sợ cái gì hả? Nếu cứ như vậy, chẳng phải vẫn sẽ không nói nổi lời tạm biệt như lần trước chia tay sao? Tôi âm thầm mắng nhiếc chính mình.
Có lẽ cũng tại thời khắc chờ mong đã lâu chuẩn bị trở thành hiện thực nên tôi có chút hồi hộp trong lòng. Tôi hít sâu một hơi. Lần này nhất định phải nói thành lời. Không thể để bản thân mình cứ nuối tiếc mãi mãi như vậy được.
Tôi thu hết can đảm, bỏ mũ ra, quay đầu nhìn dương Tiểu Nghiêu.
Tôi ngơ ngẩn.
Trước mặt Dương Tiểu Nghiêu là một người con trai. Cậu ta đang đưa cốc mỳ đã chế nước sôi cho em, lại còn mỉm cười vô cùng ngọt ngào. Dương Tiểu Nghiêu giơ cả hai tay ra đón lấy, dùng cốc mỳ đó để ủ ấm tay mình, còn thì thầm thêm vài câu với chàng trai nọ.
Khoảnh khắc đó, ngay giữa sảnh chờ ồn ào, lòng tôi trở nên tĩnh lặng. Tôi không thể nghe được bất cứ âm thanh nào khác xung quanh. Trong mắt tôi hiện tại, chỉ có Dương Tiểu Nghiêu, và người con trai cùng em đứng đó.
Tôi thừa nhận, tôi tan vỡ.
Tôi lẳng lặng đội mũ lên đầu lần nữa, quay người rời bước khỏi em. Tôi không có dũng khí đến đó quấy rầy hai người bọn họ. Dù chỉ với tư cách bạn bè, tôi cũng không làm nổi.
Tất cả tâm tình của Lam Thiên chiều nay hiện giờ lại một lần nữa tái hiện trong tôi. Lúc ấy tôi vẫn còn muốn an ủi cậu ta, thế mà bây giờ lại chẳng thể nào an ủi chính mình. Cái gì mà dũng cảm, cái gì mà không buông tay, giờ phút này đều đã tan thành bọt nước. Trước nỗi đau của người khác, tôi chỉ toàn múa mép khua môi. Đến khi tới lượt mình, tôi mới thực sự nhận ra bất cứ lời nào cũng là vô nghĩa.
Có thể lúc này tôi chẳng thể đau khổ như lúc biết em thương thầm người khác hồi năm cấp ba, nhưng cố chấp theo đuổi suốt ngần ấy năm mà vẫn mãi chẳng được gì, cảm giác mất mát trong lòng tôi vẫn cứ vẹn nguyên như thế, chẳng hề vơi nhẹ đi theo thời gian.
Có lẽ là, duyên phận của hai chúng tôi cũng chỉ đến thế mà thôi.
Bao nhiêu năm đã qua, khoảng cách gần nhất giữa tôi và em đã định là mười bảy bước.
Tôi ra khỏi ga tàu, một mình lặng lẽ trở về.
…
Bữa cơm tối nay, tôi chỉ ăn được có chưa đầy một bát cơm.
Mẹ lo lắng nhìn tôi: “Con cảm thấy không khỏe à?”
Tôi lắc đầu, cũng ngại không muốn giải thích những chuyện đã xảy ra chiều nay.
Thế nhưng hình như con bé Tử Ninh lại chẳng hiểu được cái gì nên nói cái gì nên thôi, cứ không ngừng tra hỏi tôi về Dương Tiểu Nghiêu ngay trên bàn cơm. Thấy tôi im lặng không nói lời nào, nó lại bắt đầu suy đoán lung tung về mối quan hệ của hai đứa tôi, lại còn tự biên tự diễn ra một câu chuyện tình lâm li bi đát, chắc là do dạo này xem phim truyền hình nhiều quá nên mới bị nhiễm vào đầu.
Nhưng dù vậy, tôi cũng chẳng thể phủ nhận được gì. Nếu tôi phản bác, chẳng phải đã trúng kế của con bé rồi sao? Thế là tôi càng không giải thích rõ ràng, câu chuyện lại càng kéo dài mãi mãi.
Sau khi ăn xong, tôi mang bát đũa của mình vào trong phòng bếp, mặc kệ Tử Ninh huyên thuyên không ngừng ngay sau lưng tôi.
Có lẽ cũng tại hôm nay đi nhiều tốn sức, vừa ăn tối xong tôi đã bắt đầu buồn ngủ mơ màng. Sau khi quay trở về phòng, tôi leo luôn lên giường mình.
Tại sao Dương Tiểu Nghiêu lại đến tìm tôi? Riêng chuyện này, tôi vẫn không hiểu nổi. Tôi lấy điện thoại, mở danh sách bạn tốt, nhìn chằm chằm vào nick name
Kết Thúc Của Hoa Anh Đào của em, do dự suốt một hồi lâu. Lúc này hỏi trực tiếp em thì có đường đột quá không? Nếu hỏi thì nên mở lời thế nào bây giờ? Tôi cũng đâu thể cứ thế mà nhắn một câu:
Ê, lâu rồi không gặp nhỉ. Còn nữa, sau khi trông thấy cảnh tượng chiều nay, tôi lại càng chẳng xác định được chuyện Dương Tiểu Nghiêu tới đây rốt cuộc là tốt hay xấu. Biết đâu em cho rằng tôi quái dị, đến tận bây giờ mà vẫn còn đang mơ tưởng hão huyền với em. Tình cảm này, đến chính tôi còn thấy ngượng trong lòng. Còn nếu em đến tặng quà đáp lễ, vì chưa gặp tôi nên vẫn chưa đưa được, có phải tôi nên nhân đà này mà tiến tới hỏi han luôn không?
Đầu ngón tay của tôi khựng lại giữa không trung, không dám bấm vào khung chat với
Kết Thúc Của Hoa Anh Đào hiển hiện ngay trên màn hình.
Thật là một cái tên hay. “
Kết Thúc Của Hoa Anh Đào”, có lẽ cũng không hẳn là một kết thúc tồi tệ lắm, có phải không? Nhưng điều đầu tiên tôi nghĩ tới lại là kết thúc của Takaki Toono và Akari Shinohara trong “5 centimet trên giây”, họ đã không thể cùng ngắm hoa anh đào rơi như lời hẹn ước.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên Dương Tiểu Nghiêu kể với tôi về bài hát yêu thích của em, bài hát “Hoa anh đào”.
Tôi tắt QQ, mở ứng dụng đọc báo ra, hi vọng sẽ có một tin tức nóng hổi nào đó thu hút được sự chú ý của mình, để không phải cứ nằm đây nghĩ ngợi vẩn vơ thêm nữa.
Ngón tay cái của tôi không ngừng lướt trên màn hình điện thoại, nhưng dường như lại chẳng có thông tin nào dẫn dụ được tôi.
Lúc này, Tử Ninh đẩy cửa bước vào.
“Anh, có chuyện gì thì đừng có giấu em được không? Dạo này em chán chết đi được ấy, anh kể chuyện anh cho em nghe đi.”
Con bé vừa nói vừa ngồi xuống mép giường, nhìn tôi với ánh mắt khẩn cầu tha thiết.
“Vẫn còn chưa bỏ cuộc à? Thực sự chẳng có gì đáng kể cả, chỉ là bạn bè bình thường thôi.” Tôi thở dài.
“Bạn bè bình thường mà trông anh lại thẫn thờ như vậy à?” Tử Ninh hoài nghi hỏi. “Em nghe mẹ nói anh còn đuổi theo. Sao, bị đá rồi hở?”
“Nếu em thích nghĩ thế thì cứ cho là thế đi.” Tôi xoay người, quay mặt vào tường.
“Anh đúng là chả thú vị chút nào hết.”
“Những gì cần nói anh nói cả rồi, thực sự chỉ là bạn bè bình thường mà thôi.”
“Nhưng mà…”
Tử Nịnh vừa mới chuẩn bị phát động đợt tấn công tiếp theo, mẹ tôi đã gõ cửa phòng.
“Vừa mới ăn no xong đừng có lên giường nằm ngay. Nếu rảnh thì dọn rác dưới giường con đi.” Mẹ dùng giọng điệu trách móc để nhắc nhở tôi.
“Nhưng mà hôm nay con mệt quá rồi.” Tôi bi thảm nói.
“Dưới gầm giường con toàn một đống sách tạp nham. Năm nào về nhà mẹ cũng bảo con dọn, thế mà qua bao nhiêu lâu con vẫn chẳng động đậy gì. Lần này không sắp xếp cho gọn gàng lại, lần sau mẹ quăng đi luôn đấy.” Bà không hề bày tỏ chút cảm thông nào với đứa con trai này.
Tôi ném điện thoại lên giường, lười nhác đứng dậy: “Vâng, con dọn là được chứ gì.”
Mẹ tôi lắc đầu, sau đó quay gót ra ngoài.
Tôi thở dài: “Vậy đấy. Em không đi, hay là ở đây giúp anh dọn đồ luôn đi?”
Tử Ninh líu lưỡi, đứng dậy nói: “Thôi khỏi, mệt lắm. Dù sao ở lại thì anh cũng chả kể gì.”
Mãi mới đuổi được con bé ra ngoài, có khi tôi còn phải cảm ơn mẹ mình ấy chứ. Mặc dù bây giờ chẳng muốn nhúc nhích tí nào, tôi vẫn phải miễn cưỡng kéo hai thùng giấy đựng đầy sách cũ từ dưới gầm giường ra ngoài.
Bên trên cả hai chiếc thùng phủ đầy bụi bặm. Tôi không muốn trực tiếp phủi bụi đi, chỉ sợ mình chết sặc. Thế là tôi đành phải đi tìm một tấm giẻ lau ướt nhẹp, vắt cho khô bớt nước rồi lau bên ngoài thùng.
Đây đều là những quyển sách hóa học và sinh học chọn lọc, hồi cấp ba tôi suốt ngày mang
lên trường học đọc tới đọc lui. Hiện giờ chắc cũng quên quá nửa rồi, may ra có thể nhớ được đại khái chút nội dung chính trong từng quyển sách. Đống tri thức năm đó thầy cô dốc lòng dậy dỗ, kết quả vẫn chẳng theo tôi được mấy năm trên bước đường đời.
Tôi gỡ bỏ vài quyển sách bên trên, trông thấy phía dưới đều là sách giáo khoa và sách tham khảo xếp gọn thành từng chồng một. Nhìn thấy “5 năm đại học, 3 năm bắt chước”, tôi lại nhớ tới dáng vẻ chiến đấu hăng say của mình những năm tháng ấy. Tôi vẫn còn nhớ bắt đầu chương trình ôn tập, tôi thích học vật lý đến mức luộc hết cả quyển “5 3” trong vòng chỉ hơn một tháng. Nếu bây giờ vẫn còn có được một nửa khả năng nỗ lực hồi đó, có lẽ bất kể chuyện to nhỏ gì tôi cũng có thể thành công.
Tôi tiếp tục hì hụi lật tung cả thùng sách lên, tất cả đều là sách giáo khoa và những tuyển tập đề thi dành cho học sinh cấp ba. Sau khi xếp gọn sách, tôi lại đặt chúng vào thùng. Tuy rằng đó đều là hồi ức một thời học trò của tôi, nhưng chung quy cũng chỉ là chuyện đã qua. Những thứ thuộc về quá khứ, hãy cứ để chúng nằm lại quá khứ. Tôi đẩy cái thùng ra ngoài, định bụng lát nữa xuống tầng sẽ mang theo vứt đi luôn.
Chiếc thùng còn lại có vẻ lộn xộn hơn nhiều, ngoài sách ra thì còn cả vô số loại giấy khác nhau. Tôi lấy đống đồ trong thùng ra xem, thấy có tạp chí, có tiểu thuyết, còn có cả những bản thảo chính mình sáng tác. Trên mớ giấy lộn vô giá trị đó, trang nào cũng có một hai chỗ trọng điểm tôi khoanh vùng lại. Đấy là những câu chữ bất chợt nảy ra khỏi đầu trong giờ tự học, tôi sợ mình sẽ quên mất nên vội vàng chép vào giấy nháp, sau đó lại giữ lại tất cả chỗ giấy nháp này. Đằng sau mỗi tờ nháp ấy, chắc chắn là xiết bao kích động cùng mừng vui mà những cảm hứng sáng tạo của mình mang tới. Thế nhưng hiện tại đọc lại, tôi lại chẳng cảm giác gì, thậm chí có mấy từ ngữ tôi còn chẳng hiểu nghĩa là gì nữa. Một điều đáng tiếc khác chính là, những tác phẩm tôi viết ra từ nguồn cảm hứng dạt dào trên mỗi tờ giấy này, không có cái nào lọt được vào mắt xanh của biên tập viên tạp chí.
Tôi dốc ngược cái thùng, trực tiếp đổ hết tất cả đồ đạc bên trong lên trên mặt đất, sau đó rút ra từng tờ giấy một. Đống giấy này quá nhiều, có giữ lại cũng chẳng được gì, chỉ tổ khiến cho mình thêm vướng bận, vẫn là vứt đi thì hơn. Thế nhưng mỗi một lần rút giấy ra, tôi đều cẩn thận đọc lại, lần lượt rà soát những câu chữ gợi cảm hứng giữa cả một rừng công thức linh tinh bên trên mặt giấy. Cứ coi như đây là một nghi thức tôi dành để nói lời tạm biệt với chúng nó đi.
Sau khi đã thu thập xong giấy nháp, tôi gấp chúng lại, nhét vào khoảng trống bên trong thùng sách giáo khoa cạnh đó.
Tạp chí chỉ có mấy quyển, hầu hết đều là “Mầm cây”. Tôi giở tới phía cuối, tất cả đều có một trang đã xé. Đó chính là mẫu đăng ký tham gia cuộc thi sáng tác “Ý tưởng mới”. Tôi vẫn nhớ hồi đó mình mua “Mầm cây” chỉ để tham gia “Ý tưởng mới”, tiện thể bắt chước văn phong của những bài đăng trong đấy. Chỉ tiếc là những bài dự thi tôi gửi đi đều như đá ném xuống biển, lặn tăm không dấu tích. Có lẽ cũng tại tôi quá thực dụng và hám lợi, đến ông trời nhìn cũng thấy ngứa mắt. Thậm chí còn có một khoảng thời gian, tôi cố gắng uốn mình viết cho thật giống phong cách sáng tác trong “Mầm cây”, bắt chước nhiều tới mức tự mình cảm thấy thất vọng về mình, cuối cùng cũng đành từ bỏ.
Sau khi đặt gọn mấy quyển tạp chí sang bên, tôi bắt đầu lần đến gần chục cuốn tiểu thuyết bên trong thùng giấy. Đó đều là những quyển sách tôi đọc trộm mỗi khi chán nghe thầy giáo giảng bài những năm cấp ba. Bây giờ nghĩ lại, cái thời không thể nghịch điện thoại đó, tiểu thuyết và tạp chí đúng là suối nguồn hạnh phúc lớn nhất của tôi. Có đôi khi đọc hăng say quá, tôi còn thức trắng cả đêm. Chuyện này hiện giờ hiển nhiên không thể. Phần lớn sinh viên sau khi lên đại học đều nghĩ rằng, đã có di động chơi rồi, còn cần đọc sách làm gì cơ chứ? Trước kia đọc sách chỉ để đỡ chán, hiện tại đọc sách chính là nhàm chán. Ngay cả một người ham thích đọc sách như tôi cũng chẳng còn cảm giác đam mê cùng mong mỏi như thời đó nữa.
Những quyển sách này không vứt cũng được. Mặc dù tôi đã đọc hết cả rồi, nhưng vẫn còn có thể gác lên trang trí.
Phần còn lại trong thùng chính là bản thảo, hoặc là bản thảo đã được đóng dấu của tôi. Đó đều là những tác phẩm đã thành hình, hiện giờ tôi vẫn còn khá nhiều ấn tượng. Năm đầu cấp ba, vẫn chưa có máy tính riêng để gõ chữ, tất cả bản thảo tôi đều viết tay. Sang năm thứ hai, tôi đã viết được đến vài quyển sách.
Tôi xem lại qua những gì mình viết, giọng văn nói chung khá là ấu trĩ. Cũng vì lúc đó trình độ sáng tác chưa đủ, tất cả bản thảo tôi đã gửi đi đều bị trả về. Những sản phẩm này đều đã thất bại, nhưng dù sao đi chăng nữa chúng cũng vẫn là những cột mốc lớn trong quá trình trưởng thành của bản thân tôi. Nhìn lại thành phẩm của mình trong quá khứ, tuy rằng không thể biết sẽ kết thúc ở đâu, nhưng tôi vẫn cảm nhận được thực sự mình đã tiến bộ rất nhiều.
Tôi vẫn còn nhớ học kỳ hai năm hai, tôi đã viết một câu chuyện liên quan tới Dương Tiểu Nghiêu. Đương nhiên, cốt truyện hoàn toàn là tôi tưởng tượng, chẳng có chút gì giống thực tế cả. Tôi nhớ rõ, bản thảo đó có tên “Nhà ga phương nam”. Tôi loay hoay lục lọi một hồi, cuối cùng cũng tìm được nó.
Câu chuyện rất ngắn, chỉ mới năm phút tôi đã đọc xong, sau đó bất giác bật cười.
Tệ. Thực sự rất tệ. Chẳng trách biên tập viên đọc thấy khó chịu, thậm chí chả buồn hồi âm.
Sau đó, tôi lại mở ra một bản thảo khác. Truyện ngắn tôi thấy mình viết khá nhất có tên là “Sách của Cát”. Đây cũng là bản thảo duy nhất chỉ bị từ chối bởi vì
nội dung quá ngắn. Năm hai cấp ba, tôi sáng tác câu chuyện này, đã hao tốn không biết bao nhiêu sự trưởng thành của bản thân mình.
Tôi sắp xếp lại chồng bản thảo, đặt sang một bên cùng với đống sách mình không định vứt.
Tôi ngồi trên sàn, đưa mắt nhìn quanh thành quả của mình. Cũng không tệ lắm. Đặc biệt là đọc lại những gì mình viết, xem lại thành quả nỗ lực của mình trong suốt ba năm cấp ba, tôi cũng có chút vui vẻ trong lòng.
Nhìn lại hành trình viết lách của bản thân tôi, tôi mới phát hiện con đường này sáng tác này, hay nói đúng hơn là con đường mộng tưởng này, thực sự vô cùng gian khổ.
Tuy rằng mong mỏi sáng tác trong tôi nảy mầm rất sớm, từ năm lớp năm đã bắt đầu độc lập viết bài, tôi cũng chẳng thể trở thành thần đồng văn học như Tưởng Phương Chu. Thiên phú của tôi có hạn, có viết nhiều hơn cũng chẳng có ai để ý. Tôi vẫn nhớ hồi tiểu học, sau mỗi lần tan lớp là tôi lại cắm đầu vào viết truyện, từng chữ từng chữ một. Nếu tôi không nhớ nhầm, khi đó đứa nhóc này đã phải viết đến mười mấy câu chuyện đủ loại sắc thái khác nhau. Chỉ tiếc nhiều năm đã qua, nội dung của chúng thế nào, tôi cũng chẳng còn rõ nữa.
Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là khi tốt nghiệp tiểu học, tôi mang quyển vở tràn ngập thành quả sáng tạo của mình cho bố mẹ xem. Mặc dù mẹ tôi không nói gì, nhưng có vẻ bà cũng chẳng mấy mặn mà với chuyện văn vẻ của tôi. Bố tôi thậm chí còn thẳng thắn hơn, nói nghề cầm bút hiếm có tiền đồ, rất nhiều người viết cả đời cũng chẳng cho ra thứ gì nên hồn. Đây cũng là lý do duy nhất ngăn tôi trải lòng với họ về nghiệp viết lách của bản thân mình. Thế nhưng hiện tại, lời bố nói cũng đã phần nào ứng nghiệm. Gần mười năm sáng tác, đừng nói đến chuyện vẫn là tên quèn vô danh tiểu tốt, thậm chí tới một tác phẩm được nhận tôi cũng chưa từng có.
Điều kỳ lạ nhất chính là, sau khi đã bị bố mẹ đả kích như vậy, tâm hồn non nớt của tôi lại chẳng hề bận tâm, thậm chí còn kiên trì viết tiếp tới tận bây giờ. Tôi không kiềm được, lại bật cười tự giễu.
Năm năm trước, tôi bắt đầu nhận được lá thư từ chối bản thảo đầu tiên.
Tình tiết đơn giản, nội dung quá ngắn, không phù hợp với những yêu cầu cần có của một bản thảo.Văn phong nhạt nhòa, cốt truyện không ấn tượng, trả bản thảo.Tình tiết rời rạc, giọng văn lê thê, trả bản thảo.Nhịp kể chậm, cốt truyện non yếu, không đạt tiêu chuẩn bản thảo.Cốt truyện ổn, nhưng ngôn từ còn rườm rà lộn xộn, chưa được trau chuốt. Trả bản thảo.Tình tiết khá, nhưng tình cảm xử lý thiếu tự nhiên. Rất tiếc, chưa chấp nhận được.…
…
…
Ba mươi mốt bức thư từ chối hao hao nhau sờ sờ ngay trước mắt tôi. Đặc biệt là email tôi mới nhận được đúng hai ngày trước, chỉ có vẻn vẹn ba chữ:
Trả bản thảo. Không biết có phải các biên tập viên của tạp chí đó đã có ấn tượng với cái tên này của tôi, thậm chí còn có chút thất vọng với các tác phẩm tôi gửi hay không. Tôi cười khổ một tiếng, bất đắc dĩ lắc đầu.
Sau ngần đấy năm lê bước trên con đường mơ mộng này, tôi bắt đầu hoang mang, không biết mình nên bước tiếp làm sao được nữa. Sự thất bại này khiến tôi nhớ tới một bộ anime mới xem cách đây hai ngày: Nam chính cũng là một người thích viết lách, mơ ước trở thành nhà văn, nhưng tất cả các tác phẩm cậu ta từng viết từ năm cấp hai trở đi đều chẳng có ai để mắt, tham gia rất nhiều cuộc thi sáng tác nhưng chẳng có kết quả gì. Những trải nghiệm tương tự trong cuộc sống khiến tôi cảm thấy đồng cảm với con người này, nhưng mà nói trắng ra, chẳng qua cũng là đồng cảm với chính mình thôi. Điều làm người ta càng thêm khó chịu chính là, những thứ khiến chúng ta ngưỡng mộ hay ghen ghét lại thường xảy ra ngay cạnh chúng ta. Cô em gái chẳng mấy khi cầm bút bao giờ của nam chính trong một lần trời xui đất khiến gửi bài dự thi lại đạt giải thưởng cho cây bút mới. Nam chính miễn cưỡng nở một nụ cười chúc mừng em mình, sau đó quay về phòng, khóc.
Đúng vậy, trời cao nhiều khi lại thiếu công bằng thế đấy. Cái cảm giác nỗ lực không ngừng nhưng vẫn chẳng đạt được những gì người khác chạm tay là tới quả thực uất ức vô cùng. Nhưng mà lúc này, tôi lại không thể không thừa nhận có một số người thực sự có được tài năng thiên bẩm ở trong một số lĩnh vực khác nhau. Rất khó có thể vượt qua cái bóng của họ. Sự khác biệt giữa những kẻ chăm chỉ và những thiên tài thật sự, đôi khi không thể điều hòa.
Sau khi khóc lóc thảm thương một hồi, nam chính đi tìm thầy giáo của mình, cũng chính là người duy nhất cậu ta có thể giao lưu sáng tác. Người thầy kia biết chuyện học trò thích viết, cũng đã từng giúp cậu ta đánh giá tác phẩm nhiều lần. Nam chính vừa khóc vừa kể trải nghiệm của mình, nói muốn từ bỏ. Thầy giáo nghe xong thì vẫn vô cùng bình thản, chỉ hỏi một câu:
Em rốt ruộc là muốn sáng tác vì bản thân mình, hay là vì muốn trở thành một nhà văn được người người ca ngợi?Những lời này khiến nam chính giật mình, cũng khiến cho tôi bàng hoàng kinh ngạc.
Câu hỏi này cũng giống một cuộc tra khảo cho linh hồn tôi. Tôi tự hỏi bản thân, tôi chuyên tâm viết nhiều năm như vậy, đến tột cùng là bởi vì yêu thích sáng tác, hay vẫn chỉ vì ánh hào quang của một nhà văn? Hai chữ
nhà văn này luôn luôn gợi lên trong tôi khoái cảm của tiền tài và danh dự. Tôi không dám nói tôi chỉ đơn thuần là thích viết lách. Giống như đa phần ước mơ của tất cả mọi người, họ vẫn nói họ muốn trở thành nhạc sĩ, thành nhà khoa học, thành phi hành gia vân vân… Bên cạnh chức nghiệp, có phải bọn họ cũng thường tưởng tượng đến danh tiếng và những lời ngợi khen, đến sự ngưỡng mộ của những người xung quanh sau khi chạm tới ước mơ của mình? Vậy thì, tôi, và bọn họ, cuối cùng là vì cái gì mà vẫn cứ tiếp tục nỗ lực cất bước trên con đường dài nhân danh ước vọng? Nếu là vì danh vọng hay tiền bạc, chúng tôi chẳng qua cũng chỉ là một đám hám danh hám lợi ngụy trang bản thân trong cái vỏ bọc theo đuổi mơ ước mà thôi.
Tôi đang tự hỏi, cuối cùng là tôi phấn đấu cho việc sáng tác, hay vẫn là cho cái mác nhà văn? Tôi tự hỏi, không biết trước kia khi chưa muốn giành giật cái danh hiệu
nhà văn đó, ước nguyện ban đầu của tôi là gì? Tôi càng nghĩ càng mơ mơ hồ hồ. Có lẽ đây mới chính là nguyên do tôi cảm thấy mơ hồ.
Bonus 1
5 centimet trên giây
Bài hát Hoa anh đào
(OST “5 centimet trên giây”| Trình bày: Ikimono-gakari | Vietsub: Anime Akihabara)
Bonus 2
5 năm đại học, 3 năm bắt chước
Mầm cây