Sư phụ, con bỏ mặc ông nội không quan tâm như vậy có đúng không?
Dương Tử Mi hỏi Ngọc Thanh đầy bất an:
- Con như vậy có phải là bất hiếu không?
- Nữu Nữu, để sư phụ kể cho con nghe câu chuyện “Làm ơn mắc oán”.
Ngọc Thanh buông một tiếng thở dài.
- Vâng, sư phụ, thầy nói đi ạ.
- Ngày xưa, có hai gia đình là hàng xóm của nhau, quan hệ bình thường khá tốt. Trong đó có một hộ vì biết làm ăn nên khá giả hơn hộ kia.
Hai hộ gia đình này không hề có bất cứ mối oán hận gì, tuy nhiên, ông trời năm đó nổi giận, giáng xuống tai họa, khiến đồng ruộng hoa màu thất thu. Hộ nghèo hơn không thu hoạch được gì, chỉ biết nằm đó chờ chết. Lúc này, hộ khá giả hơn mua được rất nhiều lương thực, liền nghĩ ngay đến người hàng xóm, bèn đưa gạo qua, cứu giúp lúc nguy cấp.
Hộ nghèo hơn cực kỳ cảm kích, cho rằng đây chính là ơn cứu mạng, giúp họ vượt qua thời khắc khó khăn nhất, họ liền đi cảm tạ người hàng xóm. Trong lúc nói chuyện, hộ nghèo nói vẫn chưa gieo hạt giống của mùa sau, hộ giàu hơn liền khẳng khái nói:
- Hay là thế này, chỗ tôi lương thực vẫn còn nhiều, anh lấy một đấu mang về đi.
Hộ nghèo ngàn lời cảm tạ người hàng xóm và mang gạo về.
Về đến nhà, anh em trong nhà nói một đấu gạo này thì làm được cái gì, ngoài để ăn ra, căn bản không đủ để gieo giống cho sang năm, cái tên giàu có này cũng thật quá thể đáng, đúng lý có nhiều tiền như vậy thì nên cho chúng ta ít lương thực với ít tiền, chứ cho có xíu lương thực thế này, đúng thật là đồ xấu xa.
Câu chuyện truyền đến tai hộ nhà giàu, họ vô cùng tức giận, trong lòng nghĩ mình rõ ràng đã cho nhiều lương thực đến vậy, không cảm thấy biết ơn còn coi mình như kẻ thù, đúng không phải là người. Do đó, quan hệ hai gia đình vốn dĩ tốt đẹp giờ trở thành có chết cũng không chịu qua lại.
Ngọc Thanh kể xong câu chuyện, nhìn Dương Tử Mi và hỏi:
- Nữu Nữu, con đã hiểu câu chuyện chưa?
Dương Tử Mi gật gật đầu.
Ý nghĩa của câu chuyện là ở chỗ: nếu trong hoàn cảnh hoạn nạn, bạn giúp đỡ người khác một chút ít thì họ sẽ cảm kích bạn.
Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm như vậy thì đột nhiên một ngày mà bạn không giúp họ nữa, họ sẽ quay sang hận bạn, hơn nữa sẽ hận bạn cả một đời!
Cũng giống như người được nhận sự cứu tế, nhận quen rồi thì sau này luôn nghĩ vì được người khác cứu trợ là lẽ đương nhiên, họ sẽ không bao giờ suy nghĩ đến việc tự mình sẽ làm cái gì, tự mình sẽ phải lao động để có cái ăn.
Nếu sau này bạn phát hiện ra họ đã khôi phục khả năng lao động, không cứu tế họ nữa thì họ sẽ quay sang
thù hận bạn.
Nguyên nhân là do: đối phương đã mặc định lòng tốt luôn giúp đỡ của bạn là một lẽ đương nhiên. Đó chính là “làm ơn mắc oán”.
Chỉ ra rằng, việc bạn giúp đỡ người khác sẽ hình thành cho họ tính ỷ lại, từ cảm kích trở thành điều đương nhiên, cuối cùng trở thành thù hận.
Đây cũng chính là thái độ của ông nội. Nhớ lần đầu tiên cô đưa ông 300 tệ làm tiền tiêu vặt, ông rất vui mừng, nói cô hiểu chuyện lại còn hiếu thảo.
Giờ đây, một tháng đưa 2000 tệ, ông cũng thấy không đủ, vẫn còn đòi làm thẻ tín dụng rút tiền vô hạn. Nếu không đưa thì ông cho rằng cô đang ngược đãi ông, rồi xem cô như kẻ thù mà chửi rủa.
Bời vậy mà lần này, cô cần phải thật kiên quyết, mạnh mẽ cho đến khi ông nội tỉnh ngộ mới thôi.
Dương Bách tính tình ương ngạnh, nhưng chỉ có 1000 tệ, tiêu hết trong vòng một tuần nên chịu không nổi.
Ngày ngày đến quán ăn cơm, ngoài việc tiêu tiền nhiều thì đồ ăn không ngon, không bằng vợ và con dâu ở nhà nấu hợp ý mình. Ông còn phải tự giặt quần áo, tự dọn dẹp nhà cửa, nhưng vấn đề then chốt là, ngày nào cũng bị người trong thôn giễu cợt, khiến một người ưa thể diện như ông, lòng tự tôn gặp phải sự đả kích. Và cũng từ đó, ông bắt đầu nghĩ về lòng tốt của Dương Tử Mi.
Cả một gia đình có thể sống tốt đều là nhờ cô cháu gái. Ông vào tới trong thành, không bị đám lão già có quyền có lực khinh bỉ mà còn được lôi kéo cũng chính là nhờ cô.
Vậy mà chỉ vì cô là con gái, ông chưa bao giờ đối tốt với cô, chỉ biết đưa ra yêu câu đối với cô.
Hơn nữa, con trai cũng nói với ông, Nữu Nữu giúp người ta xem bói kiếm tiền, đó là hành động làm trái ý trời, khả năng lớn sẽ bị trời phạt. Tiền mà cô kiếm được không hề dễ dàng, cô phải mang cả mạng sống ra cá cược mới có được.
Thế mà ông còn nguyên rủa cô sẽ bị sét đánh, ông thấy mình thật quá đáng!
Nghĩ một hồi, sắc mặt ông cũng đỏ cả lên, tự mình chửi mình là lão hồ đồ!
Chẳng may cháu gái thật sự xảy ra chuyện gì, thì ông cũng giống những lão già trong thôn kia, chứ đâu được như hiện tại, ít nhất mỗi tháng cũng có 1000 tệ.
Tuy nhiên, lòng tự tôn không cho phép ông hạ mình đi nhận lỗi. Nhưng cuối cùng, ông chịu không nổi bèn lầm lũi lên xe quay về thành phố.