Kẻ là danh từ chung gọi một vùng đất, ví dụ như Kẻ Mọc, Kẻ Láng, kẻ Mơ, “đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”. Chữ Kẻ Chợ có thể xuất hiện vào thế kỷ XV, khi nhà Lê đánh đuổi giặc Minh, mở rộng kinh thành Thăng Long về phía đông và khu vực này trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất Đại Việt. Kẻ Chợ chỉ nơi buôn bán ngoài kinh thành, nhưng dân gian gộp cả nơi vua ở lẫn khu buôn bán gọi là Kẻ Chợ, lâu dần thành tên gọi phổ biến. Trong ghi chép của nhà hàng hải, thám hiểm du hành người Bồ Đào Nha đi sang phương Đông P. Y. Manguin thì năm 1523 phái bộ Bồ Đào Nha Duarté Coelho đã tiếp xúc với “triều đình của vương quốc Cachao (Kẻ Chợ)”. Theo học giả Trần Kinh Hòa, tên Kẻ Chợ lần đầu xuất hiện trong cuốn Da Asia (Về châu Á) của tác giả người Bồ Đào Nha Barros xuất bản năm 1550 với cụm từ Cacho. Đến thế kỷ XVII, tên này xuất hiện phổ biến trong các tư liệu phương Tây với những biến âm: Cachao, Cacho, Catchou, Checio, Chéce, Kacho, Kichou...
Kẻ Chợ vẫn được dùng khi người Pháp can thiệp vào An Nam nhưng trong suy nghĩ của sĩ quan Pháp, Kẻ Chợ là địa danh khác không phải Hà Nội. Ngày 28-7-1873 Đô đốc Dupré báo cáo Bộ Hải quân, trong thư ông ta viết “Chiếm Kẻ Chợ hay Hà Nội?” (occuper la citadelle de Ke-Cho ou Hanoi?). Thánh 11-1873, viên chỉ huy tàu Scorpion ở Hồng Công nhận được bức điện của Dupré “Tới ngay Hà Nội theo lệnh của ông Garnier” và viên chỉ huy tàu đã phải đến lãnh sự Pháp để hỏi “Hà Nội có phải là Kẻ Chợ không”. Trong một bài nghiên cứu in ở cuốn Văn học nghệ thuật Thủ đô 30 năm phát triển và định hướng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội xuất bản năm 1996, giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Cho đến thế kỷ XVI, chỉ có Thăng Long mới được gọi là Kẻ Chợ còn tất cả các vùng miền khác gọi là Kẻ Quê”.
Chợ ở Thăng Long xuất hiện từ rất sớm. Năm 1035, vua Lý Thái Tông đã “mở chợ Tây Nhai với hành lang dài” (tương ứng với chợ Ngọc Hà ngày nay). Cũng thời gian này “Vua Thái Tông cho mở chợ về Cửa Đông (tương ứng với phố Hàng Buồm), hàng quán chen chúc sát đến bên đền Bạch Mã, rất huyên náo”. Thế kỷ XVII, dân làng nghề thủ công nhập cư vào Thăng Long lập cơ sở sản xuất khiến Thăng Long đông đúc nên mạng lưới chợ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu dân sinh và giao thương hàng hóa. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã kể ra tám chợ ở Thăng Long gồm: “Chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước”. Đến thế kỷ XIX, Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán biên soạn dưới triều vua Tự Đức ghi thêm: Chợ Mới (tương ứng với phố Hàng Chiếu), chợ Đông Thành (tương ứng với phố Hàng Vải-Hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Yên Thái (Bưởi).
Địa điểm họp chợ ở Thăng Long-Kẻ Chợ thường là bãi đất rộng, cửa thành, cửa sông và hai bên sông Tô Lịch những vị trí thuận tiện cho đi lại, chỉ cần thời tiết ủng hộ là đông đúc. Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, nhà sử học người Pháp Philippe Papin viết: “Chợ thường họp ở cạnh các cửa ô xung quanh tường thành Kẻ Chợ. Từ năm 1749 khi xây dựng bức tường Đại đô và có thêm tám cửa ô thì số lượng chợ tăng thêm”. “Buôn có bạn, bán có phường”, Hà Nội xuất hiện loại chợ chỉ bán một mặt hàng, chợ Gạo (đầu cửa sông Tô Lịch) chuyên bán gạo, chợ Hàng Cá chuyên bán cá nhưng có chợ bán đủ mặt hàng là chợ Cầu Đông (tương ứng ngã tư Hàng Đường-Chợ Gạo ngày nay) họp bên bờ sông Tô, chợ này nổi tiếng đã đi vào nhiều câu ca dao:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem một quẻ bói lấy chồng được chăng
Chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông hay chợ Kim Hoa) liền sát đó (tương ứng phố Hàng Buồm ngày nay), họp sát bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền có rất nhiều Hoa kiều buôn bán. Cụm từ chợ búa dùng để chỉ chợ nói chung, trong đó búa nghĩa là cầu tàu, cũng là nơi họp chợ. Phạm Đình Hổ sống ở Thăng Long nhiều năm, trong Vũ trung tùy bút ông đã ghi chép về chợ Bạch Mã cuối thế kỷ XVIII: “Chợ buôn bán tấp nập huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta móc lấy hết cả. Có khi chúng cố ý làm chợ ồn ào, đổ xô nhau mà chạy để rồi cắp bọc quần áo người ta hoặc khuân đồ vật hàng hóa”.
Về thời gian họp chợ, sứ Trung Quốc sang Việt Nam đời Trần là Trần Cương Trung ghi “chợ cứ hai ngày họp một lần”. Tuy nhiên, thời gian họp chợ trong sách của các nhà thám hiểm, nhà buôn hay nhà truyền giáo phương Tây không thống nhất. W. Dampier đến Thăng Long năm 1688 trong Du hành và khám phá cho rằng: “Ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày”. Nhưng Samuel Baron, trong cuốn Mô tả vương quốc xứ Đàng Ngoài xuất bản năm 1683, viết “chợ ở Kẻ Chợmỗi tháng có hai phiên” (ngày rằm và mùng Một). Còn Phạm Đình Hổ thì cho rằng ở Kinh kỳ “phiên chợ là các ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26, 30” (một tháng tám phiên). Chợ phiên cũng thu hút cả người bán hàng rong, từ “Em là con gái Kẻ Mơ/Em đi bán rượu tình cờ gặp anh” đến cô bán chiếu, chị bán muối. Thăng Long-Kẻ Chợ thế kỷ XVII, XVIII không chỉ bán hàng thủ công mà còn bán hoa quả, lâm sản:
Bán mít chợ Đông
Bán hồng chợ Tây
Bán mây chợ Huyện
Bán quyến (lụa) chợ Đào (Hàng Đào)
Kẻ mua, người bán đa số là đàn bà con gái. Các lái buôn và giáo sĩ phương Tây khi đến Việt Nam đều nhận xét phụ nữ Kẻ Chợ có một “năng khiếu đặc biệt” về buôn bán. Nhà truyền giáo Filippo de Marini đến Thăng Long năm 1663 nhận xét: “Những người phụ nữ ở đây mải mê với thương mại và họ không ngừng bận rộn về việc bán, mua”. Du khách Trung Quốc Phan Đỉnh Khuê đến Kẻ Chợ năm 1688 cho là “việc buôn bán ở Kẻ Chợ bao giờ cũng do giới phụ nữ đảm nhiệm”. Những người làm nghề đổi bạc ở các chợ, ngồi quầy bán đồ sứ, đồ đàn, bán chè, thuốc lào... hầu hết là phụ nữ. G. Dumoutier là thanh tra học chính cuối thế kỷ XIX, một trong số ít người Pháp đầu tiên nghiên cứa văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, trong cuốn Người Bắc Kỳ, về chợ phiên ở Hà Nội ông viết “cứ trong 100 người đi chợ, người ta đếm được 84 người là đàn bà con gái”.
Các làng nghề xuất hiện ở Thăng Long-Kẻ Chợ thì cũng xuất hiện các phố mang tên một mặt hàng được bày bán. Cũng theo Marini ở mỗi đầu phố đều treo một tấm biển gỗ trên đó có ghi các mặt hàng, phố Hàng Đào bán tơ lụa, Hàng Ngang bán xiêm áo, Hàng Bạc bán đồ trang sức, kim hoàn, Hàng Đồng bán đồ đồng, phố Hài Tượng bán giày dép, phố Bát Sứ bán đồ sứ... ngỡ tưởng các phố với đủ các mặt hàng khiến chợ bị thu hẹp dần nhưng trái lại chợ ở Thăng Long vẫn tồn tại và phát triển.
Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, cắt vùng trung tâm của tỉnh Hà Nội lập thành phố Hà Nội nhượng địa thì thành phố Hà Nội chuyển từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại đã làm thay đổi các hoạt động sản xuất và thương mại. Trước đó “công, thương” đứng sau “sĩ, nông” thì này “công, thương” chiếm vị trí đầu trong xã hội vì thế có câu “phi thương bất phú”. Nhiều công ty sản xuất, thương mại, dịch vụ của người Pháp, Hoa kiều và số ít người Việt ra đời. Họ nhập hàng hóa từ châu Âu, Ấn Độ, Hương Cảng (Hồng Kông) vào xứ Bắc Kỳ và nhiều nhà mặt phố chuyển sang bán hàng nhập khẩu. Vì chợ Hà Nội không có mái che, gây khó cho người bán và kẻ mua vào tháng mưa và mùa đông lạnh lẽo, ngày 6-4-1888, tổng trú sứ đã ra nghị định xây ba chợ có mái gồm: Đồng Xuân, Hàng Da và Hàng Bài (trên vị trí Trung tâm Thương mại Tràng Tiền hiện nay).
Thực hiện nghị định của tổng trú sứ, năm 1889, đốc lý Landes Charles (từ 8-6-1889 đến 15-1-1890) đã cho lấp khúc sông Tô Lịch, di chợ Cầu Đông và Cửa Đông lên khu đất này lập chợ Đồng Xuân, họ quây rào xung quanh, lập cửa ra vào để bán vé thu thuế. Những người bán hàng thường xuyên ở đây dựng các túp lều tạm lợp lá che mưa che nắng. Một năm sau, chính quyền cho dựng khung thép lợp mái tôn rồi dần dần xây tường bao xung quanh, ở cổng có quần bán vé, có bàn đổi tiền lẻ cho người đi chợ. Họ cũng cho xây một nhà vệ sinh nhưng chỉ dành cho đàn bà con gái người Pháp nên dân gọi là nhà “vệ sinh đầm”(đây là nhà vệ sinh công cộng đầu tiên ở Hà Nội). Còn người Việt thì đi vệ sinh sau nhũng cây duối ở phía đông (nay là chợ Bắc Qua). Mùa hè gió đông nam thổi đưa mùi hôi thối vào chợ nên ban quản lý phải cho xây nhà vệ sinh cho người Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX, Đồng Xuân là chợ lớn nhất Bắc Kỳ với đủ các mặt hàng, từ hàng tấm (vải, lụa), hàng laghim (rau quả) với táo, nho, quả mã thầy... nhập từ Hương Cảng, San Fransisco (Mỹ) tới các hàng tiêu dùng như xà phòng, nước hoa và vô vàn các mặt hàng khác. Trong báo cáo ngân sách thành phố, năm 1897 số tiền thu thuế ở chợ Đồng Xuân là 45.000,94 đồng, năm 1900 tăng lên là 63.139,95 đồng, cao gấp rưỡi thuế xe tay và cao gấp bốn lần thuế sát sinh. Vì cần tiền giải quyết các vấn đề của thành phố, chính quyền quyết định tăng thuế và chỉ một ngày 9-1-1902 đã thu được 273,60 đồng. Dù họp hàng ngày nhưng Đồng Xuân vẫn mở chợ phiên để bà con nông dân ngoại ô bán sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt. Cứ
năm ngày một phiên và vào phiên thì chợ họp tràn ra ngoài cửa, ngồi kín phố Hàng Khoai.
Sau này thành phố xây chợ Hôm, chợ Mơ thành chợ có mái. Xẩm tối, khán chợ (trông coi) đuổi hết người ra để khóa cổng. Nhưng Hà Nội rất đông dân nhập cư. Họ đi làm về thì các chợ đã đóng cửa nên sinh ra chợ Đuổi. Ban đầu họp ở đầu phố Tuệ Tĩnh ngày nay, sau do thành phố mở mang, chính quyền cấm rồi dồn về chỗ ngoại ô Vân Hồ. Cuối năm 1940, phát xít Nhật kéo quân vào Việt Nam và trên danh nghĩa đồng minh bảo vệ quân đội Pháp, từ năm 1941 đến 1944, quân đội Mỹ đã ném bom doanh trại, trận địa của quân Nhật. Để tránh bom Mỹ, chính quyền cho đào hầm, hào tại nhiều địa điểm công công trong đó có cả chợ Hàng Da. Cứ nghe tiếng máy bay ù ù trên đầu dân chúng nhảy xuống hầm nhưng năm 1942, một quả bom rơi xuống chợ Hàng Da đúng lúc đang họp làm chết gần trăm người, chợ tan nát. Năm 1951, người Hà Nội đi tản cư trở về nhiều hơn, lại thêm dân các tỉnh đổ về tránh chiến sự khiến thành phố đông đúc và chật chội, các chợ không đáp ứng hết nhu cầu nên thị trưởng Thẩm Hoàng Tín quyết định mở thêm chợ ở vùng ven nội gồm: ngã tư Sở, Yên Phụ và Lò Lợn (khu vực Lương Yên ngày nay) vừa tạo cơ hội sinh sống cho dân hồi cư lại hạn chế dân số nội thành tăng lên đột ngột, giảm khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời chính quyền cũng thu thêm được thuế.
Nếu ngồi bán tại các cửa hàng ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Gai... là các cô, các bà “mặt hoa da phấn” thì các bà, các cô bán ở chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Cửa Nam... đanh đá, sắc sảo, nhanh nhẹn, đảm đang, đó là đặc điểm của đàn bà thị dân Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Việt Hà kể rằng: nếu tính cả đứa cháu gái con bà chị thì bốn đời phụ nữ gia đình nhà văn thâm niên “ngồi chợ” Đồng Xuân. Bốn đời “ngồi chợ” ở một cái chợ lớn nhất xứ Bắc là chuyện không dễ nếu không có chữ tín. Hầu hết các chợ truyền thống lớn đều có hàng quà và tệ nhất cũng từ được trở lên, chủ yếu bán cho người ngồi sạp mà các bà lại tinh mồm, nấu dở là “móm”. Bún thang bà Ẩm, bún ốc bà Đúc, bánh cuốn cô Xuyên... nổi tiếng không chỉ trong chợ mà lan ra cả thành phố.
Khác với các tỉnh thành trên cả nước, từ đầu thập niên 30 thế kỷ XX cho đến năm 1954, Hà Nội xuất hiện một chợ rất đặc biệt, họp gần như quanh năm trên vỉa hè phố Hàng Khay, chỉ bán hoa. Mùa nào hoa nấy, các bà, các cô ở làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên áo dài nhẹ bước đến đây. Hoa Tây và hoa ta: Thược dược, cúc, chân chim, violet, hồng, păngxê, layơn, bướm, hải đường... Khách mua không chỉ người Âu mà cả người Việt Nam, họ mua về cắm vào bình bày ở phòng khách. Thú chơi kiểu này do người Pháp mang đến Hà Nội. Hình ảnh bà bán hoa ấn tượng đến nỗi khách sạn Metropole đưa chợ hoa Hàng Khay vào áp phích quảng cáo. Áp phích có hai bà đầu chít khăn mỏ quạ, một bà đang xếp lại hoa, bà kia cũng xếp hoa, phía sau là cô con gái khăn mỏ quạ nhìn mẹ, bó hoa gần ngang mặt cô gái như so mặt cô với đóa hoa tươi. Hai bà ngồi dưới gốc cây đa, bên trên treo cái nón quai thao. Một áp phích tuyệt vời.
Sau năm 1954, số chợ ở Hà Nội vẫn như trước lúc tiếp quản nhưng hàng hóa không còn phong phú bởi nguồn hàng nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Hương Cảng... hàng từ miền Nam ra không còn. Sản xuất tại miền Bắc dần thu hẹp do thiếu nguyên liệu. Chợ vắng người mua vì dân lao động các tỉnh buộc phải hồi hương do chính sách quản lý nhân khẩu của chính quyền mới. Song chợ truyền thống thay đổi lớn khi miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhà nước chỉ chấp nhận hai hình thức sở hữu tư liệu sản xuất là quốc doanh và tập thể. Tháng 9-1958, Hà Nội bắt đầu thực hiện chính sách “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”, doanh nghiệp tư nhân buộc phải “công tư hợp doanh”, sản xuất theo kế hoạch nhà nước đề ra. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhỏ lẻ như: cắt tóc, nhiếp ảnh, xích lô... phải vào hợp tác xã. Ở ngoại thành, nông dân cũng được đưa vào hợp tác xã nông nghiệp chuyên canh, hoặc trồng lúa, trồng rau, nuôi cá, nuôi lợn, gia cầm... để cung cấp cho nội thành. Một hệ thống cửa hàng mậu dịch quốc doanh ra đời gồm: bách hóa, thực phẩm, ăn uống... bán theo tiêu chuẩn tem phiếu. Vì cần người có kinh nghiệm bán hàng ngay nên thành phố tuyển các cô bán thịt ở chợ vào cửa hàng thực phẩm, các cô hàng rau thì vào cửa hàng bán rau, bán tạp hóa được nhận vào bách hóa, bán hàng ăn vào cửa hàng ăn uống. Từ người buôn bán tự do sống nhờ hầu bao của người đi chợ nay các cô trở thành người nhà nước có lương, có chế độ tem phiếu chỉ sau nửa tháng học chính trị theo chỉ thị của “trên”. Chợ truyền thống đã vắng giờ vắng hơn, tiền lãi không đủ đóng thuế, tiền vệ sinh, bảo vệ, điện... nên nhiều tiểu thương bỏ sạp ra vỉa hè buôn bán. Trong năm 1964, riêng quận Hoàn Kiếm có 2.000 người bám vỉa hè bán hàng. Đồng Xuân, chợ đầu mối và bán lẻ lớn nhất miền Bắc đi vào Xẩm chợ Đồng Xuân, mỗi câu hát kể tên một mặt hàng càng đìu hiu. Chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Cửa Nam, Hàng Da... cũng trong tình trạng tương tự.
Bách hóa Tổng hợp được mệnh danh là Pháo đài thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa nhưng hàng hóa cũng không có nhiều, hầu hết bán theo chế độ phân phối, hàng bán tự do lèo tèo. Hàng hóa thiếu lại theo chế độ phân phối đã sinh ra chợ đen. Muốn mua thuốc Tây lên Ngõ Gạch, muốn mua thuốc lá lên Lương Ngọc Quyến, mua quần áo may sẵn, xe đạp ra chợ Giời, bao nhiêu cũng có miễn là có tiền. Thời bao cấp, Hà Nội sinh ra dạng chợ họp trên hè phố chủ yếu bán rau, quả, đuổi chỗ này họ lại sang chỗ khác gọi là “chợ cóc”. Về chợ thời kỳ này dân gian có ca dao mới:
Tông Đản chợ của vua quan
Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần
Hàng Bè chợ của thương nhân
Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng
Chức năng quan trọng nhất của chợ Hà Nội nói riêng và các vùng miền khác nói chung là mua bán. Tuy nhiên không chỉ có vậy, đi chợ phiên ở Hà Nội xưa như đi hội. Ra đồng có thể ăn mặc lôi thôi vá víu nhưng đi chợ phiên bao giờ các bà cũng chọn bộ tươm nhất để dân Thăng Long nó “khỏi khinh”. Kẻ Láng trồng rau húng mang bán còn phải “Nhờ người thanh lịch gánh lên kinh kỳ”. Các bà mẹ đi chợ thường dẫn theo con gái, là để mua cho con xu quà vì ngoại thành hiếm hàng quà mà chợ kinh thành thì “Hàng bánh hàng bún bày ra/Cử từ, khoai sọ, cháo kê, thịt gà”. Phần khác dẫn con gái đi chợ cho biết bán mua thế nào, mặc cả ra sao để khi lấy chồng đảm đương chức phận, không bỡ ngỡ tránh nhà chồng mỉa mai chê cười. Và trong lúc mẹ bán hàng con có thể xem hát xẩm xem nặn tò he, xem đám Tàu múa võ, bán thuốc. Chợ Hàng Da cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn có các gánh xiếc thú của người Hà Lan biểu diễn. Kiếm sống ở chợ còn có các ông thầy bói, người ăn xin. Chợ còn là “thông tấn xã vỉa hè” vì lúc hàng ế hàng, khi mặc cả, người này kể cho người kia chuyện làng mình, người kia kể lại, biết bao nhiêu thông tin qua lại trong chợ phiên.
Bây giờ siêu thị, các cửa hàng nhan nhản trên phố và cả trong những con ngõ chật chội nhưng chợ truyền thống vẫn tồn tại. Lý do là diện tích canh tác của các hộ dân ở miền Bắc rất nhỏ, có địa phương một gia đình chỉ một sào ruộng, vậy nên lượng rau, củ quả trồng ra không thể cung cấp cho các cửa hàng hay siêu thị nên chỉ còn cách mang ra chợ. Chăn nuôi cũng manh mún, nhà nuôi chục con gà cũng chỉ còn cách mang ra chợ. Ở nội thành, những người có thu nhập cao, ít thời gian rảnh rỗi thì thích vào siêu thị, cú nhặt thứ cần rồi ra tính tiền. Ngược lại người thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt là người nhập cư lao động chân tay lại chọn chợ truyền thống vì tiện, có thể phóng xe máy vào tận nơi, không phải gửi tốn thêm tiền, tốn thêm thời gian. Dù tính hội của chợ đã mất từ lâu nhưng tính tiện lợi và rẻ là nguyên nhân còn chợ truyền thống. Khi người ta phá bỏ chợ Cửa Nam, Hàng Da hay chợ Ô Chợ Dừa để xây trung tâm thương mại và bên trong vẫn duy trì kiểu chợ truyền thống nhưng khách lưa thưa do sự bất tiện. Ngoài ra một số mặt hàng siêu thị không có và chỉ chợ truyền thống mới đáp ứng được, ví dụ như mua một vài bìa đậu phụ với 1.000 đồng mắm tôm, 500 đồng hành lá, mớ tía tô, mớ cá đồng, nắm lá xông, đồ cúng lễ hay nhiều thứ lặt vặt khác.
Ai cũng biết ngay trong chợ truyền thống lem nhem, thiếu thẩm mỹ, hàng lối xộc xệch, nguy cơ cháy cao rồi hàng giả hàng nhái chen vào, rau quả thực phẩm cũng không dám chắc có an toàn không. Bên cạnh đó những chợ họp trên một số tuyến phố, tự phát trong những con ngõ nhỏ đã gây ra ùn tắc giao thông làm Hà Nội nhem nhuốc. Chợ phản ánh sự phát triển kinh tế xã hội của một thành phố, một quốc gia đang ở mức nào. Chừng nào Hà Nội còn nhiều chợ truyền thống thì chừng đó kinh tế, xã hội vẫn còn ở mức thấp.