Đi Xuyên Hà Nội

Chương 9: Đinh Hợi, Tết Ra Đi


trước sau

Với mưu đồ tái chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đã liên tục khiêu khích Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Ngày 4-12-1946 quân Pháp đốt Nhà thông tin Bờ Hồ, tiếp đó đặt mìn phá các công sự của các đơn vị tự vệ. Ngày 17-12, họ nổ súng giết hại hàng chục dân thường ở phố Hàng Bún và Yên Ninh. Ngày 18-12 quân Pháp gửi tối hậu thư đòi quyền làm nhiệm vụ trị an và đe dọa nếu không đáp ứng thì sáng ngày 20 lính Pháp sẽ hành động. Chưa dừng lại, sáng ngày 19-12, chỉ huy lính Pháp tại Hà Nội ra tối hậu thư đòi tước vũ khí của vệ quốc đoàn, đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến. Trước những đòi hỏi không thể chấp nhận được, đêm ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Và cuộc chiến đấu của các Vệ quốc đoàn Hà Nội bắt đầu.

Trước đó, đầu tháng 12-1946, lo lắng chiến sự sẽ xảy ra nên dân Hà Nội đã rục rịch tản cư. Nhà giàu có thì kéo nhau về các trang trại của gia đình họ ở các tỉnh, nhà không có trang trại nhờ vả bạn bè, tầng lớp tiểu tư sản thì gồng gánh tản cư ra các vùng tự do (do chính phủ Việt Minh kiểm soát) hay trở về quê hoặc những nơi xa thành phố. Ông Trần Đức, con trai của bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội kể rằng, chiều ngày 19-12, ông được cha chở bằng xe máy vòng quanh vài phố và hồ Gươm như lời tạm biệt Hà Nội thân yêu và thầm hẹn ngày trở về. Ông Nguyễn Bắc, nguyên giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội (1954-1977), cán bộ hoạt động bí mật trong thành nhớ lại, dù số người đi tản cư khá nhiều nhưng dân nội đô vẫn rất đông, trong đó chủ yếu là dân nghèo thành thị, Hoa kiều và Ấn kiều. Trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây - Trận Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Để đảm bảo tính mạng của những người này, ngày 14-1-1947 (tức ngày 23 Tết) Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thống nhất với lãnh sự quán Trung Hoa, Pháp, Mỹ và Anh ngừng bắn trong 24 giờ để thường dân ra khỏi vùng chiến sự...”. Lệnh phát ra và hơn 10 vạn dân hối hả gói ghém đồ đạc ra đi. Dù vội vã chuẩn bị đồ đạc nhưng hầu hết các gia đình vẫn tranh thủ cúng ông Công, ông Táo, có gia đình mang sẵn đồ đạc ra hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, Trúc Bạch... phóng sinh cá chép xong là đi ngay. Theo lệ xưa, chợ hoa Hàng Lược bắt đầu nhóm họp vào ngày này nhưng hôm đó không họp. Phố Hàng Bồ chuyên bán câu đối và viết chữ không còn thầy đồ nào dám ngồi, các nhà bán giấy dó, mực Tàu, bút viết đóng cửa im ỉm. Hàng Đường, phố chuyên bán bánh kẹo, mứt đều đóng cửa. Tàu điện tuyến Bờ Hồ - Cầu Giấy ngừng chạy vì chẳng có người đi. Đông đúc nhất là bến Nứa, Kim Liên, dân chờ xe ngồi tràn ra cả ra lòng đường. Đích của họ nhằm đến là cống Thần, chợ Đại (nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội), một vùng đệm hay vùng tự do, có gia đình kéo nhau vào tận trong xứ Thanh. Lại có gia đình chọn Tân Lập (Phú Thọ). Ngày 25 Tết, khu vực nội thành còn rất ít người, họ chấp nhận đánh cược tính mạng bởi không có tiền và quê quán lại nằm trong vùng quân Pháp kiểm soát.

Thăng Long là kinh đô nên bao giờ cũng là đích cuối cùng của quân xâm lược, chiếm được Thăng Long là chiếm được đầu não của Đại Việt. Và mỗi lần giặc đến là dân Thăng Long gánh gồng tản cư, vừa tránh cướp bóc bảo vệ mạng sống cũng vừa để thành không nhà trống, gây hoang mang cho quân giặc. Thời Trần, dân Thăng Long ba lần chạy giặc Nguyên, thời nhà Hồ chạy giặc Minh đến cuối đời Lê chạy giặc Thanh. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, rồi đưa quân đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) dân Hà Nội tản cư. Trở về chưa kịp bắt tay làm lại thì quân Pháp đánh thành lần thứ hai (1882), dân chúng lại rời Hà Nội. Trong Hà Thành thất thủ ca có câu:

Tỉnh Hà Nội những người phố xá

Chạy loạn Tây vất vả cũng thương

Dắt già ôm trẻ vội vàng

Về quê ăn tuyệt tư lương hết rồi

Nhưng năm hết tết đến, không được đoàn viên, không được gói bánh chưng, cắm hoa đào, không được cúng ông bà ông vải chính tại nhà mình, đó là nỗi đau của dân chúng.

Bộ tổng chỉ huy quyết định chỉ để lại Liên khu I (một bộ phận của Trung đoàn Thủ đô khoảng 500 người) nhưng thật bất ngờ nhiều người đã trốn ở lại vì muốn tham gia chiến đấu trong đó có 200 phụ nữ và 175 em nhỏ (được gọi là vệ út). Tối 30 Tết, các gia đình ở lại không dám cúng giao thừa vì sợ thắp nến sẽ trở thành mục tiêu nã đạn của quân Pháp. Trong khi đó các chiến sĩ cảm tử luân phiên nhau đi tập kích nhiều vị trí của địch. Kho pháo Bình Đà, Cát Tường và số pháo dự trữ bán Tết của các hiệu buôn ở Hàng Đường, Hàng Mã, Hàng Ngang... được triệt để sử dụng để gây áp lực với quân Pháp. Họ chập ba bốn quả pháo đùng đốt ngòi rồi cho vào thùng rỗng gây tiếng nổ to hơn khiến lính Pháp hoảng hồn. Lại có anh em luồn sâu vào các tuyến phố sau lưng địch đốt vài ba bánh pháo, vừa là đón giao thừa nhưng cũng để cho địch biết anh em cảm tử có mặt ở khắp nơi. Gần giao thừa, để khẳng định quyền làm chủ thành phố, chỉ huy Liên khu I quyết định tổ chức cắm cờ trên đỉnh Tháp Rùa, giữa vòng vây của quân địch, nhiệm vụ nguy hiểm này được giao cho Trung đội 1, Tiểu đoàn 102. Đêm giao thừa, người Hà
Nội có tục vào đền Ngọc Sơn hái lộc nên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 102 đã cử chiến sĩ ra đền “phát lộc” cho một tổ súng máy của địch đang đóng ở đó bằng lựu đạn. Gần tới giao thừa, quân Pháp hoảng sợ đã nổ súng loạn xạ xung quanh hồ Gươm. Còn tại mặt trận phía nam thành phố, có một người con Nam Bộ ra Bắc nhận vũ khí nhưng bị kẹt lại, được phân vào tổ chiến đấu khu vực phố Bạch Mai, đó là Trần văn Dõi. Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, ông Dõi được cử đi học Trường sĩ quan Trần Quốc Tuấn rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Miền Bắc hòa bình, ông chuyển ngành đi học Đại học Bách khoa và công tác tại Ban Công nghiệp Trung ương. Năm 1968, ông mới biết tin cha mình là Trần văn Hương làm Phó Tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa...

Sáng mùng Một, bên phía địch tạm chiếm im lặng như tờ nhưng trong trận địa Liên khu I pháo lại nổ ran. Các chiến sĩ cảm tử Thủ đô đốt pháo đón quà của hậu phương gửi vào, ai cũng rưng rưng cảm động khi được ăn bánh chưng xanh, chè lam, mứt cùng rau tươi, thịt bò, thịt lợn tươi, đọc thư. Buổi tối, lấy danh nghĩa Ủy ban kháng chiến Liên khu I, Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô tổ chức bữa tiệc tết ngoại giao mời các lãnh sự nước ngoài. Tiệc được tổ chức tại nhà ông Ngô Lê Đông số 85 phố Hàng Chiếu. Trong căn phòng khách rộng rãi, có cành đào Nhật Tân do dân gửi vào, bàn tiệc có các món cổ truyền của Tết Hà Nội và các vị khách hôm đó cảm nhận được sự bình tĩnh của quân dân Hà Nội. Sang ngày mùng Hai, Pháp huy động 2 tiểu đoàn bộ binh với 34 xe tăng và xe bọc thép tấn công các chiến sĩ đang chốt tại khu vực Nhà Tiền (nay là Công ty in Tiến Bộ, phố Nguyễn Thái Học), khác với khu vực khác, vị trí chốt này giao liên không thể vào tiếp tế nên chiến sĩ phải ăn cá khô, vừng, lạc. Ngày mùng Ba, chiến thắng đầu xuân ở nhà Sauvage (trụ sở của một hãng tàu thủy có chủ là người Pháp nằm ở phố Trần Nhật Duật hiện nay) và nhà Hoa Nam (phố Hàng Giấy) cùng việc pháo binh đã bắn cháy 2 máy bay vừa đi oanh kích về đậu ở sân bay Gia Lâm đã làm nức lòng các chiến sĩ toàn mặt trận. Trong thư Hồ Chủ tịch gửi Trung đoàn ngày mùng 5 Tết có đoạn: “Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết... Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...”.

Nhà ông ngoại tôi ở Ô Chợ Dừa. Ông có xưởng ép dầu lớn, năm 1945, Mỹ ném bom trúng xưởng, ông bỏ tất cả đi kháng chiến. Trong dòng người tản cư, bà tôi dẫn con gái duy nhất khi đó đã là thiếu nữ chính là mẹ tôi đi về phía chợ Đại. Sợ bị cướp, bà tôi bọc tiền và vàng vào trong áo rách giấu dưới trôn quang, trên đặt thúng có vài thứ đồ dùng như bao người tản cư khác gồm: bọc quần áo, vài cái nồi, dăm cái bát, ít gạo. Tết Đinh Hợi, chỉ có hai mẹ con nhưng bà tôi mua sắm đầy đủ, hai mẹ con lủi thủi ăn Tết trong gian nhà thuê, mẹ tôi khóc vì không có tin tức của người cha. Sau ngày hòa bình bà tôi mới biết tin ông mất. Và với mẹ tôi thì đó cái Tết buồn bã nhất trong đời.

Trong hồi ký của bà Trần thị Lan ở phố Hàng Bông (sau 1954, bà Lan làm ở Bộ Văn hóa) có đoạn: “Cậu mợ tôi đưa chúng tôi tản cư lên Phú Thọ, bảo đi càng xa Hà Nội càng tốt. Nhà không giàu nhưng ở Hà Nội đi đâu mợ tôi cũng gọi xe tay hay xích lô, lần đầu đi bộ lại đi gần chục cây số, anh em tôi không chịu nổi ngồi ì ra nên cậu tôi dỗ có xe thì cậu mợ sẽ thuê nhưng dọc đường chẳng có xe tay... Sáng ba mươi thì đến Vĩnh Tường (tỉnh Phúc Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), mợ tôi bàn với cậu tôi tìm nhà trọ ăn Tết xong thì đi tiếp. May mà có nhà cho trọ, mợ tôi hỏi đường ra chợ mua được mấy thứ làm cơm tất niên. Một tuần đi bộ bã người, ăn uống thất thường, bữa tất niên đó tôi anh em tôi ăn như ăn mày được bữa no. Đêm giao thừa, cậu tôi ngóng về Hà Nội rồi vào bảo mấy anh em tôi đang trong ổ rơm xin khất tiền mừng tuổi...”.

Tết Đinh Hợi cũng là cảm hứng để Nguyễn Đình Thi khi ấy mới ngoài 20 tuổi sáng tác bài hát Người Hà Nội. Do công tác, ông rời nội thành vào đêm 19-12 đúng vào đêm Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, phía sau lưng ông tiếng súng bắt đầu nổ và Hà Nội bốc cháy, cảnh tượng đó được ông đưa vào trong bài hát: “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung...”. Lúc đầu bài hát có tên là Bài hát của một người Hà Nội, sau được đổi tên thành Người Hà Nội. Đài phát thanh biết ông mới sáng tác bài hát đầy tinh thần hào khí Đông A đã mời ông về hát trên đài. Cùng biểu diễn còn có hai người Đức - một là tiến sĩ triết học, một là tiến sĩ sử học. Hai anh này trước ở trong quân đội Pháp, sau bỏ quân đội theo Việt Minh.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện