Chuyển trời chuyển đất chuyển âm dương
Thời tiết âm u lẽ dị thường
Tế Độ và Tần Thiên Nhân đều biết đối phương có thể sử vô chiêu thắng hữu chiêu. Thế đánh có độ tự do rất lớn, không bị ràng buộc vào một chiêu thức cố định nào có sẵn. Tùy cơ ứng biến, gặp sự tùng sự, gặp thế tùy thế, tự do như không khí, linh động như nước, không bị ràng buộc như mây phiêu trên trời nên không người nào chịu chủ động xuất chiêu.
Lúc này đang là mùa đông, gió mạnh từng cơn quất vào những người đang đứng xem trận tỉ võ, làm mắt, mũi, môi và vành tai họ lạnh tê, rờ vào nhiều khi không cảm giác.
Bỗng dưng trời đổ tuyết, từng cơn theo gió gầm rú, bay mù trời đất. Điệu này sáng mai tuyết sẽ phủ một lớp rất dày.
Tần Thiên Nhân có ngoại hiệu là Nam Hiệp Thần Quyền, bụng bảo dạ nếu chàng không tiếp cận sẽ không thể nào chế ngự được Tế Độ. Tần Thiên Nhân không chờ nữa, chuyển thân như gió, triển khai khinh công Vũ Bạt Phong phóng tới trước mặt Tế Độ. Tần Thiên Nhân ra chiêu đầu tiên trong bộ Lôi Công La Hán Quyền là Thiên Tụ Thành Quyền, chiêu này dùng cạnh bàn tay đi đòn.
Tế Độ thấy Tần Thiên Nhân mở màn cho trận tỉ võ gật nhẹ đầu một cái, chờ cho cú lôi công đến gần, Tế Độ đặt chân phải ra sau, lấy thế xuất ra cước pháp Đồng Tước Phi Ưng, cú đá bằng gót chân của Ưng Trảo Phiên Tử môn chạm đòn quyền Thiếu Lâm.
Những người đứng xem trận đánh giữa hai đồ đệ Võ Thánh - Võ Ma thấy rõ khi cước pháp chạm vào đòn tay tiết ra hoành phong, cơn gió xoáy mạnh và nhanh, lan vào những hang động trong rừng Bình Lương, âm thanh từ trong các hang động vọng ra không khác tiếng hổ rống. Tiếng hổ rống này trong nháy mắt thay thế toàn bộ tiếng động trong khu rừng lúc đó. Dẫu mọi người đã sớm biết hai người này đều có bản lĩnh siêu việt nhưng vẫn bất ngờ trước công lực phi thường của hai người.
- Hảo cước pháp! - Tần Thiên Nhân nói - Tiếp chiêu!
- Đạ tạ quá khen - Tế Độ nói.
Tần Thiên Nhân đang ở thế chủ động, nên liền sau đó xuất tiếp hai đòn trảo và quyền. Đòn thứ nhất được xuất ra khi chân trái Tần Thiên Nhân bước nghịch, tay trái cùng lúc đánh vòng tới trước mặt, thế đi của ngón đòn này như hổ vồ mồi. Chiêu thứ hai xuất ra cũng nhanh không kém, Tần Thiên Nhân dùng bàn tay phải như móng vuốt tiên hạc nắm chặt lấy cổ tay phải của Tế Độ. Tần Thiên Nhân định là khi Tế Độ trúng đòn quyền rồi ngã sang trái thì sẽ theo đà đó mà xoay lưng lại ra sức quật Tế Độ qua vai.
Tế Độ loáng thoáng ngó thấy Phục Hổ Bình Quyền đi tới liền khắc tay phải từ trên xuống, chiêu thức Cân Trọng Thiên Sơn lấy sức nặng ngàn cân của núi tuyết Thiên Sơn đè mãnh hổ, quả có tác dụng, Tế Độ thành công cản được ngón đòn quyền.
Một âm thanh vang lên cũng lớn không kém âm thanh hổ rống. Nhưng sau đó cổ tay phải của Tế Độ bị Tần Thiên Nhân bắt giữ, đây là trảo Kim Hạc Giáng Thế. Tế Độ bèn sử Thoi Sơn Tả Dực, đánh ra. Thoi Sơn Tả Dực là một trong bảy cú đánh bằng đòn chỏ của Bộ Phương Dực trong Ưng Trảo Công.
Tế Độ dùng chỏ trái cắm thẳng vào lưng Tần Thiên Nhân, sau đó tiến chân phải lên, đạp một cú vào phía sau đầu gối bên phải của Tần Thiên Nhân. Tế Độ phối hợp hai ngón đòn này đã thành công ép được Tần Thiên Nhân buông cổ tay mình ra.
Tần Thiên Nhân bị ép nhảy khỏi vòng chiến mười thước nhưng ngay đó lại thình lình bay vụt vào xuất cước Mã Thương. Cú đá dùng lực ở mũi bàn chân phải. Chân trái theo thế kim tiêu, Tần Thiên Nhân dùng đó lấy thế để bật mình tung một cú đá ngoạn mục nhắm thẳng vào cổ Tế Độ.
Mũi chân Tần Thiên Nhân phóng thẳng đâm tới. Mọi người ồ lên khi thấy Tế Độ không tiến cũng không thoái, hoàn toàn không tránh né cước pháp kình lực vô cùng.
- Hay lắm!
Mọi người nghe Tế Độ lên tiếng tán thưởng, gương mặt không hề dao động trước cú đá mãnh liệt.
Lúc cước pháp tinh xảo sắp đi thẳng vào huyệt thiên đột, Tế Độ dùng Hạo Thiên Thập Tháp tiếp chiêu.
Ầm! Âm thanh chấn động trên không, mọi người tưởng như bầu trời sắp sụp xuống đầu họ. truyện teen hay
Hạo Thiên Thập Tháp là một chiêu thức vận nội công để làm cho thân hình nặng ngàn cân. Thiên cân trụy ở đây không giống như Cửu Long Giáng Địa của Thiếu Lâm là chỉ đơn thuần dồn khí đan điền, dồn thấp trọng tâm, mà còn phân lực ra cho cân đối ở hai lòng bàn chân để bám trụ vào mặt đất. Then chốt của Hạo Thiên Thập Tháp là ở thế hạ bàn vững chắc, như nền móng của tòa tháp để làm cơ sở thực hiện các động tác phòng thủ. Hạo Thiên Thập Tháp sử dụng rất nhiều nguyên khí nên chỉ có thể xảy ra một lần trong một trận đánh.
Tần Thiên Nhân trợn tròn mắt khi thấy cú đá của mình không làm Tế Độ chao đảo, lại bị bật văng ra ngoài một trượng, trong lòng Tần Thiên Nhân vô cùng khâm phục tài nghệ của Tế Độ, cho dù là đang giao đấu cũng phải thốt lên:
- Thế phòng thủ vô cùng cẩn mật, vừa linh hoạt vừa có lực, thủ pháp rất nhanh!
- Đa tạ quá khen – Tế Độ nói câu quen thuộc.
Đoạn, Tế Độ nhìn xuống cổ tay chàng thấy có dấu tím bầm khảm vào da thịt, thì ra tuy Tần Thiên Nhân không triệt để khai thác được cú đá nhưng trảo Kim Hạc Giáng Thế đã để lại dấu vết giống như bị dây buộc chặt hay bị bỏng trên cổ tay chàng, bất giác trong lòng Tế Độ cũng khâm phục Tần Thiên Nhân.
Hai người lại xoắn vào nhau như đôi mãnh hổ tranh mồi, trận đánh càng lúc càng khẩn trương.
Qua một trăm chiêu, những người xem tỉ võ vẫn không thể nào đoán được thắng bại sẽ thuộc về người nào, vì Tần Thiên Nhân đi quyền nhanh gọn, còn Tế Độ công thủ kỹ lưỡng vô cùng.
Mọi người tiếp tục xem Tần Thiên Nhân lần lượt xuất thủ pháp sáu bộ, bốn mươi hai môn Lục Quyền, sau đó sử cước pháp bốn bộ, mười tám môn Tứ Cước. Đòn chân đòn tay bủa tới tấp vào Tế Độ, cú đánh phủ đầu có, phép sấm sét không kịp bưng tai cũng có, tấn công bất ngờ chớp nhoáng đúng vào lúc Tế Độ không phòng bị nhất.
Nhưng Tế Độ thuộc hàng kỳ nhân hiếm có