Mỹ nhân và mỹ tửu
Thiên hạ đệ nhất đại hưởng thụ
Cũng như mọi hôm, từ khi Tế Độ đặt chân đến Hàng Châu cứ hễ mặt trời ngả bóng trên mặt Tây hồ là cửa Đông Hải của Hắc Viện mở ra. Nhưng hôm nay ngoài Tế Độ bước ra từ cửa Đông Hải còn có thêm ba bóng người nữa.
Tế Độ theo quán tính lang thang du ngoạn, một hồi, chàng đi đến Tây hồ và bước lên cầu Tây Lâm, dòng nước dưới gầm cầu đang trôi lững lờ. Vì đang là mùa đông nên trời tối rất nhanh, mới đó mà trăng đã lên khá cao.
Trương Dũng, Triệu Phật Tiêu và Ngụy Tượng Xu đứng chờ Tế Độ trên bờ Tây hồ. Tây hồ về đêm trăng soi óng ánh, sao chiếu lấp lánh phảng phất trên mặt hồ khiến cho ở một góc cạnh nào đó trông mặt hồ từa tựa một chiếc gương dát bạc.
Triệu Phật Tiêu quay sang hỏi Trương Dũng:
- Xem mồi, Định Viễn đại tướng quân đi dạo mát đấy nhưng chính là đang thăm dò dân tình Hàng Châu, đúng không phó tướng quân?
Trương Dũng định mở miệng nói phải thì đột nhiên có tiếng sáo trúc du dương nổi lên, âm thanh từ xa dần tiến đến gần, hóa ra là tiếng sáo từ một chiếc thuyền con phát ra, trôi dưới gầm cầu Tây Lâm rồi lại xa dần, sau đó lại có một đợt sáo trúc khác tiến đến.
Hai chiếc thuyền này dẫn thêm một loạt những chiếc thuyền khác. Ngoài tiếng sáo trúc triền miên uyển chuyển còn có tiếng đàn tì bà, đàn cầm, và tiếng ngâm thơ của các cô gái, rõ nhất là bài “Ẩm hồ thượng sơ tình hậu vũ.”
- “Thủy quang liễm diễm tình phương hảo
Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ
Dục bả Tây hồ tỷ Tây Tử
Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi”
Một cô gái ngồi ở mạn thuyền ngâm bài thơ miêu tả vẻ đẹp của Tây hồ. Sau khi Tây Thi qua đời, người ta đã dùng Tây hồ để tưởng nhớ nét đẹp của nàng nên vì vậy mà Tây hồ thường được gọi là Tây Tử hồ.
Ngụy Tượng Xu trông thấy gái đẹp nhiều như một đàn bướm trên mặt hồ, không khỏi trố mắt mà nhìn.
Lúc này dân Hàng Châu cũng kéo nhau ra đứng hai bên bờ hồ, Trương Dũng và Triệu Phật Tiêu vội đi lên cầu Tây Lâm bảo vệ Tế Độ.
Ngụy Tượng Xu vẫn còn đứng bên bờ hồ, tối nay Ngụy Tượng Xu cũng như Tế Độ, Triệu Phật Tiêu và Trương Dũng cải trang thành thường dân nên không ai phát hiện ra Ngụy Tượng Xu là viên quan triều Thanh. Ngụy Tượng Xu quay sang một gã công tử mặc áo lụa xanh da trời nói:
- Xin hỏi vị huynh đài này, hôm nay là ngày gì mà trên hồ tụ tập nhiều mỹ nữ đến như vậy?
Người kia đáp gì đấy. Ngụy Tượng Xu nghe qua mà nét mặt phấn khởi lắm. Sau khi Ngụy Tượng Xu hỏi người mặc áo lụa xanh xong, Tế Độ, Triệu Phật Tiêu và Trương Dũng đã đi qua bên kia bờ hồ.
Ngụy Tượng Xu chạy theo Tế Độ, Triệu Phật Tiêu và Trương Dũng. Ngụy Tượng Xu gọi:
- Thiếu gia! Nô tài vừa hỏi, biết được rằng hằng năm vào đêm này bọn danh kỹ trong thành Hàng Châu, Tô Châu, Giang Tô, Giang Tây, Chiết Giang đều tụ tập ở đây để thi xem ai là hoa quốc trạng nguyên, lại còn bảng nhãn, thám hoa gì nữa đó.
Tế Độ im lặng. Trương Dũng nói:
- Vậy à?
Triệu Phật Tiêu quay sang Ngụy Tượng Xu, cười nói:
- Cái tụi môi son má phấn này dám đem chuyện thi tuyển nhân tài quốc gia ra để làm trò đùa! Thật quá đáng!
Ngụy Tượng Xu thấy Tế Độ không có hứng thú, bước lên một bước nói:
- Nghe nói Tây hồ tam mỹ đều đến đây cả đó thiếu gia.
Tế Độ tiếp tục giữ im lặng. Trương Dũng hỏi:
- Tây hồ tam mỹ là gì?
Ngụy Tượng Xu đáp:
- Lúc nãy dân bản xứ nói Tây hồ tam mỹ là ba ca kỹ nổi danh nhất Giang Nam. Hồi nãy bên kia bờ hồ ai cũng bàn tán xem năm nay cô nào sẽ là hoa quốc trạng nguyên.
Triệu Phật Tiêu nói:
- Chà, trạng nguyên của quốc gia thì do hoàng thượng đương kim chấm, còn trạng nguyên của hoa quốc thì do ai chấm? Chẳng lẽ có một vị hoa quốc hoàng đến hay sao?
Ngụy Tượng Xu nói:
- Nghe nói mỗi ca kỹ sẽ ngồi trên một chiếc thuyền nhưng ba cô nương nổi danh nhất thì ngồi trên thuyền có kết hoa, khách nhân sẽ sai gia đinh đem châu báu kim ngân lên thuyền hoa, thuyền cô nào có nhiều đồ quý trọng nhất là cô đó trở thành hoa quốc trạng nguyên. Các vị phong lưu danh sĩ đất Hàng Châu là người đếm châu báu kim ngân để quyết định thứ bậc.
Triệu Phật Tiêu bật cười ha hả. Ngụy Tượng Xu nhìn Tế Độ nói:
- Họ sắp bắt đầu rồi đó thiếu gia, đợi trời tối thêm một chút nữa thì thuyền hoa của ba cô nương đẹp nhất Giang Nam sẽ tới, đèn đuốc sáng trưng, khi đó sẽ tuyển hoa khôi. Hay là nô tài tìm chỗ để thiếu gia ngồi xem?
Ngụy Tượng Xu thấy chân Tế Độ vẫn bước thẳng không có dấu hiệu dừng lại nên nhẹ giọng nhắc:
- Ba người đẹp nhất Giang Nam đó thiếu gia.
Tế Độ vẫn đi thẳng. Ngụy Tượng Xu nhận ra hướng Tế Độ đang đi chính là trở về Hắc Viện. Ngụy Tượng Xu chậm bước lại, nét mặt cũng tiu nghỉu như mèo cắt tai, bỗng gương mặt đó tươi tỉnh lên khi Tế Độ nói:
- Nếu ba người có nhã hứng cứ ở lại xem.
Trương Dũng và Triệu Phật Tiêu không ở lại xem Tây hồ tam mỹ mà theo Tế Độ về Hắc Viện. Ngụy Tượng Xu ở lại, chọn một chiếc bàn của một tửu lầu xây sát bờ hồ, gọi một bàn rượu thịt để vừa ăn uống vừa ngắm mỹ nữ.
Lúc này khắp mặt hồ vang tiếng ca nhạc, đèn lồng trên thuyền và hai bên bờ hồ thắp sáng trưng, cảnh phù hoa không bút nào tả xiết.
Trên mặt nước có khoảng bốn năm chục chiếc thuyền bơi qua lượn lại, thuyền nào cũng treo đầy màn sa đủ màu sắc.
Ngụy Tượng Xu nhìn kỹ thấy màn sa đều có thêu truyện đời xưa, nào là Dương quý phi và Đường Huyền Tông, nào là Triệu Phi Yến và Hán Thành Đế. Những cô kỹ nữ cầm vải lụa nhảy múa trong thuyền, bóng họ in lên vách thuyền trông thật đẹp mắt, như tiên nữ hạ phàm trần. Ngụy Tượng Xu âm thầm khen ngợi dân phương Nam biết sống phong lưu còn phương Bắc không thể nào bì được.
Trên mặt hồ thuyền qua lại như thoi đưa, hai bên bờ hồ cũng đông kín các khách nhân đa phần là nam nhân, nào là hào khách tầm hương, nào là văn nhân hiếu sự. Mọi người thi nhau chỉ trỏ, bàn luận, bình phẩm cách trang trí thuyền tinh tế, thô thiển thế nào.
Đột nhiên kèn trống vang lên, tiếng hát ca đàn sáo trên thuyền đều dừng bặt. Một loạt pháo bông được