Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Vết Mưa​


trước sau

Trong lúc tôi đang rối ren chuyện tình cảm của bản thân thì tin tức từ phương nam mang đến làm xôn xao cả kinh thành Thăng Long. Nhà chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã bị đánh bại, toàn bộ đất từ Quảng Nam đến Hà Tiên nằm trong tầm kiểm soát của nhà Tây Sơn. Tháng hai năm Mậu Tuất (tức năm 1778), Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Nguyễn Huệ được phong làm Long Nhương tướng quân.

Tôi nghe tin mà chấn động, dù biết Nguyễn Nhạc sẽ sớm lên ngôi nhưng nhanh như vậy thì tôi không ngờ tới. Nếu vậy nhà chúa Trịnh không còn mấy năm nữa sẽ sụp đổ. Nhưng rốt cuộc là còn mấy năm? Một năm? Hai năm hay nhiều hơn? Trịnh Khải sẽ thế nào? Nhà Huy quận công rồi sẽ ra sao? Tôi ước rằng thời cấp ba tôi đọc sách lịch sử nhiều một chút thì đã không đến nỗi lâm vào tình trạng mơ mơ hồ hồ như thế này.

Ngay ngày hôm sau, Huy quận công ngoài việc trông coi việc trong phủ chúa còn kiêm nhiệm thêm chức Trấn thủ trấn Sơn Nam, cửa ngõ phía Nam vào thành Thăng Long. Vì vậy thời gian ông ở nhà trước đây đã ít, nay càng ít hơn. Cả ngày chỉ có thể gặp mặt ông vào bữa ăn sáng, đến tối khi chúng tôi ngủ ông mới trở về phủ. Nhiều khi ông còn ngủ lại ở phủ trấn Sơn Nam. Có thể nói tin tức từ Đàng Trong truyền ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến phủ Huy quận công, trong đó có tôi.

Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, sự kiện này giống như một tầng mây đen, ngày ngày phủ trên đầu tôi, khiến tôi càng thêm hoang mang.

Nếu như tôi không phải là người của tương lai, có thể tôi sẽ chẳng bận tâm đến việc nhà Tây Sơn là ai, Nguyễn Huệ là ai. Nếu tôi không biết trước tương lai, có thể tôi sẽ dễ dàng vượt qua khoảng cách tầng lớp xã hội kia để đến bên Trịnh Khải, không cần quan tâm anh có là thế tử hay không.

Nhưng tôi lại không phải là người của thời đại này, tôi không thể mù quáng tiến tới khi biết phía trước chỉ là bóng tối. Từ xưa tới nay, chỉ cần triều đại sau lên nắm quyền thì sẽ tiêu diệt sạch sẽ tàn tích của triều đại trước để trừ hậu họa. Chỉ cần Tây Sơn tiến quân ra Đàng Ngoài, Trịnh Khải rồi cũng sẽ là người của triều đại trước. Tôi không thể nhìn người mình thương yêu, những người ở bên cạnh mình đầu rơi máu chảy. Nhưng tôi biết mình cũng sẽ không thể thay đổi được lịch sử.

Cả ngày tôi không chỉ trầm ngâm thở dài mà đến tóc cũng muốn rụng sạch, chỉ vì tôi vò đầu bứt tai từ sáng đến tối. Đinh Ngọc nhiều lần cũng gặng hỏi nhưng tôi chỉ im lặng. Tôi không thể nói ra những lo lắng và nỗi sợ hãi của mình.

Một ngày đầu tháng ba, Gạo vào báo với tôi là có Dự Vũ tìm. Ra đến cổng đã thấy anh ta chờ sẵn bên chiếc xe ngựa, sau đó nhã nhặn mời tôi và Gạo lên xe. Đi được một đoạn thì xe ngựa dừng lại trước ngôi đền bỏ hoang lúc trước. Tôi xuống xe, một mình đẩy cổng đi vào, Gạo đứng chờ bên ngoài.

Hai lần trước tôi đến đây đều là vào đêm trăng tròn, hôm nay là lần đầu đến vào ban ngày. Bên trong ngôi đền, tường gạch cũ kĩ đã muốn xiêu vẹo, những khóm hoa ở hai bên mọc xen với cỏ dại, lối đi xuống ao sen cũng phủ những chiếc lá vàng. Từ xa tôi đã thấy bóng người cao lớn mặc áo xanh, đầu quấn khăn đen quay lưng lại với tôi, đứng nhìn ra hướng ao sen. Tôi hít vào một hơi thật khẽ, chầm chậm đến gần.

Khi chỉ còn cách khoảng năm bước chân, rốt cuộc Trịnh Khải cũng quay lại nhìn tôi.

- Nàng đã đến. – Anh nói.

Tôi gắng nở nụ cười mỉm với anh. Sau đó là một hồi im lặng, Trịnh Khải chỉ nhìn tôi mà không nói gì, tôi đành cúi đầu nhìn xuống chân. Hình như không khí ngày càng loãng, tôi thấy mình phải rất cố gắng mới thở được. Bỗng Trịnh Khải lên tiếng:

- Nàng không cài nó?

Tôi ngẩng đầu nhìn anh, chợt hiểu Trịnh Khải đang muốn nói đến chiếc trâm cài bằng ngà voi mà anh tặng tôi. Tôi trả lời:

- Nó quá quý giá nên thiếp không dám cài. – Sự thật đúng là vậy, tôi sợ làm hỏng cái trâm cài mà thế tử tặng, lỡ như lại mang tội khi quân thì mạng khó mà giữ được. Việc này tôi coi phim cổ trang nhiều nên cũng có chút kiến thức.

Trịnh Khải nghe thế thì thở dài:

- Nàng có thắc mắc nào không? Ví dụ thân thế của ta, ví dụ ta còn muốn cưới nàng không?

Tôi cắn môi im lặng. Đúng là tôi từng muốn hỏi rất nhiều, muốn hỏi anh tại sao lại che giấu thân phận, muốn hỏi anh tại sao lại bắt tôi hứa hẹn chờ anh… Nhưng lúc này, tôi lại không biết phải mở miệng nói gì.

Trịnh Khải đến gần tôi, đưa tay nâng mặt tôi lên, bắt tôi nhìn thẳng vào anh. Giọng anh dịu dàng:

- Chỉ cần nàng không để ý đến thân phận của chúng ta, ta muốn nàng vẫn tiếp tục chờ ta.

Tôi nhìn vào mắt anh, ở đó có sự trìu mến, có yêu thương và có cả tranh đấu. Đó là anh hay là hình bóng của tôi phản chiếu lại nơi đáy mắt anh?

Trời bỗng đổ cơn mưa phùn, rất mỏng, như những sợi chỉ trắng nhẹ nhàng đáp lên tóc anh, vai anh, tóc tôi, áo tôi và cả những cảnh vật xung quanh. Trịnh Khải kéo tôi đến gần anh, đưa tay áo của anh che trên đỉnh đầu tôi. Anh nói rất khẽ:

- Ta chỉ cần chân tình của nàng là đủ.

Bỗng có màng sương dâng lên phủ hai mắt, trong lòng tôi như bị dao cứa qua, nghe đau đớn và chua xót. Tôi phải làm sao để anh tránh được tai ương trước mắt đây?

Tôi vòng tay ôm lấy người anh, nghe hương hoa nhài từ áo anh nhè nhẹ. Trịnh Khải ngạc nhiên nhìn tôi, sau đó anh khẽ đưa một tay đỡ lấy eo tôi, một tay vẫn dang ra che mưa trên đầu tôi.

- Chàng có thể đừng làm thế tử được không?

Trịnh Khải cứng người, anh đẩy tôi ra, gương mặt sửng sốt như không thể tin được, anh hỏi:

- Nàng vừa nói gì?

- Thiếp nói, chàng có thể từ bỏ ngôi vị thế tử kia được không? – Tôi lặp lại câu nói trước của mình.

Trịnh Khải buông tay đang ôm tôi, bàn tay che mưa cho tôi cũng hạ xuống. Mặt anh cứng lại, nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi thoáng thấy nét bi thương dâng lên trong mắt anh nhưng ngay lập tức được thay bằng ánh mắt giận dữ, anh nói:

- Ta đã không để ý việc nàng là Đinh Thanh hay Hoài An, ta cũng không quan tâm nàng có phải là con gái Hoàng Đình Bảo hay không. Nhưng thật không ngờ, nàng không khác gì cha nàng.

Tôi nghe Trịnh Khải nói mà mù mịt, tôi chỉ muốn anh từ bỏ ngôi vị thế tử kia, như vậy tương lai dù nhà chúa Trịnh có sụp đổ thì anh vẫn sẽ an toàn, việc này có liên quan gì đến Huy quận công?

Trước khi quay người bỏ đi, Trịnh Khải cắn răng, nói từng chữ từng chữ rõ ràng:

- Ta và nàng từ nay không còn quan hệ.

Tôi nhìn anh tức giận quay lưng, bóng người đi rất nhanh ra xa. Mưa phùn giăng giăng thêm nặng hạt, bóng anh cứ mờ dần mờ dần. Tôi đưa tay lên ngực trái, nghe tiếng tim mình rạn vỡ, từng tiếng một, nứt toạc. Cảm giác tan nát này đến thật vội vàng, tôi thậm chí còn chưa có sự chuẩn bị cho nó. Cũng bởi những ngày qua luôn nơm nớp lo lắng, những dồn nén trong lòng nay bị vỡ tung, nước mắt như thủy triều dâng, như lũ cuốn, tuôn ra không ngừng.

Những hạt mưa lạnh thấm vào da thịt, nước mắt nóng hổi chảy ra đã hòa theo nước mưa. Chân tôi run run không đứng vững nữa, quỵ xuống nền gạch, nghe tiếng nấc của mình nghẹn lại nơi cổ họng.

- Tiểu thư, tiểu thư.

Tôi ngẩng đầu lên, chỉ thấy một bóng dáng nhỏ cầm ô chạy đến. Gạo cầm ô che trên đầu tôi, một tay cố đỡ tôi đứng dậy.

- Tiểu thư, người sao vậy, mau đứng dậy, người bị ướt hết rồi. – Tiếng Gạo nức nở bên tai tôi.

Tôi gạt tay Gạo ra, cúi đầu khóc lớn thành tiếng. Tình yêu của tôi kết thúc rồi. Thế mà tôi còn tưởng mình có thể tìm được cách giải quyết trọn vẹn đôi đường. Hóa ra tôi không hề hiểu gì về Trịnh Khải, tôi còn tự mình đa tình, cho rằng anh sẽ vì tôi mà từ bỏ giang sơn.

Gạo ngồi sụp xuống, vẫn kiên quyết che ô cho tôi, cô bé vừa khóc vừa đỡ tôi:

- Tiểu thư, người đừng quá đau lòng như vậy.

Được một lúc, tôi cũng gắng gượng đứng dậy, được Gạo đỡ một bên đi chầm chậm ra ngoài. Ngoài cổng đền, chiếc xe ngựa ban nãy chở tôi đến vẫn còn ở đó nhưng chỉ có người đánh ngựa. Trịnh Khải và Dự Vũ đã không còn thấy hình bóng. Tôi cười bản thân mình, anh để lại xe cho tôi đã là quá tốt rồi, không lẽ còn đòi hỏi anh đứng đợi ở đây hay sao?

Gạo đỡ tôi lên xe ngựa, người tôi ướt nhẹp, lạnh run, tôi tựa hoàn toàn cơ thể vào thành xe như một chiếc giẻ rách. Ngoài trời mưa càng ngày càng nặng hạt.

Kết thúc rồi, đoạn tình cảm này tôi không cần phải rối rắm suy nghĩ nữa, Trịnh Khải đã cắt đứt nó rồi. Từ nay tôi không cần phải lo lắng, không cần phải sợ hãi tương lai sẽ như thế nào. Tôi chỉ cần đứng ở ngoài mọi chuyện, cứ để lịch sử diễn ra như nó sẽ diễn ra.

Thế nhưng sao tim tôi lại nhói đau như vậy?

Hôm đó tôi trở về, cả người ướt sũng, Đinh Ngọc nhìn thấy thì lo lắng hốt hoảng. Sau khi thay đồ, uống nước gừng, tôi lên giường nằm, đến tối thì lên cơn sốt. Trong mơ tôi thấy mình vẫn ở hiện đại. Tôi thấy mình đi học, đi chơi với bạn bè. Tôi thấy ba mẹ ngày chúc mừng tôi tốt nghiệp. Rồi dòng nước xoáy cuốn tôi xuống đáy sông. Tối tăm. Tôi thấy nụ cười của Trịnh Khải, ánh mắt dịu dàng của anh bỗng nhiên đổi sang tức giận. Anh biến mất. Lại tối tăm.

Đầu đau nhức như búa bổ, tôi nhớ lại một lần năm cấp ba bị sốt cao, mẹ đã phải gọi xe đưa tôi đi bệnh viện. Tôi gọi trong thổn thức: “Mẹ ơi, đưa con đi bệnh viện. Đau quá. Đầu con đau. Tim con cũng đau.”

Rồi đầu tôi được ai đó nâng lên, một chất lỏng sền sệt đắng nghét được đổ vào miệng tôi. Tôi không muốn nuốt nhưng không cách nào cử động được. Đắng quá! Chất lỏng ấy từ từ trôi vào bụng tôi, mát dịu. Nhưng đầu lưỡi vẫn còn lưu vị đắng.

Ngày hôm sau tôi tỉnh lại đã thấy Gạo mắt sưng húp ngồi bên cạnh. Gạo thấy tôi mở mắt thì bật khóc:

- Tiểu thư, người còn đau chỗ nào nữa không?

Đầu tôi vẫn còn hơi đau nhưng tôi khẽ lắc đầu. Đinh Ngọc cũng vừa lúc bước vào phòng tôi, chị ngồi xuống bên giường, đưa tay sờ trán và má tôi. Sau đó chị quay sang bảo Gạo đi xem thuốc và cháo đã xong chưa.

- Đinh Thanh, rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra? – Đinh Ngọc lo lắng hỏi tôi.

Tôi lắc đầu. Đinh Ngọc thở dài:

- Cả nhà hôm qua vặn hỏi con Gạo suốt mà nó chẳng chịu nói gì. Em thì sốt mê man, nói đủ thứ lạ lùng. Tối qua cha về trễ còn phải qua thăm em đấy.

Đinh Ngọc nhắc đến quận công, tôi lại nhớ đến câu nói kia của Trịnh Khải: “Nàng không khác gì cha nàng.” Rốt cuộc ý của anh là gì? Thấy tôi nhăn mặt, Đinh Ngọc nhíu mày:

- Thôi thôi, không nói với em nữa. Nghỉ ngơi đi.

Đây là lần đầu tôi bị bệnh kể từ khi về đây, uống thuốc năm ngày mới khỏe lại. Sau những ngày bệnh, tôi không còn thở dài ảo não như trước nữa, thay vào đó tôi ngồi nói chuyện với những người hầu trong phủ để giết thời gian. Khi ngồi một mình, tôi cũng không buồn hay khóc. Đoạn tình cảm ngắn ngủi này, tôi sẽ cất nó vào ngăn sâu nhất của trái tim. Lời ước hẹn chờ nhau ngày nào không còn ý nghĩa nữa. Tôi sẽ sống cuộc sống của mình và cầu mong cho anh bình an.

Mười sáu tháng ba, lễ rước dâu của Đinh Ngọc diễn ra như dự định. Từ sáng sớm cả phủ đã rộn ràng, Đinh Ngọc mặc áo đỏ, cài
bông hồng thắm ngồi ở trong phòng chờ. Tôi mặc bộ đồ hồng cánh sen với áo yếm trắng, đầu cài một cây trâm bạc hình hoa sen. Đinh Ngọc cầm lấy tay tôi, mắt đỏ hoe, chị nói rất khẽ:

- Đinh Thanh, chị đi rồi, em phải tự chăm sóc bản thân. Đừng nghịch ngợm để sinh bệnh nữa, biết không?

Tôi cảm động không nói nên lời, chỉ khẽ gật đầu. Đinh Ngọc vuốt tóc tôi, nói tiếp:

- Chị không biết em với thế tử là như thế nào, nhưng nếu mọi chuyện đã qua rồi, em cũng nên quên hết đi, vui vẻ sống như trước kia.

Tôi ngạc nhiên, không hiểu sao chị lại biết chuyện của tôi. Đinh Ngọc dùng ngón tay gí vào trán tôi, chị cười:

- Em tưởng em không nói thì chị không biết sao. Mở miệng ra là không quen biết thế tử nhưng mắt thì cứ nhìn sững người ta, ở nhà lại suốt ngày than ngắn thở dài. Chị đoán là có chuyện liên quan đến thế tử.

Tôi thở ra một tiếng, nói nhỏ:

- Em và thế tử không còn quan hệ nữa rồi.

Đinh Ngọc nắm lấy tay tôi. Chúng tôi cùng im lặng, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ khác nhau.

Lễ rước dâu cũng không khác lễ cưới ngày nay là bao. Nhà trai mang lễ, cau trầu, rượu vào dâng lên bàn thờ nhà gái, mẹ cả dẫn Đinh Ngọc ra ngoài, cô dâu và chú rễ cùng quỳ xuống làm lễ, trước thắp hương tổ tiên, sau dâng cau trầu và rượu mời quận công và mẹ cả.

Pháo treo ở cổng nhà nổ bụp bụp, xác pháo đỏ rơi vung vãi đầy sân. Đinh Ngọc ngồi lên chiếc võng có thắt nơ đỏ. Đoàn rước dâu có người gõ chiêng, gõ trống đi đầu. Phan Huy đi trước, võng được khiêng theo sau, Gạo đi bên cạnh Đinh Ngọc. Kế đến là quận công ngồi kiệu và những người họ hàng đi theo đoàn. Các hòm gỗ đựng của hồi môn của Đinh Ngọc đi sau cùng. Tiệc chúc mừng sẽ được tổ chức ở nhà trai.

Tôi và mẹ cả không được theo đoàn rước dâu, chỉ có thể đứng ở cổng nhìn ra xa. Đinh Ngọc đã gả đi, trong nhà giờ chỉ có mình tôi. Tôi buồn bã vào phòng riêng.

Mấy ngày trước, mẹ cả lo lắng không biết nên để người hầu nào theo Đinh Ngọc qua bên nhà trai. Một là người của phủ mình sẽ có thể chăm sóc cho Đinh Ngọc tốt hơn, hai là Đinh Ngọc cũng sẽ tin tưởng mà giao việc riêng. Hoa thì đã để ở lại trấn Nghệ An, trong phủ giờ tìm người thân cận để theo Đinh Ngọc rất khó.

Tôi biết Đinh Ngọc ngoài tôi ra thì chỉ có Gạo là thường xuyên tiếp xúc. Gạo lại đáng tin, chăm chỉ, cẩn thận. Tôi hỏi ý Gạo có muốn theo Đinh Ngọc hay không, Gạo nói cũng thương tiểu thư Đinh Ngọc nhưng nếu em đi thì tôi sẽ không có ai chăm sóc. Tôi khuyên Gạo hãy theo Đinh Ngọc, chăm sóc chị ấy thay tôi. Đinh Ngọc qua nhà mới toàn người lạ, có Gạo đi cùng sẽ có người bầu bạn. Tôi ở phủ thì lo gì những việc đó.

Vì vậy tôi tặng Gạo vài món đồ trang sức, dặn Đinh Ngọc qua đó nhớ để ý anh chàng hiền lành nào để gả Gạo đi. Đinh Ngọc ôm tôi khóc, nói món quà tôi tặng chị quá lớn. Trước giờ rước dâu, Gạo lại ôm tôi khóc, dặn tôi tự chăm sóc bản thân. Tôi lại bị làm cho xúc động không nói nên lời, chỉ biết gật đầu.

Hai ngày sau lễ rước dâu, Phan Huy đưa Đinh Ngọc về nhà vợ theo tục lại mặt. Đợi cả nhà nói chuyện xong xuôi, tôi kéo Đinh Ngọc vào phòng riêng hỏi chuyện. Đinh Ngọc nói Phan Huy đối xử tốt với chị, cả nhà họ cũng không ai bắt nạt chị. Phu nhân nhà Trang quận công chỉ quản lý tiền bạc, ngoài ra việc lớn việc nhỏ để Đinh Ngọc xử lý. Tôi dặn Đinh Ngọc thường xuyên về chơi với tôi, chị cười nói, con gái gả rồi như bát nước hất đi, sao có thể tùy tiện về nhà mẹ đẻ. Tôi nghe càng buồn.

***

Những ngày sau đó chậm chạp trôi qua, không có Đinh Ngọc trêu đùa cùng tôi cũng không còn ai cưng chiều tôi cả. Mẹ cả vài ngày lại đi chùa, thỉnh thoảng tiếp đón các vị phu nhân khác ở nhà, thời gian còn lại bà làm gì tôi cũng không biết. Quận công vẫn đi sớm về trễ như mọi ngày.

Tôi như con mọt, suốt ngày gặm nhấm nỗi cô đơn. Một ngày, không chịu được nữa, tôi gọi một gã hầu đi theo tôi ra phố. Vừa ra đầu ngõ đã gặp Nguyễn Hoàn, anh nói đang định đến nhà để tìm tôi. Vì vậy chúng tôi đến nhà Nguyễn Hoàn, anh ta dẫn tôi đến vườn hoa nhỏ có cây đào lớn mà lúc trước tôi từng hát chúc mừng sinh nhật anh. Đã sắp bước sang tháng tư nhưng cây đào lại trổ hoa đỏ dày đặc các cành cây. Tôi há hốc miệng cảm thán:

- Đẹp quá!

Nguyễn Hoàn cười tươi:

- Cây đào nhà tôi năm nay ra hoa muộn. Hôm nay tôi bước ra cửa đã thấy hoa nở đỏ khắp cành, liền nhớ ra nàng nên mới đến tìm. Có phải đẹp lắm đúng không?

Tôi gật đầu, cười vui vẻ. Tôi nói muốn uống rượu ngắm hoa vì vậy Nguyễn Hoàn sai người trải khăn lớn dưới gốc đào, lại đem một bầu rượu, hai ly nhỏ và một đĩa thịt gà nướng ra. Tôi ngẩng đầu ngắm hoa đào đang rung rinh trên cành, vài cánh hoa rơi là là rồi đáp xuống mặt đất. Nguyễn Hoàn đưa ly rượu cho tôi, cười nói:

- Không ngờ nàng cũng rất biết thưởng thức.

Tôi cầm ly rượu, chạm nhẹ vào ly của anh ta rồi đưa lên miệng. Cay nồng nhưng rất thơm. Nguyễn Hoàn nói rượu này cha mẹ anh ta mua lại của thương lái người Thanh, rất mắc tiền. Tôi liếc anh ta một cái rồi đưa ly lên đổ hết phần rượu còn lại vào miệng. Nguyễn Hoàn thấy thế thì lắc đầu rồi bật cười lớn.

Chúng tôi không nói nhiều, chỉ uống rượu và ngắm hoa đào. Tôi hồi tưởng lại có lần tôi, Đinh Ngọc và anh em Nguyễn Hoàn ngồi ở bàn đá dưới cây lựu trong sân nhà tôi, dùng trà thay rượu, thưởng thức không khí se lạnh nhưng vui vẻ. Chỉ chưa đầy một năm, người cũng không còn, cảnh vật cũng đổi thay.

Hôm đó tôi muốn uống say nhưng bị Nguyễn Hoàn ngăn lại. Anh dẫn tôi ra xe ngựa rồi sai người đưa tôi về phủ. Về đến phủ, tôi leo lên giường ngủ ngon lành.

***

Cứ năm ba ngày, tôi lại đến nhà Nguyễn Hoàn uống rượu ngắm hoa, tửu lượng của tôi vì thế cũng khá lên. Thỉnh thoảng tôi sẽ kể vài câu chuyện hài hước, Nguyễn Hoàn thì than vãn chuyện mua bán ngoài cửa hàng, những lúc như vậy tôi sẽ nói với anh vài kiến thức kinh doanh mà tôi học được ở trường Đại học. Nguyễn Hoàn nghe thấy sẽ trợn mắt lên ngạc nhiên, mà dù có hỏi tôi cũng sẽ không nói gì thêm. Cha mẹ anh ta luôn bận rộn ngoài cửa hàng, từ ngày tôi gặp họ ở buổi tiệc sinh nhật của Nguyễn Hoàn thì chưa gặp lại lần nào.

Một ngày nọ, Nguyễn Hoàn đang tập chơi cờ tướng cho tôi trong vườn thì Nguyễn Cảnh đến. Nguyễn Cảnh nhìn thấy tôi thì rất ngạc nhiên sau đó chỉ nói là đến cửa hàng nhưng không thấy Nguyễn Hoàn nên mới đến nhà tìm.

Hai anh em họ vô nhà đóng cửa nói chuyện riêng, tôi nghĩ chắc là chuyện quan trọng nên cũng không thắc mắc, chỉ ngồi yên ở bàn ăn bánh phục linh.

Nguyễn Cảnh sau khi nói chuyện với Nguyễn Hoàn thì đến bên cạnh bàn đá, ngồi đối diện tôi. Anh ta ra ám hiệu, ý bảo Nguyễn Hoàn tránh đi. Nguyễn Hoàn mặt mũi nhăn nhó vào nhà. Nguyễn Cảnh lên tiếng:

- Đinh Ngọc có khỏe không? Nàng ấy vẫn tốt chứ?

- Chị Đinh Ngọc khỏe, chắc là vẫn tốt. – Tôi trả lời ngắn gọn.

Nguyễn Cảnh thở ra một tiếng, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Thế tử không biết nàng là Đinh Thanh, con của Huy quận công?

Nghe đến Trịnh Khải, tôi ngẩng mặt chờ Nguyễn Cảnh nói tiếp:

- Hai tháng trước thế tử tìm tôi hỏi về nàng.

Tôi và Trịnh Khải chia tay hai tháng trước. Có lẽ anh đã đến tìm Nguyễn Cảnh để hỏi thăm về thân thế của tôi trước khi hẹn tôi tại ngôi đền cũ ấy, là vì trước đó anh vẫn nghĩ tôi là Hoài An. Tôi cúi đầu thở dài.

- Đinh Thanh, nàng và thế tử là quan hệ thế nào tôi không dám hỏi. Chỉ là sau đó tâm trạng thế tử luôn rất xấu, rất dễ nổi giận, chúng tôi theo người cũng phải rất cẩn thận tiếng nói hành động. Có phải nàng đã chọc giận thế tử?

Tôi bật cười, tôi sao dám chọc giận thế tử. Tôi trả lời:

- Tôi và thế tử thực sự đã không còn quan hệ nữa rồi.

Nguyễn Cảnh thở dài, nhìn chằm chằm tôi mà nói:

- Cũng tốt. Nàng nên quên thế tử đi.

Nguyễn Cảnh nói xong thì đứng dậy bỏ đi. Tôi cắn răng, trong lòng tràn ngập nỗi tức giận. Chẳng phải tôi đã nói rõ ràng là chúng tôi không còn quan hệ, tại sao anh ta còn cố ý nhắc nhở tôi quên thế tử đi. Thấy Nguyễn Hoàn đi ra, tôi không đánh cờ nữa mà nhất quyết đòi uống rượu.

Hôm đó tôi uống rất nhiều, Nguyễn Hoàn can ngăn kiểu nào cũng không được, tôi uống đến khi người mềm nhũn, chỉ có thể nằm ra mặt bàn. Nguyễn Hoàn sai người nấu nước giải rượu đưa tôi uống. Tôi cầm ly nước ấm, bên trong có gừng tươi, mật ong và vài lát chanh. Sau khi tỉnh táo thì trời cũng bắt đầu tối, tôi lại ra xe ngựa về phủ.

Nhưng tôi không về thẳng phủ mà nói người đánh xe ngựa đến ngôi đền cũ. Trời tối, trăng khuyết ở trên cao chiếu ánh sáng yếu ớt. Tôi ngồi yên trong xe ngựa không dám bước xuống. Bên trong ngôi đền kia, là ao sen hương thơm ngát, là tình cảm tôi trao cho anh, là lời hứa hẹn của chúng tôi, cũng là nơi mọi thứ kết thúc.

Chỉ vì câu nói ban chiều của Nguyễn Cảnh, tôi lại nhớ đến Trịnh Khải da diết. Tôi lặng im khóc trong xe ngựa.

Được một lát, tôi mới lên tiếng sai người đánh xe về phủ. Chỉ hôm nay thôi, từ ngày mai tôi sẽ không nhớ đến anh nữa, cũng sẽ không bao giờ quay lại đây nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Webtruyen.com


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện