Lần gặp gần nhất là hai năm trước, lúc đó Tố Như chỉ cao bằng tôi, lúc này cậu ta đã mười lăm tuổi, cũng cao hơn tôi một cái đầu rồi. Nhưng dáng người của cậu ta vẫn gầy như thế, gương mặt khôi ngô và đôi mắt sáng tinh anh.
- Tố Như, sao cậu lại ở đây? – Tôi nhớ cậu ta ở trấn Sơn Tây, cách nơi đây rất xa.
- Tôi đang trên đường đến trấn Sơn Nam. – Tố Như đáp ngắn gọn.
- Cậu không phải ở…
Tôi định nói không phải cậu ở trấn Sơn Tây sao lại đến trấn Sơn Nam, nhưng tôi nhớ ra Nguyễn Cảnh từng nói, Hồng lĩnh hầu trấn Sơn Tây đã bị tống giam. Nguyễn Khản bị tống giam, có lẽ cũng bị tịch thu tài sản và nhà cửa. Cho nên Tố Như mới đến trấn Sơn Nam? Tố Như thấy tôi ngập ngừng, có lẽ cậu cũng đoán ra tôi muốn nói gì, cậu khẽ thở dài.
- Thưa cậu, chúng ta phải đi nhanh lên mới được. Hạ Sơn Nam còn rất xa, nếu không đi nhanh có lẽ tối mới đến được. – Tiểu đồng áo nâu mang túi vải đứng sau Tố Như sốt ruột trước sự im lặng của chúng tôi.
- Tôi cũng đang đến trấn Sơn Nam hay cậu đi cùng tôi một đoạn? – Tôi nhìn Tố Như.
- Ôi, tiểu thư thật tốt. – Cậu bé tiểu đồng nhanh miệng trả lời, nói xong thì quay qua kéo tay Tố Như. – Cậu đừng chần chừ nữa, chúng ta không nên phụ lòng tốt của tiểu thư. Trời thì đang lạnh thế này.
Tôi cười gật đầu, cậu bé tiểu đồng này xấp xỉ tuổi của Tố Như, nhìn qua có vẻ rất nhanh nhẹn. Tố Như đang do dự nhưng nhìn thấy biểu cảm của chúng tôi thì nhìn tôi mà đáp:
- Cám ơn chị.
Tôi cười đáp lại, thật may cậu ta không từ chối, nếu không tôi lại thấy hổ thẹn vì vị danh nhân tôi ngưỡng mộ chỉ đi bộ trong khi tôi lại ngồi xe ngựa.
Tố Như ngồi cùng tôi trong xe, tiểu đồng ngồi ngay cửa, kế bên người đánh xe ngựa. Xe đã ra khỏi thành Thăng Long, tăng tốc đi nhanh hơn. Tôi ngồi vân vê dây thắt lưng áo, cắn môi hỏi Tố Như:
- Cậu sẽ ở đâu?
Tố Như nhìn bâng quơ ra bên ngoài cửa xe, trả lời ngắn gọn:
- Tôi đến ở nhà một người bà con.
Tôi à một tiếng rồi lại im lặng, sợ hỏi nhiều thứ sẽ khiến Tố Như thấy phiền phức. Cậu ta bỗng lên tiếng:
- Đinh Thanh, chị đi Sơn Nam có việc sao?
Tôi gật đầu:
- Tôi đến trấn phủ trấn Sơn Nam gặp anh họ. Cậu đến phủ nào?
- Tôi đến phủ Tràng An ở Hạ Sơn Nam.
Phủ Tràng An? Như vậy là Ninh Bình của hiện đại rồi, tôi đến trấn Sơn Nam nhiều như vậy nhưng mới nghe đến Tràng An lần đầu tiên.
- Từ trấn phủ trấn Sơn Nam đến phủ Tràng An bao xa?
Tố Như nhìn tôi ngạc nhiên, sau cậu ta mới trả lời:
- Trấn phủ nằm gần phủ Tràng An.
Ra là gần như vậy. Tôi thường đi cùng Đình Duệ nhưng toàn ngồi xe ngựa, đến nơi lại cúi mặt mà vào trong nên chưa từng nghĩ đến Tràng An cũng nằm trong trấn Sơn Nam. Tôi bất giác nghĩ nếu tôi quay lại nơi mà tôi đã từng bị lật xuồng thì liệu tôi có thể quay trở về thời hiện đại hay không?
Tôi lạc vào những suy nghĩ của riêng mình, Tố Như cũng không nói gì thêm. Hai chúng tôi ngồi im lặng trong xe ngựa cho đến khi gã hầu đánh xe lên tiếng:
- Tiểu thư, đã gần đến trấn phủ.
Tôi bừng tỉnh rồi nói:
- Đến thẳng phủ Tràng An.
Tố Như nghe thấy thì ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi gì, chỉ nhìn tôi một lát rồi lại nhìn ra bên ngoài. Đến khi qua khỏi cổng phủ Tràng An, Tố Như và tiểu đồng của cậu ta mới xuống xe.
- Chị hãy bảo trọng. – Tố Như vai mang túi vải nhỏ đứng bên đường nói với tôi qua ô cửa sổ.
Tôi gật đầu:
- Tố Như, cậu cũng vậy.
Tố Như cười, quay người đi ra con đường nhỏ. Lần trước tôi nói sẽ không đến tìm Tố Như, sẽ không làm phiền cuộc sống của cậu, nhưng tôi lại may mắn tình cờ gặp lại cậu. Liệu tôi có may mắn thêm một lần như thế này nữa không? Tôi nhìn bóng dáng gầy gầy của Tố Như đi trên đường, trong lòng xốn xang. Tôi hít vào một hơi thật sâu, hét lớn:
- Tố Như.
Tố Như đứng sững lại, quay đầu nhìn tôi. Nếu tôi nhớ không lầm thì Tố Như vì bệnh dịch mà qua đời. Tôi bắc tay nói lớn:
- Cậu nhất định phải giữ gìn sức khỏe. Không được ăn uống lung tung, còn nữa, đừng tùy tiện đứng gần những người bệnh.
Những người đi đường cũng đứng lại nhìn tôi. Tố Như mặt biến đổi không ngừng, lúc đầu là ngạc nhiên, sau là ngại ngùng vì bị người khác nhìn soi mói. Mặt cậu ta đỏ lên, nhìn tôi rồi quay lưng đi thẳng. Tôi thấy bóng cậu đi khuất liền nói với gã hầu đánh xe ngựa:
- Vào thành Tràng An.
Xe ngựa rung lắc, rất nhanh đã đến cổng thành Tràng An. Chúng tôi thuận lợi đi qua các lính gác hai bên cổng để vào thành. Thành Tràng An không hổ danh là cố đô Hoa Lư ngày xưa, nhà cửa và quán xá tuy không san sát, nhộn nhịp như ở thành Thăng Long nhưng vẫn mang nét phồn thịnh và thanh nhã. Nhìn những người đi lại trên phố, tôi bỗng nhớ đến đến câu ca dao:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Tôi nói gã hầu đánh xe ngựa đến bến sông Tràng An, tới nơi, tôi xuống xe. Dưới kia là con sông Sào Khê tôi từng ngồi xuồng ở thời hiện đại, nhưng bến sông này chỉ là bến sông thông thường, nơi mà các thuyền đi lại trên sông cập bến, tất nhiên là không hề mang tính chất du lịch. Liệu có phải là cùng một bến sông hay không?
Tôi đi bộ dọc theo con sông, được một đoạn ngắn thì thấy có lối xuống sông, có lẽ là lối xuống giặt giũ hay lấy nước của người dân nơi đây. Tôi đi xuôi theo triền đê, đứng lên một tảng đá nhìn ra mặt nước sông xanh biêng biếc ngoài kia. Gió từ sông thổi vào mang theo khí lạnh, tôi hít vào một ngụm, tỉnh táo hơn bao giờ hết. Dù tôi muốn trở về nhưng Trịnh Khải đang gặp nạn, tôi không nỡ để anh cô đơn một mình. Hơn nữa, việc tôi chìm xuống làn nước lạnh dưới kia cũng chưa chắc sẽ mang tôi trở về hiện đại.
Đứng trầm ngâm một hồi, tôi nhìn xuống mới thấy bên giày của mình dính một mảng đất lớn. Tụt xuống khỏi tảng đá, tôi đi xuôi theo đường mòn đến gần sông để rửa chân. Lúc này tôi chỉ đứng một chân, chân kia đang co lên để rửa giày thì một tiếng hét lớn vang đến:
- Tiểu thư.
Tôi quay người ra sau để nhìn bóng người đang lao đến nhưng vì đứng trụ có một chân nên mất thăng bằng.
Bủm.Cả người tôi rơi tõm xuống sông. Nước sông cuối thu lạnh cóng khiến chân tay tôi nhanh chóng bị tê liệt. Tôi bì bõm cố gắng đứng dậy vì
nơi tôi ngã xuống nước khá nông. Rất nhanh, một bàn tay cứng ngắc đỡ lấy tôi, kéo thẳng lên bờ.
Tôi lạnh run người nhìn tên thủ phạm khiến tôi rớt xuống sông kia. Hắn ta chính là gã hầu đánh xe ngựa của tôi. Tôi trừng mắt tức giận:
- Ngươi làm gì vậy?
- Tiểu thư, ban nãy tôi tưởng người muốn nhảy sông nên mới la lớn khiến người giật mình. Là tại công tử dặn dò, à là tại tôi sợ… – Anh ta cúi đầu nói lắp bắp nhưng tôi vẫn nghe không sót một từ.
Công tử? Là Đình Duệ sao? Nhưng là dặn dò điều gì? Không. Không thể là Đình Duệ, anh không cần phải cử người canh chừng tôi. Tôi trừng mắt nhìn anh ta:
- Công tử ngươi vừa nói đến là ai?
Anh ta bất ngờ, lại có chút lúng túng đáp:
- Là công tử Đình Duệ.
Tôi hừ một tiếng, lặp lại câu hỏi:
- Công tử ngươi vừa nói đến là ai?
Anh ta cúi gằm mặt không trả lời. Tôi hít vào một hơi thật sâu, vì lạnh mà răng đã va vào nhau lập cập, tôi cố gắng nói rõ ràng, có ý đe dọa:
- Ngươi không nói vậy trở về ta sẽ giao ngươi cho cha ta, ta sẽ nói ngươi là gián điệp, xem cha ta tra khảo ngươi có ra hay không.
Anh ta ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn tôi, sau bối rối mà trả lời:
- Tiểu thư, tôi không phải nội gián, tôi chỉ được công tử cử đến để bảo vệ người.
Tôi bỗng nhiên nhớ ra, anh ta bắt đầu đánh xe ngựa và theo tôi từ sau khi tôi chia tay với Trịnh Khải. Lúc đó tôi cũng không thắc mắc, chỉ nghĩ là người hầu trong phủ nhiều, phân công nhau đánh xe ngựa cũng là bình thường. Tôi run rẩy:
- Là vương tử?
- Dạ. – Anh ta cúi đầu nói nhỏ.
Tôi thở mạnh, cả người vì lạnh mà run lẩy bẩy. Anh ta đỡ tôi lên trên bờ đê, lại đỡ tôi vào trong xe ngựa. Trong xe ngựa tuy ấm áp hơn nhưng áo quần và tóc tôi ướt nhẹp, cả người ngồi co lại trong góc. Anh ta chạy đi đâu một lát đã quay về, đưa vào cho tôi một tấm khăn và một bộ áo quần.
- Tiểu thư, cái này tôi mua của một người dưới bến nước. Áo quần đơn sơ nhưng người nên thay vào để tránh cảm lạnh.
Tôi gật đầu, đưa tay cầm lấy. Anh ta còn nói thêm:
- Tiểu thư cứ thay đồ trong xe, tôi sẽ ra ngoài canh gác. – Anh ta nói xong thì bỏ đi cách xe ngựa khoảng mười bước chân, đứng quay lưng với tôi.
Tôi ở trong xe ngựa nhanh chóng cởi bỏ đồ ướt, mặc áo váy khô vào, dùng tấm khăn khô lau tóc ướt. Sau khi thấy tạm ổn, tôi mới chui đầu ra cửa sổ của xe ngựa gọi anh ta quay về. Tôi ngồi trong xe lên tiếng:
- Ngươi tên gì?
- Thưa, tôi tên Hải. – Anh ta ngồi ở trước xe đáp lại.
- Họ tên đầy đủ? Nhà ở đâu? – Tôi thấy mình cần phải điều tra anh ta hơn một chút.
- Thưa, tên đầy đủ của tôi là Trần Văn Hải. Nhà tôi ở phủ Ứng Thiên, ngay cạnh kinh thành Thăng Long. – Anh ta thành thật khai báo.
Cứ thế, tôi hỏi một câu, anh ta trả lời một câu. Rốt cuộc tôi cũng biết được tại sao anh ta lại đi làm người hầu đánh xe ngựa cho tôi.
- Mọi chuyện của ta, ngươi đều báo cáo với công tử?
Anh ta không trả lời. Hừ, không nói tôi cũng tự đoán ra được. Ra là tôi đã bị theo dõi lâu nay. Trong lòng tôi dâng lên một cảm giác hỗn loạn, có chút ấm áp lại có chút chua xót.
Đến đầu giờ chiều tôi về đến Thăng Long, những người hầu trong phủ bị bộ dạng tóc tai xác xơ, áo quần nâu cũ kỹ của tôi làm cho hoảng sợ. Tôi về phòng, sai người nấu nước nóng, tắm xong thì leo lên giường trùm kín mềm bông lại. Tôi nằm trong chăn ấm, rên hừ hừ vì lạnh, lần này không khéo lại đổ bệnh mất. Một người hầu bưng cơm nước và trà gừng vào trong phòng cho tôi, tiện thể nói luôn là mẹ cả đã đi ra ngoài từ trưa.
- May mà phu nhân không bắt gặp tiểu thư trong bộ dạng thê thảm ban nãy, nếu không người lại bị cấm túc cho coi. Tiểu thư yên tâm, chúng tôi không ai mách lại đâu, phu nhân chắc chắn sẽ không biết chuyện. – Cô ta nói xong mỉm cười rồi đi ra ngoài.
Tôi cuộn chặt mềm quanh người, ngồi nhìn mâm cơm trên bàn ngây ngô rồi cười thầm, không nghĩ đến là những người hầu trong phủ sẽ bao che chuyện xấu cho tôi. Nhích người đang cuộn chặt mền đến bàn, tôi ngồi uống từng muỗng canh nóng, ấm cả bụng.
Ăn uống xong xuôi, người hầu cũng vào dọn dẹp sạch sẽ, tôi lại nhích người trở lại giường. Tôi trùm kín mền che cả đầu chỉ chừa cái mặt ra ngoài.
Trịnh Khải, ra là anh lo lắng tính cách “không chịu ngồi yên” của tôi sẽ có một ngày gây họa nên mới sai Hải đến, vừa đánh xe ngựa vừa bảo vệ tôi. Tôi bĩu môi, rõ ràng bản thân mình lo chưa xong đã đi lo cho người khác. Nằm thẳng người ra giường, mắt nhìn xà ngang nhà mà tôi không khỏi thở dài. Tôi chưa tìm được cách để có thể gặp được Trịnh Khải. Tôi cũng chưa hỏi rõ Đình Duệ về Nguyễn Hữu Chỉnh. Kể từ khi trở về thời này, đây là lần thứ n tôi ước mình học hành môn sử cẩn thận khi còn ở thời hiện đại. Nếu vậy có lẽ tôi đã không phải rối rắm mù mịt như lúc này.
Bạn đang đọc truyện trên: Webtruyen.com