*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.(Ảnh: Internet)
Thời gian đầu mới ra quân cũng không tệ, nhờ có mạng xã hội mà số lượng bánh mì từ đếm trên đầu ngón tay giờ đã tăng tới mức ba con số. Đó là động lực giúp tôi không ngừng sáng tạo hơn nữa cho sản phẩm của mình. Lúc đầu tôi chỉ bán bánh mì truyền thống là thịt quay và trứng. Sau này tôi cho ra bánh mì thịt gà salad (xà lách trộn dầu giấm), bánh mì thịt quay đậu phộng, bánh mì thịt bò bằm theo kiểu sốt spaghetti (món mì ống của Ý) và còn một loại bánh mì đặc biệt là “bánh mì trộn” mà tôi gọi bằng “Mix Bread.” Chỉ cần trộn hết thịt bò, thịt gà, thịt lợn quay lại kết hợp bí quyết tỏi phi ba nắng và cơm dừa rang vàng rắc thêm vào bánh, vị ngọt hăng của tỏi cùng với thơm béo của dừa khiến cho bất cứ ai đều không thể chối từ.
Nhưng hôm nay là thứ sáu ngày mười ba, cái ngày quái quỷ này rơi vào mười sáu âm lịch. Thật trùng hợp, tôi nghỉ bán. Chỉ đơn giản là nghỉ ngơi mà thôi. Xem ra cũng chẳng có gì đặc biệt, tôi vẫn ngồi đây rảnh rỗi, suy nghĩ về cái một cái Tết nữa sắp đến. “Ôi trời! Đã mười sáu âm lịch rồi còn gì, mười bốn ngày nữa thôi, sẽ nhanh lắm đây”. Năm nay tháng đủ, có ngày ba mươi. Chán! Ba mươi hay không ba mươi tôi cũng thấy vô vị. Ngày trước tôi cực thích ba mươi Tết, lúc đó còn ngoại, bà sẽ mong cho tháng cuối năm có thêm ngày, một ngày ba mươi Tết. Nếu là vậy, bà sẽ có đủ thời gian kịp sửa soạn mọi thứ chuẩn bị đón năm mới và tôi sẽ có thêm một ngày nữa để lười biếng, than vãn. Còn năm nay có nhiều thời gian đi chăng nữa cũng để làm gì? Để cho ai? Không có bà, năm nay có ba mươi Tết cũng không còn ý nghĩ gì.
Tự nhiên tôi lại thấy nhớ, nhớ về đêm ba mươi xa xôi lúc bà còn sống - cái đêm Trừ Tịch ấy, bà gói bánh Tét (một loại bánh được làm vào dịp Tết Nguyên Đán ở miền Nam Việt Nam), cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên. Lúc nào cũng vậy, không bao giờ tôi chịu ngồi xuống ăn cơm với gia đình. Bà gọi tôi tận năm bảy lần tôi vẫn không để ý, chỉ lo cầm “dế” yêu lướt web, vậy mà tôi đã bỏ lỡ bữa cơm, bỏ lỡ cả một đời sự ấm áp của gia đình. Không tìm thấy nữa, mãi mãi cũng không thể nào tìm thấy nữa. Và nếu, nếu như thời gian quay lại tôi thề sẽ không bao giờ vô tâm như thế, ngoại của tôi!
Không nghĩ nữa, tôi cầm điện thoại lên, chạm tay mở màn hình thì thông báo tự động đổ liên hồi. Mục tin nhắn trên facebook đỏ chót tới gần mấy chục tin, hầu như toàn bộ đều là ý kiến phản hồi về chất lượng bánh mì. Cuối cùng những nổ lực của tôi cũng đã có hồi đáp.
Trả lời qua một lượt, định tắt máy vô tình ánh mắt lướt qua một tin nhắn kỳ quái từ một tài khoản lạ. Tôi đưa tay chạm vào tin nhắn, màn hình hiện ra vô số đoá hoa mai vàng vàng đáng yêu. Ai mà rảnh thế này? Gõ bao nhiêu đây xong ngón tay người đó cũng mỏi rã rời cho mà xem. “Chắc là fall in love with my Mix Bread rồi!”, trong lòng thầm hân hoan, tôi thầm nghĩ. Theo thói quen tôi liếc qua tên tài khoản của người này, lập tức tôi bật cười ha hả:
- “Anh Hai Miền Tây” sao?
Thời buổi này đúng là thú vị, tên tiếng Anh tiếng o gì đấy không hợp thời nữa rồi. Bây giờ tên càng quê mùa thì càng ấn tượng, càng thuần Việt chừng nào thì càng đẹp chừng ấy. “Anh Hai Miền Tây”, ngày nào cái tên này cũng lảng vảng trong danh sách thông báo. Tôi cũng nên lịch sự chút, biết đâu đây là fan (người hâm mộ) ruột của bánh mì Mix Bread sau này. Định gõ vài dòng trả lời nhưng lại tò mò, tôi vào ảnh xem trước để biết người này mình có quen hay không. Ai ngờ là Văn Hiền, trưởng ấp Trường Tấn quê tôi.
- Hai tài khoản, ba tài khoản. Văn Hiền này thật rảnh quá!
Tôi lầm bầm mắng trong lúc chầm chậm gõ tiếp trả lời: “Anh là Văn Hiền trưởng ấp Trường Tấn mình chứ ai, còn ở đó giả vờ!” Viết xong tay tôi chạm vào nút gửi, môi bất giác cong lên cười. Chưa kịp tắt điện thoại thì tin nhắn
lại đến, là Văn Hiền trả lời. Tôi thầm than: “Cái gì mày trả lời tin nhắn nhanh như robot vậy? Cứ y như là auto (tự động), đã cài sẵn chức năng trả lời không bằng.” Tôi mở tin nhắn ra thì giật mình một cái la lên:
- Trời, gửi ảnh nữa!
Văn Hiền gửi tôi tận bốn bức ảnh. Ba bức là ảnh chỗ tôi bán bánh mì, có một bức tình cờ lọt vào khung ảnh ông lão Phật Di Lặc đang sửa chậu hoa mai hôm trước ông vặt lá và một vài cái ghế con xinh xắn ở gian hàng của chị bán bánh ướt. Còn bức cuối cùng là Văn Hiền. Trong ảnh Văn Hiền trẻ hơn tuổi thật của anh rất nhiều, dân mạng hay gọi là vô cùng “lừa tình.” Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt với những đường nét mềm mại như con gái. Có điều đôi má bầu bĩnh lún đồng tiền thì hoàn toàn không hợp tí nào với cái cằm vừa nhọn vừa dài kia của anh. Văn Hiền còn vác theo cây guitar nâu, trông anh như lọt thỏm bên cây guitar to lệ khệ rất hài. Thì ra anh đang ở thành phố này, hèn gì cứ thần thần bí bí rõ ràng là muốn chọc tôi mà. Tôi gõ: “Anh lên thành phố công tác à? Khi nào về lại Trường Tấn, có dịp anh em mình gặp nhau nhé. Em cũng cám ơn anh quan tâm em, có điều hôm nay em nghỉ, mai mới bán”.
Văn Hiền lại nhanh như cắt gửi cho tôi: “Anh lên để coi sóc cửa hàng nhạc cụ xem tụi nhân viên có sao nhãng không ấy mà, rồi ít hôm về lại. Nghe bác Thiên nói em tập tành buôn bán trên này nên anh với thằng Khôi sẵn tiện ghé qua thăm em, định cho em bất ngờ ai dè bữa nay em không ra bán, vậy thì để hôm khác. Anh vừa tốt nghiệp xong khoá đàn guitar muốn khoe em, lại còn mang theo đàn đây này, định bụng đệm cho em hát bài ‘Có một cô nương.’ Hôm trước anh thấy em đăng trên trang web nghe nhạc làm nghiện luôn. Em hát hay thật, cứ như là ca sĩ ấy!”
Đọc xong mấy lời có cánh đó của Văn Hiền, miệng tôi cười hết cỡ chỉ còn thiếu là nhảy cẫng lên mà la om sòm: “Cám ơn Văn Hiền! Cám ơn ngàn vạn lần!” Dù là anh khen xã giao hay là thực sự mến mộ giọng hát của tôi đi nữa thì tôi cũng cảm thấy tâm trạng vui vô cùng. Bao giờ bồ câu đưa tin tốt cũng cần phải được đền đáp xứng đáng. Tôi nghĩ vậy liền trả lời: “Cám ơn anh! Vì lời khen này anh sẽ được miễn phí mười ổ bánh mì Mix Bread đặc biệt! Anh có thể tới bất kỳ lúc nào, cái xe bánh mì nhỏ của em luôn hoan nghênh anh!”
Văn Hiền lập tức trả lời: “Vậy thì còn gì bằng. Nhưng mà anh khen em không phải vì ổ bánh mì Mix Bread kia đâu nhe! Là vì anh thật sự thích giọng hát của em. Thôi vậy đi, em đợi anh tí, anh sẽ đàn cho em nghe ngay bây giờ luôn!”
Văn Hiền anh nói là làm, năm phút sau anh gửi video qua còn kèm theo vài dòng ở tiêu đề: “Em gái à! Anh nhất định sẽ tới. Nhưng em phải chắc là miễn phí đấy. Nếu vậy thì anh có quà cho em đây này. Em nghe đi, anh đã cố tình sửa một chút. Em nghe xong nhất định phải khen đó. Chào em! Khi khác gặp nhé, Mai Cô”.
Tôi mở đoạn video Văn Hiền gửi lên. Thì vô cùng bất ngờ. Anh không hát theo lối dễ thương, nhí nhảnh như Vicky Zhao hay chậm rãi, sâu lắng như Lý Vinh Hạo mà là một chất riêng, tôi tạm gọi là “rất Văn Hiền.” Tôi vô tình nhận ra được đằng sau từng lời hát từng nốt nhạc của anh là sự chân thành được đong thật đầy. Tôi không biết con người Văn Hiền tốt xấu như thế nào, cũng không muốn biết. Chỉ cần vui vẻ, cởi mở, không khách sáo, e dè hoặc cố gồng để làm ra bộ mặt giả tạo, lịch thiệp bên ngoài và điều quan trọng là anh không bao giờ dung tục. Thế đó, mà phần đông giới trẻ bây giờ đã thật sự quên mất nó. Cám ơn anh, Văn Hiền!