KẺ PHONG LƯU ĐỆ NHẤT HOÀNG THÀNH
Tiếng pháo đì đùng vang vọng cả con phố Đông Hoa.
Đông Hoa là con phố đậm chất thư hương nhất hoàng thành, hai bên dãy phố không phải là thư viện (1) thì cũng là cầm quán, không phải cửa hàng bày bán bút nghiên thì cũng là sạp bán mực vẽ các loại, đến cả tửu lâu khách điếm cũng tụ tập cơ man là tài tử giai nhân luôn miệng ngâm thơ đối chữ.
(1) Thư viện là một hình thức tổ chức giáo dục ở địa phương, xuất hiện vào thời Đường, phát triển ở thời Tống, lúc đầu chỉ do người dân tự thành lập, sau có sự tham gia của triều đình.
Một ngày nọ, trước cửa căn nhà lớn nằm ở vị trí đắc địa nhất con phố Đông Hoa bỗng trở nên huyên náo, thì ra có một cửa hiệu mới được khai trương.
Tam cô lục bà (2) ở các con phố xung quanh cũng chạy đến góp vui, trong nhà ngoài cửa đều chật cứng người, trên lầu hai tửu lâu đối diện cũng đông nghịt, tiểu nhị cả kinh lấy gậy trúc chống cửa sổ, chỉ sợ lát nữa đông người quá nó sẽ rơi xuống mất.
(2) Tam cô lục bà: Tam cô gồm ni cô (nữ xuất gia theo đạo Phật), đạo cô (nữ xuất gia theo đạo Giáo), quái cô (bà bói); lục bà gồm nha bà (mẹ mìn), môi bà (bà mai), sư bà (bà đồng, bà cúng), kiền bà (tú bà), dược bà (bà lang), ổn bà (bà đỡ, bà mụ). Ngày nay, cụm từ “tam cô lục bà” thường được dùng để chỉ những phụ nữ làm nghề bất chính, chuyên đi lừa đảo người khác.
Có chuyện gì mà náo nhiệt đến vậy?
Lại nhìn vào trong đám đông, sẽ thấy một vị nam tử áo trắng sao mà anh tuấn, sao mà phong lưu đứng trước cửa căn nhà cổ khí phái, đang chắp tay hành lễ một lượt với những người láng giềng xung quanh, gây ra những tràng thét chói tai ầm ĩ.
Đám cô nương chen chúc trên lầu hai luôn miệng thét lớn: “Bạch Hiểu Phong!”.
Mấy nam tử bên cạnh châm biếm nói: “Chẳng phải cũng chỉ thế thôi sao? Làm gì đẹp trai đến mức ấy…”.
Lời vừa bay ra khỏi miệng, mấy nam tử lập tức hứng đầy ánh mắt đằng đằng sát khí từ tứ phía phóng tới, các cô nương đồng loạt hét lên: “Đẹp hơn ngươi nhiều! Không thích xem thì cút! Đừng có ở đây chiếm chỗ người khác!”.
Vẫn có câu “hảo nam bất đấu nữ”, mấy thư sinh kia cũng đành cắp đít bỏ đi.
Nói ra thì Bạch Hiểu Phong này không chỉ là kẻ phong lưu đệ nhất hoàng thành, mà giai thoại xoay quanh hắn còn có vô khối.
Trước tiên phải kể đến hắn là hậu bối danh môn, phụ thân hắn - Tể tướng Bạch Mộc Thiên - đã quy ẩn nhưng có đến phân nửa số quan viên đương triều là môn sinh của ông.
Thứ nữa, bản thân Bạch Hiểu Phong lại là quan Trạng nguyên, được mệnh danh Đệ nhất tài tử đương triều.
Theo lẽ thường, một người chỉ cần vừa có tiền, vừa có tài là đã được coi là “con cưng” của giời khiến người người ngưỡng mộ. Vậy mà, ông trời còn độc sủng hắn, tặng cho hắn khuôn mặt đẹp trai đệ nhất hoàng thành, thậm chí là đệ nhất thiên hạ! Đã vậy, tính cách Bạch Hiểu Phong trời sinh ôn văn nho nhã, hiền hậu dễ gần, nhất cử nhất động đều toát lên vẻ tiêu dao lịch lãm, khẽ mỉm cười cũng có thể làm chúng sinh mê đắm. Chẳng thế mà từ bé gái mới lên tám cho đến bà lão tám mươi trong ngoài hoàng thành đều cuồng si thần tượng hắn, có thể nói là nhất hô bá ứng.
Bạch Hiểu Phong hiện là nam thần trong lòng nữ nhân, nhưng lại là suy thần trong lòng nam nhân, đúng là độc nhất vô nhị. Vì thế mà những chuyện thường nhật, đặc biệt là những chuyện liên quan đến phong hoa tuyết nguyệt hay tiêu chuẩn chọn “nửa kia” của Bạch Hiểu Phong đều trở thành đề tài bàn luận rất xôm ở thành trấn.
Sở dĩ bữa nay náo nhiệt như vậy là bởi Bạch Hiểu Phong, nhân vật vốn nức tiếng chẳng hề hứng thú với quan trường này lại đột nhiên nổi hứng cho xây dựng “Thư viện Hiểu Phong” ở phố Đông Hoa. Bữa nay là ngày đầu dựng biển khai viện, nghe đâu chỉ chiêu sinh mười nam mười nữ, tiêu chuẩn nhập học cực cao, học phí cũng cực đắt.
Bạch Hiểu Phong còn đích thân đứng lớp, nghe đâu số người nhập học đã được xác định phân nửa rồi, nếu không phải hoàng thân quốc thích thì cũng là con cái của những gia đình đại phú quý, giờ tuy còn chừa lại mấy suất nhưng thi vào được cũng trầy trật vì yêu cầu quá cao!
Bạch Hiểu Phong có yêu cầu rất cao với môn sinh, cho nên đâu phải cứ có tiền là vào được, người muốn vào học nhất định phải thật xuất sắc.
Một tràng pháo giòn giã kết thúc, nghi thức khai viện đơn giản cũng gần đến hồi kết, Bạch Hiểu Phong giơ cánh tay lên, trước sự trông ngóng của bách tính hoàng thành, tay áo trắng tinh với chất vải tuyệt đẹp nhẹ nhàng bay bay theo gió đúng như mong đợi của quần chúng, làm lộ ra phần cổ tay trắng muốt, một tràng hò hét chói tai lại theo đó mà vang lên.
Năm ngón tay thon dài của Bạch Hiểu Phong nhẹ nhàng kéo mảnh lụa đỏ mềm mại thượng hạng phủ trên tấm biển xuống, bốn chữ “Thư viện Hiểu Phong” hiện ra, nét chữ như rồng bay phượng múa, rắn rỏi hữu lực này do đích thân Hoàng thượng ngự bút, sáng sớm nay đã sai người mang tới, đúng là có tả sao cũng không hết phần khí phái.
Bạch Hiểu Phong đưa mảnh lụa cho tùy tùng, sau đó ưu nhã chỉnh lại ống tay áo một chút, đáp lại đám đông bằng nụ cười ôn hòa, rồi xoay người, bước vào thư viện, chỉ vương lại bóng lưng toàn mỹ cùng mùi hương nhàn nhạt theo cơn gió thoảng và tiếng hò hét chói tai của đám người vây quanh.
Trong hoàng cung.
Buổi triều vốn đã tan lâu lắm rồi, nhưng văn võ bá quan không ai chịu rời đi, vẫn tụ tập ở kim điện, ai đánh cờ cứ đánh, ai chuyện phiếm cứ chuyện, nhưng chốc chốc họ lại cùng làm một động tác y chang nhau - đánh mắt nhìn ra ngoài cửa.
Đương kim Thánh thượng dựa người vào ghế rồng, ngáp ngắn ngáp dài hỏi tiểu thái giám bên cạnh: “Tử Khiêm vẫn chưa tới à?”.
Tiểu thái giám kiễng chân ngó ra cửa cung, thấy thấp thoáng một bóng người từ xa đang hớt hơ hớt hải chạy lại, vội vàng chỉ ra ngoài nói: “Trình đại nhân tới rồi!”.
Đám quần thần bên dưới vốn đang uể oải lập tức trở nên phấn chấn, đồng loạt ngẩng đầu ngó ra ngoài cửa.
Trên thềm đá hoa trắng tinh trải dài bên ngoài kim điện, một viên quan trẻ tuổi khoác trên người bộ quan phục màu đỏ tía đang chạy lại, một tay ôm tập tư liệu, một tay cầm mũ quan, nhìn vô cùng thú vị.
Vị này là sử quan hoàng triều, mới hơn hai mươi tuổi, mặt trắng nõn trắng nà, tư văn nhã nhặn, tên gọi Trình Tử Khiêm. Trình Tử Khiêm chữ viết rất đẹp, tham dự khoa thi cùng Bạch Hiểu Phong, năm đó bài thi của hắn cũng khá xuất sắc, Hoàng thượng đánh giá rất cao khả năng viết chữ nhanh như gió và tính cẩn trọng tỉ mỉ của hắn nên để hắn làm sử quan.
Bạch Hiểu Phong sau khi mở trường đã mời Trình Tử Khiêm đến dạy môn Thư pháp. Đương nhiên, Trình Tử Khiêm vui vẻ nhận lời. Ấy vậy mà giữa chừng hắn lại bị Hoàng thượng triệu đến, giao cho nhiệm vụ “nằm vùng” ở thư viện Hiểu Phong, ghi chép những chuyện lý thú ở đó, rồi quay về bẩm báo bất cứ lúc nào.
“Khởi bẩm Hoàng thượng…”. Trình Tử Khiêm lao vào kim điện, được khoảng một trượng thì vội dừng bước, chỉnh lại mũ quan định hành lễ.
Hoàng đế lập tức xua tay: “Miễn lễ miễn lễ, sao rồi?”.
Trình Tử Khiêm lật xấp giấy ghi chép dày cộp đang cầm trong tay, hồi bẩm: “Đến nay có chín người nhập học, bốn nam năm nữ; mặt khác, thí sinh dự thi có đến ba ngàn nữ, chọn năm; hơn hai ngàn nam, chọn sáu”.
“Nhiều như vậy sao?”. Hoàng thượng đưa tay sờ cằm, hỏi tiếp: “Vậy, năm nữ sinh nhập học gồm những ai? Có Nguyệt Nhữ và Yên Nhi nhà ta không?”.
“Bẩm, có”. Trình Tử Khiêm gật đầu: “Tam công chúa Đường Nguyệt Nhữ cùng Thất công chúa Đường Nguyệt Yên đều nằm trong danh sách môn sinh được nhận”.
Hai vị Đường Nguyệt Nhữ và Đường Nguyệt Yên này đều là công chúa đương triều. Tam công chúa Đường Nguyệt Nhữ không phải là con gái ruột của Hoàng đế, mà là cháu gái của ngài.
Hoàng vị bản triều không phải là cha truyền con nối, mà là huynh truyền đệ nối. Tiên hoàng sớm băng hà, giao phó đứa con gái mồ côi cho Hoàng đệ, cũng chính là đương kim Thánh thượng chăm sóc.
Tình cảm giữa Hoàng thượng và huynh trưởng của mình rất sâu đậm, ngài trước giờ đều coi Đường Nguyệt Nhữ như con, yêu quý, nâng niu như cất giữ minh châu.
Đường Nguyệt Nhữ tinh thông cầm kỳ thư họa, có sắc đẹp trời sinh, được người đời xưng tụng là Băng mỹ nhân, tính cách thì không chê vào đâu được. Nếu cố bới bèo ra bọ thì chỉ có thể kể đến tuổi tác hơi lớn, năm nay hai mươi lăm tuổi, mười năm đem lòng thầm thương trộm nhớ Bạch Hiểu Phong.
Đường Nguyệt Yên là vị công chúa nhỏ tuổi nhất do Hoàng đế thân sinh nên rất được cưng chiều. Năm nay nàng vừa tròn mười tám, đương thì xuân sắc; là con của Lệ quý phi vô cùng xinh đẹp được Hoàng thượng sủng ái nhất, có thế lực nhất hậu cung; nàng vừa xinh đẹp dễ thương, lại lanh lợi đáng yêu; hơn nữa, trong sáu người con của Hoàng thượng thì có đến năm vị hoàng tử, duy chỉ Đường Nguyệt Yên là công chúa, nên nàng càng được Hoàng thượng hết mực cưng chiều.
Trên danh nghĩa, Đường Nguyệt Yên và Đường Nguyệt Nhữ là tỷ muội ruột thịt, nhưng thực tế chỉ là tỷ muội họ mà thôi, hơn nữa, quan hệ giữa hai người cũng không tốt đẹp lắm, bởi họ cùng thích Bạch Hiểu Phong, tranh giành ghen tuông là điều khó tránh khỏi.
“Hoàng thượng đứng về phía ai ạ?”, Tả thừa tướng hỏi.
“Ừm…”. Hoàng thượng có chút khó nghĩ: “Lòng bàn tay hay mu bàn tay thì cũng đều là thịt”. Nói đoạn, ngài hỏi Trình Tử Khiêm: “Ba người còn lại là những ai?”.
“Hồi bẩm Hoàng thượng, một trong số đó chính là Bạch Hiểu Nguyệt, tiểu muội của Bạch Hiểu Phong, nên có thể trừ ra”.
“Ồ…”. Văn võ trong triều cùng gật đầu, mắt người nào người nấy đều sáng rực lên: “Phải chăng chính là đại mỹ nhân Bạch Hiểu Nguyệt?”.
Trình Tử Khiêm cười khan: “Đúng vậy, đúng vậy!”.
“Ôi ôi, vị đại mỹ nhân Bạch Hiểu Nguyệt này bình thường rất ít khi bước chân ra khỏi cửa, sao lần này cũng vào trường góp mặt chứ?”. Quần thần vừa không ngớt miệng hỏi, vừa cử thuộc hạ khẩn trương về nhà xem con trai mình có ghi danh ứng thí hay không.
Trình Tử Khiêm nhìn trời: “Hơn hai ngàn nam sinh kia chắc hẳn đều vì Bạch Hiểu Nguyệt mà ghi danh ứng thí, nhưng người vào được trường thì có mấy ai; mà vị Bạch Hiểu Nguyệt này ta có quen biết, còn kỹ tính hơn cả Bạch Hiểu Phong, tính tình cũng rất kỳ quái”.
“Khoan đã!”. Hoàng thượng chợt nhớ ra chuyện gì đó: “Con trai ta, Tinh Trị, cũng vào thư viện rồi đúng không?”.
Trình Tử Khiêm lại lật giở tập ghi chép, nói: “Lục hoàng tử cũng vào rồi”.
Hoàng thượng vân vê chòm râu, khẽ cau mày: “Khoan hãy nói đến đám nam sinh, ngoài Bạch Hiểu Nguyệt ra thì hai cô nương còn lại là những ai?”.
“Một là Nguyên Bảo Bảo”. Trình Tử Khiêm trả lời.
Chúng thần đều ngớ người, đồng thanh hỏi: “Nguyên Bảo Bảo là ai?”.
“À, nàng ấy là con gái duy nhất của Nguyên Kha, Bố vương (3) Giang Nam. Nguyên Kha là…”.
(3) Bố vương: vua vải vóc.
Chưa đợi Trình Tử Khiêm nói hết, Hoàng thượng đã không nhịn được bĩu môi: “Cái tên Nguyên Kha tự xưng là nhiều tiền lắm bạc hơn cả Trẫm ấy sao, thì ra là hắn”.
“Vì đến học ở thư viện Hiểu Phong mà Nguyên Bảo Bảo mua cả một ngôi nhà lớn trên phố Đông Hoa, quả là xa xỉ”. Trình Tử Khiêm lật xem số liệu hắn điều tra được: “Nghe nói ngôi nhà lớn kia có giá mười mấy vạn lượng vàng”.
Hoàng thượng ấn tay lên mí mắt đang giật: “Tên Nguyên Kha đó có giỏi thì cứ mua cả hoàng cung đi, người còn lại?”.
“Người còn lại tên là Hạ Mẫn”. Trình Tử Khiêm trả lời: “Vị đại tài nữ đó”.
“Là con gái của Hạ Y Chí đúng không?”. Văn võ trong triều ai mà chẳng biết Hạ Y Chí là một đại văn hào, con gái hắn - Hạ Mẫn - học thức một bồ, kỳ thi năm trước triều đình còn phá lệ cho nàng tham gia, không ngờ nàng đậu Trạng nguyên, tài giỏi hơn đám nam nhân bội phần, thật không hổ danh là Đệ nhất nữ tài tử thiên triều.
“Người này có vẻ xứng đôi vừa lứa với Bạch Hiểu Phong đấy”. Hoàng thượng sờ cằm: “Ngươi xem, Đệ nhất tài tử rất xứng với Đệ nhất tài nữ”.
“Nhưng nghe nói ngoại hình Hạ Mẫn không được ưa nhìn cho lắm”.
“Vậy sao…”.
Lúc này, một tiểu thái giám cầm theo tờ giấy chạy vào: “Hoàng thượng, các nương nương ở hậu cung đã chọn xong rồi”.
“Để ta xem”. Hoàng thượng cầm tờ giấy Tuyên (4) có viết đầy chữ “chính”, nghiền ngẫm một hồi: “Ồ? Ủng hộ Nguyệt Yên nhiều hơn Nguyệt Nhữ sao?”.
(4) Giấy Tuyên nổi tiếng là “giấy thọ ngàn năm”, một loại giấy vô cùng trân quý. Vì được sản xuất ở vùng Tuyên thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc nên được gọi là giấy Tuyên. Giấy Tuyên được làm từ vỏ cây thanh đàn và rơm rạ tạo thành một loại giấy rất quý, mặt giấy mềm nhẵn, chất giấy mềm mại và dẻo dai, thấm mực đều đặn, phù hợp với thư pháp và hội họa Trung Quốc.
“Dạ bẩm, Lệ quý phi và Hoàng hậu nương nương đều ủng hộ Nguyệt Yên công chúa”. Tiểu thái giám nhỏ giọng: “Chỉ có Vương quý phi là ủng hộ Tam công chúa thôi ạ”.
Hoàng thượng sờ cằm, suy cho cùng Nguyệt Nhữ công chúa cũng không phải con ruột của Hoàng thượng, mấy phi tần kia có tính toán thân sơ. Lệ quý phi và Hoàng hậu nương nương là chị em ruột, hai người đều ủng hộ Nguyệt Yên thì căn bản là cả hậu cung đều chọn Nguyệt Yên rồi! Nghĩ xong, Hoàng thượng liền cầm bút chu sa trên bàn rồi đánh dấu vào sau tên của Đường Nguyệt Nhữ: “Trẫm chọn Nguyệt Nhữ!”.
Quần thần lại bắt đầu xì xào bàn tán, Trình Tử Khiêm nhanh tay ghi chép lại - Tin tức mới nhất, Hoàng thượng chọn Tam công chúa, Đường Nguyệt Nhữ có chỗ dựa vững chắc nhất!
“Phải rồi”. Hoàng thượng lại hỏi: “Ngoài Tinh Trị con ta ra, ba nam sinh còn lại là ai?”.
“Hồi bẩm Hoàng thượng, một người là tiểu vương gia Hồ Khai, con trai của Yến vương”. Trình Tử Khiêm bẩm báo: “Một người là Thạch Minh Lượng - đại tài tử Giang Nam; còn một người nữa là Cát Phạm, con trai của Thuyền vương”.
Hoàng thượng sửng sốt: “Mấy tên tiểu tử Hồ Khai, Thạch Minh Lượng và Cát Phạm này chẳng phải là những người mà Tinh Trị coi như huynh đệ sao? Sao lại chui vào đó tất vậy? Huynh đệ tốt mà lại tranh giành nữ nhân, còn ra thể thống gì nữa”.
Tiểu thái giám bên cạnh liền nhỏ giọng nói với Hoàng thượng: “Họ vào đó giúp Lục hoàng tử một tay chứ không có ý tranh giành đâu ạ!”.
“Ồ!”. Hoàng thượng nhướn mày: “Vậy chẳng phải con ta sẽ có cơ hội thắng rất lớn sao?”.
“Tình hình trước mắt quả đúng là như vậy”. Trình Tử Khiêm cất đống ghi chép đi.
Sau khi tan triều, văn võ bá quan tiếp tục mang tin tức sốt dẻo này về phủ tám chuyện, Hoàng thượng một mình trở lại thư phòng, chắp tay sau lưng đi đi lại lại.
Trong lòng Hoàng thượng hiểu rất rõ, Tinh Trị và Nguyệt Yên từ nhỏ lớn lên bên nhau, tình cảm rất gắn bó, chẳng cần hỏi cũng biết Tinh Trị nhất định sẽ giúp Nguyệt Yên “quyến rũ” Bạch Hiểu Phong, vậy Nguyệt Nhữ chẳng phải sẽ mất cơ hội sao?
Là một người cha, y tính toán thế này, dù sao thì Nguyệt Nhữ cũng lớn tuổi rồi, lại đem lòng yêu tên kia mười mấy năm như vậy, ngộ nhỡ tên kia bị ai đó “quyến rũ” mất, sợ rằng Nguyệt Nhữ sẽ đau khổ cả đời, sau này khó mở lòng với ai khác. Nếu Nguyệt Nhữ không lấy được chồng, khi quy tiên, y còn mặt mũi nào đến gặp Hoàng huynh của mình nữa? Nguyệt Yên dẫu sao vẫn còn nhỏ, sau này còn nhiều cơ hội!
Nghĩ đến đây, y khẽ động tâm, vẫy tay gọi tiểu thái giám: “Mau đến quân doanh, triệu Sách La Định vào cung cho ta”.
Tiểu thái giám sợ run người: “Đại… Đại tướng quân Sách La Định sao?”.
Hoàng đế nhướng mày: “Vẫn còn một tên Sách La Định thứ hai sao?”.
“Vâng… Vâng!”. Tiểu thái giám run rẩy chạy đi.
Nói đến Sách La Định, hắn là một nhân vật khác được dân chúng khắp hoàng thành bàn tán, nổi tiếng chẳng kém Bạch Hiểu Phong.
Đến gần quân doanh, tiểu thái giám thấy có chút khó hiểu, Hoàng triều đã hai mươi mấy năm không có chiến sự, thái bình thịnh thế, do vậy số lượng binh sĩ trong quân doanh cũng ít, họ cũng không cần luyện tập hằng ngày.
Thế nhưng, vẫn có người thường xuyên lượn quanh quân doanh, người này chính là đại tướng quân nổi tiếng nhất hoàng triều, Sách La Định.
Cũng có thể coi Sách La Định này là một truyền kỳ.
Nếu Bạch Hiểu Phong là con cưng của ông trời muốn gì có đó, thì Sách La Định lại chính là một tên thảo dân chui lên từ bùn đất, không có một thứ gì.
Sách La Định không cha không mẹ, được một người ăn mày nhặt ở bên đường về nuôi, được mấy năm thì người ăn mày đó chết, để mặc sự sống chết của hắn cho ông trời, nhờ có nhân duyên tốt nên hắn học được một thân tuyệt thế công phu, cũng khá thông minh lanh lợi nên cuối cùng hắn thi đỗ Võ trạng nguyên, trở thành đại tướng quân. Chỉ tiếc, hắn sinh không hợp thời, hoàn toàn không có đất dụng võ.
Võ nghệ của Sách La Định thực sự vô cùng lợi hại, cho nên mỗi lần xuất cung Hoàng thượng đều phái hắn làm hộ vệ, mỗi khi sứ giả nước khác đến ngỏ ý muốn tỉ thí võ nghệ, hoặc những khi con mèo của vị nương nương nào đó chạy lạc đi đâu mất,… đều vời hắn ra mặt giúp một tay. Bởi vậy hắn cũng có chút việc để làm.
Sách La Định sống tự do buông thả đã quen, ghét văn yêu võ, khí chất chẳng khác lũ thổ phỉ là bao, nên không hợp mắt quần thần.
Tiểu thái giám khó khăn lắm mới tìm được một thủ vệ, hỏi: “Sách tướng quân ở đâu?”.
Thủ vệ chỉ về hướng Tây: “Tướng quân ở trường đua”.
Tiểu thái giám suy nghĩ giây lát, lại hỏi: “Này, tâm tình của Sách tướng quân hôm nay có tốt không?”.
Thủ vệ sờ cằm, ngẩng mặt lên trời suy nghĩ: “Hôm nay ngài ấy không mắng ai, cũng chẳng đánh ai, khẩu vị lúc ăn sáng và ăn trưa có vẻ không tệ, sáng sớm lúc ra khỏi nhà xí còn nghêu ngao hát, có lẽ cũng tốt đó”.
“Ồ…”. Tiểu thái giám thở phào nhẹ nhõm, lon ton chạy đến trường đua để gặp vị tướng quân này.
Về lý mà nói, địa vị của thái giám bên cạnh Hoàng đế là cao hơn quan ba cấp, người bình thường không ai dám đắc tội với hắn, nhưng Sách La Định này lại là ngoại lệ. Sách La Định có chút khác người, bởi từ nhỏ hắn lớn lên ở nơi núi rừng hoang dã, có thể sống chung với dã thú, quan hệ của hắn với chó mèo còn tốt hơn với con người, lúc nào hắn cũng cư xử theo kiểu bán hoang dã.
Đương kim Hoàng thượng là người yêu thích săn bắn, có điều thân thủ chỉ tàm tạm, thị lực lại không tốt lắm, lần nào đi săn cũng xảy ra chuyện, không bị trượt chân treo lơ lửng trên sườn núi thì cũng bị sài lang hổ báo đuổi cho chạy tót lên cây, lần nào cũng là Sách La Định chạy đến cứu, cho nên Hoàng đế luôn coi hắn là tấm bùa hộ thân, là kỳ lân trấn trạch.
Tiểu thái giám vốn chẳng sợ quan văn, cũng không sợ mấy quan võ khác, bởi nếu có đắc tội với bọn họ thì cùng lắm cũng chỉ bị tét mông một trận mà thôi, duy chỉ có Sách La Định này là chẳng khác nào Tu La chuyển thế. Nghe nói, trước đây có một tiểu thái giám sơ ý đắc tội với hắn, hắn liền quẳng người ta từ trên thành lâu xuống, thấy tên đó chưa chết, hắn lại lôi lên quẳng tiếp. Cho nên, cứ nhắc tới cái tên Sách La Định này là bách tính trong thành đều lắc đầu, làm gì có cô nương nào dám lấy hắn cơ chứ, chẳng phải hắn là một tên điên sao!
Bởi vậy, nếu bách tính hoàng thành bàn tán phong lưu vận sự của Bạch Hiểu Phong; thì nhắc đến Sách La Định là y như rằng toàn phong lưu quái sự (5), nếu không phải chuyện hôm nay hắn đánh Thái sư thì cũng là chuyện ngày mai hắn biến Tể tướng đại nhân thành sư cạo mốc, ôi trời, hắn chính là một kẻ quỷ thấy cũng phải chán ghét.
(5) Phong lưu vận sự (风流韵事) - chuyện tốt đẹp như tình yêu, văn thơ của những bậc tao nhân mặc khách. Phong lưu quái sự (疯流怪事) - chuyện điên rồ quái đản, tác giả dùng ý này để mỉa mai châm biếm Sách La Định.
Nhưng lạ một điều là, dù bên ngoài có thêu dệt mọi chuyện thần kỳ thế nào, dù nói hắn tốt hay không tốt, hắn cũng chẳng bao giờ bận tâm, chưa bao giờ thanh minh. Năm nay hắn vừa tròn hai mươi lăm tuổi, chẳng có cô nương nào để ý đến hắn, nhưng hắn vẫn bình chân như vại, bởi cũng chẳng có cô nương nào vừa mắt hắn.
Trên đường đi tiểu thái giám cứ miên man suy nghĩ đến bao tình huống đáng sợ, đến trường đua ngựa, tiểu thái giám vừa đứng vững đã nghe thấy tiếng ngựa hý vang trời chẳng khác nào tiếng rồng gầm, hắn kinh hãi ngồi phịch xuống đất, ngước mắt nhìn lên…
Một con ngựa cường tráng với bộ lông hung đỏ đang lao như bay trong trường đua, trên lưng nó là một người mặc đồ đen tuyền, không biết có phải do tiểu thái giám đang nhìn ngước lên hay không mà… người này thật cao lớn làm sao!
Tướng mạo Sách La Định thực ra cũng đâu đến nỗi, chỉ có điều trông hắn hung dữ quá mà thôi!
Hoàng thượng đã cho người phân tích về tướng mạo của Sách La Định, nghĩ hắn không phải là người Hán, mặt nhỏ, dáng cao, tay dài, chân dài, ngũ quan sắc cạnh, lại thêm đôi mắt chim ưng màu hổ phách, rất hiếm gặp kiểu tướng mạo như thế này ở người Trung Nguyên. Mái tóc của hắn quanh năm được vấn lên sau gáy, cũng không phải là màu đen, mà là màu đỏ đồng hiếm thấy, dưới ánh mặt trời trông chẳng khác gì một quả cầu lửa, quỷ dị vô cùng.
Tiểu thái giám ngồi dưới đất cẩn thận đánh giá Sách La Định một lượt, đột nhiên lại có chút tiếc nuối thay hắn. Sách La Định mang đến cho người ta cảm giác rất mạnh mẽ, rất nam tính, chính là cảm giác về một vị đại anh hùng chinh chiến nơi sa trường trong truyền thuyết. Đáng tiếc, ngày nay thiên hạ thái bình, Hoàng triều lại trọng văn khinh võ, cho nên dù hắn anh hùng cỡ mấy cũng không có đất dụng võ. Thật đáng tiếc thay!
Tiểu thái giám còn đang mải đánh giá thì chú ngựa kia đã tiến đến cạnh hắn, Sách La Định ngồi trên yên ngựa, cúi đầu nhìn vị thiếu niên bỗng nhiên xuất hiện đang ngồi ngây người trên mặt đất, ngó qua y phục cũng đủ biết vị này chính là thái giám bên cạnh Hoàng thượng.
Sách La Định bất giác nhíu mày, lần này lại chuyện gì nữa đây? Là mèo cưng của nương nương nào đi mất hay chó quý của vương gia nào thất lạc?
“Sách tướng quân”. Tiểu thái giám run rẩy nói: “Hoàng… Hoàng thượng tuyên triệu, lệnh ngài tiến cung diện thánh”.
Nghe xong, Sách La Định xoay người xuống ngựa, ném dây cương cho tiểu thái giám: “Dắt ngựa giúp ta”. Dứt lời, hắn thong thả bước đi, tư thế ung dung tự đắc khó tả hết bằng lời.
Tiểu thái giám cầm dây cương sững sờ tại chỗ - Ồ? Rất thân thiện đấy chứ, đâu đáng sợ như lời đồn đại… Tiểu thái giám còn đang ngẩn ngơ thì cảm thấy dây cương giật mạnh một cái.
“Ối ối!”. Tiểu thái giám ngã lăn quay ra đất, con ngựa mất nết giật dây cương xong liền chạy ra phía sau ăn cỏ.
Tiểu thái giám lồm ngồm bò dậy, đưa tay che miệng mới phát hiện lòng bàn tay đầy máu, môi rách mất rồi!
“Thật xúi quẩy mà!”. Tiểu thái giám đáng thương chạy đến bên giếng múc nước rửa mặt, vừa hay một binh lính đi ngang qua nhìn thấy…
Chưa đến nửa canh giờ sau, khắp kinh thành lan truyền một tin thế này:
“Nghe nói chưa? Sách La Định càng ngày càng to gan lớn mật, ngay cả tiểu thái giám do Hoàng thượng phái đi truyền chỉ mà hắn cũng đánh!”.
“Không phải chứ? Sao có thể ngang ngược như vậy?”.
“Thật đấy, còn bị đánh rất thảm nữa kìa, gãy cả răng cửa, mặt đầy máu”.
“Trời… Hắn man rợ như vậy, ai tới cho hắn một bài học đi”.
...
Sách La Định đi vào hoàng cung, đám thị vệ, thái giám, cung nữ gặp hai bên đường đều nhanh chóng đi qua, như sợ bị hắn ăn thịt vậy.
Sách La Định chẳng thèm quan tâm, vào hoa viên, nhìn thấy Hoàng đế đứng cạnh hồ nước, đang cầm thịt khô đút cho hai con chó săn yêu quý của mình.
“Tham kiến Hoàng thượng”. Sách La Định tiến lại hành lễ.
“Ồ, ái khanh!”. Hoàng thượng vừa thấy Sách La Định là mặt mày liền hớn hở, lui về phía sau một bước, ai ngờ y bị hụt chân, cứ thế ngã ngửa xuống mặt hồ, miệng vẫn gọi: “Ái khanh!”.
Sách La Định nhìn trời, vội tiến lên một bước, túm ngay lấy ống tay áo của Hoàng đế, kéo lên, đỡ y đứng vững. Hoàng thượng hoan hỷ vỗ ngực: “Ái khanh lại cứu Trẫm một mạng, đúng là đại công! Người đâu, trọng thưởng!”.
Khóe miệng Sách La Định giật giật nói tạ ơn, đây không biết là lần trọng thưởng thứ bao nhiêu rồi… Xét trên một phương diện nào đó mà nói, có thể Hoàng đế cũng giống mình, thấy cuộc sống quá tẻ nhạt!
“Ái khanh, Trẫm có một nhiệm vụ quan trọng muốn giao cho ái khanh!”. Khi Hoàng thượng nói những lời này, thần sắc vô cùng nghiêm túc. Có điều, mỗi lần nhờ hắn tìm mèo hay chó, Hoàng thượng đều mở màn y như vậy, cho nên Sách La Định cũng không để ý nhiều.
“Trẫm muốn ngươi… đi làm nội ứng cho trẫm!”.
Sách La Định nghe mà sửng sốt, ngoáy tai, hỏi: “Đi làm gì cơ?”.
“Nội ứng!”. Hoàng thượng nghiêm túc lạ thường.
Sách La Định thấy thật khó hiểu, tự nhủ, mấy năm nay chẳng thù địch với nước nào, ngay cả phản tặc cũng không có, đi đâu làm nội ứng chứ?
Thấy vẻ mặt mơ màng của Sách La Định, Hoàng thượng mỉm cười: “Ngươi đó, giúp Trẫm đến thư viện Hiểu Phong làm nội ứng”.
“Thư viện Hiểu Phong…”. Sách La Định chưa từng nghe tới nơi này, liền hỏi: “Làm nội ứng để điều tra chuyện gì?”.
“Điều tra mấy chuyện đồn đại về Bạch Hiểu Phong, còn nữa, giúp Nguyệt Nhữ câu được Bạch Hiểu Phong về làm con rể vàng cho ta!”.
Sách La Định nghe xong thì á khẩu, ngẩng mặt nhìn trời, trong lòng không ngừng gầm thét - Ông trời ơi! Sai Thiên lôi đánh chết ta đi!
Thánh dụ dĩ nhiên không thể trái, Sách La Định đành bất đắc dĩ phụng chỉ, rất không cam tâm tình nguyện đi làm nội ứng. Hoàng thượng nói công việc cụ thể y đã giao hết cho Trình Tử Khiêm lo liệu cả rồi, bảo Sách La Định gặp Trình Tử Khiêm rồi cùng đến thư viện Hiểu Phong.
Trình Tử Khiêm là một trong số ít những người ở hoàng triều này không sợ Sách La Định. Hắn và Sách La Định quen biết đã lâu, vì tò mò không biết Sách La Định có thực sự hung bạo khát máu như người ta vẫn đồn đại hay không nên Trình Tử Khiêm đã đến quân doanh nằm vùng một thời gian, ghi chép về Sách La Định, Trình Tử Khiêm thường xuyên qua lại với hắn, hai người dần trở thành bằng hữu tốt.
Sách La Định đi tới trước cửa hoàng cung liền thấy Trình Tử Khiêm đang ngồi chồm hổm trên xe ngựa mà viết “soạt soạt” cái gì đó.
“Ngày nào ngươi cũng viết, có lắm chuyện để viết thế sao?”. Sách La Định đi đến hỏi.
“Ồ, A Định!”. Trình Tử Khiêm huơ huơ bản ghi chép trên tay, “Hoàng thượng lệnh cho ngươi phụng chỉ đến thư viện Hiểu Phong học tập thi thư cùng lễ nghi, đây chính là tin tức thú vị nhất hôm nay còn gì!”.
Một bên mày Sách La Định nhướng lên rõ cao. “Toàn loan tin tầm phào kiểu này, thật vô vị!”.
“Hoàng thượng thực sự sai ngươi đi học lễ nghi đấy!”. Trình Tử Khiêm nhắc nhở: “Thánh chỉ cũng được đưa tới thư viện Hiểu Phong rồi”.
“Cái gì?”. Sách La Định trợn mắt hung hãn, Trình Tử Khiêm vội đưa tay ra: “Cẩn thận mắt rớt ra kìa!”.
Sách La Định nổi giận: “Bảo tên thư sinh Bạch Hiểu Phong kia dạy ta?”.
“Ha ha, bây giờ toàn bộ đám đàn bà con gái trong thành đều hâm mộ ngươi, đám đàn ông con trai thì hy vọng ngươi sẽ đánh cho hắn một trận thật đau”. Trình Tử Khiêm thấy Sách La Định nhướng mày như muốn nói - Chuyện thứ hai có thể cân nhắc.
“Nhưng cũng phải nói số người ủng hộ Bạch Hiểu Phong nhiều vô kể, nếu ngươi đánh hắn thật, tất cả đám con gái trong hoàng thành… không đúng, phải nói là tất cả đám con gái trong thiên hạ sẽ không tha cho ngươi, đến lúc đó ngươi đừng hòng lấy được vợ”. Trình Tử Khiêm rất có lòng tốt nhắc nhở: “Phải kiềm chế, phải nhẫn nại đấy!”.
Sách La Định chẳng buồn nói gì, muốn thế nào cũng được, hắn lên xe ngựa, khoát tay với tên phu xe đến nhìn hắn cũng không dám kia, nói: “Đến thư viện Hiểu Phong”.
Phu xe vội vàng quất dây cương, lên đường.
Trình Tử Khiêm hớn hở hỏi Sách La Định đang bực bội ngồi trong xe: “Này? Bốn cô nương kia, ngươi thấy ai sẽ thắng?”.
Sách La Định đảo mắt: “Đều đến xếp hàng để cướp Bạch Hiểu Phong à? Đầu họ có vấn đề sao!”.
Cần chêm thêm một câu vào chỗ này, thực ra thì Sách La Định và Bạch Hiểu Phong có chút thù oán với nhau.
Theo lẽ thường, hai người này vốn nước giếng chẳng phạm nước sông, người võ tướng kẻ thư sinh, dù có chạy cả tám con phố cũng chẳng cùng đường, có điều, đúng là đồn đại hại chết người ta.
Có người từng hỏi Bạch Hiểu Phong, ngài thấy con người Sách La Định thế nào? Bạch Hiểu Phong nghe đồn không ít những chuyện tàn bạo của hắn, liền thuận miệng buông một câu: “Vô giáo dục”.
Thế nhưng, một truyền mười, mười truyền trăm, lại biến thành Bạch Hiểu Phong chửi Sách La Định là loại người không cha không mẹ, mù chữ, ngông nghênh, thô tục, vô giáo dục, ngang tàng bạo ngược…
Sách La Định đúng là không có cha mẹ giáo dưỡng, nhưng khi nghe những lời này cũng cảm thấy rất chướng tai, đương nhiên cũng không có thiện cảm với Bạch Hiểu Phong mà cho rằng tên này chẳng tốt đẹp gì, lắm chuyện, chuyên nói xấu sau lưng người khác.
Cũng có người hỏi Sách La Định, ngài thấy Bạch Hiểu Phong là người thế nào? Sách La Định đâu thèm để ý tới mấy chuyện như vậy, chỉ quay đầu bước đi. Vậy mà, người ta lại đồn đại thế này, Sách La Định nói hắn chưa từng nghe danh Bạch Hiểu Phong, coi Bạch Hiểu Phong chẳng đáng một xu, cho nên không thèm quan tâm.
Bạch Hiểu Phong nghe thấy những lời này đương nhiên cũng chẳng vui vẻ gì, vì vậy, hai người càng không bao giờ giao thiệp, thỉnh thoảng đụng phải nhau trên bàn tiệc hoặc trong các cuộc tụ hội cung đình thì đôi bên lại càng thấy đối phương chướng mắt. Cứ như vậy, qua lời bàn tán của đám nha hoàn, các phiên bản được truyền đi lại càng thêm phóng tác, ở đây không tiện nói nhiều.
Khi xe ngựa của Sách La Định đi về phía thư viện Hiểu Phong, ở trong hoàng thành lại bắt đầu dậy sóng một tin đồn mới…
“Nghe nói chưa? Hoàng thượng bắt Sách La Định đến thư viện Hiểu Phong học lễ nghi đấy!”.
“Hẳn là do chuyện hắn đánh tiểu thái giám rồi!”.
“Tên mọi rợ này, phải quản thúc thật nghiêm”.
“Không biết Bạch Hiểu Phong có thể thu phục được cái tên hơi tí là động thủ đánh người này không”.
“Nếu hắn dám đánh Bạch công tử, chúng ta nhất định sẽ liều mạng với hắn!”.
Lúc này, tại thư viện Hiểu Phong, Bạch Hiểu Phong đang cầm Thánh chỉ mà đau đầu suy nghĩ, Sách La Định là kẻ hay gây chuyện, để một tên lỗ mãng như vậy vào thư viện thì thật quá làm nhục tư văn.
Hơn nữa, Bạch Hiểu Phong cũng có chút dè chừng, võ công của Sách La Định giỏi như vậy, ai có thể quản nổi hắn đây? Để đến lúc bị hắn đánh thì “lỗ” quá.
Hắn đang rầu rĩ thì nghe thấy một giọng nói vui tươi phía sau: “Đại ca!”.
Bạch Hiểu Phong quay đầu lại thì một gương mặt tươi cười rạng rỡ ghé vào vai hắn, đôi mắt hạnh đào cong lên thành hình bán nguyệt khiến hai lúm đồng tiền trên má càng thêm tuyệt mỹ, đẹp khôn tả, đây chính là tiểu muội của hắn, Bạch Hiểu Nguyệt.
Bạch Hiểu Nguyệt hứng thú hỏi: “Nghe nói cái tên Sách La Định - đệ nhất cao thủ hoàng triều từng mắng đại ca - sẽ tới thư viện?”.
“Hừm…”. Bạch Hiểu Phong sờ cằm, sực nhớ Sách La Định là người có tiếng là “hảo nam bất đấu nữ”, hơn nữa hắn còn là một đại tướng quân, lại coi trọng thể diện như thế, chắc sẽ không đánh đàn bà con gái đâu. Ý vừa nảy ra, Bạch Hiểu Phong liền hỏtiểu muội: “Hiểu Nguyệt, muội dạy lễ nghi cho Sách La Định kia nhé?”.
Bạch Hiểu Nguyệt nghiêng đầu, vui vẻ nói: “Được!”.
Xe ngựa dừng lại trước cổng sau của thư viện Hiểu Phong, vừa xuống xe, Trình Tử Khiêm đã quét mắt nhìn quanh một lượt, nhân tiện thống kê số người đang đứng chờ Bạch Hiểu Phong ngoài cổng.
Sách La Định đã đánh được một giấc no say trong xe ngựa, lúc này cũng uể oải bước xuống, vươn người… vì hắn người cao tay dài, lúc vươn vai lại vung tay hơi quá, chẳng may va phải tấm biển hiệu treo trên cổng… Không biết Sách La Định bẩm sinh đã có thần lực hay là tấm biển gỗ kia mục sẵn mà đột nhiên vang lên tiếng “rắc rắc”…
Sách La Định vội nhảy sang bên cạnh, tấm biển lung lay mấy cái rồi rơi cái “rầm” xuống đất, vỡ làm ba mảnh. Hắn cúi đầu nhìn tấm biển nằm chỏng chơ trước cổng, tiếp đó ngẩng mặt, nhấc chân bước qua, điệu bộ - Không liên quan đến ta!
Trình Tử Khiêm đứng phía sau, lắc đầu, tiếp tục ghi chép - Sách La Định vừa bước chân vào thư viện Hiểu Phong đã đập vỡ biển hiệu.
Chẳng bao lâu sau, lại một phen làm xôn xao dư luận…
“Nghe chưa? Sách La Định thật đáng sợ, vừa đến thư viện đã đập vỡ biển hiệu rồi”.
“Chắc hắn ra đòn phủ đầu với Bạch Hiểu Phong đấy!”.
“Nghe nói còn giẫm chân lên nữa”.
“Trời đất, tên mọi rợ này càn rỡ quá!”.
Sách La Định nghênh ngang đi vào cổng sau của thư viện Hiểu Phong, thứ đầu tiên đập vào mắt hắn là một cái sân. Sân viện này khá lớn, đường được lát đá trắng, hai bên là những hòn non bộ và các loại cổ thụ, cây cảnh, còn có mấy con khổng tước trắng, nhìn khá thanh nhã.
Sách La Định cảm thấy cảnh vật ở đây không tồi, vừa đi được mấy bước, hắn lại nhìn thấy một con chó săn nằm bên đường. Chú chó này rất đẹp, bộ lông dài trắng muốt phủ xuống tận bụng, đang nằm lim dim dưới gốc cây hòe già. Sách La Định đi đến trước mặt nó, nó liền ngẩng đầu nhìn hắn, vẫy vẫy đuôi.
Sách La Định ngồi xổm xuống, đưa tay vuốt ve cổ nó, thấy nó ngoan ngoãn thì hắn khẽ mỉm cười, bỗng cảm thấy có ánh mắt đang nhìn mình chằm chằm… hắn bèn ngẩng đầu lên. Bên con đường lát đá là những bậc thang cẩm thạch, trên bậc thang có một hàng lan can sơn đỏ trạm trổ hoa văn, cứ cách mười bước chân lại có một cột đá màu đen cổ kính, trên cột đá khắc hình núi mây, lầu gác, khói sóng, chim muông… nhìn rất tinh xảo phức tạp nhưng lại không hề phàm tục. Lúc này, bên cạnh một cột đá có bóng người màu trắng.
Sách La Định nhìn lướt từ dưới lên, đôi giày hoa trắng, váy cánh sen hồng với đường viền chỉ bạc, đai lưng màu vàng nhạt cùng áo choàng, mái tóc đen dài buông gọn sang bên… Đó là một cô nương với thân hình nhỏ nhắn.
Nhìn đến gương mặt, cằm thon gọn, má lúm đồng tiền, đôi mắt to tròn với ánh nhìn vô cùng tò mò, cũng vô cùng xinh đẹp.
“Hiểu Nguyệt cô nương”. Trình Tử Khiêm từ sau đi đến, cất tiếng chào cô nương kia.
Sách La Định hơi nhướn mày - Đây chính là tiểu muội của Bạch Hiểu Phong sao? Chẳng giống hắn lắm.
Bạch Hiểu Nguyệt nhấc chân qua lan can, nhảy xuống đường đá, động tác khá nhanh nhẹn. Nàng đi tới bên Sách La Định, quan sát hắn một lượt, nói: “Đứng lên ta coi nào”.
Sách La Định ngớ người nhưng cũng đứng lên.
“Ừm…”. Bạch Hiểu Nguyệt ngẩng mặt nhìn Sách La Định cao hơn mình rất nhiều, nói: “Tóc hơi rối, ăn mặc hơi tùy tiện, giày cũng hơi bẩn…”.
Khóe miệng Sách La Định giật giật, quả nhiên là huynh muội ruột, phong cách y chang Bạch Hiểu Phong.
“Này, ta tên Bạch Hiểu Nguyệt, ngươi có thể gọi ta là Hiểu Nguyệt phu tử, ta phụ trách việc dạy ngươi lễ nghi và một số kiến thức cơ bản”. Bạch Hiểu Nguyệt rất ra dáng người thầy, chắp tay sau lưng lượn quanh Sách La Định: “Ta không cần biết ngươi là tướng quân hay đại quan gì, tóm lại, ngươi đã vào cửa nhà ta thì phải nghe lời dạy dỗ của phu tử ta đây, ta dạy ngươi cái gì, ngươi nhất định phải chăm chỉ học hành, nhớ thật kỹ, nếu không, ngươi sẽ bị phạt, biết chưa?”.
Trình Tử Khiêm thấy sắc mặt Sách La Định càng lúc càng tệ thì nhanh chóng nháy mắt với hắn - Bình tĩnh, bình tĩnh, là một cô nương đấy! Hảo nam bất đấu nữ!
Sách La Định hít thật sâu, cố nhủ mình đừng chấp nhặt nha đầu này!
Bạch Hiểu Nguyệt lại làm như không thấy, chậm rãi nói: “Lát nữa ngươi đi thay một bộ đồ khác, đến thư phòng viết một đoạn văn để ta xem trình độ ngươi đến đâu”.
Trong lòng Sách La Định cũng có chút hoài nghi - Có phải Hoàng thượng đang “chơi” mình không? Thế này mà là làm nội ứng à… Hay ngài thật sự ép mình đi học?
“Đúng rồi!”. Bạch Hiểu Nguyệt vỗ tay một cái: “Nghe nói võ công của ngươi không tệ”.
Mí mắt Sách La Định giật giật liên hồi - Không tệ? Ông đây là Đệ nhất thiên hạ!
“Sau này nếu ta có nhờ ngươi làm gì, ngươi cũng không được từ chối”. Bạch Hiểu Nguyệt chỉ về phía sau: “Ta chờ ngươi ở thư phòng, ngươi đi tắm rồi thay một bộ đồ khác, chải lại tóc tai, còn nữa, nhớ phải lau cả giày nữa”. Nói xong, nàng liền quay lưng, nhanh nhẹn rời đi.
Sách La Định nghiến răng quay sang lườm Trình Tử Khiêm - Không phải Bạch Hiểu Phong đứng lớp sao? Tại sao lại lòi ra một con nha đầu hả? Lại còn là một con nha đầu vắt mũi chưa sạch nữa?
Trình Tử Khiêm xua tay - Có trời mới biết.
Hai người đang đối mắt thì Bạch Hiểu Nguyệt đi đến cửa lại sực nhớ ra điều gì, quay đầu hỏi: “Đúng rồi, đại danh của ngươi là Sách La Định, vậy ngươi có tên tự không?”.
Sách La Định chỉ nhếch mép lầm bầm: “Tự cái rắm”.
Bạch Hiểu Nguyệt kinh ngạc: “Tự là Cách Thí (6)?”.
(6) Cách Thí với “Cá thí” (cái rắm) là đồng âm, Bạch Hiểu Nguyệt nói như thế để trêu Sách La Định.
“Ngươi mới là Cách Thí ấy!”. Sách La Định trợn mắt.
Bạch Hiểu Nguyệt sưng mặt lên nói: “Rõ ràng ngươi nói tự là Cách Thí mà”.
“Lão tử nói là tự cái rắm ấy!”.
“Vậy không phải là Cách Thí sao?!”.
Trình Tử Khiêm ghi chép toàn bộ đoạn đối đáp của hai người, không bỏ sót một chữ nào - Quá loạn!
Sách La Định nghiến răng phun ra một chữ: “Thí!”.
Bạch Hiểu Nguyệt nhíu chặt mày, nói: “Ngươi đặt tên kiểu gì thế hả, vừa là Đĩnh (7) vừa là Thí, nói năng nhã nhặn chút đi!”.
(7) Chữ Định (定) trong tên Sách La Định có âm đọc giống với từ Đĩnh (腚) là cái mông đít, cho nên Bạch Hiểu Nguyệt mới cố ý nói vậy.
Sách La Định ngẫm một lúc mới hiểu ra nàng ta đang nói “Đĩnh”, chính là ám chỉ cái tên Định của mình, lập tức gân xanh nổi đầy trán, hắn đưa tay bóp trán, tự nhắc nhở bản thân - Hảo nam bất đấu nữ!
Sách La Định quyết định không đôi co với con nha đầu này nữa, quay đầu hỏi Trình Tử Khiêm đang ngoáy bút thành văn: “Ta ở tiểu viện nào?”.
Trình Tử Khiêm ngẩng đầu lên, chỉ về hướng tây: “Tiểu viện phía tây”.
Sách La Định cầm tay nải có mấy bộ quần áo của mình đi về hướng tây.
“Đứng lại!”. Bạch Hiểu Nguyệt vẫn không chịu để yên: “Đã vào đây học, nhất định phải tôn sư trọng đạo”.
Sách La Định đưa tay lên, che mắt nhìn bốn xung quanh: “Sư ở đâu ta?”.
Bạch Hiểu Nguyệt chỉ vào mình: “Đã nói rồi, ta chính là thầy của ngươi!”.
Sách La Định cười đểu: “Ngươi là thầy của ta chứ không phải vợ ta, ta có về tiểu viện của mình hay không ngươi cũng muốn quản à? Còn nữa, bình thường ta thích nhất là trần truồng chạy khắp nơi, nếu nhìn thấy ta thì ngươi vòng sang đường khác mà đi, nhất định không được bước chân tới sân viện của ta!”. Nói xong, hắn nghênh ngang rời đi.
Đôi mắt đẹp của Bạch Hiểu Nguyệt nheo lại, đứng nhìn chằm chằm bóng lưng Sách La Định đang đi xa dần - Xem ra hắn tức giận thật rồi.
“Khụ khụ”.
Lúc này, Bạch Hiểu Phong ở bên ngoài nghe trộm nãy giờ cũng bước ra, xem ra đúng là không có ai quản nổi Sách La Định này rồi, muội muội nhà mình dù sao cũng là gái chưa chồng, sao có thể quản được tên lưu manh kia chứ.
“Hiểu Nguyệt à, hay là thôi đi, để ca ca nghĩ cách khác…”. Bạch Hiểu Phong nghĩ tốt nhất đừng có động đến Sách La Định, cứ để mặc hắn.
Ai ngờ Bạch Hiểu Nguyệt đột nhiên xoay người, thở hồng hộc chạy ra khỏi sân viện, vừa chạy vừa rít lên: “Sách La Cách Thí, ngươi chết chắc rồi! Bản cô nương nhất định không để ngươi yên!”.
Bạch Hiểu Phong bất lực vuốt cằm, quay đầu, chỉ thấy Trình Tử Khiêm vẫn đang viết tiếp, sắc mặt hắn rất thú vị.
Tới buổi trưa, người trong quán trà lại buôn chuyện.
“Nghe gì chưa? Sách La Định vừa đặt chân vào thư viện đã chọc ghẹo Bạch Hiểu Nguyệt đấy!”.
“Hắn lại dám chọc ghẹo Hiểu Nguyệt cô nương sao?!”.
“Ôi mẹ ơi, đúng là tên lưu manh mà!”.
Sau giờ cơm trưa, rảnh rỗi đến phát sợ, ngay cả con mèo cũng chỉ nằm phơi nắng đầu tường, lim dim đôi mắt, ngoe nguẩy cái đuôi, vô cùng lười nhác.
“A a…”. Trong tiểu viện phía tây của thư viện Hiểu Phong, Sách La Định đang nằm trên sạp trúc, tay cầm bầu rượu rỗng, miệng ngáp mấy cái, một tay gối sau đầu, mắt nhìn đám mây trắng giữa trời.
Mây bay rất chậm, thời gian trôi còn chậm hơn… Vừa mới tới thư viện Hiểu Phong này được một canh giờ, hắn đã cảm thấy chán muốn chết rồi.
“Cốc cốc cốc”. Tiếng gõ cửa đột nhiên vang lên.
Sách La Định đánh mắt nhìn ra ngoài cửa viện còn để mở, thấy một cô nương mặc váy trắng, cầm trong tay một cái giỏ. Hắn bật người đứng lên, hành lễ với nàng: “Tam công chúa”.
Người đứng ngoài cửa viện chính là Đường Nguyệt Nhữ.
Cảm giác đầu tiên mà Đường Nguyệt Nhữ mang đến cho người ta chính là đẹp, tiếp theo là có chút dữ dằn cay nghiệt, rất khó gần. Thế nhưng, quan hệ của nàng và Sách La Định lại không tệ lắm.
Có lẽ Đường Nguyệt Nhữ cũng có tai mắt trong triều, chắc chắn nàng biết lần này Sách La Định đến đây là để giúp mình một tay, nên mới mang trái cây đến thăm hắn: “Sách tướng quân, đã lâu không gặp”.
Sách La Định khách sáo mấy câu với nàng, cũng chẳng nhiệt tình cho lắm.
Đường Nguyệt Nhữ khẽ mỉm cười, từ trước đến giờ nàng thường đối xử rất lạnh nhạt và ngạo mạn với người khác, nhưng lại cảm thấy người như Sách La Định rất dễ gần, nếu hắn cũng mỉm cười tươi rói chào đón nàng, nàng cũng không biết ứng xử ra sao.
Chuyện trò mấy câu, Đường Nguyệt Nhữ đứng dậy cáo từ, yểu điệu rời đi, chỉ để lại một tin - Lục hoàng tử Đường Tinh Trị một lòng chung tình với Bạch Hiểu Nguyệt, nghe nói Sách La Định mới ngày đầu nhập môn mà đã bất kính với Bạch Hiểu Nguyệt nên có lẽ sẽ báo thù, nói Sách La Định cẩn thận một chút.
Sách La Định ngáp thêm cái nữa, vừa định nằm xuống tiếp tục lim dim mắt thì có cảm giác như đụn lông ở sau gáy, quay lại nhìn, chợt nghe thấy một tiếng: “M…e…o”.
Chẳng biết từ lúc nào một con mèo mướp xinh đẹp đã cướp mất cái gối của hắn, thấy hắn quay đầu lại, con mèo cũng không chạy đi, nó còn lấy đuôi cọ hắn thêm mấy cái nữa. Sách La Định đưa tay đẩy con mèo béo đó lên một chút, gối đầu lên cái bụng nó, tiếp tục phơi nắng.
“Keng… keng”. Bên ngoài hình như có tiếng chuông vui tai truyền đến, nghe lại hơi giống tiếng biên chung (8), Sách La Định chỉ mơ màng trở mình, ngủ tiếp.
(8) Biên chung: Loại nhạc cụ có từ thời Tây Chu, thịnh hành từ Xuân Thu, Chiến Quốc mãi cho tới Tần Hán, bao gồm một bộ gồm nhiều chuông tròn được treo trên một giá chuông lớn, dùng một chiếc chùy gỗ để gõ vào để phát ra những âm điệu khác nhau. Biên chung và biên khánh là hai nhạc cụ quan trọng trong nhạc cung đình và nghi lễ của Trung Quốc thời xưa.
Một lát sau lại nghe thấy có tiếng bước chân chạy lại, sau đó là một tràng keng keng inh ỏi. Sách La Định mở mắt ra thì nhìn thấy Bạch Hiểu Nguyệt một tay cầm chuông bạc, một tay cầm chùy bạc, gõ keng keng bên tai hắn.
Thấy hắn tỉnh lại, Bạch Hiểu Nguyệt bất mãn nói: “Bản phu tử gọi ngươi đi học, sao ngươi không đến?”.
Sách La Định cau mày: “Ta đâu có nghe thấy ngươi gọi ta…”.
“Chuông bạc đó!”. Bạch Hiểu Nguyệt lại cầm cái chùy gõ “keng” một cái: “Từ nay về sau cứ nghe thấy tiếng chuông này thì chính là ta đang gọi ngươi, ngươi đã viết văn xong chưa?”.
“Viết văn cái gì?”. Sách La Định ngồi dậy, bầu rượu trong tay liền rơi xuống đất.
Bạch Hiểu Nguyệt lại sưng mặt lên: “Sao lại uống rượu cả bầu hả? Đó chỉ là cách uống của kẻ thô tục mà thôi! Lát nữa ta sẽ dạy ngươi lễ nghi uống rượu”.
“Ha”. Sách La Định cười khan một tiếng: “Ông đây uống rượu là phải uống thật sảng khoái…”.
“Không được xưng ‘ông’!”. Bạch Hiểu Nguyệt cầm chùy gõ đầu hắn một cái, nhưng cái gõ này chỉ như gãi ngứa.
Sách La Định nhìn nàng có chút á khẩu, nói: “Ta bảo này, ngươi không có việc gì làm sao? Ngươi cứ làm việc của mình đi, đừng quản ta nữa có được không?”.
“Không!”. Bạch Hiểu Nguyệt vô cùng nghiêm túc: “Nuôi con mà không dạy là lỗi của cha mẹ, dạy mà không nghiêm là tội của thầy!”.
Sách La Định gãi đầu, trên đời này, dạng người khó đối phó nhất chính là đàn bà và thư sinh, con nha đầu này thật giỏi, thuộc cả hai dạng đó luôn. Sách La Định lắc đầu, nhưng hắn cóc sợ một đứa con gái cao chưa đến ngực mình, hắn quyết định sẽ về phòng ngủ thẳng cẳng đến tối, sau đó tới quân doanh cưỡi ngựa luyện võ.
Bạch Hiểu Nguyệt thấy hắn đứng lên định đi thì mỉm cười: “Ta vừa vào cung một chuyến”.
Sách La Định dừng bước, quay đầu nhìn nàng, có dự cảm chẳng lành.
Bạch Hiểu Nguyệt mỉm cười: “Hoàng thượng nói, ngươi rời đây ngày nào là do ta quyết định!”.
Sách La Định sửng sốt.
“Cũng có nghĩa là, nếu ngươi ngoan ngoãn học lễ nghi, học xong ta sẽ thả ngươi về, nghe nói gần đây ở biên giới có mấy đám sơn tặc thổ phỉ, Hoàng thượng định phái ngươi mang quân đi tiêu diệt đấy”.
Sách La Định nghe thấy thế thì hai mắt liền sáng rực.
“Nhưng nếu