Đến khi ra làm quan, Nguyễn Hiền nắm công bộ, Đặng Ma La nắm Thẩm hình viện.
Hai người họ mặc sức thi triển tài năng, việc trong triều ngoài triều đều có phần.
Thượng hoàng khen ngợi không ngớt, giao cho những trọng trách to lớn.
Còn hắn thì Thượng hoàng chỉ nói một câu: “Hàn lâm học sĩ, kiêm Giám tu quốc sử”.
Hắn quả thật không hiểu, mình có gì thua kém hai tên kia.
Cái chức Hàn lâm học sĩ, biên soạn quốc sử này danh hào thì hiển hách, nhưng không có thực quyền, muốn thi triển tài năng thì khó hơn lên trời.
Nhưng hắn không nản chí, tận trung chức trách.
Ngày ngày cố gắng chỉ mong có lúc cho Quan gia thấy, hắn cũng có thể nắm Lục bộ, chấn ngoại xâm, thi thố với hai tên kia oanh oanh liệt liệt.
Nhưng rốt cục 4 năm trước tên khốn Nguyễn Hiền chết.
Hắn chẳng khóc chẳng rằng, cũng chẳng đến viếng.
Nhất là sau khi nhìn thấy Lễ bộ tham tấu truy phong cho Nguyễn Hiền là "Đại vương thành hoàng".
Trên thánh chỉ viết:
"Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc
Vạn niên thiên tuế lập tam tài"
(Dịch: Mười hai tuổi khai khoa hai nước
Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài)
Hắn biết: đời này hắn mãi mãi không còn được so tài với tên đáng ghét kia nữa.
Từ đó ngọn lửa nung nấu cũng không còn như xưa.
Hắn chỉ còn đặt tâm huyết vào việc bày mưu tính kế cho Chiêu Minh Vương, người thanh niên mà hắn nghĩ còn giỏi hơn tất cả Tam khôi bọn hắn.
Mấy tháng nay, liên tiếp gặp những thanh niên kỳ tài, ai ai cũng như rồng ẩn mình.
Ngọn lửa năm xưa như nhen nhóm lại.
Tên tiểu tử kia nói đúng, trăm sự trong thiên hạ, cái gì cũng đáng học hỏi.
Nếu không mang trong lòng tâm lý cầu đạo, cầu từ bậc đại sư khai quốc, cầu đến bá tánh bình dân.
Chỉ cần ai giỏi hơn ta là thầy ta, thì làm sao tìm được chân lý.
Khổng Tử chả phải vì cầu đạo mà thỉnh cả Lão tử và bái đứa trẻ làm thầy hay sao? Nghĩ đến đây, mặt Lê Văn Hưu như sáng lên:
- Ngươi nói không sai.
Có lẽ dạo gần đây ta tu dưỡng đã kém đi.
Ngay cả chuyện công nhận tài năng của một người cũng không còn trong sáng như xưa.
Nguyễn Hiền năm xưa dùng con kiến xâu sợi dây qua con ốc, ta nghe chuyện mà thẹn không bằng, thế mà nay một đứa trẻ tính được chu vi hình tròn thì lại nghi ngờ.
Cái đức khiêm cung đã không còn giữ được.
Thật hổ thẹn thay.
- Thầy ta thường nói kiến thức con người có lượng và chất.
Lượng là quá trình thu nạp để tăng lên về mặt số lượng.
Có người cả đời kiến thức chỉ tăng thêm về lượng mà không thể thay đổi về chất.
Cho nên bậc tông sư sau khi thu nạp trăm nhà, một ngày phá kén thành bướm, ngộ ra đại đạo của riêng mình mới có thể khai môn lập phái.
- Chẳng hay sư phụ vị tiểu đệ nay là ai?
- Sư phụ ta xuất thân nho học thế gia nhưng thấy vận nước suy vi, nguyện đi khắp năm châu bốn biển, lập chí cứu quốc.
Đi 30 năm mới quay trở về đất nước, cứu dân khỏi cơn nước lửa rồi cuối đời ẩn dật nơi thôn dã.
Cả đời sư phụ ta chỉ có một mong ước, một mong ước tột bậc là làm sao cho quốc gia được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Lê Văn Hưu ngẩn ra một lúc:
- Trên đời lại có người yêu nước như vậy, không tư lợi riêng cho mình, cả đời sống vì dân tộc hay sao? Ai là dân nước đó thì quả là cái phúc ngàn đời.
- Quê của sư phụ ta ở phía bên kia đại dương.
Có một dải đất thuôn dài như hình con rồng.
Từ Bắc chí nam độ 6000 dặm.
Khí hậu ôn hoà, biển xanh đảo xa, đẹp không sao kể xiết.
Trước kia cũng bị chèn ép bởi các nước lớn, trong nước quân chủ hủ bại.
Nhân dân một cổ hai tròng, lầm than cơ cực.
Sư phụ ta dẫn dắt người dân phá bỏ chế độ cũ, chống lại ngoại xâm.
Ngài yêu quê hương nên bỏ danh tính, xưng là Ái Quốc.
Dân nước ấy ai cũng gọi ngài là Cha.
- Quả là kỳ sự trong thiên hạ! Cảm ơn câu chuyện của tiểu huynh đệ.
Hôm nay đến nhà Đinh lão, ta được lợi không ít.
Đinh lão cười dài rồi nói:
- Chuyện của Hoàng Bách ta sẽ nói riêng với Hiền điệt.
Nhưng có chuyện này cần thương lượng ngay.
Chuyện về Nhật thực