Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.514 (Nhâm Thìn, 1412), mùa đông tháng 11.
Gia Định Thành.
Bọn Đinh An Bình về đến Gia Định Thành, mang theo vô số cống vật : vàng, ngà voi, ngọc trai, và rất nhiều bảo vật khác. Cả những pho tượng đá, những biểu tượng đặc trưng văn hóa thu được từ Raigama và Raffna cũng được chở về. Những thứ này, trong mắt bọn Quảng Tế Pháp sư chỉ là những vật kỳ lạ, nhưng đối với Giang Phong nó có giá trị hơn nhiều.
Thành Đức Điện. Tiểu triều.
Sau khi nghe chúng thủ hạ hồi báo công việc như thường lệ, Giang Phong bỗng khẽ than :
- Đến giờ mới thấy Trường Thanh Cung quá nhỏ. Phải chi khi trước trẫm cho xây dựng lớn hơn.
Trường Thanh Cung thật ra rộng đến 4 kilômét vuông, nếu chỉ là một cung điện bình thường thì không hề nhỏ. Ngay cả Tử Cấm Thành mà Vĩnh Lạc đế đang dốc toàn quốc lực xây dựng, huy động hơn 100 vạn dân phu, phải mười mấy năm nữa mới xong, cũng chỉ rộng có 0,72 kilômét vuông. Thế nhưng, Trường Thanh Cung lại không phải là một cung điện bình thường, mà còn là nơi ở của Giang Phong, đồng thời cũng là nơi Giang Phong cất giữ tài sản của mình. Giang Phong bảo nhỏ, bởi vì lúc này các tài sản đó đã chiếm đến gần một nửa cung điện. Đương nhiên nếu chỉ châu ngọc vàng bạc thì không đến nỗi chiếm nhiều chỗ như thế. Giang Phong cho thu thập cả những tượng đá, hoa văn, điêu khắc, … tóm lại là đủ mọi thứ mà người hiện đại gọi là cổ vật văn hóa. Thậm chí, mấy tòa tháp đá nếu tháo ra vận chuyển được thì Giang Phong cũng đã cho mang luôn về đây, cuối cùng chất đầy trong cung. Số lượng các tiểu quốc mà Đế quốc đã chinh phục có đến hàng nghìn (Chiêm Thành và Vạn Tượng hơn trăm, Khmer và Thái hàng trăm, Majapahit nhiều hơn nữa, …), trải qua hàng trăm năm tích lũy, kho tàng cũng rất đáng kể. Đó là chưa kể đến mỗi tiểu quốc ít ra đều có cung điện và đền thờ. Sau này các nhà khảo cổ khi khai quật một di tích, thường thu được rất nhiều cổ vật. Đằng này Giang Phong không thu từ di tích mà là nguyên trạng. Thành ra tài bảo và cổ vật văn hóa nhiều vô kể, đến nỗi phải lo không có chỗ cất giữ. Trừ những tượng đá ra, các bảo bối khác đương nhiên không thể tùy tiện để chất đống ngoài sân vườn chịu mưa nắng, sương gió được.
Quảng Tế Pháp sư nói :
- Thánh hoàng. Hay là chúng ta mở rộng cung điện.
Giang Phong nói :
- Trẫm cũng có ý đó. Chư khanh có phương án nào không ?
Quảng Tế Pháp sư nói :
- Hiện tại phía nam và phía đông Trường Thanh Cung là sông rạch. Phía tây có một ít dân cư, phía bắc còn trống. Chúng ta có thể mở rộng ra phía tây và phía bắc.
Đào Anh nói :
- Khải tấu Thánh hoàng. Bên kia sông Gia Định còn rất rộng rãi, chúng ta có thể xây thêm cung điện bên đó, rồi xây cầu nối cả hai cung điện với nhau.
Triệu Phong nói :
- Không ổn. Ta nhớ trước đây Tần Thủy Hoàng xây cung điện ở hai bên sông Vị, rồi xây cầu nối lại với nhau. Làm như thế hóa ra chúng ta học theo Tần Thủy Hoàng sao ? Không tốt. Mà dường như cung điện của Tần Thủy Hoàng đó sau này bị thiêu rụi thì phải.
Quảng Tế Pháp sư gật đầu nói :
- Đúng thế. Sau này cung điện bị Hạng Vũ thiêu rụi.
Đào Anh vội biện bác :
- Ta không có ý đó.
Giang Phong khẽ cười, an ủi Đào Anh. Đinh An Bình xuất thân Cấm vệ trưởng, chỉ huy lực lượng bảo vệ Giang Phong trước đây, do đó quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh, nên nói :
- Nếu xây dựng hai cung điện, việc bảo vệ sẽ khó khăn hơn.
Giang Phong gật đầu. Ngoài vấn đề an ninh, Giang Phong còn có một lý do khác nữa. Giang Phong không muốn xây dựng hai cung điện, bởi muốn biến Trường Thanh Cung trở thành tòa cung điện lớn nhất thế giới. Có thể trước đây chỉ lớn nhất về quy mô, nhưng nhờ số lượng tài bảo và cổ vật văn hóa kia, chắc chắn sau này sẽ còn lớn nhất về giá trị, về nét đặc sắc, và về sự tráng lệ nguy nga. Do vậy, Giang Phong phán :
- Đồng thời mở rộng sang phía tây và phía bắc 5 dặm. Chính bắc và tây bắc tạm thời làm viên lâm, dự phòng cho sau này. Chính tây chia thành nhiều khu, mỗi khu vuông vức 2,5 dặm, dành cho một chủ đề riêng như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, …
Giang Phong chỉ đề ra ý tưởng, còn thiết kế, thực hiện là việc của bọn Quảng Tế Pháp sư. Sự việc như thế là đã được quyết định. Giang Phong hy vọng rằng các khu trưng bày đó, do tập trung rất nhiều bảo vật của các tôn giáo, sau này có thể trở thành thánh địa để các tín đồ đến viếng, chiêm ngưỡng. Trường Thanh Cung sau khi mở rộng sẽ có diện tích 100 dặm vuông (10x10 dặm), tức 16 kilômét vuông (4x4 kilômét). Chủ yếu công trình tập trung ở khu vực chính tây và bức tường thành bao quanh cung điện. Còn khu vực chính bắc và tây bắc chỉ phải trồng thêm cây xanh, tạo giả sơn và đào hồ, suối để tạo thành viên lâm, khối lượng công việc tuy không ít, nhưng đơn giản.
Tiếp đó, Giang Phong lại bảo :
- Triệu Phong và An Bình tiếp tục luyện quân, chuẩn bị cho kế