Trở lại Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa hạ, tháng 5.
Hai người bọn Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn được Phạm Thế Căng sắp xếp cho theo thương thuyền để vào Gia Định. Tuy Trung Hoa chiến loạn, nhưng vùng Đông Doanh đã trở nên phồn vinh hơn. Các tuyến thương mại cũng chuyển dần về hướng đó. Nhân cuộc bắc phạt của Thần Thánh Đế quốc, hải tặc Đông Doanh sang cướp phá Trung Hoa, mang về rất nhiều tài bảo, trở nên giàu có, thành ra nhu cầu hưởng thụ cũng trở nên cao hơn nhiều. Đó là cơ hội cho các thương nhân.
Cả hai được Phạm Thế Căng cấp cho ‘thông hành chứng thư’ rồi lên thuyền vào nam. Ở Thần Thánh Đế quốc, không có ‘thông hành chứng thư’ thì không thể tự do đi lại trong các thành thị, nếu bị phát hiện thì sẽ bị tống giam vào lao ngục. Người ngoại quốc muốn vào lãnh thổ Đế quốc bắt buộc phải đến Ngoại vụ ban, trực thuộc Chính vụ ty ở các tỉnh, xin cấp ‘thông hành chứng thư’ để chứng minh thân phận, đề phòng gian tế, gián điệp, tặc khấu, yếu phạm, …
Thương thuyền đi đến Hội An thì dừng lại, tiếp thêm vật tư, nước uống, cũng như để cho thương nhân lên Hội An Thành mua bán. Hội An là một tân thành thị, được thành lập vào năm Ất Dậu (1405) theo lệnh của Giang Phong. Thành Hội An không nằm tại vị trí Hội An ngày nay, mà nằm ở khu vực phía nam đèo Hải Vân, ngay khu vực Đà Nẵng. Tại đó có một vịnh nước sâu, thuận lợi cho các hạm thuyền cỡ lớn neo đậu.
Thuyền ghé vào Hội An. Bọn Nguyễn Trãi cũng lên bờ, vào dạo phố phường để cảm nhận phong cách phố thị phương nam. Đến trước cổng thành, bọn họ phải trình ‘thông hành chứng thư’ thì mới được thủ thành sĩ binh cho vào.
Bọn họ trước tiên đi dạo một vòng phố thị, để thỏa mãn tâm nguyện nghiên cứu cuộc sống của người phương nam. Ở đây, bọn họ dễ dàng nhận ra phong cách sống của người dân khác hẳn vùng Thăng Long. Không khí thương nghiệp bao trùm mọi nơi. Các cửa hiệu buôn bán sầm uất, khách ra vào nhộn nhịp. Hội An là một trong những trạm trung chuyển của tuyến thương mại từ phương bắc đến Gia Định, kinh đô của Đế quốc, nên dù chỉ mới thành lập chưa đến 10 năm, mà đã trở thành một tòa đại thành thị, dân số hơn 10 vạn người, là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả tỉnh Phú Yên (tức đất Chiêm Thành cũ).
Đặc biệt, bọn Nguyễn Trãi phát hiện trong thành có đủ mọi thành phần dân tộc. Người Hán, người Việt, người Mường, người Chiêm, người Lào, người Thái, người Khmer, người Mã Lai, người Java, người Thiên Trúc, người Đông Doanh, người Mông Cổ, … thậm chí có cả người Âu da trắng và người Phi da đen. Nguyễn Trãi cố tìm cách nói chuyện với một người da trắng, và biết được rằng bọn họ đến từ một nơi rất xa, rất xa, ở tận bên kia bờ đại dương, ở một xứ gọi là A Lạp Bá, và bọn họ cũng là thần dân của Đế quốc.
Đi dạo khắp thành, cả hai đều kinh ngạc trước những đường phố thẳng tắp, đều đặn như bàn cờ, mặt đường bằng phẳng, nhà cửa hai bên đường đều được xây bằng gạch ngói, cao 2, 3 tầng, không hề nhìn thấy những ngôi nhà gỗ xập xệ như các thành thị ở vùng Thăng Long. Nhất là cảnh phồn vi nhộn nhịp ở đây. Trần Nguyên Hãn nói :
- Nguyễn Trãi. Ta không thể tin rằng đây chỉ là một tòa tân thành mới được xây dựng chưa đến 10 năm. Nếu ở phương bắc, kể cả bên Trung Nguyên, thì cũng có thể kể là một tòa đại thành.
Theo quan niệm của hai người bọn họ trước đây, trừ người Hán và người Việt là văn minh, còn lại đều là ngu muội, lạc hậu, dã man. Còn ở đây, người Hán và người Việt đều không chiếm ưu thế. Tỷ lệ người Chiêm, người Mường và người Java cao hơn nhiều (điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi quan niệm sĩ, nông, công, thương; trọng nông khinh thương, thương nhân tối tiện của nho gia đã thâm căn cố đế trong tư tưởng của người Việt thời bấy giờ).
Nguyễn Trãi ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :
- Nguyên Hãn. Đừng quên thế lực của Đế quốc. Đã có thể kiến lập một Đế quốc rộng mênh mông như thế, thì ở Đế quốc không điều gì là không thể. Ở đây đã vậy, ta tin chắc rằng khi đến Gia Định chúng ta sẽ nhìn thấy những điều không thể tưởng tượng nổi.
Trần Nguyên Hãn nói :
- Nãy giờ ta chú ý một điều : tất cả người dân ở đây đều đối xử bình đẳng với nhau, không phân biệt đối xử dù thuộc bất kỳ dân tộc nào.
Nguyễn Trãi nói :
- Nghe nói ở Đế quốc mọi thần dân, dù thuộc bất kỳ dân tộc nào, cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Đế quốc chỉ phân biệt thần dân thành 3 loại : thuận dân, là những người có thể nói viết được ngôn ngữ của Đế quốc; lương dân, là những người không chống đối Đế quốc, nhưng chưa nói viết được ngôn ngữ của Đế quốc; và nghịch dân, là những người chống đối lại Đế quốc.
Trần Nguyên Hãn ngẫm nghĩ giây lát, đột nhiên nói :
- Vậy thì chúng ta …
Đến đây, bọn Nguyễn Trãi mới phát hiện một vấn đề nghiêm trọng : giao tiếp nói chuyện thì không vấn đề gì, nhưng bọn họ lại trở thành những người mù chữ. Ở Đế quốc, người dân không sử dụng chữ Hán, mà sử dụng một thứ chữ trông giống như