Không biết từ khi nào, dòng sự kiện dẫn đầu trên mạng cũng thích chơi trò ngược dòng như mấy gameshow khác.
Vào sáng nay, tin ông cụ ăn vạ Khổng Kiến Quốc uống thuốc tự sát bị người ta tung lên mạng, dân mạng hóng hớt chê chuyện còn chưa đủ loạn liên tục chia sẻ bài viết trên Weibo, vào thế toàn dân buôn chuyện. Cứ như thế, chuyện này lại được đẩy lên hot search giống vài lần trước đó.
Một bộ phận dân cư mạng lý trí bắt đầu nghĩ lại, liệu lần bạo lực mạng này có phải quá tàn nhẫn với một ông lão gần tám mươi? Dù ông lão có va chạm thật hay không, phạm sai lầm hay không cũng sẽ có pháp luật trị ông ta, chứ không phải bị một đám dân mạng ép tới đường cùng, tự sát mà chết. Mặt khác, chính nghĩa và đạo đức được lan rộng, nhưng thật sự mọi chuyện giống như dân mạng đồn thổi ư?
Dù sao ông cụ luôn cắn chặt không buông, dù con gái ông đã thanh toán tiền thuốc men cho ông, đón ông về nhà, ông cũng chưa bao giờ đứng ra thừa nhận mình ăn vạ. Liệu có phải ông bị người ta vu oan không?
Một số ít dân mạng đã đặt nghi vấn như vậy, nhưng rất nhanh, tiếng nói mỏng manh của bọn họ đã bị nhóm anh hùng bàn phím tự xưng là nhân danh đạo đức dùng đủ loại câu từ dơ bẩn, những lời nói dữ dội, dùng miệng lưỡi vui sướng khi người gặp họa dìm xuống.
Bọn chúng nấp phía sau mạng xã hội gõ bàn phím cành cạch, vui vẻ ăn mừng lần thi hành đạo đức này.
Nhưng tới buổi chiều, một bài đăng đột nhiên được rất nhiều tài khoản nổi tiếng thi nhau đăng lại, không ngoài dự liệu mà lên bảng hot search.
Dân mạng tò mò nhấn vào xem, sau khi xem xong đều không hẹn cùng im lặng.
Bài đăng này từ một họa sĩ bình thường chỉ có mấy trăm fan, họa sĩ chỉ viết một câu: Lũ anh hùng bàn phím ép chết ông nội tôi nhớ mở to mắt chó ra nhìn cho kỹ vào.
Hình ảnh đính kèm là một chồng giấy tờ gửi tiền thật dày, đống giấy tờ đó được bảo quản rất kỹ, từ ảnh chụp chủ tài khoản đăng lên, tờ sớm nhất có thể ngược dòng về hơn hai mươi năm trước, tờ cuối cùng cách mười ngày trước khi ông cụ tự sát. Gần như mỗi tháng ông đều sẽ dành ra một khoản để giúp đỡ học sinh nghèo khó, một ít để dùng cho từ thiện, một ít gửi vào tài khoản cá nhân, tất cả số tiền đó đều được họa sĩ sao kê ra, lên tới gần trăm vạn.
Ông cụ không phải loại giàu có gì, chỉ là một cụ già bình thường sống dựa vào tiền lương hưu, số tiền đó gần như được tích cóp bằng cả đời ông. Một cắc ông còn không nỡ tiêu cho mình, dùng toàn bộ để đóng quỹ xã hội, nhưng cuối cùng xã hội báo đáp ông bằng gì?
Thậm chí có những người không nhịn được nghĩ, có phải trong đám anh hùng bàn phím có công ép chết ông cụ cũng có học sinh nghèo khó từng được ông giúp hay không? Ông cụ đã chết, liệu lương tâm chúng có cắn rứt chút nào không?
Những kẻ phản hồi: “Lão già kia vừa nhìn là biết người xấu, mặt mày chanh chua, nhìn là biết không dễ chọc. Loại người này có chết trước mặt cũng khỏi cứu, Lý Chí thật thà quá. Người tốt dễ bị khinh” khi nhìn thấy việc thiện trong quá khứ của ông có thấy rát mặt không?
Lý Chí, một đương sự trong trò khôi hài này.
Ngay khi gã biết ông cụ uống thuốc tự sát, gã mới biết sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát của mình.
“Anh họ, phải làm sao đây? Ông già kia chết rồi, bây giờ chúng ta phải làm sao?” Nếu nhóm anh hùng bàn phím có trong này, chắc chắn có thể nhận ra đây là nhân chứng Trần Dũng đã đứng ra thề thốt, xác nhận ông cụ ăn vạ.
Trần Dũng là em họ bà con xa của Lý Chí, xa tới mức tám cái sào tre cũng chọc không tới. Trần Dũng ham ăn lười làm, chơi bời lêu lổng, làm bảo vệ cho công ty bất động sản trong huyện. Vừa hay Lý Chí là chủ tiểu khu này, hai người thường qua lại với nhau, gặp nhau trong tiểu khu cũng thuận tiện gật đầu chào hỏi vài cái. Nhưng Lý Chí đột nhiên tìm đến hắn, cho hắn mười ngàn, nhờ hắn làm nhân chứng giúp.
Trần Dũng thấy cũng lạ, Lý Chí bằng lòng cho hắn nhiều tiền như vậy, sao lại không chịu bồi thường tiền thuốc cho ông già kia? Dù sao ông già kia bị thương cũng không nặng, cùng lắm chỉ mất mấy ngàn đồng.
Lúc ấy hắn cảm thấy hơi kỳ quặc nên thuận miệng hỏi một câu. Lý Chí nói với hắn, bảo là ông già đã lớn tuổi, sợ để lại di chứng, tương lai người nhà ông ta sẽ liên tục tìm gã đòi tiền. Trần Dũng cảm thấy có lý nên không hỏi nữa. Đợt này hắn đánh bài thua mất vài ngàn, số tiền này vừa hay để hắn gỡ vốn.
Lúc này Lý Chí cũng muốn tìm người bàn xem chuyện này phải làm sao bây giờ?
Thật ra ban đầu khi tông phải ông cụ, gã vốn không nghĩ tới những chuyện xấu về sau, lúc ấy gã đưa ông cụ đến bệnh viện rồi, không nín được bèn đi vệ sinh, lúc đi tiểu gặp một người trung niên. Người nọ chủ động đến gần gã hàn huyên vài câu. Khi ấy người nọ nói lý do thoái thác như gã đã nói với Trần Dũng, rồi sau đó, trong lúc vô tình người nọ đã nói: Bây giờ gây chuyện chạy trốn nhiều, ăn vạ cũng nhiều, người không biết quỷ không hay. Mấy dân đen như chúng ta thì khổ rồi ha ha, mấy danh nhân lại có chút tiếng tăm, tất nhiên cũng sẽ có tiền. Có tiền có thế, chuyện gì cũng không đến lượt cậu.
Ăn vạ. Danh tiếng.
Chỉ trong chớp mắt, Lý Chí bỗng nảy ra một ý tưởng tuyệt diệu.
Lý Chí là một chủ cửa hàng trực tuyến, việc làm ăn dở dở ương ương, thế nhưng gã lại không thích ra ngoài kiếm tiền, không chịu nổi khổ cực. Bố mẹ gã chỉ có mình đứa con là gã, không chỉ không hối thúc gã ra ngoài tìm việc mà còn ra ngoài khoác lác khoe công việc bán hàng trực tuyến của con trai mình kiếm biết bao nhiêu là tiền, chỉ biết mừng thay cho gã.
Lý Chí ngồi lỳ cả ngày trong nhà, làm việc không nên thân, bán hàng không kiếm ra tiền, đến cả hẹn hò với con gái nhà người ta cũng thất bại, nhoáng cái gã đã sắp đến tuổi ba mươi. Bố mẹ gã không khỏi sốt ruột, bắt đầu liên tục lải nhải bên tay gã. Gã phiền lòng nên mới xảy ra cơ sự này.
Lý Chí hơi mắc bệnh ảo tưởng sức mạnh, luôn cho rằng mình là người chỉ sinh ra để gánh vác việc lớn, sau khi được nam trung niên chỉ điểm, cuối cùng gã đã nghĩ ra cách kiếm tiền: Lăng xê bản thân.
Gã không có việc gì lại lên mạng, bây giờ mấy idol mạng, ngôi sao có ai không đi mua fan, làm marketing, lấy thêm lăng xê? Đặc biệt là một số idol mở cửa hàng, chất lượng sản phẩm chẳng ra sao, nhưng vì người ta là người nổi tiếng, cái áo mười mấy đồng ngoài chợ qua tay người kia lập tức hét giá mấy trăm đồng, doanh số bán hàng một năm động chút là mấy nghìn vạn, thậm chí là trăm triệu.
Chất lượng sản phẩm trong tiệm gã không kém, điều khác biệt duy nhất giữa gã và mấy cửa hàng của idol kia chỉ kém nhau về danh tiếng.
Nếu chuyện này thành công, gã ngồi không cũng có thể lên ngang idol.
Dựa theo suy nghĩ như vậy, Lý Chí tìm người làm bằng chứng giả, mà may mắn của gã quả thật đã tới, camera theo dõi trên đoạn đường kia đã hỏng, chuyện được tung lên mạng, toàn dân nhanh chóng sục sôi bàn tán.
Quá thuận lợi.
Cơ hội cho gã phát tài tới rồi.
Cửa hàng trực tuyến của gã cũng được thơm
lây, mấy ngày nay nhận đơn đặt hàng đến nhũn cả tay, đồ 800 năm trước không bán nổi cũng được người ta mua về.
Vốn dĩ người nhà ông cụ đã nhận bồi thường, mọi việc nên dừng lại ở đây, nhưng Lý Chí đã nếm được trái ngọt của danh lợi, ma xui quỷ khiến không muốn dừng tay.
Đúng vậy.
Sự việc hỗn loạn tới mức này, Lý Chí cảm thấy bản thân lúc ấy đúng là ngu xuẩn, mãi tới trước khi biết ông cụ tự sát, gã còn cảm thấy mình chính là “lương tâm xã hội” như mấy anh hùng bàn phím kia khen, tất cả những gì gã làm đều vì chính nghĩa và đạo đức. Hiển nhiên gã đã quên chính mình mới là người gây họa, Khổng Kiến Quốc mới là người bị hại vô tội.
Khổng Kiến Quốc đã chết, bây giờ phải làm sao đây?
Lý Chí vô cùng hoảng sợ, trên mạng lại ném ra một quả bom khổng lồ, sau khi cháu gái Khổng Kiến Quốc đăng bằng chứng quyên tiền, cục công an huyện Q tuyên bố thông tin khẩn rằng vụ án có tiến triển mới, bọn họ sẽ tìm ra ngọn nguồn cho cụ Khổng Kiến Quốc, không để người trong sạch bị oan.
Điều… điều này là ý gì?
Rất nhanh, Lý Chí đã biết là ý gì. Gã còn chưa kịp thả di động xuống đã bị cảnh sát ập tới dẫn đi. Thì ra việc này không phải không có người chứng kiến. Người chứng kiến là một công nhân vệ sinh, lúc ấy ông tận mắt nhìn thấy Lý Chí đâm người, chẳng qua khi ấy Lý Chí đã ôm ông cụ lên xe lái thẳng về phía bệnh viện, cho nên ông không để ý nữa.
Bình thường công nhân vệ sinh không lên mạng, sao có thể biết chuyện xảy ra trên đó? Về sau có người tìm tới cửa hỏi có phải ông đã chứng kiến vụ tai nạn xe không. Nói cũng khéo, trước khi xảy ra tai nạn, ông cụ đã lấy ảnh ra hỏi có thấy chó ông đâu không. Lúc ấy ông lão còn chưa đi quá xa, ông mới biết mặt ông lão. Chủ xe gây chuyện thì ông không nhớ rõ, nhưng ông nhớ đó là một chiếc Camry trắng, cơ thể chủ xe cũng ngang tầm Lý Chí.
Mọi việc tới nước này, rốt cuộc Lý Chí không chống chế nổi nữa.
Gã thẳng thắn thú nhận lỗi lầm của mình.
Nhóm anh hùng bàn phím mấy ngày nay luôn đi thực hiện “lương tâm xã hội” biến thành lũ lòng dạ hiểm độc.
Toàn bộ mạng xã hội đều vì chuyện này mà chấn động. Cuộc thảo luận về vấn đề đạo đức, bạo lực mạng sôi nổi hẳn lên, vô số cư dân mạng đã viết bài đăng xin lỗi ông cụ Khổng Kiến Quốc. Cũng có người trên khắp cả nước tới nhà tiễn đưa ông.
Đã từng có lần trong một sự kiện giúp đỡ người già, bởi vì một câu xanh rờn của thẩm phán mà đạo đức của nước Z lùi lại, rồi sau đó một ngành nghề dị dạng nhất trồi lên như măng mọc sau mưa: Nghề ăn vạ. Dưới sự tuyên truyền của mạng xã hội, mọi người nghĩ rất nhiều cách lẩn tránh ăn vạ nguy hiểm, dù gặp người bị thương hay người già ngất xỉu trên đường thật, chuyện đầu tiên mọi người nghĩ đến sẽ là bo bo giữ mình.
Chỉ là mọi người đã quên rằng con người ai cũng phải già đi. Nếu có một ngày người bị tài xế gây chuyện bỏ lại trên đường là cha mẹ bạn thì sao? Nếu có một ngày cha mẹ bạn tuổi già sức yếu té xỉu đầu đường, người xung quanh chỉ lạnh nhạt thờ ơ không ai cứu giúp thì sao? Lại nói xa hơn, nếu mỗi người đều chỉ lo cho bản thân, vậy nếu có một ngày xảy ra chiến sự, còn ai bằng lòng đầu quân bảo vệ người nhà?
Khi chúng ta gặp phải chuyện bất trắc luôn hy vọng gặp được người tốt giúp đỡ, nhưng khi chúng ta lạnh nhạt thờ ơ, xem lòng tốt ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân, khi chúng ta bị người khác mỉa mai là lo chuyện bao đồng, lòng tốt bắt đầu bị chúng ta nghi ngờ, lương tâm dần bị ích kỷ lạnh nhạt hòa tan vào xã hội.
Khi chút lương tâm cuối cùng của xã hội biến mất, chỉ sợ xã hội cũng sẽ đổ sụp theo bất cứ lúc nào.
Nhưng cũng sẽ có người nói trong xã hội bây giờ, cái giá phải trả cho lòng tốt quá lớn, lớn đến mức đủ để phá hủy một vài gia đình bình thường.
Vì thế cũng có người nói, không phải lương tâm sai mà là quy tắc xã hội của chúng ta xảy ra vấn đề, là tín ngưỡng của chúng ta xuất hiện lỗ hổng.
Lấy ví dụ về cuộc thảo luận bạo lực mạng, tự do ngôn luận là một chuyện tốt, nhưng nếu không có điểm dừng thì là điều tốt thật ư?
Chín người mười ý.
Có lẽ cuộc thảo luận sẽ không có hồi kết, nhưng chỉ cần nó có thể khiến cho mọi người xem trọng, đánh thức lương tri của một số người, chung quy cũng không thể xem là một chuyện xấu.
Cụ Khổng thấy Lý Chí và Trần Dũng bị bắt, sắp phải tiếp nhận sự trừng phạt của pháp luật, cư dân mạng viết thư xin lỗi ông, còn đến tiễn đưa ông, oán khí trên người gần như biến mất. Ông cũng không phải bị dồn đến đường cùng mà tự sát thật, nhưng trong lòng hi vọng có tấm gương của ông, các cư dân mạng trong tương lai khi nhìn lại việc này có thể có thêm lý trí, bớt phát cuồng bớt xả giận lung tung, đừng hàm oan người vô tội.
Tuy cụ Khổng trời sinh tính tình kỳ quặc nhưng thật ra rất rộng lượng, ông cảm thấy mình đã sắp tám mươi, sống thêm cũng không được mấy năm nữa, nếu có thể dùng mấy năm tuổi thọ ngắn ngủi của mình để thức tỉnh một số người, chấn chỉnh lại bầu không khí xã hội, ông cũng thấy đáng.
Điều cuối cùng khiến ông không yên lòng chính là cháu gái của ông và Khổng Tô.
Cháu gái Khổng Lâm của cụ Khổng cứ nghĩ ông nội cô bị nhóm anh hùng bàn phím ép chết, cô không khỏi luẩn quẩn trong lòng. Trước kia cô thích vẽ tranh, thích đăng tranh của mình lên mạng, từ sau khi ông nội mất, cô không còn chạm vào mạng xã hội nữa, cả ngày ngồi ủ rũ trong nhà, đến cửa cũng không ra.
Cụ Khổng càng nhìn càng đau lòng, cuối cùng đành phải nhờ Hạ Mạc báo mộng cho cháu gái, nói cho cô một phần chân tướng.
Khổng Tô là yêu, có người vì bắt nó, ép nó hiện thân mà dùng đủ loại thủ đoạn, đứng sau lưng thêm dầu vào lửa, cuối cùng dùng thủ đoạn mê hoặc ông nội, để ông mơ mơ màng màng uống thuốc ngủ tới chết.
Khổng Lâm tỉnh dậy, mặt giàn giụa nước mắt.
Sao lại mơ như vậy được, chắc chắn do cô điên rồi. Khổng Lâm nghĩ.