- Cha ta, ông Palchen Opochey là con út, cha chào đời khi ông nội ta đã năm mươi chín tuổi. Trong số bốn người con của ông nội, chỉ có cha ta là người gánh trách nhiệm nối dõi tông đường. Ông có hai người con trai, là ta và cha của các con, Sangtsa. – Ngài ngước nhìn không trung, ký ức như trôi về từ miền xa thẳm. – Năm hai mươi bảy tuổi ta đã chịu giới Tỷ khâu, là người đầu tiên xuất gia và trở thành Tỷ khâu của giáo phái Sakya. Còn cha của các con, là con út nên phải gánh vác trách nhiệm duy trì huyết thống của gia tộc, cưới vợ, sinh con, cai quản dòng tộc, vì vậy mới có các con.
- Bác và ngài Khoát Đoan đã bàn bạc và quyết định chuyện gì đó có liên quan đến việc kế nghiệp của giáo phái Sakya, đúng không ạ? – Bát Tư Ba nãy giờ vẫn trầm ngâm không nói, đột nhiên ngước cặp mắt thuần khiết lên nhìn người bác và đặt câu hỏi.
Vị trí giả ngạc nhiên nhìn cậu bé, rồi gật đầu:
- Lâu Cát, con thông minh lắm, ta rất mừng.
Giọng ngài Ban Trí Đạt bỗng trở nên trầm buồn:
- Kể từ khi sáng lập cho đến nay, giáo phái Sakya đều do dòng họ Khon của chúng ta đời đời kế nghiệp, cai quản. Trước đây, thực lực của giáo phái còn non yếu, mà dòng họ ta lại hiếm con muộn cháu nên có thể tạm chấp nhận để một người không chính thức xuất gia kế tục sự nghiệp. Nhưng kể từ thời đại của ta trở đi, chúng ta buộc phải tuân thủ giáo luật của nhà Phật để phát triển giáo phái lớn mạnh vượt ra khỏi phạm vi vùng Sakya nhỏ bé. Thế nên con trưởng sẽ xuất gia làm sư, cai quản giáo phái; con út cưới vợ, sinh con, nối dõi tông đường. Lâu Cát, con là con trưởng, được ta nuôi dưỡng từ nhỏ, mười tuổi ta cho con thọ giới Sa di, mục đích là để ngày sau con sẽ kế tục sự nghiệp của ta.
Hai anh em Bát Tư Ba đưa mắt nhìn nhau, Kháp Na có vẻ chưa hiểu câu chuyện, đôi mắt to đen láy nhấp nháy, cái đầu nghiêng nghiêng ra chiều nghĩ ngợi. Bát Tư Ba cắn môi, lấy hết can đảm, hỏi bác:
- Kết quả cuộc thương thảo của bác và ngài Khoát Đoan liên quan đến con hay Kháp Na?
- Kháp Na. – Ngài Ban Trí Đạt cúi xuống nhìn chú nhóc bên cạnh, mỉm cười. – Ta đã quyết định chuyện hôn nhân của Kháp Na. Mùa hạ năm nay con sẽ thành thân với Công chúa Mukaton, con gái Vương gia Khoát Đoan.
- Sao?
Kháp Na đang mải mê vuốt ve chiếc đuôi dài của tôi, giật mình khi nghe người bác thông báo, ngón tay do không kiểm soát đã ấn quá mạnh vào đuôi của tôi. Chú nhóc sợ hãi nhìn ngài Ban Trí Đạt. Tôi bị chú nhóc làm cho đau điếng, kêu oai oái mấy tiếng chú nhóc mới nhận ra, vội vàng buông tay.
- Bác ơi! – Bát Tư Ba kêu lên. – Kháp Na mới chín tuổi!
- Ta biết. – Ngài Ban Trí Đạt, hai mắt nhắm hờ, thở dài não nề. – Vương gia muốn gả Công chúa cho con, nhưng vì con đã xuất gia, năm hai mươi tuổi con sẽ thọ giới Tỷ khâu, suốt đời không thể kết hôn nên ta và Vương gia đã thống nhất để Kháp Na cưới Công chúa.
- Bác ơi, con… con… con…
Kháp Na nhảy xuống đất, chú nhóc dường như rất hoảng hốt, lo sợ.
- Vương gia là người chủ động đề xuất hôn sự này. Hoàng thất Mông Cổ xưa nay đều muốn gắn kết các vùng thuộc địa bằng các cuộc hôn nhân. – Ngài Ban Trí Đạt kéo Kháp Na vào lòng. – Kháp Na à, kết hôn với Công chúa là mối duyên trời cho, cuộc hôn nhân này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của phái Sakya ngày sau.
- Công chúa bằng tuổi con hả bác? – Kháp Na cất giọng rụt rè.
- Công chúa Mukaton năm nay mười bảy tuổi, hơn con tám tuổi. – Nhận thấy nét mặt kinh ngạc của Kháp Na, ngài Ban Trí Đạt vội vàng an ủi. – Ta nghe nói, Công chúa là một cô gái tài ba, cưỡi ngựa, bắn cung đều rất xuất sắc. Con hãy xem cô ấy như chị gái mình. Chỉ một thời gian nữa thôi, con sẽ trưởng thành.
- Bác ơi… – Kháp Na dẩu đôi môi chín mọng, tỏ ý không bằng lòng.
- Sở dĩ ta sắp xếp chuyện kết hôn của con gấp gáp như vậy cũng có nguyên nhân của nó. – Ngài Ban Trí Đạt ngẩng lên, gương mặt già nua, vằn vện những dấu vết của thời gian, vẻ lo âu trĩu nặng. – Phái Sakya từ xưa đến nay đều hiếm muộn đường con cháu. Ông nội ta chào đời khi cụ nội đã năm mươi chín tuổi, cha ta cũng vậy. Lâu Cát, con ra đời khi cha con đã năm mươi hai tuổi. Kháp Na còn tội nghiệp hơn, vừa chào đời đã không còn cha. Phái Sakya được kế thừa bởi huyết thống của dòng họ Khon, nếu như dòng họ không có người nối dõi, việc kế thừa giáo phái sẽ không thể tiếp tục. Tuổi cao sinh con sẽ dẫn đến nguy cơ con trẻ phải kế nghiệp, mà như vậy, quyền hành buộc phải tạm trao cho đệ tử của giáo phái. Nếu không may trao quyền hành vào tay kẻ có dã tâm thì gia tộc họ Khon chúng ta sẽ gặp nguy hiểm… Bởi vậy, ta quyết định cho con kết hôn sớm
vì hy vọng con sớm sinh con đẻ cái để kế tục huyết thống của dòng họ. Trọng trách này chỉ có thể giao phó cho con mà thôi.
Ngừng một lát, ngài Ban Trí Đạt nâng chiếc cằm nhỏ xíu của Kháp Na lên, cất giọng hiền từ:
- Kháp Na, bây giờ con vẫn còn nhỏ, nhưng vài năm nữa thôi, con sẽ hiểu nỗi khổ tâm của ta.
Bát Tư Ba nãy giờ vẫn cúi đầu, cắn chặt môi, lúc này bỗng ngẩng lên, ánh mắt vương nỗi u buồn:
- Nhưng thưa bác, cha con vẫn còn những người con trai khác ngoài hai anh em con kia mà. Em trai thứ hai Rinchen Gyaltsen, em trai thứ ba Yeshe Bernas đều có thể kế thừa gia nghiệp, vì sao nhất định phải bắt Kháp Na cưới vợ khi em con còn bé như vậy?
- Lâu Cát! – Ngài Ban Trí Đạt nghiêm khắc ngắt lời Bát Tư Ba. Tôi chưa thấy ngài nặng lời với anh em họ như thế bao giờ. – Mẹ đẻ của các con, bà Machig Kunchid là vợ cả, lại xuất thân dòng dõi trâm anh thế phiệt, huyết thống cao quý, không người vợ lẽ nào của cha các con có thể sánh bằng. Các con hãy ghi nhớ, phái Sakya nhất định phải do hai anh em con kế thừa!
Kháp Na sợ hãi, mắt đỏ hoe, ngước nhìn người bác và anh trai với vẻ tội nghiệp, đáng thương.
Dường như nhận ra mình khá nặng lời, ngài Ban Trí Đạt ôm Kháp Na, đặt chú nhóc ngồi lên đùi mình, dịu giọng:
- Kháp Na à, sau khi thành thân, con sẽ sống trong phủ của Vương gia Khoát Đoan, từ nay phải mặc trang phục và học nói ngôn ngữ của người Mông Cổ.
- Bác ơi, vậy còn anh con thì sao, huynh ấy có sống trong phủ Vương gia không?
Ngài Ban Trí Đạt lặng lẽ lắc đầu.
Kháp Na chăm chú quan sát biểu cảm nặng nề trên gương mặt người bác, quay sang nhìn anh trai từ nãy đến giờ vẫn cúi đầu im lặng, nước mắt vòng quanh, nhưng chú nhóc cố kìm nén để không bật khóc trước mặt họ. Hôm đó, Kháp Na đã trở thành một cậu bé hiểu chuyện.
Đêm đó, Kháp Na ôm tôi ngủ, Bát Tư Ba ôm em trai. Chú nhóc áp sát cơ thể nhỏ bé của mình vào lưng tôi, nước mắt lặng lẽ tuôn rơi, thấm vào da thịt tôi, từng giọt, từng giọt len vào tim tôi. Đứa bé mới chín tuổi đã phải đối diện với biến cố to lớn trong cuộc đời, phải rời xa những người thân đã gắn bó khăng khít từ thuở lọt lòng để đến sống ở một nơi xa lạ, với vị hôn thê xa lạ. Nỗi hoang mang, sợ hãi khi ấy, có lẽ cả đời cậu chẳng thể quên.
Bát Tư Ba không lên tiếng, chỉ nhẹ nhàng vỗ về cậu em bé bỏng. Không bao giờ tôi quên tuổi thơ của Kháp Na đã kết thúc chóng vánh năm cậu ấy mới chín tuổi.
Vài ngày sau, những lá thư từ nhà trọ ở Lương Châu được gửi đi khắp các địa phương thuộc vùng Wusi. “Bức thư của ngài Ban Trí Đạt, phái Sakya gửi các bậc đại trí đại đức và tín đồ toàn cõi Wusi” thuyết phục các giáo phái và thủ lĩnh các địa phương ở Tây Tạng khi đó quy hàng người Mông Cổ ấy đã liệt kê chi tiết tên gọi các địa phương. Bức thư được lập thành ba bản, một bản gửi Vương gia Khoát Đoan, một bản gửi về Sakya, một bản ngài Ban Trí Đạt lưu giữ.
Cho đến thế kỷ 21, bức thư quý hiếm ấy vẫn được bảo tồn trong tu viện Sakya ở Tây Tạng
Chàng trai trẻ vỗ nhẹ vào đầu mình.
- Trời ơi, mới có chín tuổi… – Cậu ta lắc đầu, thở dài. -
Khoát Đoan bắt Kháp Na sống trong Vương phủ, mặc trang phục và nói tiếng Mông Cổ chẳng qua là muốn giữ cậu bé làm con tin. Cuộc hôn nhân của hai con người khác xa nhau về cả thói quen sinh hoạt, ngôn ngữ, tuổi tác sao có thể có được hạnh phúc kia chứ?
Tôi cười buồn:
- Thực ra ngài Ban Trí Đạt hiểu rõ điều này, nhưng vì lợi ích chung, ngài không thể từ chối lời đề nghị của Khoát Đoan.
Chàng trai trẻ tỏ ra ngẫm ngợi:
- Tuy nhiên, việc làm này của ngài Ban Trí Đạt có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Trung Quốc. Tây Tạng quy thuận Mông Cổ tức là quy thuận triều Nguyên, mặc dù vào thời điểm này, triều Nguyên vẫn chưa xuất hiện. Có thể xem đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Tây Tạng trở thành một địa phương, chịu sự quản lý của chính quyền trung ương.
Tôi gật đầu:
- Nếu phân tích và đánh giá theo cách nhìn của lịch sử hiện đại thì cuộc hội kiến giữa Ban Trí Đạt và Khoát Đoan đã thúc đẩy việc thống nhất Trung Quốc, bởi vậy, các nhà sử học đặc biệt xem trọng và đánh giá cao cuộc gặp gỡ này. Tuy nhiên, Ban Trí Đạt chỉ là người đặt nền móng, Tây Tạng thực sự trở thành một phần của Trung Quốc là nhờ công lao của Bát Tư Ba.