Kháp Na nhìn anh trai, băn khoăn:
- Đại ca, Đại hãn nhớ huynh đúng là chuyện rất quan trọng, nhưng đâu nhất thiết phải lập tức lên đường. Huynh gấp gáp như vậy, phải chăng còn vì việc khác?
Vẻ mặt Bát Tư Ba bỗng trở nên trầm lặng:
- Drakpa Odzer cho người gửi thư mật về báo với ta rằng, pháp vương Chongi của phái Phaktru Kagyu đã đến Trung Đô, hiện đang trú ngụ trong cung điện của Đại hãn. Ông ta giỏi ăn nói, nhiều phép thuật nên rất được lòng Đại hãn.
Kháp Na kinh ngạc:
- Ông ta đến đó khi nào? Vì sao phái Sakya không hề hay biết chuyện này?
- Ông ta âm thầm đến đó, mục đích rất rõ ràng: muốn thừa dịp ta không có mặt ở Trung Đô, giành lấy sự tín nhiệm của Đại hãn, hòng thay thế địa vị của phái Sakya!
Bát Tư Ba vô cùng lo lắng:
- Ta bảo Rinchen ở lại Trung Đô là để giữ gìn và duy trì sự ủng hộ của Đại hãn đối với giáo phái chúng ta. Có điều, Rinchen tuy uyên thâm Phật pháp nhưng lại không giỏi ứng biến, khó mà đối phó được với Chongi. Drakpa Odzer rất lo lắng nên mới viết thư mời ta về Trung Đô gấp, lại đúng lúc Đại hãn muốn triệu ta về, ta cũng đã hoàn thành xong hệ thống chữ viết Mông Cổ. Chuyến đi lần này là hoàn toàn hợp tình hợp lý.
Kháp Na vẫn đầy trăn trở:
- Nhưng ở đây còn biết bao việc chưa xong. Thành trì của giáo phái còn chưa khai công, hai phái Drikung và Phaktru tuy bề ngoài chịu khuất phục nhưng vẫn ngấm ngầm giở trò phá hoại, chống đối. Việc thống nhất đất Tạng vẫn bộn bề, dang dở!
- Thế nên ta muốn đệ ở lại. Lúc ta vắng mặt thì đệ sẽ là trụ cột của giáo phái, mọi việc lớn bé sẽ do đệ quyết định. – Bát Tư Ba nắm chặt tay em trai, xúc động. – Ta biết đệ không muốn nhưng đệ buộc phải thay ta hoàn thành những phần việc còn dang dở này. Kháp Na, hãy hứa với ta, giúp ta gánh vác trọng trách này!
Kháp Na vẫn rất bối rối:
- Đại ca…
- Ta hứa với đệ, sau khi đến Trung Đô và hoàn tất mọi việc, ta sẽ lập tức quay về Sakya, giải thoát đệ khỏi trách nhiệm nặng nề này.
Rồi chàng quay sang ngắm nghía bụng bầu của tôi, ánh mắt tràn đầy hy vọng:
- Đến lúc đó, có lẽ cháu trai của ta đã biết gọi “bác ơi” rồi!
Kháp Na khẳng khái đáp:
- Huynh cứ yên tâm về Trung Đô, đệ nhất định sẽ làm tròn trách nhiệm.
Bát Tư Ba quyết định ngày 25 tháng 6 sẽ khởi hành về Trung Đô. Trước ngày lên đường, Kháp Na bận rộn không ngơi chân ngơi tay, vì phải chuẩn bị hành trang cho anh trai và tiếp quản mọi công việc của Lâu Cát nên thời gian chàng dành cho tôi rất ít. Tôi không thể ra khỏi Lang Như Thư Lầu nên đành đi dạo một mình trong sân vườn, vừa đi vừa trò chuyện với em bé trong bụng để giết thời gian.
Một ngày trước khi Bát Tư Ba lên đường, lòng tôi phấp phỏng lo âu. Tôi rất muốn đến gặp để chào tạm biệt chàng. Từ Sakya đến Trung Đô, cả đi vả về cũng phải mất hai năm, Bát Tư Ba còn phải ở lại đó một thời gian nữa, điều đó có nghĩa, phải chừng ba năm sau, tôi mới gặp lại chàng. Ba năm tới đây, vì phải nuôi con nhỏ, tôi sẽ không thể làm người đưa tin cho hai anh em họ như trước kia được nữa. Cứ nghĩ đến đây, lòng tôi thắt lại, trái tim hoang mang, trống trải. Ở bên anh em họ hơn hai mươi năm, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng sẽ có lúc mình phải xa Bát Tư Ba lâu đến vậy.
Kháp Na không có nhà, mình tôi thơ thẩn ngoài vườn. Vì muốn tâm trạng của tôi được thoải mái, Kháp Na đã nhờ Kunga Zangpo tìm kiếm loài hoa đẹp nhất ở mãi cùng Tiền Tạng, đem về trồng trong vườn. Lúc này đang là mùa hạ, mùa dễ chịu nhất ở Sakya, hoa nở khắp vườn, cây xanh lá biếc, hương thơm ngào ngạt nhưng vẫn không sao khiến tâm trí tôi thư thái được. Tôi nhớ Bát Tư Ba, tôi muốn gặp chàng! Nỗi niềm thầm lặng mà da diết ấy cứ cuồn cuộn trào dâng trong tôi, không sao nguôi ngoai.
Đang định niệm chú hóa thành Kangtsoban để đi gặp Lâu Cát, vừa quay
đầu lại, tôi đã bắt gặp bóng chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm ngoài cổng, vẫn là bóng dáng cao gầy, cô độc ấy, vẫn đôi mắt trong suốt, long lanh ấy đang nhìn tôi chăm chú, đôi đồng tử u buồn như sương mai trên dãy núi phía xa. Tôi mãi mãi không bao giờ hiểu hết những điều thầm kín ẩn chứa trong đôi mắt ấy, nhưng lúc nào đôi mắt ấy cũng khiến tôi nhớ nhung da diết.
- Lâu Cát...
Nước mắt trào ra, tôi vội vàng quay đi, lau nước mắt rồi ôm bụng ra đón chàng.
- Sao chàng lại đến đây? Kháp Na đâu rồi?
- Kháp Na đang bàn giao chìa khóa nhà kho cho bản khâm nên chỉ có mình ta đến.
Chàng tựa người vào cánh cổng, bối rối cúi nhìn ngón chân mình, khẽ nói:
- Ta... ta muốn gặp riêng em để chào từ biệt.
Tim tôi đập mạnh, sống mũi cay cay. Kể từ ngày làm vợ Kháp Na, tôi dành trọn tâm tư cho chàng, chưa khi nào gặp riêng Lâu Cát thế này. Tuy trái tim vẫn đập rộn ràng mỗi lúc nhìn thấy bóng chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm ấy như một thói quen khó bỏ nhưng tôi biết, chúng tôi đã không còn duyên nợ gì, chỉ có thể thương nhau, nhớ nhau như những người bạn, người thân mà thôi.
Tôi sụt sịt, xúc động:
- Trên đường đi chàng phải giữ gìn sức khỏe, chịu khó ăn uống, ngủ nghỉ thật đầy đủ. Đừng lo lắng chuyện ở nhà, Kháp Na sẽ xử lý tốt mọi việc.
Chàng vẫn cúi đầu như thế, chỉ ậm ừ đáp lại mỗi lời dặn dò của tôi. Thực ra, tôi biết chàng sẽ không nghe tôi đâu. Tôi ngước lên nhìn gương mặt gầy guộc, tiều tụy của chàng, không nén nổi tiếng thở dài:
- Lâu Cát, chỉ cần hứa với em một điều thôi: đừng để gầy thêm nữa.
Cuối cùng thì chàng cũng chịu ngẩng lên, ánh mắt lấp lánh như muốn chiếu rọi đến tận cùng u tối. Rất lâu sau, chàng mới quay đi, cất giọng thì thào:
- Được, ta hứa với em!
Kể từ lúc đó, hai chúng tôi hầu như không nói với nhau câu gì, nhưng cả hai đều không muốn thốt lên lời giã biệt, cứ lặng lẽ như thế. Mặt trời ngả về tây, cái nóng oi bức của mùa hạ được gió chiều làm cho dịu lại. Vạt áo tăng ni của chàng bay bay theo gió, dưới ánh hoàng hôn ngày muộn, bóng dáng ấy như còng xuống rất nhiều bởi trên vai chất đầy trọng trách. Gương mặt cương nghị, thâm trầm thoáng nét hiền hòa và nụ cười hồn hậu. Chàng khẽ bảo:
- Lam Kha, ta đi đây!
Tôi nắm chặt bàn tay, móng tay cắm vào da thịt, truyền đến cảm giác nhói đau. Chàng lùi lại, đặt tay lên thành cửa, ánh mắt không rời khỏi tôi, bàn chân dùng dằng không dứt:
- Chia tay lần này, không biết khi nào mới có thể gặp lại. Điều khiến ta nuối tiếc nhất là không được tận mắt chứng kiến ngày đứa bé chào đời.
Tôi cuống quýt dõi theo bàn chân chuẩn bị bước qua bậc cửa của chàng, vội vã gọi:
- Trước lúc ra đi, chàng có muốn chào em bé không?
Đôi mắt chàng mở to kinh ngạc, nụ cười rạng rỡ trên môi, niềm hân hoan chẳng thể che giấu. Chàng rảo bước lại gần tôi, ánh mắt đổ dồn vào cái bụng bầu của tôi, cánh tay chầm chậm chìa ra, xúc động, run rẩy. Nhưng ngay khi sắp chạm tới, ánh mắt chàng đột nhiên thoáng vẻ kinh hãi, hoảng sợ, rồi chàng lập tức rụt tay về, hơi thở hổn hển. Chàng lùi lại, lấy lại vẻ mặt điềm tĩnh như thường lệ:
- Ta là tăng nhân đã thọ giới Cụ túc, không thể có cử chỉ khiếm nhã đó được.