“Bậc học giả nghiên cứu kho tri thức,
tạo thành quả cho đời;
Kẻ tầm thường vận dụng vốn hiểu biết,
giúp bản thân lóe sáng.”
(Cách ngôn Sakya)
Năm 1261 - tức năm Dậu, Âm Thiết theo lịch Tạng (Tân Dậu) - tức năm thứ hai niên hiệu Cảnh Định nhà Nam Tống - tức năm thứ hai niên hiệu Trung Thống, Hốt Tất Liệt, Mông Cổ.
Bát Tư Ba hai mươi bảy tuổi, Kháp Na hai mươi ba tuổi, Chân Kim mười tám tuổi.
Phủ Quốc sư tọa lạc bên trái hoàng cung, để thuận tiện cho Bát Tư Ba vào chầu khi có lời mời của Hốt Tất Liệt. Bát Tư Ba sắp xếp để cả đoàn người đông đúc vào sống trong phủ của cậu. Chừng ấy chủ nhân và gia nhân khiến phủ Quốc sư bỗng chật ních.
Không khó để nhận thấy Bát Tư Ba quý trọng bầu không khí đoàn tụ này thế nào. Em trai yêu quý nhất của cậu đã ở bên cạnh cậu, còn cả những người anh em cùng cha khác mẹ cách biệt suốt mười sáu năm cũng đã tề tựu về đây. Không khí sum họp gia đình đầm ấm ấy khiến gương mặt an nhiên, trầm tĩnh bấy lâu nay của Bát Tư Ba trở nên tươi tắn, rạng rỡ lạ thường.
Cậu hai Rinchen hay mắc cỡ, rất kiệm lời, nhưng đặc biệt say mê đàm đạo Phật pháp, hễ có dịp là xin được thỉnh giáo Bát Tư Ba. Bát Tư Ba khen ngợi cậu ấy là người thành tâm, luôn một lòng thờ Phật, muốn bồi dưỡng cậu ấy trở thành rường cột của giáo phái Sakya trong tương lai nên thường đưa cậu ấy đi cùng mỗi khi tới dự các buổi lễ Phật hoặc tham gia và các hoạt động biện kinh.
Cậu ba Yeshe là người giỏi ăn nói, hoạt bát và hài hước, thường đem những câu chuyện thú vị lưu truyền ở đất Tạng kể cho các anh em cùng nghe. Chỉ cần có mặt cậu ấy thì buổi sum họp gia đình không khi nào ngớt tiếng cười.
Kể từ khi cùng cha vào sống trong phủ Quốc sư, được chứng kiến địa vị cao quý và quyền thế như mặt trời ban trưa của Bát Tư Ba, Dankhag lại càng quyết tâm bỏ rơi Yeshe để theo đuổi Kháp Na ráo riết hơn. Có điều Kháp Na trở nên cứng rắn và cương quyết hơn, tuyệt đối không để cô ả có dịp thể hiện tình cảm, bởi vậy những lần gặp gỡ giữa hai người thường kết thúc chóng vánh bằng những cái giẫm chân bành bạch và nỗi bực tức điên cuồng vì bất lực của Dankhag.
Nghe nói các em trai của Bát Tư Ba và viên quan thiên hộ hầu của đất Tạng đã đến Yên Kinh, Hốt Tất Liệt rất mực phấn khởi, quyết định sẽ triệu kiến họ vào ngày mùng Một đầu năm khi bá quan văn võ tề tựu trong cung chúc để Tết nhà vua. Đêm Giao thừa năm đó, phủ Quốc sư tưng bừng, náo nhiệt chưa từng có, anh em Bát Tư Ba tổ chức mừng năm mới theo phong tục của người Hán. Khi tiếng chuông báo hiệu thời khắc năm mới vang lên, pháo hoa rực rỡ khắp trời, người ta tặng nhau những lời chúc tốt lành, gia đình đoàn tụ, niềm vui ngập tràn. Khi đó, cả bốn anh em họ đều không biết rằng, bầu không khí sum họp ngày Tết ấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng diễn ra trong đời họ.
Tàn tiệc, mọi người về phòng nghỉ ngơi, Yeshe lặng lẽ gõ cửa phòng Bát Tư Ba.
- Đại ca, đệ muốn nhờ huynh một việc.
Bước vào và không thấy có ai khác, Yeshe liền đi thẳng vào vấn đề:
- Đệ muốn cưới Dankhag.
Bát Tư Ba khẽ chau mày:
- Đệ muốn cưới Dankhag thì phải đến gặp cha cô ấy chứ, sao lại tìm ta?
- Ngài Tsirenja muốn gả con gái cho người của giáo phái Sakya nhưng còn e ngại thân phận của đệ. Huynh cũng biết đấy, mẹ đệ không phải con nhà dòng dõi gì… - Cậu ta ngừng lại, ánh mắt chờ đợi hướng về Bát Tư Ba. – Đại ca, huynh hãy xin với Đại hãn ban hôn ước này cho đệ. Đại hãn chưa từng từ chối huynh điều gì, chỉ cần huynh mở lời, hôn sự này chắc chắn sẽ thành. Ngài Tsirenja đến Đại Đô vì muốn kết thân với người Mông Cổ nên ông ấy sẽ không kháng chỉ.
Không chờ Bát Tư Ba trả lời, Yeshe tiến lên phía trước, kéo tay áo cậu ấy, vẻ sốt ruột:
- Đại ca, đệ muốn giúp huynh, giúp giáo phái của chúng ta. Thực lực của phái Sakya ở đất Tạng không mạnh, vùng Hậu Tạng xưa nay vốn đất đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Nếu không nhờ bác và huynh thì giáo phái của chúng ta chẳng thể so sánh với các giáo phái lớn khác như Pagmodru
và Kagyu. Vùng Lhatse giàu có của ngài Tsirenja nằm sát Sakya, Dankhag là con gái duy nhất của ông ấy, nếu đệ cưới Dankhag, ngày sau Lhatse và Sakya được hợp nhất, sẽ giúp giáo phái của chúng ta thêm mạnh.
Yeshe hóng mắt chờ đợi câu trả lời. Bát Tư Ba khẽ gật đầu:
- Không còn sớm nữa, đệ về nghỉ ngơi đi. Ngày mai vào chầu, ta sẽ lo liệu.
Yeshe hí hửng ra về, tôi nằm trên giường, mỉm cười nhìn Bát Tư Ba:
- Nếu hôn sự này thành, người khác thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn Kháp Na sẽ hậu tạ cậu.
Bát Tư Ba vuốt ve chiếc đầu nhỏ xíu của tôi, cất giọng điềm đạm:
- Khuya rồi, ngủ thôi.
Ngày mồng Một tháng Giêng năm 1261, Hốt Tất Liệt hoan hỉ tiếp nhận lời chúc mừng năm mới của quần thần trên điện Đại Minh, Bát Tư Ba dâng lên nhà vua thư chúc Tết như thông lệ hằng năm. Bá quan văn võ và hoàng thân quốc thích tề tựu đông đủ tại đại điện, nghi lễ chúc Tết long trọng hơn khi Hốt Tất Liệt còn là một vương gia gấp trăm lần. Hốt Tất Liệt đặc biệt coi trọng và hân hoan đón nhận cảm giác của người nắm trong tay quyền lực cao nhất. Ngài vui mừng tuyên bố phong cho cậu con quý tử Chân Kim làm Yên Vương.
Chân Kim quỳ xuống nhận sắc phong, qua Tết cậu sẽ trong mười tám tuổi. Chân Kim vận trang phục quyền quý, dáng người cao lớn, gương mặt giống Hốt Tất Liệt hồi trẻ như đúc. Khabi kiều diễm và quý phái, ngồi bên cạnh Hốt Tất Liệt, ngắm nhìn con trai đầy yêu thương và tự hào. Sau khi phong thưởng hết lượt hoàng thân quốc thích, Hốt Tất Liệt xướng tên Kháp Na. Kháp Na vội vàng bước ra, cung kính quỳ lạy.
Hốt Tất Liệt chăm chú quan sát cậu, rồi bật cười khen ngợi:
- Mấy năm không gặp, Kháp Na đã trưởng thành, khôi ngô, tuấn tú hơn rất nhiều. Ta có ý định phong cậu làm vương gia ngoại tộc từ lâu nhưng hôm nay mới thực hiện được. Còn về tên hiệu thì…
Trong lúc ngẫm ngợi, Hốt Tất Liệt bất chợt nhìn thấy đóa lan trắng trên đại điện. Được sự chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo của người làm vườn, giữa mùa đông giá lạnh mà hoa lan trắng vẫn bừng nở rực rỡ, tỏa hương ngào ngạt.
Hốt Tất Liệt bước xuống, đến trước đóa lan, tán tụng:
- Một đóa lan trắng đẹp tuyệt, đài hoa trắng muốt, giữa mùa đông giá buốt vẫn kiêu hãnh khoe sắc, hương thơm ngan ngát tỏa lan, rất giống cậu đấy, Kháp Na.
Đại hãn ngắt bông hoa tươi thắm nhất, bước đến trước mặt Kháp Na, cài len ngực áo cậu, gật đầu hài lòng:
- Ta phong cho cậu làm Bạch Lan Vương.
Lời ngài vừa vang lên đã khiến cả đại điện xôn xao. Bởi vì người Mông Cổ rất hiếm khi phong người ngoại tộc làm vương gia, huống hồ, trong số các con trai của ngài, đến nay cũng chỉ có Chân Kim được phong làm Yên Vương. Bạch Lan Vương tuy chỉ là tước phong, không có thực quyền, nhưng cũng là một vinh hạnh vô cùng lớn lao và hiếm hoi. Kháp Na là con rễ Khoát Đoan, nhưng sau khi Khoát Đoan qua đời, đám cháu con của ông đều thất thế. Bởi vậy, việc làm này của Hốt Tất Liệt rõ ràng là muốn đề cao Bát Tư Ba.
Kháp Na luống cuống quỳ lạy tạ ơn. Hốt Tất Liệt phấn chấn, đích thân bước tới đỡ Kháp Na dậy:
- Kháp Na có con cái gì chưa?
Kháp Na hơi sững sờ:
- Thưa Đại hãn, thần vẫn chưa.
- Ta còn nhớ, khanh đã cưới cháu gái ta làm vợ, nó là con gái của Vương gia Khoát Đoan ở Lương Châu, tên gọi Mukaton, đúng không?
Kháp Na cúi đầu, che giấu nỗi khiếp hãi đến trên gương mặt, giữ giọng bình tĩnh, đáp:
- Vâng!