Sáu tuổi đã phải rời quê hương nên cậu ấy không còn nhiều ấn tượng về nơi ấy cũng là điều dễ hiểu. Bát Tư Ba thì khác, chàng hơn Kháp Na bốn tuổi, chàng có không ít kỷ niệm tuổi thơ ở quê nhà. Sau khi đại sư Ban Trí Đạt viên tịch, lẽ ra Bát Tư Ba phải trở về Sakya theo di mệnh của người bác, nhưng trên đường đi chàng đã gặp và lựa chọn con đường đi theo Hốt Tất Liệt vì tương lai của giáo phái. Chàng là thủ lĩnh của giáo phái nhưng lại xa cố hương những hai mươi năm, điều đó thật khó chấp nhận. Bởi vậy những năm qua, Bát Tư Ba luôn đau đáu tâm nguyện trở về quê hương. Mệnh lệnh của Hốt Tất Liệt đã giúp chàng toại nguyện.
Ánh mắt của Kháp Na trôi miên man ngoài cửa sổ. Trời ngả về chiều, tơ liễu phất phơ trong gió, hoa đào khoe sắc rực rỡ trong vườn. Gió nhẹ thổi đầu cành, những cánh hoa đào đan cài vào tơ liễu lơ lửng trên không trung, dưới ánh nắng chiều vàng ruộm, những trận mưa hoa lả tả khắp không gian, đẹp mê tơi.
- Ta không thương quê nhớ xứ như đại ca, cũng chưa từng nghĩ rằng, một ngày nào đó nhất định phải trở về. Nhưng vì đây là mệnh lệnh của Đại hãn, ta buộc phải tuân thủ. Vả lại, mục đích của chuyến đi này không chỉ là việc đại ca trở về để chỉnh đốn lại giáo phái mà quan trọng hơn là, vâng mệnh Đại hãn, tái thiết đất Tạng. Và nếu vậy, đại ca sẽ phải xử trí rất nhiều công việc, phải thiết lập rất nhiều mối quan hệ, một mình huynh ấy chẳng thể cáng đáng nổi, ta phải giúp anh mình.
Cậu ấy thở dài thườn thượt, quay lại nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh:
- Thôi được rồi, chúng ta cùng về Yên Kinh.
Tôi gật đầu, mỉm cười tinh nghịch:
- Không đúng, không được gọi là Yên Kinh, bây giờ phải gọi là Trung Đô.
Hôm sau, Kháp Na thu dọn hành lý, cùng một số hầu cận thân thiết rời khỏi phủ Phò mã ở Lương Châu.
Không ai ở Lương Châu không biết Mukaton là cô công chúa hung hăng, bạo ngược, cánh đàn ông cũng thấy ái ngại thay cho Kháp Na. Sau khi Mukaton qua đời, các đám mai mối chen chân và cổng phủ Phò mã. Nhưng những người đến cầu thân không ai có thể bước chân vào phủ Phò mã lần thứ hai. Kháp Na để tang vợ hơn một năm trời, người chồng nghĩa nặng tình sâu ấy đã khiến người dân Lương Châu cảm động. Các cô gái Lương Châu không ai bảo ai, đều lấy Kháp Na làm thước đo tiêu chuẩn. Những người đã lập gia đình đều muốn chồng mình chịu khó học tập cậu ấy. Những cô gái chưa chồng thì khát khao được bước chân vào phủ Phò mã, dẫu chỉ để rót nước pha trà hầu hạ cu cũng bằng lòng.
Vậy nên, vào ngày Kháp Na lên đường, ngoài Thiếp Mộc Nhi, còn có rất đông bà con Lương Châu đến tiễn. Các cô gái tung hoa tươi và khăn lụa lên xe ngựa nhiều vô kể. Kháp Na cảm động, vẫy tay từ biệt mọi người. Xe ngựa lăn bánh, tiến thẳng hướng cửa thành phía đông. Năm lên tám, Kháp Na lần đầu đặt chân đến Lương Châu. Chỉ vỏn vẹn hai năm ở Yên Kinh, còn lại phần lớn thời gian cậu ấy sống ở kinh thành quan trọng bậc nhất phía tây bắc này, vậy mà đã mười sáu năm trôi qua. Đối với Kháp Na, Lương Châu gắn bó và thân thiết với cậu ấy hơn cả quê hương.
Kháp Na không hề biết rằng, sau chuyến đi này, cậu ấy không còn cơ hội trở về Lương Châu nữa.
Suốt mấy tháng lênh đênh trên chặng đường trở về Trung Đô, chúng tôi đã trải qua mùa mưa giăng giăng, lầy lội, bởi vậy, thay vì lộ trình hai tháng bình thường, chúng tôi đã phải đi gần ba tháng mới đến nơi. Bình minh ngày Mười lăm tháng Tư, trời mới chịu hửng nắng nhưng chúng tôi vẫn còn cả một ngày đường nữa. Dù thúc ngựa chạy nhanh hết cỡ, cũng phải đến chiều tối hôm sau mới có thể tới nơi. Tôi đứng ngồi không yên, đành đề nghị Kháp Na để tôi về Trung Đô trước.
Bởi vì ngày Mười lăm tháng Tư là lần đầu tiên Bát Tư Ba chủ trì đại lễ Sitatapatra tại kinh thành Trung Đô của Hốt Tất Liệt.
Kinh Đại Nhật chép rằng: Trên đỉnh đầu của Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện hình luân vương – là pháp tướng tôn quý nhất của Như Lai, lấy pháp thanh tịnh, đại từ đại bi mà ban phước lành cho cả thế giới. Người Mông Cổ vốn sùng bài màu trắng, vậy nên ngày Mười lăm tháng Tư năm ngoái, Bát Tư Ba đã làm lễ dựng lên một chiếc lộng màu trắng che trên ngai vua tại điện Đại Minh. Chiếc
lộng trắng được thêu kinh văn bằng gấm và bột vàng, xem đó như một dạng bùa trừ và cầu an cho quốc gia, bảo vệ Hốt Tất Liệt.
Ngày Mười lăm tháng Tư năm nay là tròn một năm kỷ niệm sự kiện lọng trắng che ngài vàng trên điện Đại Minh, Bát Tư Ba đã dâng tấy xin được tổ chức đại lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Hốt Tất Liệt lập tức phê chuẩn và hết lòng ủng hộ. Trước khi tôi lên đường đi Lương Châu, Hốt Tất Liệt đã lệnh cho tuyên chính viện dốc toàn lực tổ chức buổi lễ này.
Vì muốn lấy lòng Đại hãn, tuyên chính viện bỏ ra rất nhiều tiền bạc để sắm sửa áo giáp sắt, khiên đao, binh khí, đồng thời phân công nhiệm vụ cho Ti giáo phường nhạc lập đội nhạc khoảng hơn ba trăm người, đội tạp kỹ một trăm năm mươi người, đội trống một trăm hai mươi người, tất cả các ngôi đền ở Trung Đô sẽ chuẩn bị tượng Phật, cờ xí, ô lọng,... Họ còn điều động trong đội Cận vệ đóng tại kinh thành chừng năm trăm người để lập đội nghi thức và điều động năm trăm người làm công tác phục vụ. Lễ hội lần này còn long trọng, hoành tráng và quy mô hơn cả lễ hội hoa đăng trong dịp rằm Nguyên tiêu của người Hán.
Sao tôi có thể bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng phong thái của Bát Tư Ba trong buổi lễ hội trọng đại do chính chàng đề xướng và chủ trì kia chứ? Sau khi từ biệt Kháp Na, tôi biến phép để có thể về Trung Đô nhanh nhất. Nhưng khi tôi đến nơi, lễ hội đã diễn ra.
Sáng sớm hôm đó, Bát Tư Ba cùng các đệ tử ngồi tọa thiền tụng kinh trước ngai vàng trên điện Đại Minh, sau đó cung thỉnh tòa lọng trắng đã treo suốt một năm qua xuống, đặt vào kiệu trang trí nguy nga, tráng lệ đã được chuẩn bị từ trước. Hốt Tất Liệt cùng Khabi và toàn thể phi tần, công chúa ngự trên một lầu cao được dựng bên ngoài điện Ngọc Đức để chiêm ngưỡng lễ hội. Lúc này, đội nghi thức gồm năm trăm binh lính đã xếp hàng chỉnh tề ngoài điện Đại Minh để hộ tống Bát Tư Ba và các đệ tử lên kiệu xuất cung, chầm chậm tiến qua cửa Sùng Thiên.
Lúc tôi vừa đến nơi, đội nghi thức đã lần lượt diễu qua cửa Sùng Thiên, vậy là tôi đã bở lỡ những nghi thức đặc sắc diễn ra trong điện Đại Minh.
Hình dáng nhỏ bé của tiều hồ ly không thể giúp tôi quan sát mọi thứ giữa đám đông chen chúc, tôi phải hóa thành người, mặc áo choàng, đội mũ rộng che kín mái tóc và đôi mắt màu lam của mình, kiễng chân ngó nghiên tứ phía.
Đội kỵ binh áo giáp sáng loáng, oai phong, lẫm liệt hộ tống cỗ xe ngựa xếp lọng trắng bên trong. Cỗ xe được kéo bởi bốn con ngựa trắng thuần chủng, trên mình không một vết chàm. Bát Tư Ba cùng các đệ tử xếp thành hàng đi bên cạnh. Chàng vận áo cà sa dát kim tuyến lấp lánh, đầu đội mũ ngũ sắc, mọi động tác, cử chỉ, thần thái đều rất mực tao nhã, thanh thoát. Vẻ mặt an nhiên, pháp tướng trang nghiêm, đôi mắt sáng, thông tuệ dạo khắp chúng sinh.
Chàng giống như bậc tiên nhân, phong thái bất phàm khiến cho nam giới của nhân gian khi được chiêm ngưỡng dung mạo của chàng đều cảm thấy hổ thẹn. Những con mắt mang hình trái tim của các thiếu nữ trong đám đông đổ dồn về phía chàng, ai nấy đều hết lời ca tụng.
Tiếp theo đội nghi thức là đội trống, đội tạp kỹ và đội ca vũ, nối tiếp nhau kéo thành chừng hơn hai mươi dặm. Các nghệ sĩ ăn vận lộng lẫy, bắt mắt, trang sức cầu ký, tinh xảo. Họ vừa di chuyển vừa biểu diễn, không khí sôi nổi, những màn biểu diễn đặc sắc khiến cho đám đông hò reo cổ vũ không ngơi nghỉ. Dân chúng thành Yên Kinh dường như đều đổ ra đường, ai ấy đều vui mừng, hoan hỉ, tiếng cười đùa, tiếng hò reo của họ xen lẫn tiếng trống, tiếng nhạc và những điệu múa, những màn biểu diễn độc đáo, không khí sôi động khiến cả kinh thành như muốn vỡ tung.