Edit: Gà Say Sữa
Vừa trở lại phòng chưa được bao lâu, quản sự đã tới, trong tay cầm một bộ đồ tang
“Thiếu phu nhân.” – Thần sắc hắn dè dặt –
“Phu nhân căn dặn tiểu nhân đưa đồ tang tới.”Ta ôm A Mịch, nhìn bộ đồ để trên khay, chắc là vừa mới làm xong, viền vải sô gai đâm vào mắt ta có chút chói mắt. Áo sô gai, lần trước khi ta mặc nó lên người là lúc Phó thị diệt tộc.
“Để xuống đi.” – Ta nói.
Quản sự vâng một tiếng, đặt xuống rồi thi lễ với ta lui ra ngoài.
“Phu nhân.” – A Nguyên đi tới, viền mắt đỏ ửng –
“Đại công tử, Tứ công tử cùng mấy vị đường công tử đều chưa tìm thấy thi thể, tại sao lại vội vàng làm tang sự như vậy? Còn Nhị công tử lại muốn phu nhân theo ngài ta tới doanh trại, thế này…”Ta lắc đầu với A Nguyên, tỏ ý không cần nói nhiều.
“Đem thư này giao cho Lý quản sự.” – Ta đem một tờ giấy giao cho A Nguyên.
A Nguyên nhận lấy, nhìn một chút, thần sắc biến đổi.
“Điều tra hành tung của Lữ Chinh?” – A Nguyên hạ thấp giọng nói –
“Ý của phu nhân là…”Ta nói –
“Tin tức truyền về đều là do người này nói, vẫn nên nghe ngóng rõ ràng mới được.”“Còn cả… Mã Khuê?” – Âm thanh của A Nguyên nhẹ như hơi thở –
“Phu nhân muốn rời đi?”“Dù sao cũng nên sớm chuẩn bị trước đường lui.” – Ta nhẹ giọng nói.
Trong thư, ta nhờ Lý Thượng kiểm tra chút tiền bạc có thể mang đi, cũng mời đám người Mã Khuê tới Ung Đô.
Đây là trong trường hợp bất đắc dĩ nhất.
Theo ta thấy thì tin tức về cái chết của Ngụy Đàm có rất nhiều điểm khả nghi.
Đầu tiên, theo Lữ Chinh nói, Lương Mân bất ngờ tập kích thủy trại, tình tiết giống hệt như tại trận chiến Kỳ Lăng trước đây. Ngụy Đàm là người thế nào, lúc trước tại Kỳ Lăng chàng từng lo lắng rất nhiều về thiếu sót của thủy trại, sao còn có thể dẫm lên vết xe đổ trước kia?
Thứ hai, lúc Ngụy An chế tạo nhà thuyền ở Ung Trì, ta từng nghe đệ ấy thảo luận về vấn đề phòng lửa của nhà thuyền với thợ mộc, nói Ngụy Đàm cực kỳ coi trọng vấn đề này.
Thứ ba, cứ coi như nhà thuyền của Ngụy An không ngăn cản được hỏa công, mấy trăm ngàn đại quân dưới trướng Ngụy Đàm cũng không phải để làm cảnh, nói Lương Mân có thể một đường chọc thủng vòng vây thì thực không hợp với lẽ thường?
Dĩ nhiên, người khác có thể cho rằng ta nghĩ như vậy là do tin dữ tới quá đột ngột, không cách nào chấp nhận được sự thật hoặc là nói ta chỉ là cố ôm tâm lý may mắn, nhưng bất kể là thật hay giả, tình hình ở Ung Đô là có thể đoán được.
Nay trong phủ, Ngụy Giác đã gần đất xa trời, không có Ngụy Đàm, chức vị chủ nhân tất nhiên thuộc về Ngụy Chiêu và Quách phu nhân.
Tài làm tướng của Ngụy Chiêu, ta không mấy coi trọng, một khi Lương Mân phá được Hoài Châu thì Ung Châu chẳng khác nào như trứng trong giỏ. Hai ngày nay, ta thường nghe người khác nghị luận về chuyện Ngụy Chiêu dâng tấu muốn dời đô về phía Bắc.
Tình thế như vậy, ta và A Mịch ở lại trong phủ, mẹ góa con côi, cuộc sống sau nhày nhất định phải nghe theo người khác sắp đặt.
Dĩ nhiên, còn có một khả năng khác, nhưng cho dù là ta cũng cảm thấy suy nghĩ đó quá mức si tâm vọng tưởng, đó chính là Ngụy Đàm còn chưa chết…
Sống mũi cay cay, ta ngơ ngẩn nhìn A Mịch ngồi chơi với chiếc lục lạc nhỏ, lại bắt đầu muốn khóc.
Có lẽ nhận ra được tâm trạng ủ dột của những người xung quanh, hai ngày nay A Mịch cũng an tĩnh hơn rất nhiều, thấy ta nhìn, con bé cũng giương mắt nhìn ta ư a hai tiếng.
Ta thở dài một hơi, cúi đầu áp trán vào trán con bé.
Ngụy Đàm, rốt cuộc chàng còn sống hay đã chết? Sống không thấy người, chết không thấy xác, chuyện này rốt cuộc là thế nào?
Buổi đêm hôm ấy bất ngờ đổ xuống một trận mưa, sang ngày thứ hai, thời tiết tạnh ráo mát mẻ, không hề oi bức.
Ta thay đồ rồi nhìn mình trong gương, người trong gương mặc áo sô gai trắng, đầu buộc khăn tang, thoáng như cô thiếu nữ mang vẻ ngây thơ năm nào, cõi lòng tràn đầy phẫn uất cùng bi thương.
A Mịch còn nhỏ, ta chỉ dùng một chiếc đai trắng thắt ngang hông con bé, coi như là để tang.
Đợi gia nhân tới mời mấy lượt, ta mới ôm A Mịch đi ra cửa.
Ngụy Chiêu đã chờ sẵn ở cửa, áo sô gai khoác bên ngoài áo bào màu đen. Ta chú ý được xe Ngụy Chiêu dùng là chiếc xe lúc trước Ngụy Giác hay dùng đi tuần sát doanh trại, Ngụy Đàm cũng từng dùng một hai lần, hôm nay đến phiên Ngụy Chiêu, dáng người có mấy phần tương tự nhưng thiếu đi chút khí chất mạnh mẽ sát phạt.
“Trưởng tẩu.” – Ngụy Chiêu thi lễ với ta.
Ta đáp lễ –
“Nhị thúc.”“Hôm nay làm phiền trưởng tẩu rồi.”“Nhị thúc nói gì vậy.” – Ta khiêm tốn nói.
Ngụy Chiêu nhìn A Mịch, không tiếp tục nhiều lời, để cho gia nhân hầu hạ ta lên xe.
Tế Liễu doanh cách Ung Đô mười lăm dặm, cũng không xa lắm. Sau khi Ngụy Đàm dẫn quân đi Tân An, nơi này còn lại ba vạn quận làm quân phòng vệ cho Ung Đô.
Ta chưa bao giờ tới nơi này, nhưng Ngụy Đàm lại khác, trước đây ngày nào chàng cũng đi sớm về trễ, phần lớn thời gian đều là ở doanh trại. Con đường rộng rãi bằng phẳng, hai bên đường đều là rừng cây tùng bách mới trồng được mấy năm, đây là nơi mà Ngụy Đàm đã tới vô số lần, hôm nay là lần đầu tiên ta và A Mịch tới đây nhưng lại không thấy bóng dáng chàng…
Mắt ta lại bắt đầu chua xót, không nhớ tới chàng nữa, ta xoay đầu đi không nhìn ra ngoài nữa.
Xe ngựa phi thẳng vào cổng doanh, đến đài điểm tướng thì ngừng lại, ngoài dự liệu của ta, bên ngoài người đứng chật kín, cờ xí phấp phới, quân sĩ xếp hàng chỉnh tề theo phẩm cấp, từ tướng quân tới sĩ tốt, thần sắc nghiêm túc, ngẩng đầu ưỡn ngực, hàng hàng lớp lớp quân lính như bàn cờ vây, tựa hồ như nhìn không được điểm cuối.
Ta kinh ngạc nhìn về phía Ngụy Chiêu, trên mặt hắn cũng hơi toát lên kinh ngạc, bất quá rất nhanh đã trấn đinh lại như thường.
“Bẩm Đại tướng quân!” – Một tướng lĩnh bước lên trước, mạnh mẽ thi lễ, lớn tiếng nói –
“Tế Liễu doanh Đô đốc Trình Mậu, dẫn theo ba vạn một ngàn năm trăm binh lính xếp hàng ở đây! Mời Đại tướng quân duyệt binh!”Ta ôm chặt A Mịch, không để cho con bé ngọ nguậy, mắt nhìn Trình Mậu. Trước khi Ngụy Đàm đi Tân An từng cân nhắc chuyện nên để ai trấn giữ Ung Đô, cuối cùng để Trình Mậu đạm nhiệm chức Đô đốc Tế Liễu doanh, thống quản toàn doanh.
Ngụy Chiêu tựa hồ không mấy quen thuộc với tình cảnh trước mắt, vuốt cằm nói –
“Vào hàng.”“Vâng!” – Trình Mậu lại ôm quyền, lúc xoay người ta cảm giác được ánh mắt của hắn quét qua bên này.
Trống trận vang lên từng hồi dồn dập, ta đi theo sau lưng Ngụy Chiêu, leo lên đài điểm tướng.
Tề Liễu doanh được phỏng theo Trường An, giáo trường xây dựng cực kỳ rộng lớn, chu vi khoảng chừng hai dặm , đài điểm tướng được xây từ thổ thạch, cao chừng mười trượng.
Ngụy Chiêu tay vịn chuôi kiếm bên hông, quay sang khẽ gật đầu với Quân Tư Mã, Quân Tư Mã vâng một tiếng, đem một cây trường cung cùng một mũi tên phần đầu được bọc vải tẩm dầu dâng lên, người bên cạnh lập tức mang chậu lửa tới.
“Là ý gì?” – Ngụy Chiêu cau mày.
“Bẩm Đại tướng quân!” – Quân Tư Mã nói –
“Theo quy tắc của Tế Liễu doanh, chủ soái dùng hỏa tiễn xạ hầu làm hiệu lệnh duyệt binh.”Trong lòng ta không khỏi cảm thấy mỉa mai.
Hỏa tiễn xạ hầu là một điển cố do danh tướng Cảnh Long của Thần Vũ doanh sáng tạo ra, vừa là để biểu dương uy mãnh của chủ soái vừa để cổ động tinh thần của tướng sĩ. Không cần hỏi cũng biết, thứ quy củ vừa làm khó người khác lại tùy tiện như vậy
nhất định là do Ngụy Đàm nghĩ ra.
Nhưng Ngụy Chiêu không phải là Ngụy Đàm, ta liếc về tấm vải hầu vẽ hình đầu hổ ở dưới đài, một mũi tên của Ngụy Đàm có thể xuyên thủng trăm bộ nhưng mũi tên của Ngụy Chiêu sợ rằng không quá được mười bộ.
Quả nhiên, sắc mặt Ngụy Chiêu có chút khó coi.
“Buổi duyệt binh hôm nay lấy trống kỳ làm hiệu.” – Hắn nói.
Quân Tư Mã có chút kinh ngạc nhưng vẫn nhanh chóng làm theo –
“Tuân lệnh!” – Hắn bước lên rút lệnh kỳ ở bên hông ra, thành thạo chỉ huy
Từng hồi trống trận ầm ầm, bên trong giáo trường, trận địa quân sĩ chỉnh tề chợt rút lui sang hai bên, thế cờ biến ảo, ngay ngắn mà không loạn. Đợi binh sĩ ổn định, kỳ lệnh trong tay Quân Tư Mã lại đổi thành hiệu lệnh khác, trận địa lại biến đổi, bụi mù tung lên, bước chân bĩnh sĩ nhịp nhàng ăn khớp, rầm rầm như trống, mâu thương phản chiếu ánh sáng mặt trời lóe lên tinh quang, vô cùng chói mắt.
“Giết!” – Trình Mậu ngồi trên lưng ngựa, rút kiếm giơ lên.
“Giết! Giết! Giết!” – Hàng vạn binh sĩ đồng thanh đáp lại, âm thanh như thể dời non lấp biển.
Ta liếc nhìn chung quanh, mấy vị đại thần trong triều đi theo Ngụy chiêu tới đây tựa hồ như đều bị thế trận kia hù dọa, mặt mũi căng thẳng. Những triều thần này đều là thần tử đi theo Thiên tử từ Trường An tới, đại đa số đều phải trải qua binh hoang mã loạn. Vào thời điểm triều đình yếu nhược nhất, chỉ cần một đội du côn hơn ngàn người lăm lăm khí giới cũng đủ để khiến cho các công khanh chạy loạn kinh hồn bạt vía, đó cũng là lý do vì sao bọn họ bất giác nảy sinh nỗi sợ hãi với những người xuất thân quân ngũ. Trong số con trai của Ngụy Giác, bọn họ càng thân cận với Ngụy Chiêu hơn cũng là vì lý do này.
“A…” – A Mịch không hề tỏ ra sợ hãi trước những âm thanh kia mà trái lại còn như thể rất hưng phấn. Bàn tay nhỏ bé níu lấy y phục của ta, đôi mắt tò mò mở to nhìn về phía trước, khóe môi nhếch lên, nước dãi như chực chảy ra.
“Xuỵt..” – Ta nói khẽ vào tai nữ nhi.
Trận địa binh lính thao diễn chừng nửa canh giờ, lúc tiếng chiêng thu binh vang lên, giáo trường như có vạn mã giày xéo qua, đội ngũ quân sĩ lại trở lại chỉnh tề như lúc ban đầu.
Trình Mậu lại bước lên thỉnh lệnh, Ngụy Chiêu nói vài câu khích lệ binh lính, ngôn từ vô cùng hoa mỹ khéo léo.
Ta nghe những lời lẽ lưu loát của Ngụy Chiêu, lại nhìn những tướng sĩ tướng mạo thô ráp, toàn thân là mồ hôi cùng bụi đất đang đứng im không nhúc nhích bên dưới, chỉ cảm thấy hết thảy trước mắt đều toát lên vẻ quái dị không tả được thành lời.
Sau khi xuống khỏi đài điểm tướng, ta thấy Trình Mậu đứng cách đó hai bộ, mồ hôi từ mũ sắt nhỏ xuống rơi vào áo giáp, sau lưng hắn là một hàng tướng lĩnh xếp hàng thẳng tắp, bất động như tượng đá.
“Phu nhân.” – Trình Mậu bước lên thi lễ với ta.
“Phu nhân.” – Hàng tướng lĩnh phía sau cũng đồng thanh hô lên.
“Chư vị tướng quân khổ cực rồi.” – Ta quay về phía bọn họ, cúi người thật sâu đáp lễ.
Chỉ là vài câu, cũng không nhiều lời, một chút hoài niệm chỉ có thể cất giấu trong lòng, không thể hiện ra ngoài, đây đều là những người do Ngụy Đàm một tay nâng đỡ. Đáy lòng ta thở dài nhưng không có bi thương.
Sắc mặt Ngụy Chiêu vẫn luôn rất bình tĩnh nhưng lúc đối mặt với những tướng lĩnh kia, ta có thể cảm nhận được vẻ không tự nhiên của hắn.
Binh lính nghiêm chỉnh xếp thành hai hàng, lúc lên xe rời đi, ta không nhịn được quay đầu lại, đài cao, doanh trại, quân sĩ, cổng doanh, tất cả đều là tâm huyết của Ngụy Ðàm, có lẽ ở Ung Đô cũng chỉ có bọn họ mới thực sự hoài niệm tới chàng.
Trên đường trở về, A Mịch đã mệt, bú sữa no xong liền lập tức lăn ra ngủ.
“Phu nhân, đây là…” – Lúc A Nguyên cầm chiếc đệm mỏng từ trong góc xe ngựa đệm trước người cho A Mịch, bên trong bỗng nhiên rớt ra một tờ giấy gấp tư.
Ta hơi kinh ngạc nhận lấy, mở ra.
Tờ giấy này có lẽ được xé bừa ra từ quyển sách nào đó, phía trên chỉ có mấy chữ cứng rắn nhưng lại khiến cho tâm thần ta chấn động:
Đại công tử chưa chết.Lúc trở về phủ, mỗi một phần trên người ta đều tràn ngập huyết khí kích động, toàn thân run rẩy nhưng ta vẫn phải cố gắng khắc chế, không để cho bản thân tỏ ra bất kỳ biểu hiện khác biệt nào.
Mừng rỡ như điên, ngạc nhiên nghi ngờ, còn cả bất an, lúc mới đọc được tờ giấy kia, ta và A Nguyên trợn mắt nhìn nhau, cả khắc không thốt được nên lời.
Ngụy Đàm còn sống.
Chàng, còn sống…
Trong đầu ta dường như có một giọng nói vẫn luôn lặp đi lặp lại những từ này.
Chàng không chết, chàng đang ở nơi nào? Vì sao lại không trở về? Chuyện Lữ Chinh nói rốt cuộc là thế nào? Thiên tử, Ngụy Chiêu, Quách phu nhân có biết không? Mảnh giấy này là do ai đặt vào trong xe?… Trong đầu ta quay cuồng đủ loại câu hỏi, mọi chuyện dường như đều có liên quan đến nhau, sự thật giống như bị chôn sâu trong lớp sương mù dày đặc khiến cho người ta hoang mang.
Trên suốt quãng đường về, tâm trạng của ta cực kỳ nặng nề, tới khi bước vào phủ, nhìn thấy trước mắt toàn lụa trắng và đồ tang, suy nghĩ trong lòng mới trở nên thanh tỉnh
Sau khi vào thành, Ngụy Chiêu liền cáo từ với ta. Ta đi vào phủ, gia nhân khóc tang ở thượng đường đang ra sức gào lên, dãy người đến chia buồn kéo dài không dứt, thấy ta đi tới liền hành lễ với ta, nói vài lời biểu lộ đau xót.
Mặc dù những gì viết trên tờ giấy kia vẫn chưa được chứng thực nhưng sâu trong lòng ta lại mãnh liệt cảm thấy đó là sự thật, vì vậy hết thảy nhưng gì trước mắt chẳng khác gì một tuồng kịch, ai là người diễn, ai là khách xem, ai là kẻ lạnh lùng thu tiền phía sau hậu đài, tất cả đều trở nên rõ ràng.
“A Cẩn…” – Lúc này, một âm thanh truyền tới, ta quay lại, thì ra là cữu mẫu của ta
Mắt bà đỏ bừng, lau nước mắt, kéo tay ta nói –
“Đứa cháu gái đáng thương của ta, sao số phận lại lắm ngang trái như vậy!”