Tôi xuất viện không lâu thì bà nội của Mr. Tô qua đời. Từ nhỏ tới lớn, tình cảm giữa anh và bà nội luôn rất tốt. Ngày tổ chức tang lễ cho bà, anh đã đứng trước mộ rất lâu.
Lúc đó, tôi vẫn còn chưa chính thức làm vợ anh, chỉ theo anh tới nghĩa trang. Không tiện cùng người nhà anh đi tới trước mộ nên tôi chỉ đứng quan sát anh từ xa.
Đợi tới khi họ hàng thân thích đã lục tục ra về hết, tôi mới đi đến bên anh và nói: "Em có thể thắp nén hương cho bà không?"
Mr. Tô hai mắt đỏ ửng, gật đầu, giúp tôi châm hương.
Lúc cúi xuống hành lễ, tôi nghe thấy giọng anh vang lên rất khẽ khàng, như đang thủ thỉ với bia mộ bà nội: "Đây là cháu dâu của bà đấy, sau này mỗi năm chúng cháu cũng sẽ cùng tới đây thăm bà."
Trước đó nhìn anh khóc, tôi đã kìm nén dòng nước mắt, nhưng nghe nói xong câu ấy, cuối cùng nước mắt của tôi cũng rơi xuống.
Một người đàn ông có thể nói những lời này trước phần bia mộ ông bà mình, không khác gì anh đã lập một lời thề son sắt giữa đất trời.
Tôi biết, đời này mình không thể không làm vợ anh được.
*****************************
Lần đầu tiên tôi gặp bà nội của Mr. Tô là một tháng trước hôm đó. Hôm ấy tôi tới bệnh viện tìm Mr. Tô, trước cửa có một bà lão muốn đẩy cửa đi vào nhưng lại có phần ngập ngừng.
Tôi hỏi có phải bà tìm bác sĩ Tô khám bệnh không.
Bà nói lưng mình đau dữ dội, muốn chiếu chụp xem sao, nhưng các bác sĩ bên trong bận rộn quá, bà thấy ngại nên không vào.
Tôi nói: "Cháu vào trong noi giúp bà, để bà có một chỗ đứng xếp." Tôi bổ sung: "Anh bác sĩ này thân với cháu lắm ạ."
Bà nở nụ cười hiền từ với tôi: "Được."
Nhưng sau khi tôi bảo Mr. Tô xong, ra ngoài xem thì bà cụ đã đi mất.
Cho tới khi bà qua đời, tôi mới biết đó chính là bà nội của Mr. Tô.
Rất lâu sau đó tôi không dám kể lại chuyện này cho Mr. Tô nghe, sợ anh buồn và tự trách mình. Song khi thu dọn những kỷ vật của bà nội tại căn nhà cũ, chúng tôi tìm thấy một tờ xếp số cách đó một tháng, bên trên viết tên của Mr. Tô.
Các bà con
họ hàng bật khóc rưng rức, còn Mr. Tô thì cố kìm nén.
Bà nội đã nuôi dưỡng anh một đời, đến cuối cùng vẫn không muốn gây thêm chút phiền phức nào cho con cháu.
Khoảng thời gian đó, tâm trạng Mr. Tô rất nặng nề. Có lúc nhìn thấy một bà cụ tóc bạc phơ đi lại trên đường, anh cũng bất giác dừng lại, yên lặng ngắm nhìn rất lâu.
Tôi biết, khi đó anh đang nhớ bà nội. Bà ra đi quá vội vàng, anh vẫn luôn hối hận không thể lưu giữ thêm một đoạn kỷ niệm cùng bà.
Một tuần sau, có một người bà con nói rằng đã nhìn thấy bà nội trong một chương trình dân sinh địa phương được quay cách đó một tháng. Bà nội đã tiếp nhận phỏng vấn trong một ngày trời đổ tuyết.
Mr. Tô nhanh chóng tìm được phụ trách chương trình đó, hy vọng có thể sao chép một bản ghi hình đoạn phỏng vấn.
Người phụ trách rất thoải mái, đưa anh ngay tới phòng máy, bật lại cho anh xác nhận.
Trên màn hình, bà nội tóc đã bạc trắng, nở nụ cười tươi rói, trả lời phỏng vấn. Người phóng viên hỏi bà: "Trời tuyết trơn trượt, ra đường bất tiện như vậy, bà đang đi đâu thế ạ?"
Bà nội trả lời: "Cháu nội tôi thích ăn trứng vịt muối, tôi đi mua một ít trứng về làm cho nó."
Tôi đứng bên ngoài lớp cửa kính của phòng máy, đó là lần đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời này tôi nhìn thấy Mr. Tô đau đớn bật khóc thành tiếng.
Ngày thứ một trăm sau khi bà nội ra đi, Mr. Tô từ nghĩa trang trở về liền lái xe tới trường tôi.
Tôi vừa xuống dười toà nhà, anh liền đi tới ôm chặt lấy tôi, không nói một lời.
Lúc đó là giờ tan học, bên dưới toà nhà ký túc, các sinh viên đi qua đi lại tấp nập, rất nhiều đứng lại nhìn chúng tôi. Tôi mặc kệ tất cả những ánh mắt ấy, chỉ yên lặng để anh ôm lấy mình.
Một lúc sau, anh thì thầm vào tai tôi: "Vy Vy à, đợi em tốt nghiệp rồi, chúng mình làm đám cưới nhé! Đời người ngắn ngủi lắm. Anh không muốn chờ đợi thêm nữa."
Tôi nhìn vào mắt anh, nói một lời không thể chân thành hơn: "Vâng."