Câu "Hứa Thuần, anh quay lại đi" kia lúc đầu chỉ đơn thuần là một ý niệm. Sau khoảng hơn trăm lần thì nó đã thành chấp niệm, sau một nghìn lần đã là ăn sâu vào con người cô.
Nhưng, câu niệm chú kia của Hứa Qua trước giờ chưa từng đạt kết quả.
Lần 101, không, hẳn là lần 1001, Hứa Qua nhìn người ấy không quay đầu lại, bóng dáng tiến thẳng về hướng bên phải, trong chốc lát đã biến mất khỏi tầm mắt cô. Hứa Qua không rõ mình vì cái gì mà cố chấp mỗi ngày dành thời gian để làm ra chuyện nhàm chán như vậy. Có lẽ sự cô đơn đã tạo cho cô thói quen kỳ lạ như thế.
Hứa Qua hiểu rõ, việc người ấy có quay đầu lại hay không cũng không thay đổi điều gì. Nhưng thỉnh thoảng cô nghĩ mình sẽ vui lắm khi anh quay đầu lại thật. Lúc đó, cô có thể cong nhẹ khoé miệng, tặng anh nụ cười xinh đẹp nhất. Đó là "chiêu" Hứa Qua học mót những cô gái thanh nhã, thông minh trên các bộ phim truyền hình. Có lẽ vì đầu óc toàn tập trung linh tinh nên cô khá chểnh mảng học hành.
Từ sau lưng truyền đến tiếng bước chân vội vã cùng tiếng th ở dốc, không cần quay đầu lại Hứa Qua cũng biết đó là ai. Đấy chính là cậu bạn luôn đi muộn nhất trường, và lúc nào cũng ngồi bàn đầu từ dưới lên.
Hứa Qua thấy thế cũng co giò lên chạy, cô không muốn giống như cậu kia, đi muộn quá nhiều sẽ gây ấn tượng xấu với giáo viên. Mà ba cô đã tốn rất nhiều công sức cùng mối quan hệ mới có thể cho cô theo học ở trường này.
Trường Hứa Qua theo học là một trong số ít trường không theo tôn giáo nào ở Jerusalem. Phần lớn học sinh đều xuất thân từ khu vực Armenia. Kế hoạch phát triển của trường hoàn toàn không có chuyện thu nhận học sinh người da vàng. Kể cả có đi nữa, mấy gia đình ấy cũng không muốn cho con mình học ở đây. Trong mắt họ, trường này không có gì nổi trội, môi trường quá tầm thường.
Đối lập với trường của Hứa Qua, chỉ cách một bức tường là một khu trường học khác hẳn, được người Pháp thành lập. Trường giáo dục học sinh theo những phương pháp tiên tiến nhất từ phương Tây. Đầu vào của giáo sư cũng như học sinh đều lựa chọn kĩ càng. Mỗi năm trường cũng chỉ nhận vào năm trăm học sinh giỏi nhất. Không chỉ vậy, học sinh còn phải đáp ứng được yêu cầu như có thư giới thiệu, trải qua vòng phỏng vấn cùng thi chất lượng đầu vào, sau đó các giáo sư sẽ chọn ra năm trăm cá nhân tinh anh nhất.
Có thể được học tập ở ngôi trường ấy đa số là con nhà giàu có hoặc quyền thế, chỉ có người ấy thuộc thiểu số, bố của anh là chủ tiệm kim khí. Có lẽ vì nguyên nhân này, Hứa Qua luôn lo lắng anh sẽ phải chịu ánh mắt kì thị. Một thời gian trôi qua, Hứa Qua phát hiện lo lắng của cô hoàn toàn dư thừa. Con trai của ông chủ tiệm kim khí được chào đón hơn nhiều so với những đứa trẻ nhà quyền thế, giàu có, những cậu ấm thường đi theo cha xuất hiện ở những bữa tiệc thời thượng của chính khách hay quý tộc.
Vì học trường ngay cạnh nhau nên Hứa Qua có thể hóng những tin tức mới nhất từ trường của anh. Bên tai cô không ngớt tiếng xì xao của mấy nữ sinh lớp trên:
Trong Đêm Bình An (Đêm Giáng Sinh), con trai nhà bán kim khí chỉ mặc lễ phục đơn giản mà cực kỳ điển trai, hấp dẫn toàn bộ ánh mắt con gái hơn mấy chàng công tử nhà quyền quý.
Con trai nhà bán kim khí trong trận bóng đá giao hữu đầu năm học đã ghi ba điểm vào lưới. Sau khi trận bóng kết thúc, tất cả chị em đều chen nhau đến trước mặt anh tặng hoa, nhiều đến mức không nhìn thấy mặt anh đâu. Mà nghe anh đánh đàn piano có thể khiến tất cả mọi người quên đi tiếng súng nổ trong đêm.
Những lời đồn đại như vậy còn rất nhiều, khiến cho Hứa Qua trong lòng vô cùng hãnh diện, nhưng có chuyện khác làm phiền muộn: Lũ học sinh lớp trên luôn cậy mình lớn, cướp đi bánh mì dì Mai chuẩn bị cho cô. Dù Hứa Qua dùng hết sức lực cãi cọ, thậm chí đánh nhau với chúng nhưng cô vẫn luôn thua cuộc.
Đến khi nào con gái nhà kim khí mới có được cái khí chất được người người nể trọng như con trai của ông cơ chứ?
Cuối tuần giữa tháng Mười, lòng Hứa Qua ủ ê, tất cả bắt đầu từ buổi chiều.
Chiều nay Hứa Qua từ cửa hàng của ba về nhà không nghĩ mình liền nhìn thấy người được khu phố cổ chào đón nhất, tiểu thư nhỏ nhà Brown, đang ở trong nhà mình.
Tất cả bé gái con nít nói chuyện liên quan đến tiểu thư nhỏ nhà Brown đều là "Ước gì lớn lên tớ thành tiểu thư Brown.", "Tiểu thư Brown trong mắt lũ trẻ không chỉ tượng trưng cho sự hoàn hảo. Chị ấy thật xinh đẹp, khả ái, tính tình thân thiện, tốt bụng, lại có thể làm đồ tráng miệng ngon, còn nữa, chị ấy đàn rất hay."
Cô tiểu thư nhỏ nhà Brown trong miệng lũ nhỏ còn có một thân phận hiển hách: Con gái của ngài đại sứ Pháp được mọi người yêu mến nhất. Nhưng Hứa Qua lại vô cùng ghét cô tiểu thư này, chính vì một thân phận khác của cô ta -- bạn học của người ấy.
Bốn tháng trước, con gái nhỏ của nhà ngoại giao họ Brown đến Jerusalem thăm cha mình. Cùng lúc đó, ở sứ quán Pháp tổ chức từ thiện, một trong những hoạt động của từ thiện chính là màn biểu diễn dương cầm của cô ta cùng người ấy.
Ngày tiếp theo, tiểu thư nhà Brown thông báo cô muốn ở lại Jerusalem làm bạn với cha mình, và một tuần sau, trở thành bạn học của người ấy. Và hiện tại, cái cô Brown đó lấy thân phận bạn học làm khách nhà bọn họ.
Lúc này hình ảnh người ba ăn mặc chỉnh trang, lịch sự trong mắt Hứa Qua không khác gì một biểu tượng "thấy sang bắt quàng làm họ". Dì Mai thì bận rộn cả buổi trong bếp khiến Hứa Qua càng hụt hẫng.
Điều khiến Hứa Qua bực bội trong lòng còn là thái độ của người ấy với tiểu thư Brown, anh thế mà mời cô ta vào tham quan phòng học của mình. Mọi người biết không, mỗi lần cô vào phòng anh là phải kiếm đủ loại lý do, nhưng kết quả chỉ có một: Cô bị anh đuổi ra sau vỏn vẹn năm phút.
Hiện tại Hứa Qua cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn tiểu thư Brown được người ấy "hộ tống" vào phòng. Nhìn cái cửa đóng lại, Hứa Qua hận không thể đem hết dao nĩa hướng vào bả vai người ấy mà đâm. À không, lời này chỉ là trong lúc tức giận nhất thời. Cô biết cô sẽ chẳng bao giờ làm được như thế, vì lòng cô sẽ đau muốn chết, sao cô có thể tổn thương anh được.
Dao nĩa nói muốn cắm cũng là cắm lên làn da trắng như sữa bò của cô Brown kia.
Đột nhiên tiếng gọi "Hứa Qua" làm cô giật mình. Theo ánh mắt của ba, Hứa Qua phát hiện dao nĩa trong tay cô vạch lên chỗ cơm vài vết cào. Ngoan ngoãn thả "hung