Năm Siddhatta lên mười bốn thì hoàng hậu Gotami sinh em Nanda.
Cả hoàng cung mở hội để ăn mừng.
Siddhatta rất hãnh diện khi có một đứa em.
Mỗi ngày sau buổi học, Siddhatta thường chạy về thăm em, Siddhatta đã lớn rồi nên được phép thỉnh thoảng ẵm em đi chơi.
Devadatta cũng hay đến chơi.
Siddhatta cũng có những người em họ khác: Mahanama, Baddhiya và Kimbila.
Mỗi khi các em tới, Siddhatta thường rủ họ ra chơi ở vườn hoa phía sau cung điện.Bà Gotami cũng hay theo bọn trẻ ra vườn hoa.
Bà ưa ngồi may áo cho Nanda trên một chiếc ghế gỗ đặt bên cạnh hồ sen và nhìn bọn trẻ nô đùa.
Bên bà luôn luôn có một người thị nữ túc trực.
Bà chỉ hay sai phái người thị nữ này khi cần đi lấy nước nôi và bánh trái cho bọn trẻ.Càng lớn lên, Siddhatta càng học giỏi.
Devadatta đã nhiều lần tỏ vẻ ganh tỵ với Siddhatta.
Môn học nào Siddhatta cũng xuất sắc, kể cả võ nghệ.
Devadatta khỏe hơn Siddhatta, nhưng về phương diện lanh lẹ thì lại không bằng Siddhatta.Về toán học, cả lớp đều nhường Siddhatta.
Giáo sư dạy toán là Arjuna có khi phải mất thật nhiều thì giờ với những câu hỏi của Siddhatta.
Về âm nhạc, Siddhatta rất ưa thổi sáo.
Siddhatta có một ống sáo thật quý do chính giáo sư âm nhạc của mình tặng cho.
Có những buổi chiều hè, Siddhatta ra ngoài công viên một mình để thổi sáo.
Tiếng sáo của Siddhatta có khi dìu dặt, có khi cao vút khiến người nghe có cảm tưởng như đã thoát lên được trên mấy từng mây.
Nhiều hôm trong bóng đêm đang xuống, bà Gotami cũng ra ngoài vườn ngự ngồi nghe tiếng sáo của con.
Bà cảm thấy khỏe khoắn khi ngồi thả lòng bay theo tiếng sáo của Siddhatta.Cùng với tuổi, Siddhatta càng ngày càng lưu tâm đến đạo và triết học, Siddhatta được học các kinh Vệ Đà và được nghiền ngẫm về những đạo lý hàm chứa nơi các bài tụng trong các kinh ấy.
Hai kinh Rigveda và Atharvaveda là hai kinh được học hỏi nhiều nhất.
Từ thuở ấu thơ, Siddhatta đã được thấy các thầy Bà la môn hành lễ và đọc kinh.Bây giờ Siddhatta đích thực đi vào trong nội dung của các kinh.
Địa vị của Lời Nói trong đạo Bà la môn rất quan trọng.Lời kinh đi theo với nghi lễ là một sức mạnh lớn có thể ảnh hưởng tới và làm thay đổi được tình trạng của thế giới và của con người.
Vị trí của tính tượng và sự vận chuyển của bốn mùa có liên hệ mật thiết tới sự cúng tế và tới lời kinh cầu đảo.
Các thầy Bà la môn là những người duy nhất có thể hiểu thấu được những lẽ huyền bí trong Phạm Thư và trong trời đất, và có thể dùng lời kinh và nghi lễ để chỉnh lý lại được trật tự trong tự nhiên giới và nhân sự giới.Siddhatta được học rằng vũ trụ là một cái Ta lớn gọi là Purusa, có khi gọi là Phạm Thiên, và các giai cấp của con người trong xã hội đều được phát xuất từ những phần khác nhau của thân thể vũ trụ ấy.
Mỗi con người đều mang theo một cái ta cùng phát xuất từ cái Ta siêu việt ấy và cùng một tính chất với cái Ta siêu việt ấy.
Cái Ta này là bản chất thường tại trong mỗi con người.Siddhatta lại còn được học thật kỹ về các Phạm Thư (Brahmana) và các Áo Nghĩa Thư.
Các giáo sư bao giờ cũng muốn giảng giải các thánh thư theo truyền thống, nhưng Siddhatta và các bạn luôn luôn muốn đặt những câu hỏi buộc họ phải nhắc tới những tư tưởng đương thời được xem như không trung thành mấy với truyền thống.Trong những ngày nghỉ học, Siddhatta thường rủ các bạn đi thăm các vị sa môn và các vị Bà la môn nổi danh ở kinh đô để học hỏi.
Nhờ xúc tiếp nhiều như thế nên Siddhatta sớm tin ra rằng hiện đang có những cuộc vận động tư tưởng chống lại uy quyền thống trị của truyền thống Bà la môn.
Cuộc vận động này không những có mặt trong giai cấp Sát đế lợi đang muốn vươn lên để nắm được cả quyền uy tinh thần lâu nay đang nằm trong tay của giai cấp Bà la môn, mà cũng có mặt ngay trong giới những người Bà la môn nữa.Ngày xưa, từ khi được ăn cơm trên cỏ lần đầu với bọn trẻ dân dã, Siddhatta thường xin phép được đi chơi, và nhân dịp đi thăm các thôn xóm ngoài thành.
Trong những chuyến đi như thế, Siddhatta thường có ý ăn mặc giản dị.
Tiếp xúc với dân dã, Siddhatta học được rất nhiều cái mà trong trường không bao giờ Siddhatta được học.
Đã đành dân chúng thờ phụng ba vị Thần của đạo Bà la môn là Brahma, Visnu, và Siva, nhưng dân chúng cũng bị các thầy Bà la môn lợi dụng và bóc lột quá mức.
Trong tất cả các dịp quan, hôn, tang, tế, người dân đều phải chu cấp thực phẩm tiền bạc và sức lao động của mình cho ông thầy cúng, dù nghèo khó đến mấy cũng thế.Một hôm, đi ngang qua một túp lều, Siddhatta nghe tiếng khóc kể thảm thiết.
Chàng rủ Devadatta ghé vào thăm, và được biết rằng người chủ gia đình vừa mới qua đời.
Đây là một gia đình nghèo khổ.
Mấy mẹ con trông thật lam lũ, áo quần tả tơi.
Nhà cửa xiêu vẹo, đổ nát.
Hỏi ra thì người chủ gia đình chỉ vì muốn mời ông thầy Bà la môn trong làng tới cúng đất đai để có thể xây lại nhà bếp mà đã phải lại mấy ngày làm lao động tại nhà cho ông thầy.
Ông bị bắt làm việc rất nặng nhọc, nào khuân đá, nào bửa củi, trong khi cơ thể ông đã suy nhược vì cảm cúm.
Sau mấy ngày lao động, ông thầy Bà la môn bảo ông đi về trước và hẹn vài hôm sau sẽ đến cúng.
Về tới nửa đường, người chủ gia đình nghèo khó đã bị trúng gió và chết bên lề đường.
Người trong xóm phát giác ra và về báo cho mấy mẹ con hay.Từ khi biết suy đoán, Siddhatta đã có khuynh hướng âm thầm không chấp nhận ba giáo điều căn bản của đạo Bà la môn: Kinh Vệ Đà là thiên khải cho riêng người Bà la môn, Phạm Thiên là đấng tối cao ngự trị, và tế lễ có công hiệu vạn năng.
Siddhatta thấy có cảm tình với những vị sa môn và Bà la môn nào có tư tưởng cấp tiến dám thẳng thắn phủ nhận giá trị của ba thứ quyền ấy.Tuy vậy, Siddhatta không bao giờ bỏ một buổi học hỏi và thảo luận nào về kinh Vệ Đà.
Các môn học khác mà Siddhatta vẫn theo học