Nửa tháng sau, vua Suddhodana thỉnh Bụt tới thọ trai trong hoàng cung để vua và hoàng gia lại có cơ duyên được nghe Bụt thuyết pháp.
Lần này vua chỉ mời Bụt và đại đức Sariputta chứ không mời tăng đoàn.
Vua cũng không mời vị tân khách nào cả.
Trong không khí gia đình, Bụt đã giảng dạy về cách theo dõi hơi thở, quán chiếu các cảm thọ, phương pháp đi thiền hành và ngồi thiền tọa.
Người dạy dỗ rất kỹ về cách thức quán chiếu để duy trì chánh niệm và an trú trong chánh niệm.
Yasodhara, Rahula, Nanda và Sundari Nanda cũng có mặt trong buổi thuyết pháp này.
Rahula đặc biệt có cảm tình với thầy Sariputta.
Cậu rất ưa đứng gần thầy và nắm lấy tay thầy.Khi Bụt đứng dậy ra về, mọi người đều muốn đưa người ra tới cổng Nam.
Bụt trao bình bát cho em là Nanda cầm và chắp tay búp sen chào mọi người.
Nanda ôm bát, đợi Bụt chào xong thì trả bát lại, nhưng Bụt không lấy lại bát.
Vì thế Nanda mang bát đi theo Bụt về tới tu viện.Về tới tu viện, Bụt bảo Nanda ở lại chơi và sinh hoạt năm bảy hôm tại đây.
Vừa yêu vừa kính Bụt, Nanda vâng lời.
Thấy nếp sống ở đây rất thanh tịnh và thoải mái, vị hoàng tử trẻ đem lòng mến mộ.
Một hôm, Bụt hỏi Nanda có muốn xuất gia theo Bụt tu học một thời gian không.
Nanda đáp có.
Bụt bảo thầy Sariputta làm lễ xuất gia cho hoàng tử.Việc xuất gia của Nanda, Bụt đã có bàn trước với phụ vương.
Vua cũng đồng ý với Bụt rằng tuy Nanda đủ thông minh và rất hiền lành, chàng vẫn chưa có đủ nhận thức độc lập và tính cương quyết cần có của một nhà chính trị.
Bụt nói với vua có thể cho Nanda đi theo tu học và gần gũi với Bụt một thời gian để Bụt có thể rèn luyện cho chàng những đức tính cần thiết.
Vua đã đồng ý với Bụt.Nanda xuất gia được một tháng thì bắt đầu nhớ vị hôn thê của mình là tiểu thư Yanapada Kalyani.
Thầy có thể che giấu nỗi buồn, nhưng Bụt đã thấy hết.
Bụt nói với thầy:– Kẻ nam nhi muốn thực hiện chí nguyện lớn thì phải vượt qua được những tình cảm thông thường.
Em phải quyết tâm học đạo và rèn luyện bản thân thì sau này mới có cơ giúp ích được cho đời.Rồi Bụt dặn đại đức Sariputta sắp đặt để thầy Nanda khỏi đi khất thực về khu phố của tiểu thư Kalyani.
Khi Nanda biết điều này, thầy vừa oán Bụt mà cũng vừa thương Bụt.
Thầy thầm bảo là ông anh mình không có cái gì là không biết.
Ông ấy nhìn thấu tận đáy tâm can của mình.Rahula thấy chú được xuất gia ở suốt ngày với Bụt thì ham lắm.
Cậu phân bì với mẹ.
Yasodhara vuốt đầu con, bảo rằng phải lớn lên ít nhất là bằng chú Nanda thì mới được đi xuất gia.
Rahula hỏi mẹ làm sao để có thể lớn mau, Yasodhara bảo cậu phải ăn uống cho đàng hoàng và tập thể dục mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều.
Rahula đã được mẹ dạy gọi Bụt bằng thầy.
Bà nhớ hôm đầu tiên Rahula được thấy Bụt từ trên lầu cao, bà đã chỉ Bụt và nói với con: “Cái ông thầy tu ấy là cha con đó.
Con chạy xuống chào cha con đi và bảo cha con trao gia tài lại cho con”.
Từ hôm ấy, Rahula cứ quen gọi Bụt là “ông thầy tu ơi”.
Yasodhara nghe được.
Bà bật cười, gọi Rahula lại và bảo:– Con đừng gọi Bụt là “ông thầy tu ơi”.
Con phải gọi Bụt là “Thầy ơi”.
Từ đó, Rahula mới dùng tiếng “Thầy ơi” để gọi Bụt.Có một hôm tăng đoàn đi khất thực rất gần hoàng cung.
Yasodhara và Rahula đứng ở trên lầu.
Bà trông thấy Bụt giữa đám các vị khất sĩ.
Rahula cũng trông thấy người.
Yasodhara nói với con:– Con chạy xuống với Bụt đi, và lần này nhớ xin cho được gia tài của người.Rahula chạy xuống lầu.
Cậu rất thương mẹ nhưng cũng rất thương Bụt.
Ngày nào cậu cũng được ở với mẹ suốt ngày, nhưng cậu chưa từng được ở với Bụt suốt một ngày nào.
Cậu ao ước được như chú là hoàng thái tử Nanda, hiện đang được sống suốt ngày bên cạnh Bụt.Cậu chạy mau lắm, cậu đã xuống tới sân hoàng cung.
Cậu chạy ra cửa Nam và thấy Bụt.
Lúc bấy giờ Bụt đã khất thực xong và đang cùng các vị khất sĩ trong nhóm đi thành hàng chậm rãi trở về tu viện.Rahula chạy thẳng tới một bên Bụt.
Thấy Rahula, Bụt đưa một ngón tay trái ra.
Rahula nắm lấy ngón tay ấy rồi đi theo Bụt.
Cậu nói:– Thầy ơi, đi ở bên thầy mát lắm, và dễ chịu nữa.Nắng cuối Xuân đã bắt đầu gay gắt.
Cậu bé đi bên Bụt vừađược hưởng bóng mát của người vừa được hưởng tình thương của người.Đứng trên lầu cao, Yasodhara thấy hết.
Bà biết Rahula được Bụt cho theo về tu viện.Một lát sau, Rahula hỏi:– Thầy ơi, gia tài của con đâu?Bụt đáp:– Về tu viện thầy sẽ trao cho con.Trưa ấy về tới tu viện, đại đức Sariputta chia phần ăn của mình với Rahula, Rahula được ăn cơm im lặng bên cạnh Bụt và bên cạnh đại đức Sariputta.
Rahula lại được gặp chú Nanda để nhõng nhẽo.
Bụt bảo Rahula ngủ chung phòng với đại đức Sariputta.
Thầy nào cũng cưng quý cậu.
Cậu muốn ở luôn tại tu viện.
Đại đức Sariputta nói muốn được ở luôn tu viện thì phải đi tu.
Rahula nắm tay thầy Sariputta tới xin Bụt cho phép đi tu.
Bụt gật đầu.
Bụt bảo thầy Sariputta cho Rahula được xuất gia.Đại đức Sariputta ngạc nhiên.
Thầy tưởng là Bụt nói đùa, ai dè Bụt lại nói thật.
Thầy hỏi:– Thế Tôn, làm sao mà cho Rahula xuất gia được?Bụt dạy:– Thì cho cháu tập sự xuất gia, thọ giới khu ô sa di, và giao cho cháu phận sự đuổi quạ trong giờ các thầy ngồi thiền.
Quạ ở đây nhiều quá, chúng đến quấy phá các thầy trong giờ thiền tập khá nhiều.Thầy Sariputta xuống tóc cho Rahula, cho chú thọ tam quy và dạy cho chú bốn giới: không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, không uống rượu.
Thầy lấy bớt một chiếc cà sa của thầy, cắt ra và may lại thành một chiếc cà sa nhỏ xíu cho Rahula mặc.
Thầy dạy cho Rahula cách khoác y và ôm bát.
Khoác y và ôm bát vào, Rahula trông giống một vị khất sĩ con con, ai thấy cũng thương.
Rahula được lệnh ngủ chung với thầy Sariputta, đi khất thực và học hỏi với thầy Sariputta.
Từ hôm có Rahula bên mình, thầy ít khi vào thành khất thực.
Thầy đưa Rahula đi khất thực trong những thôn lạc gần tu viện.
Theo phép người xuất gia, ai cũng chỉ được ăn mỗi ngày một bữa trước khi giờ Ngọ chấm dứt, nhưng Rahula còn nhỏ quá, sợ chú tiểu mất sức, thầy Sariputta cho phép chú được ăn một lần nữa vào buổi chiều.
Các vị thí chủ thường nhớ mang sữa và thức ăn để dành cho chú.Tin Rahula đã được cạo đầu mặc áo cà sa làm chú tiểu đãvào tới trong cung điện.
Vua Suddhodana buồn lắm.
Từ ngày Rahula đi với Bụt về tu viện, ông nội, bà nội, và mẹ chú nhớ chú lắm.
Họ tưởng chú đi chơi vài hôm rồi về, ai ngờ chú lại ở trong tu viện và trở thành chú tiểu.
Ông bà nội của Rahula không có cháu để cưng, rất lấy làm buồn khổ, nhưng Yasodhara thì buồn vui lẫn lộn.
Tuy nhớ con quay quắt, nhưng mỗi khi nghĩ đến con đang được gần gũi Bụt, bà cũng thấy ấm áp trong lòng, bảy năm nay cậu bé đã thiếu cha.Một buổi chiều, vua truyền lấy xe cho ngài về tu viện.
Hoàng hậu Gotami và bà Yasodhara cũng được đi với ngài.
Vua được Bụt ra đón tiếp.
Nanda và Rahula cũng ra đón tiếp hoàng gia.
Rahula chạy ra đón mẹ.
Thầy Sariputta gọi chú lại, bảo chú chỉ được đi chứ không được chạy.
Yasodhara ôm lấy chú tiểu vào lòng.
Sau đó, Rahula lại đi đến với ông nội và bà nội.Vua làm lễ Bụt và nói, giọng có vẻ trách móc:– Thế Tôn, trẫm đã đau xót vô cùng khi người bỏ nhà đi xuất gia, rồi mới đây, Nanda cũng bỏ trẫm, bây giờ đến Rahula cũng bỏ trẫm.
Như vậy là quá đáng.
Thế Tôn, đối với một người tại gia như trẫm, tình cha con và ông cháu rất nặng.
Niềm đau xa cách cũng như nhát dao cắt vào da.
Cắt vào da xong, dao cắt sâu vào da thịt, cắt sâu vào da thịt rồi, dao lại cắt vào xương và vào tủy.
Vậy xin Thế Tôn nghĩ lại cho.
Xin Thế Tôn và các vị đại đức từ nay đừng nhận cho người còn nhỏ tuổi xuất gia nếu không có sự ưng ý của cha mẹ chúng.Bụt an ủi vua.
Người thuyết pháp cho vua nghe để vua thấy được rõ thêm sự thực về vô thường và vô ngã.
Người nói đến công phu tu tập tinh tiến hàng