Chánh niệm đưa thân tâm và hơi thở trở về một mối.
Chánh niệm sung mãn đưa tới một định lực hùng tráng.Sa môn Gotama bắt đầu dọi ánh sáng quán chiếu vĩ đại ấy vào tự thân.Hồi lâu, ông bắt đầu thấy, trong giây phút hiện tại, sự có mặt của muôn loại chúng sanh ngay trong chính tự thân ông.Tất cả các loại chúng sanh, từ khoáng, khí, hơi, sương cho đến rêu cỏ, thảo mộc, côn trùng, cầm thú và loài người đều có mặt, và có mặt một cách hiện thực ngay trong giờ phút hiện tại.Ông thấy sự có mặt của tất cả các loại chúng sanh ấy chính là sự có mặt của ông, không những trong hiện tại mà cũng là trong quá khứ và trong vị lai.
Ông trông thấy được tất cả những sinh diệt của mình trong các kiếp quá khứ.
Ông trông thấy được tất cả những sinh diệt của mình trong kiếp hiện tại.
Ông cũng trông thấy được tất cả những sinh diệt của mình trong các kiếp vị lai.
Ông thấy được sự co giãn và thành hoại của muôn ngàn thế giới, muôn ngàn tinh cầu, với tất cả những nỗi khổ niềm đau của từng sinh vật; trong ấy, loài thì do thai sinh ra, loài thì do trứng sinh ra, loài thì do sự tụ họp biến hóa sinh ra, loài thì do sự chia cắt phân thân sinh ra.
Ông thấy mỗi tế bào trong cơ thể ông chứa đựng được cả tam thiên đại thiên thế giới và cũng chứa đựng cả thời gian từ vô thỉ đến vô chung.
Cái thấy ấy là túc mệnh minh.
Ông chứng đạt được trí tuệ này vào cuối canh một.Sa môn Gotama tiếp tục đi sâu vào trên con đường khám phá.
Ông thấy tuy vô lượng vô số thế giới từng co giãn, sinh diệt và thành hoại như thế và tuy vô lượng vô số chúng sinh từng sinh diệt và thành hoại như thế trong vô lượng vô số kiếp, nhưng kỳ thực những co giãn, sinh diệt và thành hoại ấy chỉ là những biểu hiện bề ngoài, chưa từng đụng tới thực tướng của pháp giới, cũng như trên mặt biển cả tuy lúc nào cũng có hàng triệu đợt sóng lô nhô xuất hiện nhưng đại dương chưa bao giờ vì vậy mà có sinh diệt hay thành hoại.
Sóng dường như có còn mất sinh diệt mà nước không hề có còn mất sinh diệt, và nếu sóng tự biết mình là nước thì sóng có thể vượt ra ngoài sự sinh diệt còn mất, đạt tới tâm trạng an ổn và đập tan mọi niềm sợ hãi.
Cái thấy này đưa sa môn Gotama vượt thoát lưới sinh tử.
Ông bất giác mỉm cười.
Nụ cười của ông nở như một bông hoa dù là trong đêm tối.
Nụ cười đó như tỏa chiếu hào quang.
Nụ cười ấy là hoa trái của một cái thấy vi diệu.
Cái thấy ấy là lậu tận minh.
Sa môn Gotama đạt tới cái thấy ấy vào cuối canh hai.Vừa lúc ấy có tiếng sấm nổ vang trời và những làn chớp giật tiếp nhau lóe lên như xé rách không gian.
Tự hồi nào mây đen đã kéo đến che lấp hết trăng sao.
Giờ đây với tiếng sấm nổ rền, mưa cũng bắt đầu rơi xuống xối xả.
Mưa rơi ướt hết cả thân hình vị sa môn đang ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây pippala, nhưng Siddhatta vẫn ngồi yên bất động.
Ông thản nhiên tiếp tục công phu thiền quán.Tiếp tục rọi ánh sáng vào cõi tâm, ông thấy chúng sanh đang chịu đựng vô lượng khổ đau chỉ vì mỗi người mỗi loài không biết rằng mình đang cùng chung một thể tính với mọi người và mọi loài khác, và từ sự u mê đó đã làm phát sinh bao nhiêu phiền não làm rối loạn tâm hồn.
Tham đắm, giận hờn, kiêu căng, nghi ngờ, tật đố và sợ hãi… những tâm niệm ấy đều phát sinh từ gốc vô minh.
Nếu mỗi người biết tìm cách tĩnh tâm để nhìn lại, để quán chiếu sâu sắc vào lòng sự vật thì ai cũng có thể đạt tới sự hiểu biết, và sự hiểu biết này sẽ làm tiêu tán được mọi phiền não và làm phát sinh được sự chấp nhận và niềm tin yêu.Ông khám phá ra rằng hiểu biết và thương yêu là một và nếu không thể hiểu biết thì không thể thương yêu.
Tính tình của một con người, dù ác độc đến mấy, cũng là do những điều kiện sinh lý, tâm lý và xã hội tạo thành.
Nếu hiểu được điều đó ta sẽ không oán ghét con người mà chỉ lo chuyển hóa những điều kiện sinh lý, tâm lý và xã hội.
Với một nhận thức như thế ta không còn oán hận mà chỉ có xót thương.
Có xót thương ta mới ra tay hành động để chuyển hóa con người và chuyển hóa hoàn cảnh.
Con đường mà Siddhatta tìm ra là con đường hiểu biết để xót thương và hành động.Muốn thương yêu phải hiểu biết.Hiểu biết là chìa khóa của cánh cửa giải thoát.
Mà muốn đạt tới hiểu biết, con người phải sống thức tỉnh trong từng giây từng phút, thức tỉnh để tiếp xúc, để nhận diện và để nhìn thấy những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta.Cái nhìn ấy càng ngày sẽ càng sâu sắc, và khi nhìn sâu được vào lòng một hiện tượng thì hiện tượng đó sẽ phơi bày chân tướng trước mặt ta.
Đó là bí quyết của chánh niệm.Có chánh niệm thì đời sống được soi sáng bởi cái nhìn chân thực (chánh kiến), suy tư chân thực (chánh tư duy), lời nói chân thực (chánh ngữ), hành động chân chính (chánh nghiệp), sự cố gắng đi về đường chính (chánh tinh tiến) và sử dụng đúng pháp những trạng thái thiền định về mục đích giải thoát (chánh định).Con đường này gọi là con đường thành đạo, là arymarga, là con đường cần được chỉ bày cho nhân gian.
“Chánh niệm là con đường duy nhất để thực hiện giải thoát và giác ngộ”, sa môn Siddhatta thì thầm.Nhìn thấu vào tâm niệm của mọi loài chúng sanh, Siddhatta đã chứng được tha tâm minh.
Đồng thời ông cũng đạt tới khả năng có thể thấy có thể nghe tất cả niềm vui nỗi khổ của mọi loài mà không cần đi tới tận chỗ.
Cùng một lúc ông đạt tới thiên nhãn minh, thiên nhĩ minh và thần túc minh.Lúc ấy, trời đã cuối canh ba.
Sấm sét đã im.Mây đen đã cuốn sạch, và trăng sao lại vằng vặc hiện ra trên bầu trời trong suốt.Sa môn Gotama có cảm giác một cái nhà tù thường giam hãm con người trong ngàn vạn kiếp đã vừa bị phá tung.
Vô minh là người chủ ngục, vì sự u mê cho nên những vọng động (hành) đã gợn lên trong tâm thức cũng như mây đen đã giăng bủa trên bầu trời và che lấp cả trăng sao.
Từ những vọng động của tâm thức mà phát sinh ra sự phân biệt tâm và vật, chủ thể và đối tượng, ta và người, có và không, còn và mất (danh sắc, lục nhập, xúc).
Từ sự phân biệt ấy phát sinh sự tù túng (thọ, ái, thủ, hữu).
Nhà tù được xây dựng kiên cố.
Trong khổ đau