Một buổi chiều nọ, hai vị đại đức Sariputta và Moggallana đến thăm Bụt nơi tịnh xá của người và giới thiệu với Bụt một người quen thân của họ, du sĩ Dighanakha.
Du sĩ Dighanakha không phải là đệ tử của đạo sĩ Sanjaya nhưng cũng rất nổi tiếng, Dighanakha là cậu ruột của đại đức Sariputta.
Nghe nói hai người thân nhất của mình đã xuất gia theo Bụt, ông tìm tới để hỏi thăm Bụt về giáo pháp của người.
Thay vì mô tả và tường thuật, hai vị đưa ông đến trực tiếp gặp Bụt.Dighanakha nói với Bụt:– Sa môn Gotama, ngài dạy giáo pháp gì? Chủ thuyết của ngài là chủ thuyết nào? Riêng tôi, tôi không thích một chủ trương hay một lý thuyết nào hết.
Tôi không tin vào một chủ trương hay một lý thuyết nào hết.Bụt mỉm cười hỏi:– Vậy ngài có thích cái chủ trương “không thích” của ngài không? Ngài có tin cái chủ trương “không tin” của ngài không?Vị du sĩ ngỡ ngàng.
Ông ta nói liều:– Sa môn Gotama, tôi thích hay không thích, tôi tin hay không tin, thì cũng như vậy thôi, điều đó không quan hệ gì mấy.Bụt từ tốn:– Một khi đã bị kẹt vào một chủ thuyết rồi thì người ta mất hết tự do, người ta trở nên độc đoán, cho rằng chỉ có chủ thuyết của mình mới là chân lý còn tất cả những chủ thuyết khác đều là tà đạo.
Những tranh chấp và cãi cọ được phát sinh từ thái độ cố chấp này.
Những tranh chấp và cãi cọ ấy có thể kéo dài bất tuyệt, làm mất rất nhiều thì giờ quý báu và có thể tạo ra xung đột và chiến tranh.
Vì vậy cho nên kiến thủ là trở ngại lớn lao nhất trên con đường tu học.– Kiến thủ là gì?– Kiến là nhận thức, là quan điểm.
Thủ là sự cố chấp.
Kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức hay một quan điểm.
Cố chấp như vậy là bị kẹt, vì bị kẹt cho nên cánh cửa chân lý không còn cơ hội mở ra cho mình nữa.Này ông bạn, để tôi kể cho ông bạn nghe câu chuyện này.
Có một người lái buôn góa vợ kia đang sống với một đứa con trai năm tuổi.
Anh ta cưng chiều con, xem đứa nhỏ là lẽ sống của đời mình.
Một bữa nọ trong khi anh ta bỏ hàng đi vắng, kẻ cướp đến đốt xóm đốt làng, cướp bóc và bắt đứa con của anh đi theo.
Khi về tới nơi, người cha trẻ thấy thi hài một em bé cháy đen nằm bên căn nhà đã cháy rụi của mình, anh ta tin ngay rằng con mình đã chết.
Anh ta khóc lóc, làm lễ hỏa thiêu thân xác đứa bé, vì thương con quá, anh ta cất tro của đứa bé vào một cái túi gấm và đi đâu cũng mang theo bên mình.
Mấy tháng sau, đứa con của anh ta thoát được tay kẻ cướp và tìm về được vào lúc nửa đêm.
Nó gõ cửa đòi vào.
Lúc ấy người cha trẻ đang ôm chiếc túi gấm đựng tro và than khóc một mình.
Anh ta không chịu đứng dậy mở cửa.
Anh ta tin rằng con anh đã chết thật rồi, và đứa trẻ đang gõ cửa ngoài kia là một đứa trẻ hàng xóm mất dạy nào đó đang cố tình trêu ghẹo anh.
Vì vậy mà đứa con thật của anh ta phải thất thểu ra đi, và người cha khốn khổ kia vĩnh viễn mất đứa con duy nhất.Này ông bạn, nếu ta cố chấp vào một chủ nghĩa và cho đólà chân lý tuyệt đối, ta sẽ lâm vào tình trạng của người cha trẻ kia.
Ta sẽ không mở lòng ta ra được để đón nhận chân lý.
Ta sẽ có cảm tưởng rằng ta không cần đi tìm sự thật nữa, vì ta đã có sự thật rồi.
Lúc ấy nếu sự thật có tới gõ cửa tìm ta, ta cũng sẽ từ chối không mở cửa.Dighanakha hỏi:– Vậy giáo pháp của ngài dạy có phải là một chủ nghĩa không? Cố chấp vào nó có phải là kiến thủ không?– Giáo pháp của tôi chỉ dạy không phải là một chủ nghĩa hay một lý thuyết.
Nó không hình thành do công phu suy tư và ức đạt của trí năng, như những chủ thuyết chủ trương về bản chất của vũ trụ, cho rằng bản chất ấy là lửa, nước, là đất, là gió hay là thần linh hoặc cho rằng vũ trụ hữu hạn hay vô hạn, hữu biên hay vô cùng v.v…Trí năng ức đạt và suy tư về sự thật cũng như con kiếnbò quanh miệng bình bát không đưa ta đi đến đâu cả.Không, giáo pháp của tôi dạy không phải là một chủ thuyết xây dựng trên trí năng.
Đó là kinh nghiệm thực chứng, những gì tôi nói ra tôi đều đã thực chứng, và ông bạn cũng có thể kiểm điểm lại bằng kinh nghiệm thực chứng của ông bạn.
Tôi nói vạn vật là vô thường và không có tư ngã.
Điều này tôi đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm.
Tôi nói vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại, và hoại diệt, chứ không phải xuất phát từ một nguyên nhân đầu tiên nào hết.
Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm.
Tôi nói quán chiếu về vô thường, vô ngã và duyên sinh thì có thể đạt tới giải thoát và an lạc.
Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm.
Những điều tôi nói không có mục đích thuyết minh về vũ trụ mà chỉ có mục đích hướng dẫn sự thực tập và chứng nghiệm thực tại.
Lời nói không diễn tả được thực tại, chỉ có kinh nghiệm trực tiếp mới làm cho ta tiếp xúc được với thực tại.Dighanakha thốt lên:– Hay quá, hay quá, sa môn Gotama! Nhưng trong trường hợp mà có người nhận thức giáo pháp của ngài như một chủ thuyết thì sao?Bụt im lặng gật đầu:– Du sĩ Dighanakha, câu hỏi của ông bạn hay lắm.
Giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do trí năng tạo dựng, nhưng sau này và ngay cả bây giờ nữa, có thể đã có những người nhận giáo pháp ấy như một chủ thuyết.
Tôi cần nói rõ: giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như