Công viên Nigrodha ở về phía Nam Kapilavatthu, cách kinh thành non ba dặm đường, Bụt và các vị khất sĩ tùy tùng nghỉ tại đây, theo lời đề nghị của khất sĩ Kaludayi.
Đi theo Bụt về quê hương người có khoảng ba trăm vị khất sĩ do đại đức Sariputta dẫn đầu.
Đại đức Moggallana ở lại tu viện Trúc Lâm và cùng các vị cao đức khác như Kondanna với ba anh em khất sĩ Kassapa lãnh đạo và duy trì nếp sống tu học của tu viện.Kaludayi sau khi đã về báo tin cho vua, hoàng hậu và Yasodhara ngày về của Bụt, lại một mình ôm bát ra đi.
Lần này thầy không đi với Channa.
Thầy đi một mình với tư cách một du tăng, hướng về phương Nam để đón Bụt.
Thầy áp dụng phép khất thực của giáo đoàn khất sĩ, ngày đi đêm nghỉ.
Chỉ dừng lại các thôn lạc vào giờ khất thực mà thôi.
Tới đâu thầy cũng báo tin là thái tử Siddhatta đi tu hành thành đạo sắp sửa trở về.
Đi được chín hôm thì thầy gặp Bụt và đoàn khất sĩ từ phương Nam đi lên.
Mừng rỡ, thầy gia nhập phái đoàn và cùng đi về hướng Bắc.
Bụt và giáo đoàn khất sĩ được tiếp đón niềm nở bất cứ nơi nào ghé đến.Về tới Kapilavatthu, Bụt và các vị khất sĩ nghỉ một đêm tại công viên Nigrodha.
Sáng hôm sau người ôm bát cùng tăng đoàn đi vào kinh thành khất thực.Cảnh tượng ba trăm vị khất sĩ khoác cà sa vàng, tay ôm bình bát, lặng lẽ và trang nghiêm đi khất thực trong thành phố đã gây một ấn tượng lớn trong lòng người thủ đô.
Chẳng mấy chốc mà tin này được báo vào hoàng cung.
Vua Suddhodana, hoàng hậu và phu nhân Yasodhara được báo rằng Siddhatta hiện đang ở trong thành cùng đi xin ăn với hàng trăm vị khất sĩ khác.
Vua truyền đánh xe ngự ra để vua đi gặp thái tử.
Hoàng hậu Gotami hồi hộp chờ trong cung.
Hai mẹ con Rahula cũng hồi hộp chờ trong cung.
Xa giá vừa ra tới phố Đông thì vua gặp được đoàn khất sĩ.Siddhatta có mặt trong đoàn khất sĩ ấy và vị võ quan hầu cận bên vua nhận ra ngay thái tử.– Tâu bệ hạ, bệ hạ nhìn vị khất sĩ đi đầu, người mang chiếc cà sa dài màu hỏa hoàng kia.Vua chợt nhận ra người con của mình, dáng điệu của Bụt uy nghi, từ tốn, người Bụt như tỏa chiếu hào quang.
Bụt đang ôm bát đứng trước một ngôi nhà có vẻ nghèo nàn, người đứng trang nghiêm và lặng lẽ, làm như việc xin ăn là việc quan trọng nhất trong đời.
Một lát sau, vua thấy một thiếu phụ ăn mặc rách rưới từ trong nhà đi ra, trong tay chỉ có một củ khoai nhỏ.
Thiếu phụ quỳ xuống dưới chân Bụt rồi kính cẩn đặt củ khoai ấy trong bình bát của người.
Bụt cũng kính cẩn không kém.
Người nghiêng mình đáp lễ thiếu phụ, rồi mới lặng lẽ giã từ, bước sang ngôi nhà bên cạnh.Xa giá của vua còn cách Bụt khá xa, nhưng vua bảo ngừng xe để vua xuống đi bộ.
Ngài đi thẳng về phía Bụt.
Bụt cũng vừa thấy vua.
Hai người tiến lại gần nhau, dáng đi của vua hấp tấp, nhưng dáng đi của Bụt vẫn thong dong.– Siddhatta! Vua thốt lên.– Phụ vương! Bụt trả lời.Đại đức Nagasamala lúc ấy cũng vừa đi tới bên Bụt.
Bụt trao chiếc bát của người cho thầy thị giả.
Người nắm lấy hai bàn tay của vua trong hai tay người.
Mấy giọt nước mắt ứa ra và chảy xuống trên gò má đã bắt đầu nhăn nheo của vua.
Bụt nhìn vua, hai mắt người bao phủ vua với một cái nhìn vừa dịu dàng vừa đầm ấm.Vua biết rằng Siddhatta con mình bây giờ đây không còn là một vị đông cung thái tử nữa mà đã là một nhà tu, một vị lãnh đạo tinh thần.
Vua muốn ôm Bụt vào lòng, nhưng biết làm như vậy là không ổn.
Cuối cùng vua chắp hai tay nghiêng mình trước người con của mình, theo thể thức một vị quốc vương làm lễ một vị đạo sĩ.
Vị võ quan hầu cận cũng bắt chước vua chắp tay nghiêng mình làm lễ Bụt.Lúc ấy đại đức Sariputta cũng đã đi tới gần bên Bụt.
Bụt nói với Sariputta:– Tăng đoàn khất thực xong, xin thầy hướng dẫn họ về công viên Nigrodha để thọ thực và an nghỉ.
Thầy Nagasamala sẽ đi theo tôi.
Chúng tôi vào thăm hoàng gia và sẽ thọ thực ở đấy.
Chiều nay thầy Nagasamala và tôi sẽ trở về cùng quý vị.Khất sĩ Sariputta kính cẩn nhận lệnh của Bụt.
Thầy nghiêng mình làm lễ vua và Bụt rồi quay gót.Vua nhìn Bụt:– Ta tưởng con về tới là đi về thăm gia đình ngay.
Ai ngờ con còn đi khất thực ngoài phố.
Tại sao con không về thẳng hoàng cung để ăn cơm?Bụt mỉm cười nhìn cha:– Con đâu có đi một mình.
Con đi với cả giáo đoàn.
Giáo đoàn các vị bikkhu, nghĩa là những người khất sĩ.
Con cũng là mộtvị khất sĩ như mọi người và vì vậy con phải đi ăn xin như mọi người.– Nhưng tại sao con phải xin ăn tại những nhà nghèo hèn như thế? Dòng họ Sakya ta trong bao nhiêu đời có ai làm như con không?– Thưa phụ vương, dòng họ Sakya thì không ai làm như thế, nhưng dòng họ khất sĩ thì ai cũng làm như thế.
Thưa phụ vương, đi khất thực là một phép tu nhằm thực hiện tinh thần khiêm cung và bình đẳng.
Khi con nhận một củ khoai của một gia đình nghèo khổ, con cũng có thái độ cung kính như khi con nhận một món ăn sang trọng do một vị đế vương cúng dường.
Thái độ cung kính này chứng tỏ rằng con đã có thể vượt ra khỏi sự phân biệt sang hèn, và cũng chứng tỏ rằng bất cứ ai dù nghèo hèn đến mấy cũng có nhân phẩm và cũng có thể đạt tới giải thoát và giác ngộ.
Trong xã hội có nhiều sự chênh lệch về tài sản và quyền thế.
Trong xã hội có rất nhiều bất công.
Trong đạo pháp mà con tìm ra, mọi người đều được hoàn toàn bình đẳng.
Đi ăn xin như thế này, con không làm cho nhân cách của con thấp thỏi đi mà trái lại, con làm cho giá trị của tất cả mọi con người được sáng tỏ ra.
Thưa phụ vương, con mong phụ vương nghĩ tới một đường lối chính trị mà trong đó phẩm giá của mọi người dân đều được tôn trọng.Vua Suddhodana há miệng nghe người con trai mình thuyết pháp.
Những lời đồn đãi lâu nay về Siddhatta thì ra đã là sự thật: con mình bây giờ đã trở nên một vị lãnh đạo tinh thần, và đạo đức của con mình đã bắt đầu chiếu sáng khắp thế gian.Cầm tay vua, Bụt đưa vua đi bộ về hoàng cung.
Thầy Nagasamala cũng đi theo sau vua và Bụt.Trong khi ấy đứng ở lan can trên một từng lầu nơi hoàng cung, hoàng hậu Gotami, công nương Yasodhara và công chúa Sundari Nanda đã nhìn thấy hết tất cả những gì xảy ra.
Rahula cũng đang đứng gần đấy với một người thị nữ.
Người thị nữ này trước đây khi còn dọn dẹp trên lầu đã trông thấy tăng đoàn đang khất thực và đã chạy xuống báo với hoàng hậu.
Hoàng hậu dắt tay Sundari Nanda cùng Yasodhara lên lầu.
Từ trên cao, ba người nhận ra được Bụt đang dẫn đầu đoàn người khất sĩ, rồi họ thấy xa giá của vua dừng lại và chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa vua và người con trai lớn của ngài.Họ đã thấy vua vái chào Bụt theo nghi lễ cần có đối với một vị đạo sĩ lớn.Bây giờ vua và Bụt đang tiến gần tới cửa hoàng cung.
Yasodhara gọi Rahula lại.
Một tay nắm tay con, một tay chỉ xuống Bụt, bà bảo:– Này con yêu quý của mẹ, con có thấy ông thầy tu đang cầm tay ông nội và đi vào cửa hoàng cung đó không?– Dạ con có thấy, Rahula đáp.– Ông thầy tu ấy là cha của con đó.
Con chạy xuống chào cha con đi.
Cha con có gia tài quý báu lắm, cha con sẽ trao gia tài ấy cho con.
Con xuống xin gia tài của con đi.Rahula nghe lời mẹ, chạy xuống lầu.
Trong khoảnh khắc cậu đã xuống tới sân điện chầu.
Cậu chạy ra cửa hoàng cung, rồi cậu chạy lại với Bụt.Bụt biết ngay cậu bé đang chạy tới là Rahula.
Người mở rộng hai tay ôm lấy cậu bé.
Rahula vừa thở hổn hển vừa nói:– Ông thầy tu ơi, mẹ bảo xuống xin gia tài của ông thầy tu.
Gia tài của con đâu, ông đưa cho con đi.Bụt vuốt má Rahula.
Người nói:– Gia tài của con hả? Thong thả rồi cha sẽ trao lại cho con.Bụt nắm lấy tay cậu bé.
Người đi ở giữa, tay trái cầm tay Rahula, tay phải cầm tay vua cha, và ba người tiến vào cung.
Hoàng hậu Gotami, Yasodhara và Sundari Nanda cũng hướng về phía cầu thang đi xuống.
Xuống tới sân điện, ba người thấy vua, Bụt và Rahula đi rẽ vào vườn Thượng Uyển.
Ba người cũng đi theo lối ấy.Trời mùa Xuân nắng lên rất ấm áp.
Ngoài vườn Thượng Uyển tất cả các loại hoa đều đang nở rộ.
Chim chóc ríu rít vang lừng.
Bụt đưa vua và Rahula tới ngồi trên những chiếc cẩm đôn.
Thầy Nagasamala cũng được Bụt mời ngồi xuống trên một chiếc cẩm đôn.
Lúc ấy hoàng hậu Gotami, Yasodhara và Sundari Nanda bước vào vườn Ngự.Bụt đứng ngay dậy.
Người đi tới phía ba người.
Hoàng hậu Gotami, dáng dấp vẫn còn trẻ trung và khỏe mạnh.
Bà khoác áo sari màu lá tre xanh mát.
Gopa vẫn xinh đẹp như tự thuở nào tuy nước da có hơi xanh.
Chiếc sari nàng khoác trên người màu trắng như tuyết.
Nàng không đeo một thứ phục sức nào cả, còn cô em gái Bụt năm nay mười sáu tuổi, đang vận sari màu vàng, mắt đen lay láy.
Cả hai vị phu nhân đều chắp tay búp sen trước ngực và cúi đầu rất thấp để chào Bụt.
Họ đã thấy quốc vương làm như thế và họ cũng bắt chước làm như thế.
Bụt chắp tay lại thành búp sen để đáp lễ.
Người kêu lên hai tiếng:– Mẹ! Em!Nghe tiếng Bụt gọi, bà Gotami và Yasodhara đều rơi nước mắt.Bụt cầm lấy tay hoàng hậu và đỡ bà ngồi xuống trên một cẩm đôn.
Người hỏi:– Em Nanda của con đâu?Hoàng hậu nói:– Em nó đi tập võ, chắc cũng sắp về tới.
Đây là em gái của con.
Con thấy nó mau lớn không?Bụt nhìn đứa em gái sau gần tám năm xa cách.– Sundari Nanda, em chóng lớn quá!Bụt tiến tới cầm lấy tay Yasodhara, bà cảm động đến run rẩy trong tay Bụt.
Người đưa bà tới ngồi xuống trên một chiếc cẩm đôn khác.
Khi mọi người đã an tọa, Bụt mới ngồi xuống trên chiếc cẩm đôn của người.
Từ hồi nãy đến giờ vua không ngớt hỏi thăm Bụt, nhưng bây giờ vua ngồi im lặng.
Mọi người đều ngồi im lặng, kể cả chú Rahula.
Bụt nhìn vua, nhìn hoàng hậu, nhìn Yasodhara, rồi nhìn Sundari Nanda.
Niềm vui đoàn tụ được biểu hiện trong mắt của từng người.
Cuối cùng, Bụt lên tiếng:– Thưa phụ vương, con đã về.
Thưa mẹ, con đã về.
Gopa, em thấy không, ta đã về với em.Lúc ấy hai người phụ nữ mới òa lên khóc.Những giọt nước của họ là những giọt nước mắt sung sướng.
Bụt để yên cho họ khóc.
Người gọi Rahula tới ngồi bên cạnh người, và vuốt tóc chú bé.Một lát sau, lệnh bà Gotami lấy chéo áo sari lau khô nước mắt rồi mỉm cười nói với Bụt:– Con đi lâu quá.
Như vậy là đã hơn bảy năm trời.
Con biết không, Gopa là một người phụ nữ rất can đảm.Bụt nhìn bà