Suddatta đi xem xét nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào đẹp đẽ và thanh tịnh bằng khu lâm viên của thái tử Jeta nằm sát thủ đô Savatthi.
Chàng nghĩ nếu có được khu lâm viên này làm cơ sở lưu trú và hành đạo của Bụt và giáo đoàn thì đạo lý tỉnh thức sẽ được truyền bá sâu rộng trong vương quốc.
Suddatta tìm đến thái tử Jeta xin gặp.Hôm ấy trong dinh thự của thái tử có mặt một vị văn quan trong triều mà Suddatta cũng có quen biết.
Sau khi chào hỏi thái tử và vị văn quan, Suddatta trình bày ước muốn của mình và xin thái tử nhượng lại cho chàng khu vườn của thái tử để làm cơ sở tu học và hoằng pháp cho Bụt.Thái tử Jeta mới có hai mươi tuổi.
Khu vườn này là của vua Pasenadi ban cho chàng năm ngoái.Thái tử nhìn vị văn quan rồi nhìn Suddatta nói:– Khu vườn ấy là của phụ vương tôi cho tôi, và tôi quý nó như vàng.
Nếu ông có đủ vàng lá đem trải đầy khu vườn thì tôi sẽ nhường nó lại cho ông.Thái tử Jeta nói nửa đùa nửa thật nhưng thương gia trẻ tuổi lại không cho đó là chuyện đùa.
Chàng nói:– Được rồi, tôi sẽ theo điều kiện của thái tử đặt ra.
Sáng mai, tôi sẽ cho chở vàng tới.Thái tử Jeta giật mình:– Tôi nói đùa đó mà, tôi không bán khu vườn của tôi đâu.
Ông đừng chở vàng tới.Nhưng Suddatta vẫn nghiêm trang:– Thưa thái tử, ngài là một bậc vương giả, ngài đã nói ra lời nào thì chắc lời ấy không thể bị xóa bỏ.Rồi Suddatta quay sang hỏi vị văn quan đang ngồi uống nước với thái tử:– Thưa đại nhân, có phải đúng như vậy không?Vị văn quan gật đầu.
Ông ta xoay về phía thái tử Jeta:– Vị thương gia Anathapindika này nói đúng, thưa điện hạ, đã không ra giá thì thôi, một khi đã đưa giá cả thì ta không có quyền không bán.Thái tử Jeta đành nhượng bộ.
Tuy nhiên chàng hy vọng rằng Suddatta không có đủ vàng.
Thái tử chưa kịp nói gì thêm thì Suddatta đã đứng dậy chắp tay tạ ơn và cáo biệt.Ngay sáng hôm sau, chàng cho người chở vàng tới lót khu vườn.Thái tử Jeta chứng kiến cảnh tượng lót vàng này và rất lấy làm kinh ngạc.
Thái tử biết đây không phải là một chuyện mua bán tầm thường.
Không ai bỏ ra một số vàng lớn như thế để mà mua một khu vườn giải trí.
Bụt và giáo đoàn của người chắc chắn là những nhân vật lỗi lạc lắm cho nên người thương gia này mới phát tâm dũng mãnh như thế này được.
Nghĩ thế, thái tử tới gần Suddatta và hỏi thăm chàng về Bụt.
Mắt vị thương gia sáng lên.
Chàng kể cho thái tử nghe về con người của Bụt, về đại cương giáo lý của người và về giáo đoàn các vị khất sĩ.
Chàng lại hứa ngày mai sẽ đến mời thái tử đi thăm viếng đại đức Sariputta, một vị cao đệ của Bụt, hiện đang có mặt tại thủ đô.
Nghe Suddatta nói, thái tử Jeta cũng cảm thấy hứng khởi trong lòng.
Lúc bấy giờ người của Suddatta đã chở vàng được ba chuyến và đã lót được khoảng hai phần ba khu vườn.
Khi chiếc xe sắp đi chuyến thứ tư thì thái tử Jeta đưa tay ngăn lại.
Thái tử nói với Suddatta:– Thôi, ông lót từng ấy vàng đủ rồi.
Phần đất còn lại là phần tôi hiến tặng cho Bụt và giáo đoàn.
Tôi cũng muốn góp phần vào công trình lớn lao và đẹp đẽ của ông.
Tôi nói như thế này, ông nghe có được không nhé: cứ xem như là ông cúng đất, còn tôi thì cúng cây cho tu viện.
Sau này có ai hỏi thì ta có thể nói rằng tu viện này tên là “Vườn Anathapindika với cây của Jeta”.
Ông chịu không?Suddatta rất hoan hỷ.
Chàng hân hoan thấy thái tử Jeta chịu đóng góp vào công cuộc hoằng pháp lớn lao này.Chiều hôm sau, chàng đến rước thái tử đi thăm đại đức Sariputta, để thái tử được thấy nhân cách của thầy và được nghe thuyết pháp.
Sau đó, cả ba người cùng đi đến khu vườn mà Suddatta vẫn gọi là Jetavana, dù chàng đã đứng tên làm địa chủ.
Suddatta hỏi ý kiến thầy Sariputta và thái tử Jeta về kế hoạch xây dựng cư xá, thiền đường, nhà giảng và phòng tắm.
Chàng muốn dựng một mái tam quan trước cổng tu viện trên khoảng đất của thái tử Jeta cúng dường để kỷ niệm và cũng để làm vui lòng thái tử.
Thầy Sariputta đã đưa ra nhiều chỉ dẫn rất quý báu về việc xây dựng cư xá, thiền đường, nhà giảng và phòng tắm, bởi vì thầy biết rất tường tận về những nhu yếu của các sinh hoạt tu viện.
Một nơi êm mát được chỉ định để làm am lá cho Bụt.
Những con đường được vạch ra, và những giếng nước được bắt đầu đào.
Suddatta khẩn khoản yêu cầu đại đức Sariputta cư trú ngay tại Jetavana để giúp chàng điều động công việc xây cất những tiện nghi tu viện.
Có những buổi sáng gia đình Suddatta mang thức ăn lên để cúng dường đại đức.
Vào những hôm này đại đức không đi khất thực, còn vào những buổi khác, đại đức thường mặc áo mang bát đi khất thực trang nghiêm trong thành phố.
Dân chúng thủ đô dần dần biết tới đại đức, và từ từ câu chuyện Suddatta lót vàng mua đất Jetavana đã được truyền đi khắp nơi.
Ai cũng biết rằng vị thương gia trẻ Anathapindika đã mua đất của thái tử và đang xây cất tu viện cho một giáo đoàn sẽ từ Magadha tới.
Thỉnh thoảng vào những buổi chiều, đại đức Sariputta thuyết pháp tại Jetavana và dân chúng thủ đô đã bắt đầu đi nghe khá đông, Bụt vẫn chưa tới mà đạo của Bụt đã được dân chúng hâm mộ.Bốn tháng sau, khi công cuộc xây cất đã gần hoàn tất, đại đức Sariputta lên đường trở về Rajagaha đón Bụt.Buổi sáng khi đại đức Sariputta về tới Vesali, thầy thấy bóng dáng rất nhiều chiếc áo vàng trong thành phố.
Hỏi ra thầy biết là Bụt và trên năm trăm vị khất sĩ đã tới Vesali trước đó mấy hôm.
Hiện Bụt đang cư trú trong Rừng Lớn.
Sariputta lập tức tìm về giảng đường thăm Bụt.
Bụt cho thầy biết là nữ cư sĩ Ambapali vừa mới tới thỉnh Bụt và giáo đoàn tới thọ trai ngày mai tại vườn xoài của bà.
Người hỏi thăm về cuộc hoằng hóa của thầy ở Savatthi.
Sau khi nghe Sariputta kể lại những gì đã xảy ra tại thủ đô vương quốc Kosala, Bụt