Dưới cây sala, Bụt cảm thấy có nhiều an lạc và thoải mái.
Đây là một khu rừng xanh tốt, có đồi, có suối lại có hồ.
Sống một mình, Bụt thấy dễ chịu hơn khi có đông đảo đệ tử.
Ở Kosambi, hiện giờ nhiều vị khất sĩ đang sống trong phiền não, và phiền não lan tới cả giới đệ tử tại gia.
Người cảm thấy buồn vì chính đệ tử của người cũng không chịu nghe lời người khuyên bảo.
Người biết đó là sự buồn giận đang che mất tâm trí họ.Trong rừng Rakkhita, Bụt gặp rất nhiều loài thú vật.
Có cả một đàn voi nữa.
Con voi mẹ vốn là một con voi chúa thường hay đem những con voi khác và đàn voi con xuống tắm dưới hồ.
Nó dạy cho những con voi con uống nước, ăn cỏ và ăn những cây bông súng.
Bụt nhìn con voi mẹ dạy đàn voi con ăn những cây bông súng.
Nó lấy vòi nhổ một đám bông súng, khỏa những cây bông súng để rửa ở mặt nước cho bùn đất trôi đi rồi mới đưa vào miệng.
Các con voi con tập một hồi rồi cũng làm được như con voi mẹ.Mấy con voi con này rất có cảm tình với Bụt.
Voi và Bụt rất thân cận và yêu mến nhau.
Có khi voi mẹ hái cả trái cây để cúng dường Bụt.
Bụt ưa vuốt đầu những con voi con và đưa chúng xuống bờ hồ.
Con voi chúa thường dùng tiếng rống để triệu tập đàn voi và những con voi con.
Tiếng rú của con voi chúa rất là oai vệ.
Bụt đã học và bắt chước được tiếng rú này.
Có một lần sau khi con voi chúa rú lên tiếng rú oai vệ của nó, Bụt cũng bắt chước rú lên, con voi chúa nghe tiếng rú lập tức nhìn về phía Bụt, và nó tới trước Bụt rồi quỳ hai chân trước xuống, Bụt vuốt ve và đỡ nó dậy.Bụt ở lại an cư tại đây.
Đây là mùa an cư thứ mười của Bụt sau ngày thành đạo.
Đây là lần thứ hai người an cư một mình.
Suốt ngày người ở trong rừng.
Chỉ buổi sáng vào giờ khất thực người mới rời khỏi khu rừng xanh tốt của người để đi vào tụ lạc mà thôi.Sau mùa an cư, Bụt từ giã đàn voi và khu rừng xinh đẹp.
Người đi về hướng Đông Bắc.
Nửa tháng sau người về tới tu viện Cấp Cô Độc ở Savatthi.
Đại đức Sariputta thấy Bụt về mừng lắm.
Rahula cũng có mặt tại đó.
Nhiều vị đại đệ tử cũng có mặt tại đó: các đại đức Mahamoggallana, Mahakassapa, Mahakunda, Upali, Mahakotthiya, Mahakappina, Mahakunda, Revata, và Devadatta… Các đại đức Anuruddha, Kimbila, Nandiya từ công viên Rừng Trúc ở Karagama cũng đã về tới.
Ni sư Gotami cũng có mặt tại Savatthi.
Thấy Bụt ai nấy đều mừng rỡ.Bước vào tịnh xá, Bụt gặp thầy Ananda đang sắp đặt và quét dọn lại tịnh xá.Một năm và bốn tháng trời, Bụt đã vắng mặt tại đây.
Thấy Bụt, đại đức Ananda mừng quá.Thầy buông chổi vái chào Bụt, Bụt hỏi thăm thầy về tình trạng ở Kosambi.
Thầy nói:– Sau khi Bụt bỏ đi, một số huynh đệ đến tìm con và nói: “Này sư huynh, Thế Tôn đã bỏ đi rồi, người đi một mình.
Tại sao sư huynh không tìm theo Bụt để làm thị giả cho người.
Nếu sư huynh không đi thì chúng tôi đi vậy”.
Con trả lời: “Nếu Bụt đi mà không cho ai biết mà cũng không từ giã huynh đệ chúng ta, đó là vì người muốn đi một mình.
Chúng ta không nên làm phiền người”.
Sau đó khoảng sáu tháng, một số huynh đệ lại tới nói với con: “Này sư huynh, lâu nay chúng mình không được nghe Thế Tôn dạy bảo, không được nghe giáo pháp trực tiếp từ miệng của bậc thầy nói ra.
Chúng ta nên đi tìm người”.
Chúng con đã lên đường tìm Bụt nhưng không được gặp.
Không ai biết Bụt ở đâu.
Cuối cùng chúng con tìm về Savatthi.
Về tới đây chúng con cũng không thấy Bụt.
Chúng con tự bảo nên kiên nhẫn chờ Bụt tại đây.
Thế nào người cũng về.
Thế nào người cũng không bỏ các đệ tử xứng đáng của người.– Khi thầy rời Kosambi, tình trạng như thế nào? Các vị khất sĩ còn cãi cọ nhau nhiều không?– Thế Tôn, hồi ấy tình trạng còn căng thẳng lắm.
Căng thẳng hơn ngày Thế Tôn ra đi nhiều, không bên nào chịu thua bên nào.
Không khí thật là khó thở.
Mỗi lần đi vào thành phố khất thực là chúng con lại bị giới cư sĩ hỏi nhau về vụ tranh chấp.
Chúng con nói: “Có nhiều vị khất sĩ đứng ngoài vụ tranh chấp.
Xin quý vị biết cho điều đó”, và đó là điều duy nhất mà chúng con có thể làm.Dần dần giới cư sĩ bắt đầu phản ứng.
Họ tìm tới tu viện và nói với các vị khất sĩ trong vụ tranh chấp: “Quý thầy đã không nghe lời Bụt để cho Bụt phải buồn lòng mà bỏ đi.
Quý thầy có trách nhiệm rất lớn.
Giới tại gia của chúng tôi đã mất rất nhiều niềm tin.
Xin quý thầy xét lại”.Thưa Thế Tôn, ban đầu thì các thầy không chú ý tới lời cảnh cáo của giới tại gia, nhưng sau đó, giới tại gia cương quyết bảo nhau không cúng dường cho các vị có mặt trong cuộc tranh chấp.
Hỏi tại sao không cúng dường tăng bảo, họ trả lời: “Quý vị không xứng đáng với Bụt, bởi vì quý vị không có sự hòa hợp.
Nếu quý vị nghe lời Bụt mà hòa giải được với nhau, rồi sau đó đi tìm Bụt để sám hối, thì chúng tôi sẽ khôi phục được niềm tin.
Lúc đó chúng tôi mới hành trì lại phép cúng dường với tất cả tâm thành của chúng tôi được”.
Thưa Thế Tôn, giới tại gia ở Kosambi cương quyết lắm.
Họ nói thì họ làm.
Ngày rời Kosambi, con nghe nói là hai bên định ngày tập hợp để đi tới sự hòa giải.
Con nghĩ là họ sẽ hòa giải được và sớm muộn gì họ cũng tìm về tới đây để xin sám hối với Bụt.Bụt nói:– Ananda, đưa chổi đây để tôi dọn dẹp tiếp cho.
Thầy hãy đi kiếm đại đức Sariputta về để tôi nói chuyện.Ananda đi rồi, Bụt lấy chổi quét tịnh xá.
Người làm công việc này một cách thong thả và thoải mái.
Rồi người bắc một chiếc ghế ra ngoài sân ngồi.
Tu viện Cấp Cô Độc quả là một nơi đẹp đẽ.
Cây cối xanh tươi và chim chóc ca hát vang lừng cả bốn mặt.
Người ngồi chơi một lát thì đại đức Sariputta tới.
Hai thầy trò ngồi bên nhau im lặng một hồi lâu.
Rồi Bụt nói cho đại đức nghe điều người đang quan tâm.
Bụt bảo: “Phải làm mọi cách để những cuộc cãi cọ vô nghĩa lý đừng xảy ra ở trung tâm tu học xinh đẹp này”.
Hai người bàn bạc với nhau khá lâu.Một buổi chiều nọ, đại đức Sariputta được báo tin là các thầy ở Kosambi đang lục tục kéo về.
Họ đông tới cả mấy trăm người.
Họ còn ở dưới phố, chưa lên tới tu viện.
Thầy đi tìm Bụt và hỏi người:– Thế