Mãn mùa an cư, Bụt lên đường, hướng về Savatthi.
Svastika và Rahula được phép tùy tùng người.Đây là lần đầu Svastika được đến tu viện Jetavana.
Tu viện rất đẹp và đầy đủ mọi tiện nghi cho sự tu học.Khung cảnh đã tươi mát mà không khí lại đầm ấm.
Thấy Svastika, thầy nào cũng mỉm cười.Ai cũng biết là do vị khất sĩ trẻ này mà Bụt đã nói kinh Chăn Trâu.
Svastika nhận thấy rằng trong một hoàn cảnh thuận tiện cho sự tu học như thế này chắc chắn chú sẽ đạt được nhiều tiến bộ.
Chú hiểu tại sao Tăng cũng quan trọng như Bụt và Pháp.
Tăng là đoàn thể của những người cùng đi trên con đường tỉnh thức, và ta phải tìm về nương tựa Tăng để được nâng đỡ và hướng dẫn.
Cũng như ta đã tìm về nương tựa Bụt và Pháp.Năm nay, vị sa di Rahula được hai mươi tuổi.
Chú được đại đức Sariputta làm lễ trao giới khất sĩ.Cả tu viện đều vui mừng.
Đại đức đã dạy chú thật chu đáo nhiều ngày trước ngày chú thọ giới.Chú Svastika cũng được hân hạnh dự nghe những lời giáo huấn này.Sau khi Rahula được thọ giới khất sĩ, Bụt đã để thì giờ đặc biệt dạy cho chú về các công phu thiền quán, Svastika cũng được dự thính các buổi dạy.
Bụt dạy Rahula quán chiếu về sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, về sáu đối tượng của giác quan là hình sắc, âm thanh, mùi vị, xúc chạm và ý niệm, và về sáu thức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm và ý thức.Người dạy Rahula quán chiếu về tự tính vô thường của mười tám hiện tượng đó mà người gọi là thập bát giới.
Mười tám hiện tượng gồm có sáu căn, sáu trần và sáu thức.
Căn tức là cơ quan cảm giác, trần là đối tượng của các cơ quan đó, và thức là những nhận thức phát sinh ra từ sự xúc chạm giữa căn và trần.
Phép quán này gọi là giới phân biệt quán.Bụt dạy quán chiếu căn, trần và thức để thấy tất cả các hiện tượng này đều nương vào nhau mà có mặt, để thấy được tự tính vô thường và duyên sinh của chúng.
Một khi đã thấy như thế thì hành giả chứng đắc được tính cách vô ngã và thoát ly được sinh tử.
Bụt dạy thầy khất sĩ trẻ Rahula thật kỹ lưỡng về đạo lý vô ngã.
Bụt nói:– Này Rahula, trong năm uẩn là thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức, không có gì bất biến để có thể gọi là ngã cả.
Thân thể này không phải là ngã.
Thân thể này cũng không phải là ngã sở, nghĩa là vật sở hữu của ngã.
Ngã không nằm trong thân thể, thân thể cũng không nằm trong ngã.Có ba loại kiến chấp về ngã.
Kiến chấp đầu là cho rằng thân thể này là ngã.
Hoặc cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức này là ngã.
Kiến chấp này gọi là ngã chấp.
Khi nói tới thân thể này không phải là ngã, người ta có thể rơi vào kiến chấp thứ hai, cho rằng ngã là một cái gì riêng biệt với thân thể, và thân thể chỉ là một vật sở hữu của ngã.
Kiến chấp thứ hai này gọi là dị ngã chấp.
Kiến chấp thứ ba cho rằng trong thân thể có ngã và trong ngã có thân thể, hai không là hai mà cũng không là một, cái này nằm trong cái kia.
Kiến chấp này gọi là tương tại chấp.Rahula, quán vô ngã là phải nhìn sâu vào lòng năm uẩn để thấy năm uẩn không phải là ngã, không phải là dị ngã, cũng không phải là tương tại.
Vượt được ba kiến chấp này rồi mới thực sự chứng nghiệm được tự tính vô ngã của vạn pháp.Tại tu viện Cấp Cô Độc này có một thầy tên là Thera.
Svastika nhận xét rằng thầy này ít ưa nói chuyện với ai, và đi đâu cũng đi một mình, làm gì cũng làm một mình.
Đại đức Thera không làm phật lòng ai, cũng không phạm vào giới điều nào, nhưng thầy sống có vẻ lẻ loi và không thật sự hòa hợp với đại chúng, Svastika đã có lần tới gần thầy để gợi chuyện nhưng thầy cũng tránh đi.
Mọi người đặt tên cho thầy là “người ưa sống một mình”.Svastika biết rằng Bụt thường khuyến khích các thầy tránh tụ họp chuyện trò, tránh những buổi nhàn đàm vô ích để có thì giờ sống một mình mà thiền quán, nhưng chú cảm thấy cách sống của thầy Thera không thật sự là cách sống mà Bụt muốn.Một buổi chiều, nhân có cơ hội, Svastika đem chuyện này trình bày lên Bụt.Ngày mai lại, trong giờ pháp thoại, Bụt gọi đại đức Thera lên và hỏi:– Thầy là người ưa sống một mình, làm cái gì cũng ưa làm một mình và tránh sự chung đụng với các thầy khác, có phải vậy không?Đại đức đáp:– Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.
Thế Tôn thường dạy người khất sĩ nên biết độc cư, nghĩa là nên sống một mình.Quay lại đại chúng, Bụt nói:– Các vị khất sĩ, tôi muốn dạy cho các vị thế nào là thật sự biết sống một mình.Người thật sự biết sống một mình là người biết an trú trong chánh niệm.
Người ấy ý thức được những gì đang xảy ra trong thân thể, trong cảm giác, trong tâm ý và nơi những đối tượng của tâm ý.
Người ấy biết quán chiếu sự sống trong giờ phút hiện tại, không tìm về quá khứ, không tưởng tới tương lai, vì quá khứ thì không còn mà tương lai thì chưa tới.
Sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại.
Nếu ta bỏ giờ phút hiện tại, ta đánh mất sự sống.Này các vị, thế nào là tìm về quá khứ? Tìm về quá khứ ở đây có nghĩa là tự đánh mất mình trong quá khứ, trôi dạt trong quá khứ trên những đợt sóng tư duy: trong quá khứ hình thể ta từng như thế đó, cảm thọ ta từng như thế đó, địa vị ta từng như thế đó, hạnh phúc ta từng như thế đó… Phát khởi lên những tư duy như thế và bị ràng buộc bởi những gì thuộc về quá khứ, đó là tìm về quá khứ.Này các vị, thế nào là tưởng tới tương lai? Tưởng tới tương lai ở đây có nghĩa là tự đánh mất mình trong tương lai, trôi dạt trong tương lai, trên những đợt sóng tư duy, lo sợ hoặc mơ tưởng: trong tương lai, hình thể ta sẽ được hay sẽ bị như thế đó, cảm thọ ta sẽ được hay bị như thế đó, hạnh phúc ta sẽ được như thế đó, khổ đau ta sẽ bị như thế đó… Phát khởi lên những tư duy như thế và bị ràng buộc bởi những ước mơ hoặc lo sợ về tương lai… đó là tưởng tới tương lai.Này các vị, trở về giây phút hiện tại là để tiếp xúc với sự sống và để quán chiếu sự sống.
Nếu không tiếp xúc thì không thể quán chiếu.
Chánh niệm giúp ta trở về hiện tại, tiếp xúc với hiện tại và quán chiếu sự sống trong hiện tại.
Trở về hiện tại không có nghĩa là tự đánh mất mình trong những đam mê hoặc sầu khổ về hiện tại.
Nếu bị ràng buộc bởi những đam mê và sầu khổ về những gì đang xảy ra trong hiện tại thì sự sống cũng không có mặt.
Sự sống không có mặt vì chánh niệm không có mặt.Này các vị khất sĩ, người biết sống một mình là người biết an trú trong hiện tại, dù người ấy đang ngồi giữa đám đông.
Một người ngồi trong rừng sâu mà nếu không có chánh niệm, nếu bị những con ma quá khứ và tương lai lôi cuốn và ám ảnh thì người ấy vẫn không phải là người biết sống một mình.
Rồi Bụt đọc cho các thầy nghe một bài kệ:“Đừng tìm về quá khứĐừng tưởng tới tương laiQuá khứ đã không cònTương lai thì chưa tớiHãy quán chiếu sự sốngTrong giờ phút hiện tạiKẻ thức giả an trúVững chãi và thảnh thơiPhải tinh tiến hôm nayKẻo ngày mai không kịpCái chết đến bất ngờKhông thể nào mặc cảNgười nào biết an trúĐêm ngày trong chánh niệmThì Mâu Ni gọi làNgười Biết Sống Một Mình.”Đọc xong bài kệ, Bụt cảm ơn đại đức Thera và bảo thầy đi xuống.
Người không trực tiếp khen hay chê thầy.
Nhưng chắc chắn là lần này đại đức thật sự hiểu được ý Bụt.Trong buổi pháp đàm hôm đó, Svastika nghe các thầy lớn nói rằng những lời dạy của Bụt hôm đó rất là quan trọng, mọi người cần phải ghi nhớ.
Đại đức Ananda trùng tuyên một lần nữa những điều Bụt nói cho mọi người nghe.
Thầy đọc lại bài kệ của Bụt một cách trôi chảy và thông suốt.
Svastika lấy làm lạ.
Hình như thầy Ananda nhớ hết những lời Bụt nói không sót một tiếng nào.
Cách nói, lời nói, và cú pháp giống hệt như khi Bụt nói.
Khi đại đức Ananda trùng tuyên xong lời Bụt, đại đức Mahakaccana đứng lên nói:– Ta hãy nên lấy lời Bụt dạy hôm nay làm thành một kinh văn.Thưa các huynh đệ, tôi xin đề nghị gọi kinh này là kinh Bhaddekaratta, nghĩa là kinh Người Biết Sống Một Mình, và cũng xin đề nghị tất cả các huynh đệ học thuộc lòng để hành trì.
Ít nhất mỗi người trong chúng ta đều phải học thuộc lòng bài kệ.Đại đức Mahakassapa đứng dậy tán đồng ý kiến ấy.Sáng hôm sau, trong khi đi khất thực, Bụt gặp một đám trẻ con đang tụ họp với nhau chơi đùa.
Các em bé này đang hành hạ những con cua nhỏ mà chúng bắt được dưới ruộng.
Một đứa trong bọn chúng lấy ngón tay trỏ của bàn tay trái đè xuống lưng một con cua.
Với tay phải, nó bẻ một càng của con cua.
Bọn trẻ reo hò vang dậy.
Đứa kia thích chí, bẻ gãy một cái càng cua khác.
Bọn trẻ lại vỗ tay hò reo.
Chúng chơi như vậy cho đến khi tất cả hai càng và tám chân của con cua đều bị bẻ gãy hết.
Rốt cuộc chúng liệng con cua xuống ruộng và đi bắt một con khác để chơi.Thấy Bụt và các thầy tới, bọn chúng ngửng đầu lên rồi lại cúi xuống chơi trò hành hạ mấy con cua.
Chúng tàn ác mà không biết là chúng tàn ác.
Bụt bảo bọn trẻ ngừng tay.
Người nói:– Này các con, nếu các con bị trặc chân