Mùa an cư an năm nay, nhân một câu hỏi của đại đức Ananda về đạo lý duyên sinh, Bụt đã dạy các vị khất sĩ về mười hai nhân duyên như là động cơ của guồng máy sinh tử.Người bảo thầy Ananda:– Đạo lý duyên sinh là đạo lý rất vi diệu và thâm sâu.
Các vị đừng nghĩ rằng có thể thấu hiểu được hết chiều sâu của đạo lý này bằng ngôn từ và lý luận.Các vị khất sĩ! Ngày xưa thầy Uruvela Kassapa nhờ được nghe đạo lý nhân duyên mà thấy được và vào được chánh pháp.
Ngày xưa Sariputta cũng nhờ nghe được một bài kệ về đạo lý nhân duyên mà hôm nay đã trở nên một trong những khuôn mặt của chúng trung tôn.Này các vị! Trong mỗi giây phút của cuộc sống hàng ngày, cácvị phải quán chiếu về tự tính duyên sinh của vạn pháp.
Nhìn vào một tờ lá hay một hạt mưa, các vị phải tập thấy cho được tất cả những điều kiện gần xa đã đưa tới sự có mặt của tờ lá ấy hay của hạt mưa ấy.
Các vị nên biết rằng thế giới được dệt thành bởi những màn nhân duyên chằng chịt, cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.
Sự sinh diệt của một pháp tùy thuộc vào sự sinh diệt của tất cả các pháp.
Sự sinh diệt của tất cả các pháp tùy thuộc vào sự sinh diệt của một pháp.
Trong cái một có cái tất cả, và trong cái tất cả có cái một.Cái một tức là cái tất cả, cái tất cả tức là cái một.
Không có cái một thì không có cái tất cả, không có cái tất cả thì không có cái một.
Đây là chỗ vi diệu của đạo lý duyên sinh.
Nếu quán sát cho thấu triệt tự tính của vạn pháp, các vị sẽ vượt thoát ra ngoài cái lo và cái khổ về sinh tử, nói một cách khác hơn là thoát ra được ngoài vòng sinh tử.Các vị khất sĩ! Duyên khởi chằng chịt nhiều tầng nhiều lớp,nhưng quý vị có thể phân biệt bốn loại: đó là nhân duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên và sở duyên duyên.Nhân duyên là điều kiện chính yếu gần nhất, như hạt lúa là điều kiện chính yếu để phát sinh ra cây lúa.
Tăng thượng duyên là những điều kiện phù trợ, như nắng, mưa, hơi ấm, đất màu giúp cho hạt lúa nảy mầm lớn lên thành cây lúa.Đẳng vô gián duyên tức là sự tiếp nối không gián đoạn của dòng lưu chuyển.
Thiếu sự tiếp nối thì sự trưởng thành của cây lúa bị gián đoạn nửa chừng.Sở duyên duyên là đối tượng của nhận thức, bởi vì nhận thức bao giờ cũng là nhận thức một cái gì, nhận thức không rời đối tượng nhận thức.
Hạt lúa, cây lúa và các điều kiện xa gần đưa tới sự có mặt của cây lúa… tất cả đều là đối tượng của nhận thức, không thể tách rời ra khỏi nhận thức.
Tâm thức vì vậy là một điều kiện căn bản của hiện hữu.Này các vị khất sĩ! Sở dĩ có khổ đau là vì có sinh tử.
Tại sao có sinh tử? Tại vì có vô minh.
Nếu các vị quán chiếu và thấy được tự tính duyên khởi của vạn vật thì các vị sẽ tiêu diệt được vô minh.
Tiêu diệt được vô minh thì siêu thoát được quan niệm về sinh tử.
Thoát được sinh tử thì diệt được mọi khổ đau và lo âu.Này các vị! Có tử là vì có sinh, có sinh tử là vì còn ý niệm có ta, còn ý niệm có ta là vì bị dính mắc, bị dính mắc là vì tham ái, tham ái là vì không thấy được tự tính của cảm giác, không thấy được tự tính của cảm giác là vì bị kéo theo dòng tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng, bị kéo theo dòng tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng là vì tâm tư không sáng suốt và an tĩnh, tâm tư không sáng suốt an tĩnh là vì tâm thức hôn mê.
Tâm thức hôn mê là vì vô minh.
Mười hai cái khoen của vòng xích ấy nối liền nhau, trong một cái có cả mười một cái kia, thiếu một cái thì mười một cái kia cũng không có.
Tử, Sinh, Hữu, Thủ, Ái, Thọ, Xúc, Lục nhập, Danh sắc, Thức, Hành và Vô minh là tên gọi của mười hai cái khoen ấy.Các vị khất sĩ! Vô minh là chất liệu căn bản của cả mười hai nhân duyên.
Nhờ quán chiếu tự tính duyên sinh, ta lấy ánh sáng của trí tuệ làm tan rã chất liệu vô minh đó và ta vượt thoát được tất cả những lo sợ đau buồn của sinh tử.
Người phàm phu bị nhận chìm trong biển khổ sinh tử.
Bậc giải thoát cỡi trên những đợt sóng sinh tử mà đi.
Mười hai cái khoen của vòng xích trở nên mười hai cái bánh xe của một cỗ xe chở người tới giác ngộ.
Bậc giác ngộ sống trên đời nhưng không bao giờ bị cuộc đời làm cho chìm đắm.
Các vị khất sĩ! Các vị đừng trốn chạy sinh tử, các vị chỉ cần vượt thắng lên trên sinh tử mà thôi.
Siêu việt sinh tử, đó là chí khí của bậc đại trượng phu.Trong một buổi pháp đàm được tổ chức sau đó mấy hôm, đại đức Mahakassapa cho biết Bụt đã từng giảng dạy nhiều lần về đạo lý nhân duyên, và đạo lý này có thể coi như là trọng tâm của đạo giác ngộ, và đại đức cho biết có lần Bụt đã dùng hình ảnh một bó lau để làm ví dụ.
Người nói không có ai làm ra các nhân duyên cả mà chính các nhân duyên tự làm ra nhau.
Vô minh làm ra hành và hành làm ra vô minh, hành làm ra thức và thức làm ra hành.
Cũng như những cọng lau dựa vào nhau mà đứng, một cọng lau bị kéo qua một bên thì cọng kia rơi xuống.
Vạn vật trong vũ trụ cũng vậy.
Một làm ra tất cả, và tất cả làm ra một.
Nhìn cho sâu, ta thấy cái một trong tất cả và ta thấy tất cả trong cái một.Cũng trong mùa an cư, Bụt bị một nhóm Bà la môn âm mưu trả thù bằng cách vu cáo rằng người đã ăn nằm với một người đàn bà cho đến khi người này có thai rồi bỏ.Vụ âm mưu này được tổ chức rất khéo léo.
Những người chủ mưu đã tìm được một cô gái trong giới Bà la môn sẵn sàng cộng tác với họ.
Cô này tên là Cinca, nhan sắc khá mặn mà.
Những người chủ mưu đã than thở với cô về sự sụp đổ của niềm tin nơi đạo Bà la môn của giới trẻ tuổi.
Giới trẻ tuổi Bà la môn đã theo Bụt nhiều quá, và trong số ấy có những người rất xuất sắc.
Một khi theo Bụt họ đã không ngần ngại nói tới những cái mà họ cho là sai lầm và hẹp hòi trong đạo Bà la môn.
Nóng lòng vì nền đạo đức của tổ tiên, cô Cinca nói rằng cô có thể làm bất cứ gì để cứu vãn tình thế, và cô đã làm theo những lời chỉ dẫn của những người chủ mưu.Ngày nào cô cũng ăn mặc thật đẹp và đi về tu viện Jetavana, trên tay luôn luôn có một bó hoa.
Nhưng cô không đi chùa vào giờ người khác đi chùa.
Cô chỉ tới chùa vào giờ những người khác rời chùa để về nhà sau khi nghe thuyết pháp.
Ai hỏi đi đâu, cô chỉ mỉm cười mà không nói.
Có khi cô lại nói nửa úp nửa mở: “Tôi đi đâu thì đi, việc gì đến quý vị mà hỏi?”.
Thiên hạ lấy làm hồ nghi.
Sau đó nhiều tuần lễ, cô lại trả lời người ta như sau: “Tôi đi thăm sa môn Gotama”.
Rồi mấy hôm sau, cô lại nói: “Ngủ lại tu viện Jetavana thật là vui!”.Những điều đó làm nhiều người chối tai, nhưng cũng làm cho một số người sinh ra hoài nghi.
Tuy nhiên không ai phê phán gì.
Cho đến một hôm, Cinca xuất hiện trong một buổi thuyết pháp của Bụt.
Bụng của cô đã phình lên khá lớn, Bụt đang thuyết pháp nửa chừng thì cô bước lên.
Trước mặt thính chúng đông đảo, cô nói lớn:– Sa môn Gotama! Ngài thuyết pháp rất là hay, và ngài là một người có thế lực lớn, nhưng ngài không bao bọc được cho một người đàn bà yếu đuối đã vì ngài mà bụng mang dạ chửa.
Đứa con trong bụng này là của ngài.
Nếu ngài không chịu nhận trách nhiệm làm cha nó thì ai nhận đây?Thính chúng xôn xao, mọi người đưa mắt hỏi nhau rồi nhìn lên Bụt.
Bụt nói với Cinca, miệng người mỉm cười:– Này cô bé, chuyện này là thật hay giả thì chỉ có cô và ta biết rõ mà thôi.Cinca hơi mất bình tĩnh, nhưng cô cố lấy giọng rắn rỏi:– Đúng rồi, việc này có thật