Mùa an cư năm ấy hoàn mãn, nhiều vị đại đức lên từ giã Bụt để đi hoằng hóa ở các địa phương.
Đại đức Punna, vốn là một trong những vị giảng sư nổi tiếng của giáo đoàn khất sĩ, trình với Bụt là đại đức có ý về quê để hành đạo.
Sinh quán của đại đức là đảo Sunaparanta ở ngoài biển Đông, Bụt hỏi:– Tôi nghe nói vùng đó là một vùng chưa được khai hóa, những giống dân cư trú tại đó tính tình hung dữ và các vụ bạo động thường xảy ra luôn, không biết là thầy về đó hành đạo có tiện hay không.Đại đức Punna bạch:– Lạy Bụt, chính vì họ chưa được khai hóa cho nên chúng ta phải tới để giúp họ.
Chính vì họ hung dữ và bạo động nên chúng ta phải đem đạo từ bi và phép hành xử bất bạo động đến.
Con nghĩ là con có thể thành công ở đó được.– Punna, nếu thầy đang thuyết pháp mà họ cứ tới la ó và chửi mắng vào mặt thầy thì thầy tính sao?– Lạy Bụt, con nghĩ la ó và chửi mắng cũng chưa lấy gì làm dữ lắm.
Họ cũng còn chưa liệng đá và đồ dơ vào con.– Nhưng nếu họ liệng đá và đồ dơ vào thầy?– Lạy Bụt, liệng đá và đồ dơ cũng chưa lấy gì làm dữ lắm.
Họ cũng còn chưa lấy gậy đánh vào con.– Nhưng nếu họ lấy gậy đánh vào thầy?Đại đức Punna cười:– Lạy Bụt, như vậy họ cũng còn hiền lắm.
Họ vẫn chưa giết con.– Nhưng nếu như họ giết thầy?– Điều này không xảy ra đâu, bạch đức Thế Tôn, mà dù nó có xảy ra đi nữa thì chết vì đạo lý từ bi và bất bạo động vẫn là một cái chết có ý nghĩa, có thể giáo dục người ta được.
Lạy Bụt, người ta sống trên đời ai cũng phải có một lần chết, nếu cần chết vì lý tưởng từ bi và bất bạo động, con sẽ không từ nan.Bụt khen:– Hay lắm Punna! Thầy có dư sức đi hành hóa tại xứ Sunaparanta.
Tôi hỏi để các thầy khác cũng được nghe mà thôi, chứ riêng tôi, tôi không nghi ngờ gì về khả năng và lập trường bất bạo động của thầy hết.Đại đức Punna ngày xưa vốn là thương gia.
Hồi ấy Punna thường cùng với người em rể đi buôn, bỏ hàng từ Savatthi đem về Sunaparanta và chở những sản phẩm địa phương tại quê nhà đem bán ở lục địa.
Họ dùng ghe thuyền và xe bò để chuyên chở hàng hóa.
Một hôm chở hàng tới Savatthi, Punna được trông thấy một đoàn khất sĩ đang trang nghiêm đi khất thực.
Do đó Punna đã tìm tới được tu viện Jetavana và đã được nghe Bụt thuyết pháp.
Nghe xong bài thuyết pháp, Punna không muốn đi buôn nữa.
Ông muốn theo Bụt để làm khất sĩ.
Ông giao hết tất cả hàng hóa tiền bạc cho người em rể và tới chùa xin Bụt cho phép xuất gia.
Đại đức Punna rất thông minh, đại đức tu học rất tinh tiến và đã trở nên một vị giảng sư xuất sắc.
Đại đức đã từng đi hành hóa nhiều nơi trong các vương quốc Kosala và Magadha.
Ai cũng nghĩ rằng kinh nghiệm và đạo hạnh của đại đức đủ bảo đảm cho sự thành công của đại đức tại quê nhà.Mùa Xuân năm sau, trong chuyến đi về miền Đông, Bụt đã ghé thăm Vesali, Campa, và theo dòng sông đi ra tới miền biển để giáo hóa.
Bụt và các vị khất sĩ đã có những dịp ra ngồi rất lâu trên bờ biển.Một lần kia, đại đức Ananda nói với Bụt:– Bạch Thế Tôn, nghe tiếng sóng vỗ, nhìn các đợt sóng, chấm dứt mọi suy tư, theo dõi hơi thở và an trú trong hiện tại, con thấy thân tâm thật thoải mái, và đại dương như giúp con đổi mới trong từng giây từng phút.Bụt gật đầu.Có một hôm nọ đứng nói chuyện với ngư dân ven biển, đại đức Ananda hỏi các ngư dân này nghĩ gì về biển cả.
Một người đàn ông cao lớn, nước da sạm nắng, dáng người rất đẹp nói với thầy:– Biển có những đặc tính rất hay và tôi ưa biển vì những đặc tính ấy.
Đặc tính thứ nhất là biển có những bãi cát thoai thoải đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới trở nên rất dễ dàng.
Đặc điểm thứ hai là biển luôn luôn ở tại chỗ, biển không bao giờ dời chỗ.
Mình muốn ra biển thì mình biết hướng mà tìm đi.
Đặc điểm thứ ba là biển không chấp nhận thây chết.
Khi có thây chết, biển luôn luôn đẩy nó lên bãi.
Đặc điểm thứ tư là biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông, dù đó là sông Ganga, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu hay sông Mahi.
Sông nào ra tới biển thì cũng bỏ tên riêng của mình để mang tên biển cả.
Đặc điểm thứ năm là tuy ngày đêm muôn sông liên tiếp đổ nước về biển, biển cũng không vì vậy mà có khi vơi khi đầy.
Đặc điểm thứ sáu là nước biển ở đâu cũng mặn.
Đặc điểm thứ bảy là trong lòng biển có biết bao nhiêu thứ san hô, xà cừ và ngọc quý.
Đặc điểm thứ tám là biển làm chỗ dung thân cho hàng triệu loài sinh vật, trong đó có những loài rất lớn dài hàng trăm do tuần, và những loài nhỏ bé như cây kim hoặc hạt bụi.
Thưa các thầy, tôi chỉ nói có chừng đó, các thầy cũng thấy tôi yêu biển đến chừng nào.Ananda nhìn kỹ bác ngư dân.
Bác này làm nghề chài lưới mà nói năng như là một thi sĩ.
Thầy hướng về phía Bụt:– Thế Tôn, bác ngư dân này ca tụng biển rất hay.
Thế Tôn, bác ngư dân yêu biển thế nào thì con