Chị Khuê hạ hoả.
Thấy bụng Quế kêu òng ọc, chị đào một củ khoai lang đưa cho nó, đon đả mời mọc:
- Hai Quệ! Làm củ khoai lang sống không mày?
- Thôi.
Bẩn lắm ạ.
Quế phụng phịu nói.
Chị Khuê thở dài đem khoai lang ra suối rửa rồi quay lại đưa cho Quế.
Nhìn nó ăn ngấu nghiến, chị phì cười trêu ghẹo:
- Đói chớt bà ra rồi còn kiêu!
Quế vừa ăn vừa nói:
- Thì ai biết đâu là bị chị lừa.
Cứ tưởng được gặp anh Kiệt nên em vội lái xe về quê, chưa kịp ăn sáng á.
- Thế bữa nay ai đưa con mày đi học?
- Ba em ạ.
Hễ lúc nào em sa cơ lỡ vận ông liền tránh em như tránh tà, mà cứ lúc nào em làm ăn được, có đồng ra đồng vào ông lại yêu em hết sảy.
- Eo! Máu mủ với nhau mà thế á?
- Úi! Có liên quan gì tới nhau đâu chị, mẹ em chửa em trước khi quen ba em cơ.
- Thế mày có thường xuyên gặp ba ruột không?
- Em có biết ba ruột của em là ai đâu mà gặp?
- Hỏi mẹ mày ý! Mồm để làm cảnh hả?
- Ơ hay? Cái chị này buồn cười nhờ? Ai bảo chị là mồm em để làm cảnh? Em hỏi mẹ từ lâu rồi á! Cơ mà mẹ bảo là trong những năm tháng xưa cũ, mẹ chưa từng từ chối bất cứ người đàn ông nào có ý định muốn gieo rắc yêu thương lên đoá hoa bé bỏng của mẹ nên mẹ không biết em được kết tinh từ tình yêu thương nào.
- Khiếp! Mẹ mày kiểu như một loài côn trùng mong manh, biết bay và hay rạo rực ý nhờ? Kiểu đa tình á!
- Dạ vâng, cái đó thì em công nhận.
Hồi ba mẹ em mới cưới nhau, mẹ còn dẫn trai về nhà ngủ trong lúc ba đi cấy đấy ạ, đủ biết mong manh cỡ nào.
- Thế mà ba mày cũng chịu được à?
- Chịu đâu mà chịu, hồi xưa ba chửi mẹ như hát hay.
Ông chửi nhiều đến mức mà bây giờ mỗi khi trái gió trở trời là ông lại bị đau họng, xong ông chửi không nổi nữa.
Năm ngoái, ông bỏ nhà lên thành phố ở hẳn với em và bé Hạt Tiêu luôn rồi.
Ở quê mẹ em chả có ai quản giáo, một mình một nhà, một vườn, một ao cá, bà tha hồ thả thính.
Chị Khuê chẹp miệng nhận xét:
- Chắc mẹ mày cũng phải đẹp thì mới thả thính được chứ mà xấu thì có chó nó đớp.
Quế thật thà tâm sự:
- Dạ.
Mẹ em đẹp giống em ạ.
Còn em thì cũng có chút mong manh giống mẹ.
Em á, kiểu lúc nào cũng như gái mười sáu á chị, dễ bị rung động lắm luôn, chả quan trọng tuổi tác, giới tính, chỉ cần soái tí là em thích.
- Đừng nói là mày thích cả con gái đấy nhá!
- Vâng.
Em thích cả con gái chị ạ.
Sau khi anh Kiệt lấy vợ, em từng hẹn hò với mấy chị ca sĩ nổi tiếng lận.
Nhưng mà kiểu quan điểm sống không hợp nên tụi em chia tay.
Sau đó, em lại nhớ anh Kiệt da diết.
Chắc tại trong người em có dòng máu nghệ sĩ nên em mới đa tình á.
- Mày lý do lý trấu vớ vẩn, đầy nghệ sĩ chung thuỷ.
- Dạ, thì cũng phải có lý do để bao biện cho lỗi lầm của mình chứ chị.
Mà ăn khoai sống ngon quá chị ạ, chị đào cho em thêm một củ nữa được không?
- Không.
Khoai nhà mợ Phúc chứ có phải khoai nhà tao đâu, đào nhiều mợ mà biết mợ chửi chớt!
- Nhưng em vẫn còn đói á! Đi mà! Năn nỉ đấy!
- Thôi được rồi.
Chị Khuê bất đắc dĩ phải đào khoai rồi đem đi rửa cho Quế.
Quế chạy theo chị ra suối, ngọt giọng hỏi:
- Chị ơi! Ai dạy chị mà ban nãy chị vả em hay thế?
- Chả ai dạy cả.
Điên lên khắc biết vả!
Quế trìu mến nhìn chị Khuê, tuần trước cô còn thấy chị xấu lắm luôn mà sao giờ lại thấy soái tỷ thế chứ lị! Lúc chị Khuê đưa khoai cho Quế, gương mặt Quế bất giác đỏ ửng.
Cô bẽn lẽn mồi chài:
- Chị Khuê! Anh Kiệt tốt nhưng mà ít nói lắm.
Bất cứ khi nào chị thấy hôn nhân của mình khô khan, chị nhớ tìm em nha, em sẽ giúp chị có những trải nghiệm mới mẻ.
- Thôi tao lạy mày! Tao gái thẳng mày ơi!
Chị Khuê nói vậy rồi mà Quế vẫn mặt dày ôm chị.
Chị khiếp quá nên quên cả vả nó, cuống cuồng đẩy nó ra.
Trong lúc hoảng loạn, chị trượt chân ngã xuống suối.
Hai chiếc dép tổ ong rớt khỏi chân chị, lang thang trôi về một nơi xa lắm.
Cả người chị ướt sũng, chị lội về bờ với tâm trạng không mấy vui vẻ.
Quế sốt sắng hỏi han:
- Chị có sao không vậy? Có bị đau ở đâu không? Có lạnh lắm không? Đi vào xe ô tô của em, em bật điều hoà ngồi cho ấm, rồi em lau tóc cho.
Chị Khuê hoang mang cực độ, chị vội vã bảo:
- Thôi mày ơi, tao sai rồi.
Tao xin lỗi mày.
Nếu như trong hai vợ chồng tao, mày bắt buộc phải mơi một người thì thôi mày mơi chồng tao đi.
- Nhưng mà trong một phút giây ngắn ngủi nào đó, em chợt nhận ra anh Kiệt không soái bằng chị.
- Có.
Anh Kiệt có soái, kiểu soái ca bên ngoài lạnh lùng ít nói bên trong ấm áp đó mày.
Mày tin tao đi!
- Em tin chị.
Cơ mà em chán cái kiểu soái đấy rồi.
Giờ em thích cái kiểu bá đạo, phát ngôn câu nào “chất thị nượng” câu đó cơ! Giống chị á!
- Úi! Tao lạy mày! Tao hèn lắm, chỉ được cái to còi thôi chứ không soái gì đâu.
Từ giờ mày cứ anh Kiệt mà thả thính nha Hai Quệ! Tao thề, tao hứa, tao đảm bảo là tao sẽ không bao giờ hẹn gặp mày để đánh ghen nữa đâu!
Chị Khuê vắt chân lên cổ chạy thục mạng.
Quế sốt sắng nhìn theo chị rồi lớn tiếng gọi:
- Chị ơi! Chị Khuê ơi! Mất dép tổ ong rồi mình cứ chạy chân đất về nhà như thế có phèn lắm không?
Chị Khuê không thèm đáp lời Quế.
Phèn hay không kệ bà chị đi.
Phèn hay đường gì cũng được, miễn không soái là được! Chị chạy về nhà mẹ ruột tắm rửa, thay đồ.
Chiếc điện thoại hủi chị để trong túi quần, bị ngấm nước nên ngỏm củ tỏi luôn rồi.
Trong lúc ba Tạm sấy tóc cho chị thì mẹ Được giặt đồ giúp chị.
Chị kể lể hết mọi chuyện cho ba mẹ nghe rồi dặn dò:
- Anh Tạm chị Được nhớ kín mồm kín miệng giùm em với ạ, chuyện lộ ra thì mất cái thể diện của em lắm.
Chắc lát em chợp mắt tí, đêm qua háo hức đi đánh ghen nên em chả ngủ được gì cả, giờ người nó cứ bị mền mệt chứ.
Đừng ai nói em ở đây nha!
Ông Tạm bà Được cùng lườm con gái.
Lớn tướng rồi mà hành xử bốc đồng như con nít, cũng tại ông bà chiều Khuê quá.
Cơ mà ai kêu nó là con một? Ai kêu nó xinh, đáng yêu, hào sảng, tốt bụng, hay thương người? Ông Tạm bà Được yêu Khuê cuồng dại.
Theo quan điểm của ông bà, đứa nào ghét Khuê là đứa đó bị bệnh khó tính!
Mười hai giờ trưa, bà Hợt gọi điện báo tin cho nhà thông gia rằng Khánh đang ở bệnh viện dưới thị trấn, nó sắp đẻ rồi.
Tuy nhiên, lúc đó Khuê đang ngủ tít mít nên ông bà không gọi con dậy, cũng chẳng thèm nói với bà Hợt con gái đang ở nhà.
Hai người sửa soạn đồ rồi đi xuống bệnh viện thăm Khánh.
Khánh đau run người nhưng vẫn cố gắng thều thào nói:
- Bác Tạm… bác Được… anh Kiệt… làm ơn… ai đó… gọi… gọi chị Khuê cho con đi.
- Hai bác gọi trước lúc đến bệnh viện rồi nhưng không liên lạc được, chắc chị bận đi bán rau.
Ông Tạm nói dối.
Anh Kiệt lễ phép bảo:
- Hôm nay nhà con nghỉ bán hàng để đi họp lớp cấp ba ạ.
Con cũng thử gọi vài cuộc mà không liên lạc được.
Tưởng tượng ra cảnh chị Khuê phải tắt điện thoại để tập trung cười cợt với anh Minh, anh Kiệt lại thấy buồn.
Khánh cũng buồn không kém anh Kiệt.
Tuy cô ghét chị Khuê nhưng trớ trêu thay, những lúc khó khăn, cô lại muốn chị phải ở bên mình để có chỗ dựa dẫm.
Chị nói thương Khánh mà lúc Khánh lên bàn đẻ lại chả thấy tăm hơi đâu, hại Khánh hoảng loạn phát khóc.
- Khánh ngoan, bình tĩnh đi con.
Đừng sợ.
Lát nữa Khương sẽ vào phòng sinh với con.
Sẽ ổn cả thôi.
Bà Hợt an ủi con dâu.
Cơ mà chuyện không như bà dự đoán.
Khi Khương vào phòng sinh, nghe vợ mình la hét kinh hoàng, anh bị sốc nặng.
Nếu biết đẻ con khổ cực như thế này, anh sẽ không bao giờ bỏ Huệ.
Một thân một mình ở một nơi nào đó mà anh không biết, chẳng hiểu Huệ chống đỡ ra sao? Khương đau lòng chảy nước mắt, khoé môi vô thức lẩm nhẩm tên Huệ.
Khánh ngước lên nhìn chồng, nước mắt của cô cũng chảy giàn giụa hai bên gò má.
Vợ thì đau đớn kiệt quệ mà chồng không thương, chỉ mải nhớ tới người cũ.
Cuộc hôn nhân của Khánh, sao mà cay đắng đến thế? Tại khoảnh khắc ấy, cô cảm thấy đau đớn thể xác không là gì so với nỗi đau tinh thần.
Tim Khánh buốt lạnh, cô ngất lịm ngay trên bàn đẻ.
Khánh ngay lập tức được chuyển sang phòng cấp cứu.
Mặt mày Khương tái nhợt.
Nếu như Huệ lại có bầu nữa, rồi lúc đi đẻ nó cũng bị đưa vào phòng cấp cứu như Khánh thì sao đây? Nó từng bị bệnh tim mà! Liệu Huệ có vượt qua được không? Ngộ nhỡ như Huệ không thể vượt qua được thì sẽ ra sao? Khương sẽ vĩnh viễn không được gặp lại Huệ nữa ư? Không! Không được! Không thể được! Anh phải tìm cho ra Huệ càng sớm càng tốt.
Mặc kệ mọi người trong gia đình ngăn cản, Khương mải miết lao đi tìm người thương.
Thực ra, Khương vốn không biết phải đi đâu mới tìm được Huệ.
Anh lang thang khắp các con đường trong thị trấn, vừa đi, vừa khóc