Đến chính Nghiêm Cẩn cũng không biết mình đang ở đâu.
Sau khi bị bắt, phía công an đã biết rút kinh nghiệm, để đề phòng nghi phạm giết người xuất thân từ lính trinh sát này lại bỏ trốn lần nữa, họ đã sử dụng những biện pháp ứng phó vô cùng nghiêm ngặt.
Nghiêm Cẩn bị bịt mắt trên suốt quãng đường từ sở công an đi tới trại giam mới.
Mức độ bảo mật trên xe cũng rất cao, tai chẳng hề nghe được bất cứ âm thanh nào bên ngoài vọng vào, song qua số bước chân từ xe áp tải cho tới khi ngừng xe, anh có thể đoán được mình đang bị đoàn người đưa ra khỏi nội thành, lên đường cao tốc.
Xe cảnh sát chạy băng băng trên đường, thị giác mất đi khiến các giác quan khác trở nên vô cùng nhạy bén, đặc biệt là việc cảm nhận cơn đau.
Những vết thương mới toanh không ngừng nhắc nhở anh chuyện xảy ra hôm qua, nhất là khóe mắt bên phải, cục máu đông đè lên miệng vết thương, miếng vải bịt mắt đen lại không ngừng ma sát lên vết thương vừa đóng vảy, nỗi đau đó không khác gì chiếc khoan điện cứ liên tục tác động lên dây thần kinh nhạy cảm.
Vị cảnh sát bên cạnh đang uống nước nhưng không ai nghĩ tới chuyện phạm nhân mà họ đang áp giải cũng đã mười mấy tiếng không được một giọt nước vào bụng.
Tuy cổ họng khát khô như lửa đốt, Nghiêm Cẩn cũng không mở miệng ra xin.
Qua cuộc điện thoại của Hứa Chí Quần, biết bản thân không thể trở lại trại tạm giam bằng việc tự thú, anh cũng hiểu giờ đây họ sẽ không bao giờ đối xử với mình tử tế như trước khi bỏ trốn nữa.
Hình tượng lúc này tuy nhếch nhác nhưng kiêu ngạo và tự tôn ban đầu vẫn còn đó, anh vẫn chưa quen với việc khúm núm khụy lụy với mấy tay cảnh sát trẻ.
Hơn hai giờ sau xe cảnh sát tới đích.
Nghiêm Cẩn bị áp tải đi xuống rồi thẳng tiến vào một phòng trống.
Cảnh sát áp tải anh đang làm thủ tục bàn giao ở ngay phòng bên cạnh, anh nghe được tiếng nói chuyện văng vẳng cách một bức tường.
Từ khẩu âm giọng nói của họ có thể biết chắc nơi này ở rất xa Bắc Kinh, có lẽ đã vào tới thành phố giáp ranh là Hành Thủy ở Hà Bắc.
Tiếng nói chuyện văng vẳng ở bức tường bên cạnh không còn nữa, cửa mở ra lại đóng vào, cán bộ quản lý trại giam mới và cảnh sát áp giải Bắc Kinh đang chào nhau ngoài hành lang, một người cáo biệt một người khiêm tốn, cảnh sát Bắc Kinh nói họ thiếu cảnh giác, cán bộ quản lý trại giam buông thả nên mới có chuyện phạm nhân bỏ trốn; trong khi cán bộ trại giam mới lại nói các đồng nghiệp thủ đô hiểu nhiều biết rộng, còn nhiều điểm đáng để người ở đây học tập, họ nhất định sẽ canh giữ nghiêm ngặt, không phụ sự kỳ vọng của các đồng nghiệp.
Nói đoạn, họ bước vào căn phòng đang giam giữ Nghiêm Cẩn.
Miếng vải bịt mắt Nghiêm Cẩn cuối cùng cũng được lấy xuống, nắng chói chang bất ngờ rọi thẳng vào mắt khiến anh không khỏi giơ tay che đi.
Lông mi trên và dưới bên mắt phải dính vào nhau vì máu chảy ra, anh không dám mở mắt mạnh vì vết thương trên đó cứ khẽ động là đau như cứa da cứa thịt.
Một cảnh sát đi tới khóa tay anh lại một cách thô bạo, tháo khóa tay anh rồi tra còng số 8 của trại giam vào.
Nghiêm Cẩn nheo mắt nhìn, còng số 8 của trại giam này tuy cồng kềnh hơn loại còng inox nhỏ gọn cảnh sát thường đem theo bên người nhưng chỉ cần anh thực sự muốn tháo thì cả hai loại đều chẳng nhằm nhò gì.
Anh khẽ nhếch mép, cười mỉa mai rồi để mặc cảnh sát đeo cả còng chân mà chỉ tội phạm nguy hiểm mới phải đeo vào chân mình.
Kéo theo chiếc còng chân nặng hơn chục kg, Nghiêm Cẩn bị chuyển đến phòng trong cùng của khu nhà giam.
Điều kiện trong phòng thoạt nhìn không quá tệ, trong phòng có một chiếc giường sắt đã được cố định, một buồng vệ sinh đơn, là phòng giam một người cực hiếm trong trại giam.
Nhưng chỉ cần nhìn lướt qua Nghiêm Cẩn cũng nhận ra một vấn đề: phòng này không có cửa sổ, chỉ có một lỗ thông gió nhỏ, công tắc bật điện bố trí bên ngoài, chỉ cần tắt đèn và đóng cửa lại, không gian bên trong sẽ tối om như mực.
Thực ra đây là một phòng giam đã được cải tạo, không khác gì phòng tối đã giam giữ Mã Lâm trước ngày thi hành án.
Trong hoàn cảnh u tối thế này, một người bình thường cùng lắm chỉ sống được bình thường khoảng ba ngày, dài hơn sẽ khiến tinh thần suy sụp.
Nghiêm Cẩn vừa đi vào, cánh cửa sau lưng liền đóng sập lại, không gian tối tăm lập tức bao trùm.
Bóng đen không nhìn rõ năm ngón tay phủ lên mặt, lên tay và cơ thể, mềm mại và lạnh lẽo sẽ khiến con người ta có cảm giác cả người chìm trong bóng tối này, biến thành một miếng hổ phách đen sì, trong vắt.
Anh mò mẫm nằm lên giường.
Sự trói buộc của còng tay và sức nặng của còng chân khiến anh chỉ có thể nằm nghiêng thì cổ tay cổ chân mới bớt đau một chút.
Bóng tối trước mắt không quá xa lạ với anh, cũng không hề khiến anh e sợ.
Trong đợt huấn luyện “phòng tối” ngày xưa, kỷ lục lớn nhất của anh là bảy ngày.
Một phòng nhỏ diện tích chỉ khoảng 4 m2, không có bất cứ nguồn sáng nào, không có công cụ đưa tin, cũng không nhận được bất kỳ tin tức nào bên ngoài, chỉ có thức ăn và nước uống.
Công cụ tính toán thời gian duy nhất là khoảng cách giữa hai bữa cơm.
Sau khi ăn xong ba bữa cơm là bắt đầu tiến vào bóng tối lâu và đậm màu hơn, chính là màn đêm.
Trong sự xoay vần giữa bóng tối và bóng tối, anh lúc nào cũng phải lưu ý đến âm thanh và động tĩnh bên ngoài, bởi vì khi ra khỏi phòng tối, sẽ có giám khảo hỏi anh nghe được âm thanh đặc thù nào không, không trả lời đúng sẽ bị khai trừ.
Bước ra khỏi căn phòng đó, một cậu lính trẻ vốn lanh lợi hướng ngoại trở nên trầm ngâm kiệm lời.
Khi ngồi theo dõi mục tiêu, anh có thể nhìn chăm chú liên tục vào một bông hoa dưới khẩu súng suốt mười hai tiếng, cho đến khi nhắm mắt, hình ảnh bông hoa đó trong đầu anh còn rõ nét hơn cả dưới ống kính camera có độ phân giải 24 Megapixel.
Nhưng lúc này đây, Nghiêm Cẩn hoàn toàn đánh mất khái niệm thời gian.
Mỗi ngày cái lỗ trên cửa đúng giờ mở ra ba lần, lấy đi đồ ăn thừa bữa trước rồi đưa tới thức ăn và nước uống mới.
Hai ngày đầu người phụ trách đưa cơm còn thấy cơm nước có dấu hiệu được dùng một chút, nhưng đến ngày thứ ba, thứ tư gần như cơm nước mỗi bữa đưa vào thế nào đều được lấy đi như thế.
Nghiêm Cẩn thấy rất mệt.
Mười năm trước trong phòng tối, anh có nhiều việc để làm: dùng xúc giác làm quen với hoàn cảnh sống, chạy bộ tại chỗ, hát hò, học thuộc bài… Nhưng giờ đây anh lại chỉ thấy mệt mỏi, mệt mỏi đến từ mỗi khớp xương đau đớn rã rời như vừa trải qua đợt huấn luyện cực hạn siêu nặng nhọc.
Nằm giữa không gian u tối tương tự, anh cứ mãi nhớ tới bầu trời đầy sao trên cao nguyên ở Vân Quý (1).
Đó là hình ảnh anh nhìn thấy nhiều nhất trong thời gian làm bạn với bóng đêm.
Gió thổi vù vù bên tai trong khu rừng nguyên sinh, mùi hôi thối do cây cối và động vật phân hủy tràn ngập trong không gian, cảm giác nóng nực của vùng khí áp nhiệt đới, bộ trang phục ngụy trang vải lưới dày cộp trên người, mọi thứ đều khiến người ta không thể hít thở.
Vào những lúc như thế, anh chỉ có thể ngước lên tìm sao trời.
Trên cao nguyên cao hơn 2000m không bị ô nhiễm, những vì tinh tú đầy trời lấp lánh thật đẹp, vừa sáng vừa dày, không cần dùng tới kính thiên văn, chỉ cần mắt thường cũng nhìn được các chòm sao ngự trị nơi nào trên bầu trời, tỏa ra ánh sáng lành lạnh nhưng vĩnh hằng.
Sự vĩnh cửu và mênh mông đó khiến người ta nảy sinh cảm giác kính nể.
(1) Tên gọi chung khu vực giữa hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu.
Anh khó nhọc trở mình, mở to mắt.
Giờ đây anh đã hoàn toàn quen thuộc với bóng tối xung quanh, bóng tối vô tận này giống như một thứ chất lỏng dính nhớp, lặng lẽ đi vào mạch máu và cơ thể, bao trùm lên lục phủ ngũ tạng.
Nhưng chẳng biết bắt đầu từ khi nào, trước mắt anh bỗng sáng lên, hình như có một ngôi sao lấp lánh nào đó vừa băng qua.
Trí nhớ Nghiêm Cẩn trở nên hỗn loạn, cơn mưa sao băng đẹp nhất cuối thế kỷ 20 có lẽ là cảnh tượng khó quên nhất mà anh vô tình được chứng kiến trong thời gian thi tuyển chọn vào binh chủng trinh sát, khi đó anh bị bịt mắt, bị xe jeep bỏ lại, phải một mình tìm cách tồn tại ở thảo nguyên Tích Lâm Quách Lặc (2).
(2) Một khu vực ở Nội Mông.
Anh từ từ cuộn người ngồi dậy.
Phòng giam lạnh quá! Dường như có gió thổi trên thảo nguyên, vừa lạnh vừa cứng, sắc như lưỡi dao.
Tối tăm, gió lạnh, đầm lầy, đôi mắt xanh lè của những loài vật sống về đêm, cậu binh nhì bé nhỏ chưa tròn mười chín đứng giữa thảo nguyên không có gì che chắn, lần đầu tiên biết thế nào là nhỏ bé, thế nào là sợ hãi.
Ôm chặt khẩu súng trường tự động thân thương, cậu bé đó òa khóc không biết xấu hổ, mãi đến khi nhìn thấy vô vàn ngôi sao băng lướt trên bầu trời.
Cậu gạt nước mắt, ngơ ngác nhìn lên màn pháo hoa đẹp tuyệt trên đầu, vượt qua một đêm dài khó sống nhất trong suốt mười tám năm cuộc đời đã qua.
Đối với những trải nghiệm lần đầu, con người thường sẽ nhớ mãi không quên, huống hồ là một ký ức đặc biệt như vậy, mười mấy năm sau nhớ lại, anh vẫn cảm thấy mỗi tình tiết đều như còn mới nguyên.
Mặt trời chiếu xuống thảo nguyên khiến