"Ngay lập tức, tôi cảm thấy hối hận."
Mốc thủy ngân rút về trên vạch dương.
Băng nhanh chóng tan chảy, liên tiếp nhỏ nước xuống đường tàu.
Kim Hi Thần khoác tấm áo choàng rộng thùng thình dài đến đầu gối, dưới chân xỏ một đôi giày thể thao đã lấm lem bùn tuyết, đôi mắt lo lắng mở to như mắt mèo, thần sắc nhợt nhạt vương nét hãi hùng.
Anh hai đứng bên cạnh nó, yên lặng nhìn xa xăm.
Nó dò theo ánh mắt đối phương, nhìn nước tuyết tan rơi tí tách từ trên mái như hạt mưa ngâu, nắm lấy bàn tay buông thõng bên cạnh.
Cái hồn trở về thân xác trống rỗng, anh nhìn nó.
Nó xoa xoa bàn tay lạnh giá của anh.
Từ trong bóng tối hun hút của đường hầm truyền tới tiếng gió ù ù.
Tàu đến, cửa trượt qua một bên.
Kim Hi Thần bám sát gót chân anh.
Trên toa tàu không có hành khách nào khác ngoài bọn họ.
Anh hai và nó tìm nơi ấm áp ngồi xuống, thu mình lại để ngăn cái lạnh thấm sâu vào người.
Trên người anh chỉ có một chiếc áo len, cặp vớ đã ướt nhèm tuyết trong đôi dép kẹp xỏ vội.
Ngón tay anh bị lạnh tới mức đỏ tấy lên, khớp xương tróc da sần sùi.
Kim Hi Thần cởi áo choàng ra đắp cho cả hai.
Cậu bé cũng chỉ mặc lót trong một lớp pijama bằng vải kaki, rúc lại gần để sưởi ấm cho anh.
Nó mơ màng nhìn vào tấm kính đối diện.
Trời còn chưa rạng, luồng sáng trong tàu rọi bóng của hai người lên kính như ảnh chụp trắng đen.
Hình như nét mặt của anh hai hơi khang khác.
Nó nhìn người bên cạnh.
Hình như đúng là có gì đó khác.
Cặp mắt của anh như sâu hơn, môi mím chặt hơn, vừng trán dãn ra như người lính đang chuẩn bị làm một việc lớn lao.
Tàu bắt đầu chạy, Kim Hi Thần nhắm mắt lại.
Nó đã kiệt sức vì biến cố tối nay, nhanh chóng ngủ mê mệt.
Tàu chạy êm như bay, Thẩm Hi Quang gà gật, luồn ngón trỏ vào băng vải mềm bao quanh cổ tay, nặng nề chìm vào giấc mộng khó tỉnh dậy.
Mươi năm nay, anh cảm thấy cuộc đời của mình chỉ sự chuyển dịch từ căn phòng này sang căn phòng khác.
Trước khi lên sáu, anh luôn quanh quẩn trong căn hộ ba phòng ngủ cùng bố mẹ.
Phòng riêng của anh tương đối rộng so với một đứa trẻ.
Vách tường cách âm kém, bên ngoài cửa sổ bị một nhánh cây kim tước vươn ra che kín, ban ngày không hắt nắng, xế chiều thì âm u.
Bố anh có nước da rám nắng đặc trưng của người phương Bắc.
Mẹ anh là phụ nữ miền Nam với nét đẹp thanh nhã.
Trái với ngoại hình, bố anh khá trầm tính, ông thích dành thời gian để suy tư hơn là nói lên ý kiến của mình.
Anh chưa bao giờ thấy bố nói lại một câu nào mỗi khi mẹ giận dỗi.
Dù chưa quên hình dáng căn phòng thuở bé nhưng anh lại thường xuyên nhớ về bốn bức vách khép lại rộng chưa tới hai mươi lăm mét vuông ở nhà tình thương.
Giường kẹp giữa tường và bàn.
Giấy dán tường bị rách lộ ra lớp vôi bên trong.
Cửa sổ lắp lưới sắt nhìn ra rặng chuối tiêu mọc dại.
Đúng mười giờ, đèn đóm tắt hết, căn phòng chìm vào miền xa xôi như một thế giới khác.
Anh luôn nằm trên giường nhìn ánh trăng nổi trên sàn nhà, vươn tay cố bắt lấy một thứ vô hình luồng sáng đem lại, sau đó rơi vào giấc ngủ.
Căn phòng thứ ba không có cửa sổ.
Bốn bức tường quây quanh không gian rộng bốn mươi mét vuông.
Tiện nghi đầy đủ, điều hòa luôn luôn chạy êm ru.
Và có một cái ổ khóa ở mặt kia cánh cửa.
Chẳng có gì ở nơi đó ngoài lạnh lẽo và thù hận.
Căn phòng Úc Trầm dọn cho anh có ban công gắn lưới sắt đón nắng.
Đêm luôn trông thấy mặt trăng.
Gã thường xuyên về nhà muộn.
Tiếng bước chân của gã cao thấp không đồng đều, đôi khi nghe giống một kẻ say, nhưng anh chưa bao giờ nhìn thấy gã say.
Vì bệnh tật, gã không uống một giọt cồn.
Tuy vậy, tính gã dễ nóng nảy như tụi ma men, dùng lời không hiệu quả là gã dùng đến sức mạnh.
Không hề có dáng vẻ được chiều hư như cô em gái của gã.
Gã mua cho anh chiếc di động đầu tiên vào năm lớp Bảy và dặn mỗi khi gã gọi đến, bất kể anh đang ở đâu hay làm gì thì cũng phải nghe điện thoại.
Anh bỏ ngoài tai, có lẽ vì đang ở tuổi chống đối, nhiều lần tắt máy chọc gã điên lên.
Dù vậy...!mỗi khi anh không nghe máy, gã luôn đến nhìn qua anh một cái.
Dẫu theo sau đó là mắng nhiếc hay đòn roi, ít ra gã đã từng đến để nhìn anh.
Có một lần gã bị nhiễm trùng gan, hình như là sáu năm trước, lúc đó bác sĩ tưởng gã chết chắc rồi.
Anh từ trên trường bị gọi đến bên giường bệnh.
Gã nhìn anh, khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn, lần đầu tiên ánh mắt kiêu căng lộ ra sự tuyệt vọng.
Thì ra, đến cả kẻ mưu mô như Úc Trầm cũng tuyệt vọng với anh...
Thẩm Hi Quang bị một cơn ho không kiềm chế nổi vực dậy từ trong giấc ngủ.
Anh ho không thể ngừng, trong lồng ngực như có một vòng dây thép gai thít chặt lại.
Giá lạnh, tê tái đến mức anh như chẳng còn cảm giác được hai lá phổi của mình nữa.
"Anh hai!" Kim Hi Thần bị tiếng ho đánh thức, nắm chặt lấy bàn tay anh.
Trong toa tàu vẫn chỉ có hai người bọn họ.
Màn sương nơi chân trời dập dờn ánh rạng đông, ga kế tiếp hẳn sẽ đón một lượt khách sớm.
Hai người xuống ga tiếp theo.
Tay chân Thẩm Hi Quang chẳng còn cảm giác gì nữa.
Anh đi ba bước thì phải dừng lại lấy hơi một lần.
Anh phóng mắt ra cái hồ bán nguyệt gần ga tàu, nước không đóng băng.
Ven bờ có cây kim tước trọc lóc và cây liễu in bóng xuống mặt nước.
Kim Hi Thần dắt tay anh đi vào tòa soạn báo, như một người trưởng thành gõ ngón trỏ lên quầy lễ tân, hỏi thăm về tác gia Kim Mân.
"Còn bốn tiếng nữa bà ấy mới đến." Nhân viên nhận ra cậu bé, ngạc nhiên: "Sao cháu lại đến đây sớm như vậy?"
Nó cười hì, bịa một cái cớ nghe miễn cưỡng, sau đó dắt anh hai vào phòng chờ.
Thẩm Hi Quang nhân lúc nó đi vệ sinh thì đứng dậy lê bước tới thang máy, nhấn nút lên tầng thượng.
Sắp xong rồi...!Chỉ còn một bước cuối...
Thẩm Hi Quang co rúm người, tựa đầu vào vách thang máy nhìn hình ảnh phản chiếu của bản thân.
"Tôi ghét trời mưa và hơi ẩm.
Tháng sáu thật tệ hại, nắng chói chang, không khí nóng bức, mưa và sấm sét thì dầm dề, bẩn thỉu.
Côn trùng ở khắp nơi.
Lũ trẻ không đến trường nên được rảnh rỗi để phá phách và làm ầm ĩ.
Chúng là đám mà tôi ghét nhất.
Lúc nào cũng mở to đôi mắt ngu ngốc và tò mò nhìn tôi.
Tôi chỉ muốn bóp cổ bọn trẻ khi chúng la hét, hoặc nguyền rủa chúng sẽ rơi khỏi lầu chết phứt đi.
Lũ trẻ chỉ biết lao vào tôi dù không bao giờ hiểu được những gì tôi phải trải qua.
Con trẻ ngây thơ vô tội? Không.
Chính sự vô tư của chúng liên tục xát muối vào vết thương của tôi.
Mỗi khi đọc thư của nó, sự ghen tị và hận thù lại bùng lên trong tôi.
Ngùn ngụt như lửa lan đồng cỏ.
Tôi phải cắn chặt môi mỗi lần muốn cầu cứu ai đó...!Tôi lại phải lừa gạt người khác nữa..." Anh siết chặt băng vải mềm quanh cổ tay, giọng nói lạc đi.
Khuôn mặt phản chiếu trên vách thang máy buồn bã chùng xuống.
Thẩm Hi Quang đập vào vách, nghiến răng ken két.
Đừng có nhìn tôi bằng ánh mắt đó! Thẩm Miên! Anh đâu hiểu được cảm giác của tôi!
Nếu anh chết ở đây, ngay trước tòa soạn báo này, mọi sự nghiệp và mơ ước của hai con người kia sẽ tan thành mây khói.
Tuyệt đối không thể cứu vãn nổi.
Cả Kim Hi Thần và cái gia đình đó đều sẽ không được yên ổn trên nấm mồ của anh.
Anh đang học theo Úc Trầm.
Thẩm Hi Quang dùng một đoạn dây sắt để mở cái khóa hỏng hóc của cửa sân thượng.
Anh học được trò vặt này từ những tháng ngày chán ngắt ở bệnh viện tâm thần.
Lan can được rào bằng tấm lưới mỏng đến mức anh có thể dùng một cái kéo để cắt ra.
Anh nhìn xuống mặt đất heo hút, từ tận đáy lòng dấy lên một nỗi kinh hoàng lẫn với hưng phấn.
Gió đông không ngừng quất vào mặt mũi và cơ thể đang run bần bật của anh.
Những tia nắng đầu tiên chầm chậm ló dạng qua màn sương trong lúc anh cắt lưới sắt.
Từ phía chân trời hiện lên những bụi lóng lánh như pha lê, theo gợn sóng dập dờn phủ kín mặt hồ.
Hơi nước chiết những tia nắng thành dải quang phổ sặc sỡ vắt ngang hình bán nguyệt biêng biếc.
Kỳ cảnh này khiến Thẩm Hi Quang sững sờ mất một lúc, sau đó trong ngực bỗng tràn ngập một sức nặng khiến anh ngạt thở vô cùng, muốn đổ sụp xuống mặt đất.
Mùa đông, vài tuần trước khi ra khỏi trung tâm, bà Tiến sĩ ngồi thoải mái trên ghế dựa, nói với anh: "Khi những triệu chứng kéo dài quá lâu mà đã làm hết cách để gỡ rối quá khứ và hiện tại thì tôi không thể không đặt ra giả thuyết rằng chúng đại diện cho các ý nghĩa về ham muốn hơn là sự đối phó với giai đoạn tạm thời.
Ý tôi muốn nói – một cách đơn giản để giải thích cho chứng bệnh kéo dài nhiều năm của cậu – là: lâu nay cậu có một ham muốn dồn nén mãnh liệt chưa thể thực hiện được."
"Tôi chẳng có hứng thú với gì cả."
"Chúng ta hãy cùng xem lại điều đó.
Ví dụ như chiếc băng cổ tay của cậu, cậu không chơi thể thao nên chắn chắc cậu không tự mua lấy để đeo, vậy thì ai đã tặng nó cho cậu?"
Anh đáp bằng cái nhăn mày.
Hà Kiều Dung dịu giọng: "Cậu được phép nghe hay không nghe tôi.
Cậu muốn trả lời tôi hay không là quyền của cậu.
Tôi chỉ nói những gì mình đang nghĩ.
"Tôi đoán...!người đã tặng băng cổ tay cho cậu là nam – vì con gái không thường tặng đồ thể thao trừ trường hợp con trai có chơi thể thao; cậu ấy chạc tuổi cậu, có thể là nhỏ hơn – căn cứ vào thái độ của cậu khi sử dụng nó.
Vì cậu ấy thường xuyên chơi thể thao nên sẽ có tầm vóc cao ráo, khỏe mạnh.
Tôi tin rằng cậu ấy là người tinh tế và nhạy cảm dựa trên màu sắc và