Cúc sau khi sinh con xong, tình trạng sức khỏe cũng khá lên nhiều, hai ngày bác sỹ đã cho xuất viện vì cô sinh thường được, hơn nữa không phải trích tầng sinh môn bởi vậy cũng hạn chế được phần nhiều đau đớn sau sinh nở. Không có bố mẹ, người thân ở bên song với bản năng làm mẹ của người phụ nữ, Cúc cố gắng nhất có thể để chăm bẵm con. Đứa trẻ rất ngoan, thương mẹ vất vả nên bú no lại ngủ, trộm vía mẹ cũng nhiều sữa nên may mắn em bé không phải bú sữa công thức.
Bác sỹ cho ra viện nhưng Cúc mới đẻ không thể di chuyển đường dài ngay được, sức khỏe cô còn yếu, Hiểu đã từng học qua ngành sản khoa nên chuyện này anh rõ hơn ai hết. Muốn đi nhanh nhưng xem ra không được rồi, đành phải ở lại đây ít ngày cho Cúc bình phục trở lại, em bé cứng cáp hơn, đã về được đến đây rồi thì lo gì không về được quê nhà nữa? Bởi vậy cả ba thống nhất thuê nhà trọ ở lại thêm một tuần nữa.
Hằng ngày Mùa phụ giúp nấu ăn tẩm bổ cho Cúc, giặt giũ và thỉnh thoảng lại bế em bé cho Cúc nghỉ ngơi. Hiểu không biết làm gì, thấy Mùa làm gì anh cũng vun vén làm theo phụ giúp, Mùa thầm nghĩ, số cô có phải đã quá may mắn vì gặp được anh không? Tại sao đàn ông con trai lại thông thạo mọi việc đến thế? Nghĩ lại cảnh đêm hôm Cúc chuyển dạ, Hiểu quỳ gối, hì hục giúp Cúc sinh nở mà cô vẫn thấy rùng mình.
Sự ra đời của đứa trẻ thực sự là một điều kỳ diệu đối với Cúc, và cả Mùa nữa, đứa trẻ đã cùng mẹ vượt qua vạn dặm đường dài, bao nhiêu khó khăn và thử thách, ấy vậy mà con vẫn khỏe mạnh và chào đời bình an. Cúc suy nghĩ mãi rồi quyết định đặt tên con là "Phúc An", Phúc trong chữ có phúc, An là bình an. Trong họa lại có phúc và bình chào đời, cái tên không thể hợp lý hơn được nữa, Mùa nghe tên cũng phải cảm thán Cúc đặt tên rất hay và ý nghĩa.
Phúc An được 10 ngày tuổi thì Cúc đề nghị lên đường, ở lâu như thế này cô thấy rất áy náy với mọi người. Đặc biệt là Hiểu, anh đã vì hai người mà rong ruổi suốt thời gian qua. Cũng nhờ có anh mà em bé mới bình an chào đời, từ sâu trong tiềm thức, Cúc đội ơn anh lắm. Đời này được kết giao bè bạn với Hiểu quả thực là chuyện tốt hiếm có trên cuộc đời của cô.
Mùa và Cúc ở cùng tỉnh nhưng khác huyện, dù không thông thạo đường đi nhưng ban ngày ban mặt, đi đến đâu lại hỏi thăm đường nên buổi sáng khởi hành, chiều tối mặt trời lặn thì về đến nhà Cúc. Ở trên xe, gương mặt Cúc có chút lo lắng, có lẽ cô đang suy nghĩ xem nên nói chuyện với bố mẹ thế nào vì sự vắng mặt của mình suốt thời gian qua. Phúc An đi ô tô thì ngủ suốt, có lẽ trẻ sơ sinh nên ngủ nhiều hoặc có thể vì đi xe, ô tô chạy rì rì nên dễ gây cảm giác ngủ liên tục.
Mùa cũng háo hức về nhà gặp mẹ, gặp bố, song ưu tiên cho Cúc. Vì cô ấy vướng con nhỏ, dọc đường về nhà Mùa cũng tiện qua nhà Cúc luôn, bởi vậy cô và Hiểu thống nhất sẽ đưa Cúc về trước rồi hai người về nhà cô sau. Đường xa thì không nói, nhưng khi xe chạy đến huyện, đến quê nhà của Cúc, không ai nói gì mà tự nhiên Cúc cứ khóc không ngừng. Hiểu biết chắc chắn là sắp được gặp người thân nên tâm trạng dễ kích động nên anh khuyên nhủ:
Cúc ơi. Nghe anh nói này, anh biết em đang có nhiều tâm sự, nhưng phụ nữ mới sinh mà khóc thì không tốt đâu.
Bình tĩnh lại đi... mọi chuyện đã qua rồi!
Mùa cũng có tâm trạng giống như Cúc, nhưng cô không biết an ủi bạn thế nào, bởi cô và cô ấy đâu có khác gì nhau? Chỉ là khi đi thì không có gì, lúc về Cúc lãi thêm một đứa trẻ. Đường quê nghèo, trời xẩm tối không một bóng người lai vãng, thỉnh thoảng đi qua đoạn cánh đồng ếch nhái kêu râm ran nghe càng sầu não hơn mà thôi.
Đi hết quãng đường dài, xe chạy vào một khu dân cư đông đúc theo sự chỉ dẫn của Cúc, những căn nhà lợp ngói cũ kỹ san sát nhau, những ánh sáng đèn điện của nhà dân không đủ làm cho không gian thêm sáng sủa. Hiểu phải thừa nhận rằng lời nói của Mùa rất chính xác, quê của hai cô nghèo thật.
Đến nhà Cúc, cô ấy sợ hãi, lưỡng lự không dám xuống xe. Chuyện gì thế này? Cúc tự hỏi bản thân mình, tại sao cô lại thấy bản thân mềm yếu đến vậy? Bao nhiêu nỗi nhớ mong, khao khát được trở về. Bất chấp đường dài vất vả mong sớm ngày về, ấy thế mà hiện tại cô lại không có can đảm tiến vào bên trong.
Cúc ơi... dù thế nào thì cũng đã trở về rồi, hãy vào đi. Bố mẹ và mọi người chắc chắn sẽ mừng lắm đấy!
Mùa động
viên bạn.
Bố mẹ sẽ không trách tớ đúng không?
Cúc ôm Phúc An trong tay, hai mắt cô ngấn lệ, đôi chân ngập ngừng nửa muốn bước vào mà trong lòng lại thấy e ngại.
Không đâu. Cậu xem này, Phúc An đáng yêu biết bao, cậu có yêu con bé không?
Mùa lại hỏi tiếp.
Tớ đương nhiên là yêu con rồi!
Cúc quả quyết.
Đó. Cậu yêu Phúc An bao nhiêu thì bố mẹ cũng yêu cậu bấy nhiêu. Cậu là do bố mẹ sinh ra, dẫu có phạm sai lầm... nhưng có bố mẹ nào bỏ con mình đâu?
Vào đi, tớ đi với cậu, chắc chắn bố mẹ sẽ mừng vì cậu trở về lắm đấy!
Cả ba người bảo nhau đi vào bên trong, bố mẹ Cúc và mọi người đang ăn cơm tối, cái chiếu cói trải giữa nhà, cả gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm chỉ vẻn vẹn hai món rau luộc và mấy con cá rô đồng kho cháy xém. Thấy có người lạ đi vào, cả nhà bỏ dở bữa ăn rồi ngạc nhiên nhìn ra. Nhất thời bố mẹ chưa nhận ra Cúc, bởi lẽ cô mới sinh, trên đầu đang quấn cái khăn mỏng để che gió máy, thân hình sồ sề do mới sinh nở, cân nặng thay đổi nhiều.
Nhưng rồi, nhìn thấy bố mẹ và các em, Cúc không ngăn được sự xúc động, cô được trở về rồi, những tưởng phải bỏ mạng nơi xứ người, ấy vậy mà bây giờ bố mẹ đang ở trước mặt cô, các em đang dáo dác nhìn xem ai vào nhà mình. Cúc xúc động rồi khóc nấc lên, mẹ cô cũng nhận ra con gái, ánh mắt bà nhòe đi vì phát hiện cô con gái của mình đang đứng đó. Bà mếu máo:
Mấy đứa ơi.. ra xem chị Cúc về kìa!
Ông ơi, con Cúc nó về rồi ông ạ!
Giọng bà lạc đi, tâm trạng của bà lúc này vì vui mừng quá mà không nói thành lời. Bố cô bỏ dở đôi đũa run run đứng dậy rồi đi ra.
Bố! Bố ơi!
Cúc gọi bố rồi òa lên khóc như một đứa trẻ..
Cúc về à con... Cúc ơi! Cúc...
Ông cũng xúc động, người cha đáng thương này cả đời hiếm khi chảy nước mắt mà giờ đây ông lại khóc thật to, ông chạy đến bên con định ôm con gái một cái thì bỗng nhiên khựng lại vì lúc này mới phát hiện trong tay Cúc đang ẵm một đứa trẻ hãy còn đỏ hỏn.
Người bố từng trải này nhìn và hiểu ngay ra sự việc, nhưng ông không trách con, giây phút này với ông là hạnh phúc nhất đời rồi, làm sao ông nỡ nói điều gì tổn thương đứa con dại khờ ấy nữa.
Đưa cháu đây cho bố! Vào nhà ăn cơm đi con!
Giọng ông sụt sùi. Mẹ Cúc tay chân vụng về đứng bên cạnh, hai mắt bà đỏ hoe, miệng ấp úng mà không biết nói câu gì, có lẽ bà cũng xúc động quá. Hai đứa em kế Cúc cũng đứng dậy, thấy bố mẹ im lặng, hai đứa cũng không cất lời nào nhưng ánh mắt chúng không rời khỏi Cúc và hai người đi cạnh là Mùa và Hiểu.
Mẹ! Con đã về rồi.
Con xin lỗi mẹ!
Cúc đưa Phúc An cho ông ngoại bế, cô chạy đến ôm mẹ thật chặt, bao ngày qua phải tỏ ra mạnh mẽ để đối diện với cuộc đời thì giờ đây không cần nữa, giây phút này cô muốn mình là một đứa trẻ, mong được mẹ bao bọc và chở che. Mùa chứng kiến cảnh đoàn viên ấy mà cũng không ngăn nổi dòng nước mắt, cô mơ hồ tưởng tượng ra cảnh tượng sắp tới đây khi về đến nhà của mình. Bố mẹ liệu có giận dỗi cô không, liệu họ có tha thứ mà mở lòng đón nhận đứa con gái ngây dại này???
Ở với nhau cả một thời gian dài nên hoàn cảnh của Cúc và Mùa như thế nào Hiểu đương nhiên biết rõ. Bởi vậy trước khi lên đường trở về đây, anh đã chuẩn bị một chút bánh kẹo để làm quà cho gia đình và mấy đứa em của Cúc. Dẫu sao Cúc cũng mang tiếng là đi xa trở về, mọi chuyện thời gian qua như thế nào bố mẹ cô không tiện hỏi ngay, bởi lẽ suốt ngần ấy thời gian thông tin về con gái gần như là không có, hai bố mẹ cô cũng suy sụp không ít.
Nhưng hoàn cảnh nghèo hèn, hai ông bà không có cách nào khác để tìm được con, chạy vạy ngược xuôi cũng chẳng có manh mối gì cả. Đành phó mặc cho ông giời, hàng ngày vẫn mong mỏi cho cô con gái có thể may mắn trở về mà thôi. Đêm ấy Hiểu và Mùa nghỉ lại ở nhà Cúc, sáng hôm sau hai người từ biệt và lên đường đến nhà Mùa. Nghỉ ngơi một đêm, chứng kiến cảnh đoàn tụ tối qua Mùa thấy bản thân tự tin hơn nhiều, cô hy vọng bố mẹ cô cũng giơ cao đánh khẽ, mở lòng ra đón cô con gái này trở về!!