Lúc Bạch Chuẩn mở mắt ra thì trời đã sáng.
“Cậu tỉnh rồi?” Hoắc Chấn Diệp ló đầu vào trong phòng, cười toe toét.
Hắn xắn tay áo tận khuỷu tay, cánh tay lấm lem tro bụi, trên tay còn bưng một khay đựng đồ ăn.
“Tôi nghĩ cậu tỉnh dậy chắc chắn sẽ đói bụng, nên nấu cho cậu ăn.”
Hắn loay hoay mãi mới học được cách nhóm lò than, dùng chiếc nồi nhỏ duy nhất để đun sữa bò cho Bạch Chuẩn, nướng bánh mì kiểu Pháp, mùi bơ và mùi sữa hòa quyện với nhau.
Bạch Chuẩn lười biếng nằm im không muốn động đậy.
Trong sữa bò có pha thêm si rô cây phong, trên chiếc bánh mì đặt một khoanh trái cây.
Chẳng biết từ lúc nào, tủ lạnh đã bị Hoắc Chấn Diệp chất đầy.
Hắn vừa nhìn Bạch Chuẩn từ tốn ăn bánh mì, vừa nói: “Đợi khi nào kiếm được xúc xích kiểu Đức, tôi sẽ chiên cho cậu ăn.
Xúc xích và bia của người Đức rất ngon.”
Bạch Chuẩn uống một hớp sữa bò, vì có thêm đường mà sữa càng thêm ngọt, ngay cả hơi thở cậu phả ra cũng mang theo vị sữa.
“Có ngon bằng lạp xưởng không?”
“Chắc chắn là không rồi.
Lạp xưởng thơm thế cơ mà.
Cậu có muốn ăn không? Khi nào đến mùa đông tôi sẽ mua về treo khắp phòng.”
“Anh có biết xấu hổ không vậy? Anh còn muốn ở nhờ đến mùa đông nữa sao?” Tuy ngoài miệng nói thế, nhưng Bạch Chuẩn vẫn ăn hết bánh mì và uống hết sữa bò.
Ăn uống no nê, Bạch Chuẩn nằm trên giường hết sức thoải mái.
“Hôm nay tôi phải đến Đồn Cảnh Sát, sau đó đến bệnh viện thăm Tiểu Khải, tối về sẽ mang lẩu Nhất phẩm cho cậu.”
“Đi đi.” Bạch Chuẩn dùng giọng “ân chuẩn”, chờ Hoắc Chấn Diệp đi rồi cậu mới phát hiện trên người mình đang mặc áo ngủ của hắn.
Áo ngủ có lớp nhung, chẳng trách mềm mại như vậy.
Bạch Chuẩn nhíu mày nhìn mấy người hầu giấy bên giường, hỏi: “Là các ngươi thay cho tôi à?”
Người hầu giấy cúi đầu, dòm đăm đăm vào mũi chân mình,
Bạch Chuẩn lại hỏi: “Vậy là A Tú thay?”
Nhìn hai người giấy đùn đẩy qua lại, Bạch Chuẩn lập tức biết Hoắc Chấn Diệp giúp cậu thay.
Hoắc Chấn Diệp đi ra khỏi nhà Bạch Chuẩn, cũng là lúc xóm Dư Khánh nhộn nhịp nhất, nhà nhà đều đang nhóm bếp nấu bữa sáng.
Ai nấy trông thấy hắn cũng nhịn cười, hỏi: “Cậu Hoắc, cậu đi làm à?”
Giống như hắn là người ở nơi này vậy.
Hoắc Chấn Diệp cong khóe miệng mỉm cười.
Trước tiên hắn lái xe tới nhà họ Tống, ngôi nhà đã bị bao vây, có cả cảnh sát canh gác.
Hắn phải xuất trình thẻ cố vấn, mới được phép vào trong hiện trường.
Hắn không đi lên lầu mà tìm thật kỹ trên mặt đất dưới vườn hoa, cuối cùng hắn nhặt được một nắm giấy vàng trong lùm cây.
Con chim hoàng tước bé bỏng không còn chút “sức sống” nào nữa, trên người nó bị thủng một lỗ, nửa cánh bị xệ xuống lộ ra khung xương bằng tre bên trong.
Hoắc Chấn Diệp xoa đầu nó: “Đừng sợ, tao mang mày về nhà, chủ nhân mày sẽ sửa lại cho mày.”
Con hoàng tước không nhúc nhích, đôi mắt lém lỉnh của nó biến thành một chấm mực nhỏ trên giấy.
Hoắc Chấn Diệp nhét nó vào trong túi áo.
Hoắc Chấn Diệp sải bước lên tầng, xem xét một vòng.
Ở tầng một vẫn còn loáng thoáng những dấu vết của một gia đình từng rất hạnh phúc, khắp nhà là đồ chơi trẻ con, vợt cầu lông, trên cây đàn dương cầm đặt một tấm ảnh cả gia đình mừng lễ Giáng Sinh.
Tống Minh Kiệt ôm túi quà Giáng Sinh thật to, bà Tống mặc một chiếc áo khoác lông chồn, Tống Phúc Sinh một tay ôm eo vợ, một tay dắt đứa trẻ.
Hoắc Chấn Diệp tháo tấm hình ra khỏi khung, cất vào trong túi áo.
Hắn mua chút kẹo và bánh quy mang đến bệnh viện.
Ngày hôm qua Trình Liên Khải đột ngột khôi phục nhịp tim, cơ thể cũng từ từ ấm lại.
Sáng nay cậu bé đã có thể mở miệng nói chuyện.
Cậu bé nằm trên giường bệnh, người nhà vây quanh.
Trình Quân Di nắm chặt tay em trai, cô bé rất sợ sẽ lạc mất em trai lần nữa.
Nhìn thấy Hoắc Chấn Diệp, cô bé lễ phép chào, sau đó trộm hỏi hắn: “Kẻ bắt cóc Tiểu Khải là bố mẹ của Tống Minh Kiệt hả chú?”
Vụ việc hai vợ chồng Tống Phúc Sinh bắt cóc trẻ em, đã được đưa lên trang nhất của các báo hôm nay.
Cô bé đã nghe thấy những người lớn nói thầm với nhau chuyện này.
“Tối hôm qua cháu đã nhìn thấy Tống Minh Kiệt.” Cô bé không nói cho bố mẹ mình biết, mà chỉ nói với Hoắc Chấn Diệp, “Cháu gặp cậu ấy ở vườn hoa sau nhà thờ.”
Trình Quân Di nói nhỏ: “Cậu ấy đã giúp cháu và Tiểu Khải.
Cậu ấy bị nhốt ở bên ngoài, không vào được nhà.”
Hoắc Chấn Diệp gật đầu: “Chú sẽ nói với bố mẹ của Tống Minh Kiệt.”
Tống Phúc Sinh bị giam ở đồn cảnh sát, những người làm cũ của nhà ông ta cũng bị mời đến để lấy lời khai.
Người giúp việc nữ lắc đầu: “Không làm nổi nữa, dù trả nhiều tiền tôi cũng không ở lại nhà đó đâu.” Mỗi tối chị ta đều nghe thấy tiếng giày da trẻ em chạy nhảy trong nhà, lẫn tiếng trẻ con vỗ bóng da và đạp xe đạp.
Người giúp việc nữ tự nhốt mình trong phòng, dù Tống Phúc Sinh trả thêm rất nhiều tiền, chị ta cũng không chịu làm.
“Bà chủ bị điên rồi, tối nào bà ấy cũng chơi cùng cậu chủ.” Người làm vườn khai, anh ta không ở trong nhà lớn mà ở ngôi nhà nhỏ trong vườn hoa.
Thỉnh thoảng bà chủ ra vườn hoa, ông chủ nói với anh ta rằng hãy coi như không nhìn thấy gì.
Người làm vườn cũng xin nghỉ việc.
Bà vú Phùng là người ở lâu nhất, nói với cảnh sát: “Bà chủ là người tốt, cậu chủ lại đáng yêu như thế.
Tên bắt cóc thật đáng chết.“
Bà Tống vốn là một giáo đồ sùng đạo, lôi kéo cả gia đình theo đạo, quyên góp cho nhà thờ rất nhiều tiền.
Ngày mới mất đi con trai, bà ở nhà không ngừng nhớ thương.
Rồi đến một ngày, bà mang tượng Đức Mẹ và tượng Chúa Giê-su ra đập nát, có lẽ bà cảm thấy phẫn nộ vì mình đã quyên góp cả đống tiền nhưng con trai cũng không được Chúa phù hộ.
“Ông chủ đã làm rất nhiều việc để cho bà chủ vui lên, nào là mua quần áo, mua châu báu.
Vốn dĩ bà chủ đã khá hơn rồi, còn đi nhà thờ nữa, nhưng không biết vì sao bỗng dưng bệnh tình của bà ấy nghiêm trọng trở lại.”
Ban ngày ru tú trong nhà chẳng ra ngoài, nửa đêm thì đi dạo.
Nói xong