Edit: Cải Trắng
Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng sáu, nghênh đón nó là một trận mưa to. Gió thổi mạnh, mưa rào đã ngớt. Lận Yên vén bức màn màu xanh nước biển lên, thành phố Paris sau một trận mưa rào trông vô cùng rực rỡ. Bầu trời cao xanh thăm thẳm, dường như một ngày mệt mỏi đã được nước mưa rửa trôi đi hết, trong sạch tới không còn một hạt bụi.
Mưa rào ngớt dần, radio bật lên, ban đầu nghe hơi rè nhưng sau đó lại vang lên một đoạn nhạc với giai điệu vô cùng ảo diệu. Chương trình ‘kết nối âm nhạc’, người dẫn chương trình luôn có giọng nói vô cùng uyển chuyển.
The most distant way in the world <Khoảng cách xa xôi nhất trên thế giới này>
Is not between life and death <Không phải là sự sống và cái chết>
But when I stand in front of you <Là khi anh đứng ở trước mặt em>
Yet you don’t know that
I love you
Người dẫn chương trình đang nhắc tới một đoạn kinh điển liên quan tới bài hát “Fish and bird”, âm nhạc cũng vang lên từng đoạn hợp với hoàn cảnh.
Lận Yên ngẩn ngơ nhìn xuống những vũng nước dưới mặt đường, ánh sáng rực rỡ chiếu vào nó khiến nó phản chiếu lại hình ảnh tháp Eiffel(1). Bỗng nhiên, người dẫn chương trình hỏi bằng tiếng Pháp: “Có ai đã gặp trường hợp như vậy chưa, người đó đứng ở trước mặt bạn, nhưng bạn lại không biết anh ấy yêu mình?”
(1)Tháp Eiffel: Là một công trình kiến trúc bằng thép, nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris. Tên gốc của nó là ‘Tháp 300 mét’, tháp được xây dựng bởi Gustave Eiffel và các đồng nghiệp của mình nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1889 và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp.
Lận Yên cầm lá thư đặt trên bệ cửa sổ lên, cô nhận được lá thư này vào hai ngày trước. Trên trang giấy có vết ố vàng, nét chữ trên giấy cũng bị bay màu, tưởng chừng như nó đã tồn tại được nửa thế kỷ rồi.
Hai ngày trước, cô vô tình đọc được trên một trang nào đó của tờ báo Le Figaro(2) có đăng một đoạn tin tỏ ý xin lỗi. Đọc tới cuối cùng, nhìn thấy dòng chữ <TO: Lận Yên> đại não cô như dừng hoạt động. Đôi mắt cô cứ nhìn đi nhìn lại hai chữ Lận Yên tới mấy lần, chỉ sợ mình nhìn nhầm.
(2)Le Figaro: Một tờ báo của Pháp được sáng lập vào năm 1826, dưới triều đại của vua Charles X. Đây là nhật báo lâu đời nhất tại Pháp, nó vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Le Figaro được đặt theo tên của Figaro, một nhân vật trong truyện của Beaumarchais. Tòa soạn được đặt ở số 14, đại lộ Haussmann, quận 9 của Paris.
Đây là nước Pháp, không có Lận Yên, chỉ có Moyra.
Nếu không phải cái tên đó được viết trên giấy trắng mực đen, từng nét hiện rõ lên cái tên của cô thì Lận Yên còn nghĩ rằng đây chỉ là giấc mơ.
Trên tờ báo còn ghi rõ cả địa chỉ bưu cục và số điện thoại. Suy nghĩ xong, Lận Yên gọi tới cho bưu cục, nhận điện thoại cô là một người đàn ông trung niên, tiếng Pháp của người đó mang nặng tiếng địa phương.
“Tôi là Lận Yên, khi nãy tôi có thấy một đoạn xin lỗi của bên ông trên báo, tôi không hiểu lắm nên gọi tới đây để hỏi rõ.” Khi nói tiếng Pháp, giọng nói của Lận Yên nhẹ nhàng, thanh thúy hơn nhiều so với khi nói tiếng Trung.
“Chào cô, là như này, có một chuyện cần cô xác nhận, không biết cô có thời gian ghé bưu cục một chuyến không?”
Có lẽ do giọng của đối phương quá mức thân thiết, hoặc là do vận mệnh xoay chuyển, Lận Yên vui vẻ đồng ý hẹn gặp dù không biết nguyên nhân là gì. Ăn cơm trưa xong cô xuất phát đi tới bưu cục. Bưu cục và chỗ cô ở không nằm cùng ở một khu, quãng đường khá xa, Lận Yên lái xe mất 40 phút mới tới nơi.
Đường đi tới bưu cục hơi hoang vắng, người đi tới đi lui trên đoạn đường này không nhiều. Bên ngoài bưu cục có để một hòm thư màu vàng cao khoảng 1 mét, chiều rộng của nó là khoảng 60 cm. Lận Yên đẩy
cửa đi vào bưu cục, một người đàn ông trung niên tiếng tới chào hỏi bằng tiếng Pháp một cách vô cùng thân thiết. Lận Yên trình bày lí do mình tới đây, người đàn ông trung niên nhận ra và đưa cô tới văn phòng.
Người đàn ông trung niên lấy từ trong ngăn kéo của cái tủ đỏ ra một phong thư được làm bằng giấy dầu đưa cho Lận Yên, nói: “ Làm phiền cô xác nhận xem vật phẩm bên trong có thuộc quyền sở hữu của cô không. ”
Lận Yên mở phong thư ra, bên trong là một tấm bưu thiếp cũ kỹ. Nó được gửi tới từ Quảng Đông, Trung Quốc. Ở chính giữa ảnh là đôi bạn chụp ảnh chung với nhau. Bọn họ mặc bộ đồng phục màu trắng xanh giống nhau, hơi thở thanh xuân dạt dào, nụ cười của họ là dáng vẻ vô ưu vô lo.
Lận Yên xem kỹ hơn một chút, cô phát hiện ra những năm tháng cấp ba của mình có đầy ắp kỷ niệm được lưu giữ trong bưu thiếp này.
“Mặt trái có lời nhắn.” Người đàn ông trung niên tốt bụng nhắc nhở cô.
Lận Yên gật đầu, quay mặt trái tấm bưu thiếp lại. Lời nhắn rất ngắn, cách dùng từ cũng vô cùng ngắn gọn.
TO: Lận Yên
Khoảng cách xa xôi nhất trên thế giới này, không phải là sự sống và cái chết.
Mà là anh đứng ở trước mặt em nhưng em lại không biết. Anh yêu em.
From: Mục Hoằng Dịch
Nét chữ quen thuộc, từng chữ cứng cáp, hữu lực.
Đầu ngón tay lạnh lẽo chạm tới ba chữ ‘Mục Hoằng Dịch’ nước mắt cô lại không tự chủ được mà rơi xuống. Nước mắt chảy dọc theo khuôn mặt cô, cuối cùng dừng lại ở hai chữ ‘yêu em’. Khoảnh khắc đó, nét chữ trở nên mơ hồ.
Bên dưới, là câu chuyện mà người đàn ông trung niên kể.
“Cui Di Python làm việc cho bưu cục suốt 23 năm vô cùng cẩn trọng, chưa có phút giây nào ông ấy lơ là công việc của mình. Tám năm trước, không ngờ đây là phong thư cuối cùng ông ấy đi giao, nhưng chưa kịp tới địa điểm cần giao đã gặp tai nạn giao thông.”
“Cảnh sát đã đưa toàn bộ vật phẩm ông ấy đang giữ cho người nhà, lúc đó tâm trạng người nhà ông ấy vô cùng đau thương nên không có tâm trạng sắp xếp lại vật phẩm của Cui Di. Họ cứ đem tất cả đồ vật đó cất vào trong ngăn tủ rồi khóa lại.”
“Khoảng một tháng trước, người nhà Cui Di có sắp xếp lại di vật của ông ấy và vô tình phát hiện ra phong thư loang lổ vết máu này. Trên phong thư vấn còn nguyên con dấu của bưu kiện, điều đó chứng minh phong thư này chưa từng được mở ra. Vì thế, người nhà Cui Di đem lá thư này trả lại cho bưu cục.”
“Địa chỉ nhận trên phong thư đã bị vết máu che lại, chúng tôi đành phải tự mình hủy đi lá thư này. Vì thế, tôi đại diện cho bưu cục xin lỗi cô.”
…
Tiếng người dẫn chương trình vẫn vang lên trong radio. Lận Yên không hề cảm thấy phiền phức, cô cầm tấm bưu thiếp đó lên, đọc lại ba câu đó.
Tám năm.
Sao lại đáng châm chọc tới vậy.
Trải qua biết bao nhiêu chuyện, sau tám năm, tấm bưu thiếp đó mới tới được tay.
Đúng vậy, cô không biết.
Đã từng có một người như vậy đứng ở trước mặt cô, nhưng cô không biết, anh yêu cô.