Gió Từ Trên Biển Tới

Chuyện xưa nước Mỹ


trước sau

Trong thế giới của người lớn, những tưởng tượng và chờ mong về thành phố nơi họ sắp tới rồi sẽ tan biến, muôn mặt cuộc sống rồi cũng sẽ như nhau. Đi ra khỏi nhà ga, Tang Nhu ôm khư khư món vịt muối, cố vắt óc nhớ lại cảnh đi du lịch thuở nhỏ. Nhưng trái tim trong lồng ngực lúc này thì đã không thể cung cấp máu cho đại não với tần suất và nhịp đập như thuở ấy.

Ấy là một ngày thu quang đãng, bầu trời trong cao vời vợi, sắc xanh thẳm loang đều như màu nước ai pha. Nền trời cao vút không một gợn mây che, để nắng dương len lỏi nhảy nhót trên cánh mũi, để bật lên khoang mũi chỉ toàn hơi chớm lạnh.

Xe buýt chạy qua hàng cây bạch quả phía ngoài nhà khách Điếu Ngư Đài. Lá cây mỏng manh lả tả rơi rụng phủ kín khắp mặt đất, thu hút vô vàn người trẻ tới chụp hình. Sắc vàng của lá bạch quả làm nổi bật dáng người, cũng tôn lên màu nắng dương.

Tang Nhu ngỡ mình mới nằm chiêm bao. Chỉ vụt thoáng qua, cổng khu trọ đã lại ngay trước mắt.

Đang là trưa ngày làm việc. Nếu không phải mải mốt vì công việc trên những tuyến xe điện ngầm, hẳn Giang Diên cũng đang gặm cơm hộp trong gian pha trà nước. Tang Nhu kẹp va li vào giữa hai chân, mở ba lô lần tìm chìa khóa rồi mở cửa.

Cái khoảnh khắc khi cô đang kéo chiếc va li, dùng sống lưng cong lại vì cúi đẩy mở cánh cửa nhà, từ phòng khách, có tiếng loảng xoảng do ly cốc bàn ghế va đập vẳng tới.

Tang Nhu ngoái lại nhìn, mới thấy trên bàn đang bày đầy thịt cá thịnh soạn. Giang Diên vội đứng dậy, điệu bộ có vẻ lúng túng, bồn chồn. Đối diện anh, một cô gái xa lạ đang ngồi đó. Cô gái có mái tóc dày óng ả và mi mắt cũng đen nhánh, nổi bật không kém; người mặc chiếc áo hai dây màu hồng nhạt, phủ ngoài bằng áo choàng không tay, thoạt trông như ngọn lửa bừng lên từ kim loại màu tự cháy giữa không khí. Cháy bỏng, lại không một độ ấm. Và trái ngược với vẻ hoảng loạn của Giang Diên, cô gái vẫn thong thả, ung dung hướng ánh mắt ra cửa một cách chậm rãi.

Cô lia mắt đánh giá từ đầu đến chân Tang Nhu một lượt, đoạn rề rà đứng dậy, cánh tay trái mảnh khảnh vươn dài, “Chào cô, Trình Gia Lê.” Dưới hàng mi đen dày, đôi mắt đào hoa có ý cười sắc lẻm tưởng chừng vô tội.

Hình tam giác luôn là kết cấu ổn định nhất. Trong trí Tang Nhu bất chợt nhảy ra hình ảnh đã học trong môn Toán thời cấp hai. Một hình tam giác ổn định, một kết cấu không thể lay chuyển.

“Chào cô, tôi, đi thu dọn sơ lại đã.” Tang Nhu đáp lại bằng nụ cười xã giao đầy xa cách, đoạn kéo va li vào phòng ngủ và đóng kín cửa lại.

Một đôi dép bông hoa văn đen trắng như lông ngựa vằn nằm án ngữ trên tấm thảm nỉ bảy sắc sát cạnh giường. Cuối giường có chiếc váy ngủ ren đã gấp gọn. Trên bàn trang điểm bày túi đựng đồ dùng make up. Mặt ghế ngồi là chiếc ví da màu nâu hiệu Mulberry nằm chỏng chơ, chiếc ví đúng kiểu dáng Tang Nhu thích nhất. Nhưng nó lại thuộc về vị khách không mời ngay trong phòng khách kia.

Ngay khi cô thấy tay chân ngờ ngợ, không biết nên đặt ba lô ở đâu, sắp xếp đồ đạc vào căn phòng này như thế nào, Giang Diên đã đuổi theo đến đây, cũng trở tay đóng ngay cửa phòng lại.

Anh ôm lấy Tang Nhu từ phía sau, khẽ hôn lên vành tai khuất sau mái tóc cô nhẹ thật nhẹ, “Gia Lê mới về nước, về từ bên Anh, cả Bắc Kinh chỉ có anh là bạn, thì bọn anh cũng được coi như bạn từ hồi bé nên, nên anh… dạo này vẫn luôn đi tìm nhà với cô ấy. Cô ấy chỉ ở tạm đây một thời gian thôi. Thực, thực ra cô ấy cũng tội lắm, anh không thể đuổi cô ấy ra khách sạn ở được… Anh sợ em nghĩ nhiều nên mới không kể. Anh xin lỗi. Em, em đừng nghĩ nhiều, hãy tin anh.”

“Anh còn nhớ lời em đã nói không? Không có cái gì là lời nói dối thiện ý hết. Em chỉ muốn biết tất cả về tình cảnh của mình.” Tang Nhu tách hai tay anh ra, vẫn chưa hề quay lại đối mặt với anh.

“Tang Nhu, anh xin lỗi. Anh thực lòng không muốn khiến em hiểu lầm.”

“Mấy bức thư điện tử là cô ta gửi đúng không? Là cô ta chứ gì. Anh biết mà, đúng không?” Anh xin lỗi, ba chữ này khiến Tang Nhu thấy nhức nhối khó hiểu. Hành động cô căm ghét nhất là xin lỗi, câu cô căm ghét nhất chính là anh xin lỗi.

“Chuyện đó là hiểu lầm thôi. Đợi thu xếp cho cô ấy xong rồi anh sẽ giải thích với em sau.”

Tang Nhu không nói gì thêm nữa. Cô quay lại nhìn anh. Từ biểu cảm âu lo của anh, cô đọc ra được bao nỗi bất an anh che giấu. Bỗng cô thấy thương cảm cho anh. Giờ này khắc này, có khiến anh bối rối, khó xử với cả hai bên thì cũng nghĩa lý gì. Cô nói Anh ra ngoài trước đi, em thu dọn đồ đạc chút đã.

Trình Gia Lê đang lặng lẽ dùng bữa bên bàn ăn, động tác gỡ thịt trông rất có kĩ thuật, “Đồ sông vẫn ngon hơn. Đồ biển thì tanh quá, nhỉ?”

Giang Diên đã ngồi lại xuống ghế. Nhưng anh không trả lời.

Trình Gia Lê bật cười, “Tay nghề của anh vẫn y thế nhỉ. Bộ anh chưa kể gì với cô ấy hả.”

“Em có thể đừng thế nữa được không.” Trông Giang Diên khá bối rối.

Đúng lúc ấy, Tang Nhu đẩy cửa bước ra, lưng đeo chiếc túi nhỏ, đặt hộp vịt muối nãy chưa kịp bỏ ra xuống bàn, “Đặc sản tôi mang từ Nam Kinh tới đấy, hai người cùng ăn nhé.”

“Em không ăn sao?” Giang Diên lại đứng dậy.

Tang Nhu không muốn nhìn dáng vẻ chột dạ chợt đứng chợt ngồi của anh thêm giây phút nào nữa. Nên cô nói: “Tối nay em có hẹn một người bạn, giờ phải đi luôn. Xin lỗi Gia Lê nhé, không thể tiếp cô được. Giang Diên này, nhớ tiếp đãi khách cho tốt vào đấy.”

Chữ “khách” vừa buông, nụ cười của Trình Gia Lê bỗng ẩn hiện bao hàm ý. Mi mắt cô nhếch lên một độ cong sắc nhẹ, giọng điệu vẫn một vẻ ơ hờ: “Trò mấy bức thư ấy, cô thích nó chứ? Ngại thật đấy, tính tôi vốn ưa thói đùa dai.”

Nắm tay Giang Diên bất giác siết chặt, Tang Nhu đã trông rõ mười mươi. Cô đoán chắc tay anh đã nhớp nhúa bởi mồ hôi rồi. Mỗi khi có tâm sự, anh đều sẽ như thế.

Tang Nhu chỉ xua tay một cách lịch sự rồi biến mất khỏi căn nhà. Hoặc phải nói là, gần như trốn chạy khỏi Trình Gia Lê – trái lựu đạn vừa bị ném vào chính giữa cô và Giang Diên.

Không rõ vì sao, sự tồn tại của cô quá mức vững chắc. Sự vững chắc khiến Tang Nhu không muốn tới gần. Sự trầm lặng của cô tựa một lời tuyên chiến đã tính sẵn đường đi nước bước. Song Tang Nhu thì chỉ muốn giơ cả hai tay lên, lắng nghe cô tuyên đọc phán quyết. Còn quá trình chìm trong thuốc súng trước đó thì, cô chỉ muốn để cả cho Giang Diên tự lực cánh sinh.

***

Tang Nhu thơ thẩn dạo bước dọc con phố. Gió thu quạt qua sau phần gáy trống huơ trống hoác khiến người ta bừng lên cơn ớn lạnh.

Tang Nhu nhớ lại những cú điện thoại tối trước đó, nhớ lại cái điệu úp mở lấy lệ của Giang Diên. Con người, ai cũng có những rắc rối không thể không giải quyết, nhưng cô thì không hề có ý định ở bên anh, cùng sát cánh đối mặt.

Tang Nhu lại lấy điện thoại ra, lật giở những bức thư Trình Gia Lê đã gửi. Cô nghĩ, bất kể cô ta là ai, dù là hồng nhan tri kỷ của ngày quá khứ, là cô gái hải ngoại nhớ tình xưa hay bạn gái trước định khơi mào cuộc chiến tranh tình cảm; những thứ ấy, và cô, đều chẳng có dính dáng quan hệ gì. Chính thế đấy. Trong tiết mục không dưng xen vào này, phản ứng đầu tiên của cô lại không phải khiến bạn trai lập tức tống cổ cô nàng được gọi là bạn thời nhỏ này đi hay bắt anh giải thích rõ ràng mọi sự. Ấy vậy mà cô chẳng thấy gì ngoài phiền phức. Và nỗi bực dọc sâu bên trong lại tới chỉ vì đã có rắc rối ngoài kế hoạch. Liền ngay sau đó, cô nhấp vào nút xóa thư.

Thậm chí cô còn không hề sốt sắng đòi hỏi câu trả lời. Cô biết câu trả lời mình muốn quyết không phải thứ có thể đạt được qua cách hỏi đáp một chiều. Chân tướng tựa như khối u sâu trong cơ thể, phải rạch da mổ bụng, dùng dao kéo để cắt tách, còn nóng nảy hỏi nó là ác tính hay lành tính thì có ích gì đâu. Chỉ có chờ đợi, chờ kết quả xét nghiệm chi tiết nó thong dong bày ra trước mắt.

Bởi lẽ đó, cô không mấy vui, nhưng cũng ít có lo sầu.

Cô đã nói dối. Chẳng có bạn bè gì hết. Có ở Nam Kinh hay Bắc Kinh thì cũng thế cả.

Nếu đang ở Nam Kinh, cô có thể đi thủy cung, có thể lên xe buýt lượn một vòng thành phố, có thể cuộn mình trong chăn nằm nướng cả ngày.

Còn ở Bắc Kinh, ngay sau khi khép cửa, cô đã nhận ra mình không thể đi đâu.

Một rưỡi chiều, khách bộ hành vẫn tấp nập trên phố, đám đông vẫn đợi sẵn trước cửa nhà hàng, cánh cửa xoay vào trung tâm thương mại mỗi lúc một xoay nhanh. Người rảnh rỗi nhiều lắm. Thành phố bận rộn nhất nuôi nhiều người rảnh rỗi nhất. Tang Nhu ngoảnh nhìn khuôn mặt mình phản chiếu trên lớp cửa kính, mới bừng ngộ ra mình cũng là một trong những kẻ rảnh rỗi khiến bộ mặt thành phố trở nên chen chúc chật chội.

Ngoài rạp chiếu phim đặt một tấm banner cỡ đại, phim “Đại dương” của Jacques Perrin đang công chiếu.

Cuối cùng cũng có nơi chứa chấp được mình rồi. Cùng với một ly cô ca lạnh, Tang Nhu đi vào và ngồi xuống trong rạp chiếu phim không một bóng người.

Khung giờ thấp điểm, bộ phim không trúng thị hiếu. Từ hàng ghế đầu tiên, Tang Nhu dịch dần đến tận hàng đầu tiên sau cùng, tận tâm nghiên cứu hiệu quả xem phim ở khắp các vị trí. Cuối cùng, Tang Nhu chọn vị trí chính giữa ở dãy ghế thứ ba đếm ngược, thỏa thích nhịp chân vào lưng ghế trước.

Khoảnh khắc sự sống xanh thẳm bao bọc đại dương dữ dội bổ lao tới, Tang Nhu ngỡ như dòng hải lưu tận đáy biển sâu đang từng chút, từng chút quét sạch gân mạch yếu ớt bạc nhược của mình và huyết dịch chỉ chực nổ ầm lên hòa nhịp.

Khủng hoảng bao nhiêu, say mê từng ấy. Cũng như càng là căm hận, càng lại tình sâu, càng muốn lãng quên, lại càng ghi tâm khắc cốt. Là dòng nước dữ cô hòng kháng cự nhất trần đời, là bến thuyền trú ẩn tuyệt tình nhất cô chẳng thể vào neo.

Cô lại nhớ khi chìm trong tia sáng leo lắt của con đường hầm dưới đáy biển, nhớ con cá vùng nhiệt đới dưới ngòi vẽ của chàng trai có đôi mắt biếc và mái tóc nâu. Nhớ cả vòng tay anh mở rộng. Anh nói, Đây là cô, tôi là biển cả.

Biển cả. Thế giới này có biết bao biển lớn. Biết bao những dòng nước tuần hoàn. Nước cô ca tan vào miệng hóa thành dòng nước mắt, tạm dừng chân trong rạp chiếu chỉ một giây trước khi kết thúc cảnh phim.

Tin nhắn từ Giang Diên nổ liên tục trên màn hình. Toàn những tin hỏi han và xin lỗi vớ vẩn. Duy nhất hữu hiệu là tin Trình Gia Lê sẽ chuyển đi vào ngày mai.

Việc ngày mai cứ để mai hẵng bàn, còn giờ Tang Nhu chỉ thấy ruột cồn lên cơn đói. Bên đường có rất nhiều lựa chọn cho một vị khách độc hành lấp kín dạ dày, từ đồ ăn nhanh như KFC, Yoshinoya đến sushi băng chuyền tự chọn. Nhưng sau cùng, lựa chọn của cô là vào nhà sách mua một cuốn “Siddhartha” và ngồi vào cái bàn bốn người trong một quán lẩu.

Một đĩa thịt bò mềm, một phần rau và nấm, một đĩa các loại bò viên, cá viên. Tang Nhu uống một ngụm nước ô mai, bắt đầu đọc Hesse như không hề có ai ngồi bên.

Dường như lúc này, cuối cùng cô đã rõ vì sao trên cung đường xa, con người ta lại dễ nảy sinh nhiều mối tình đẹp đến vậy. Vì khi ở tận một chân trời khác, làm những chuyện trái đạo đức ấy sẽ dễ đạt được khoái cảm hơn cả.

Kết thúc bữa ăn, cô trộm nghĩ nhất định phải cho mấy cô phục vụ trong tiệm một ấn tượng cả đời khó phai. Các cô ấy sẽ lưu truyền nó rộng rãi, kể lại cho mỗi một người mình quen, rằng đã có một nữ thần kinh một mình chạy đến quán lẩu vừa đọc sách vừa xơi lẩu uyên ương.

Thực ra, cô chỉ hơi rảnh rỗi quá thôi. Bởi cuộc sống cũng như đoạn đường ray ở những khúc rẽ, chỉ cần một cái cờ lê nhẹ nhàng tháo tung con ốc là đã chuyển hướng trong chớp nhoáng. Cô bị kéo lên tàu bằng vũ lực, buộc phải đón nhận hành trình lạ chưa chuẩn bị trước.

Sự mất kiểm soát cô sợ nhất đang xảy ra với chính cô. Thế nên, cô chỉ đành chọn một cách phản ứng bất thường.

Cuối cùng, Giang Diên không thể chịu nổi sự im lặng của cô. Anh gọi điện thoại tới. Cô cố ra vẻ ung dung, nói Ngày mai em sẽ về.

“Em ngủ ở đâu? Anh…”

“Bắt anh đuổi cô ấy đi thì hơi khó xử nhỉ, em hiểu mà. Anh đừng lo, em ngủ ở nhà bạn.”

“Bạn em? Ở đâu ra cơ chứ?”

“Miễn ngày mai em vẫn đứng trước mặt anh nguyên vẹn không thiếu bộ phận nào là được rồi. Giang Diên, coi như em xin anh đấy. Giờ em chỉ muốn ở một mình.”

“Anh hiểu rồi. Nhớ cẩn thận.”

Kể ra đúng là một ngày sai trái. Cứ như một cảnh dựng phim sứt sẹo. Chớp mắt đã sẩm tối, màu trời trĩu nặng dần. Cô rạp người trên lan can cầu vượt, hút một hơi trà sữa nóng, vừa chiêm ngưỡng sự đổ bộ của màn đêm vừa lắng tai nghe khởi đầu của buổi đêm ồn ã.

Cô rút ống hút ra khỏi cái ly giấy, vứt nó xuống bên chân. Chiếc ống hút xoay tròn nhẹ nhàng, đầu ống chỉ về phía tây của ngã tư phía dưới. Thế là cô quyết định sẽ đi về hướng tây, vào ở trong nhà nghỉ đầu tiên trông thấy.

Nếu là Giang Diên, tám phần anh sẽ tra hết lượt bản đồ và đủ các diễn đàn, trang web, xem xét toàn bộ các chỗ dừng chân xung quanh rồi lại tiến hành đánh giá tỷ lệ giá cả trên giá trị. Nhưng theo Tang Nhu, trừ phi quyết định tìm đến cái chết, còn đâu chẳng việc gì cần phải suy xét tính toán quá kĩ càng.

Điện thoại lại reo chuông. Tang Nhu cau mày, đang định từ chối thì bỗng trông thấy là Joey. Cô nhận máy, có hơi bất ngờ.

“Tôi chỉ định hỏi cô là đã về Bắc Kinh chưa, hoặc đã quên liên lạc với tôi chưa thôi.” Qua loa điện thoại, giọng tiếng Trung của Joey nghe có vẻ ngớ ngẩn hơn hẳn.

“Tôi vừa mới về.”

“Tâm trạng không tốt lắm?”

“Có chút chút.”

“Cuối cùng cũng cãi nhau với bạn trai rồi hả? Chúc mừng cô.”

“Không phải.”

“Hả, thế có vẻ không phải tin tốt rồi. Cô đang ở ngoài?”

“Đang vô gia cư.”

“Vậy muốn tới ăn tối với tôi không? Tôi đang chuẩn bị dùng bữa.”

“Nếu tôi đồng ý, liệu có phải thiếu mắt nhìn quá không?”

“Thiếu màu á? Màu gì?”(1)

(1) Màu 颜色 đọc là “yánsè”, mắt nhìn 眼色 đọc là “yǎnsè”, nghe na ná như nhau.

“…”  Tang Nhu phì cười, “Được rồi. Lúc này ấy, có phải tôi nên nói là Không được, không làm phiền anh, hôm khác tôi sẽ mời anh sau thì sẽ tốt hơn không?”

“Không không không. Cô biết đáp án tôi muốn là gì mà.” Giọng Joey nghe chân thành và quả quyết đến lạ.

Sự quả quyết khiến trước mắt cô chợt lướt qua gương mặt điềm tĩnh như khắc gọt của Trình Gia Lê.

Nhà hàng nơi hẹn với Joey nằm ở khu Sanlitun. Anh gửi địa chỉ cụ thể vào điện thoại của Tang Nhu. Tang Nhu mù mờ đưa điện thoại cho tài xế xem, khiến ông bật cười xảo quyệt, “Chỗ này ở trong khu Sanlitun, cô bé đừng trách chú chặt chém người vùng ngoài đấy nhé.”

Qua cửa sổ xe mờ đục, cô thấy gương mặt mình hiện lên phờ phạc và rất tệ. Biện pháp chữa cháy duy nhất cô có lúc này chỉ là một thỏi son có tí sắc tố, tạm dùng nó để che đi đôi môi tái nhợt khô nẻ.

Trong những tiếng chửi rủa và còi xe inh ỏi không dứt, bác tài than phiền suốt cả quãng đường. Chủ đề là về “người vùng ngoài”. Tang Nhu không hề khó chịu hay phật lòng gì, chỉ nhấp môi, cất thỏi son lại vào túi. Cô biết, tràng lảm nhảm bất tận của cánh tài xế cũng chỉ như một điếu thuốc của cô sau mỗi giờ tan ca. Chỉ là một cách giải tỏa.

Chiếc tắc xi dừng lại trước cửa một nhà hàng Ấn Độ. Joey đã đứng đó chờ sẵn. Khi Tang Nhu đang cúi đầu lấy tiền trả, anh đã bước tới kéo cánh cửa bên ghế phó lái và thò cả nửa người vào, nẫng phần trả tiền xe trước Tang Nhu.

Trên người anh vẫn là mùi gỗ tùng thoang thoảng, gỗ tùng phối với cà ri. Bước vào nhà hàng, bất giác, Tang Nhu bật cười.

Joey nói Đây là quán tủ của tôi, khi nào một mình cũng tới hết nên chỉ gọi món tí là được, nhanh lắm, rồi còn cực lực đề cử cho cô món xoài dầm sữa chua.

“Tôi từng công tác ở Ấn Độ ba tháng. Một cô gái Ấn Độ từng nấu cơm mời chúng tôi. Chồng cô ấy chết trong một cuộc xung đột tôn giáo. Cô rất muốn cho con đi học đại học, nhưng bọn trẻ lại không mặn mà việc học lắm. Bọn nó muốn kiếm tiền bằng những cách khác. Nhưng ở Ấn Độ, việc làm ăn thực sự không dễ dàng gì. Cũng như rất nhiều những người cùng khổ khác, bọn trẻ phải trải qua cuộc sống nghèo khó kéo dài vô tận. Bọn trẻ cũng chưa từng cầu xin thần linh có thể giúp đỡ chúng thay đổi cuộc sống hiện tại. Chúng cầu xin cho kiếp sau. Món cà ri cô làm có vị nồng đến khó tin, tôi thực sự rất rất hoài niệm cái vị ấy. Trước khi đi, chúng tôi mua từ con trai nhỏ của cô một lượng lớn những món hàng thủ công làm khá thô. Thực ra cũng không phải giúp đỡ gì, chỉ là thông cảm cho họ thôi.”

Vừa nói, những ngón tay dài của anh vừa thực hiện vài cử chỉ nhỏ. Khi kể về những hồi ức, hàng mày vô thức nhíu chặt, đôi mắt nheo lại suy tư.

Cô biết anh từng đi qua rất nhiều nơi, từng chứng kiến muôn kiểu đời bất hạnh. Cô nói Anh có từng nghĩ tới chưa, biết đâu các anh vốn chưa từng giúp được bất cứ ai.

“Nếu cô coi cái chết là cột mốc để đo đếm hết thảy, vậy tôi thừa nhận cô nói đúng.” Joey so vai: “Tôi không phải nhà sư tu hành khổ hạnh. Tôi cũng thích hưởng thụ, thích ăn ngon rượu ngon, thích những cô gái thú vị.”

Đồ ăn nhanh chóng được bưng lên. Anh gọi cà ri phô mai rau chân vịt, gà masala, thịt cừu hầm, và cả món cơm vàng biryani. Mỗi đĩa đều có thìa riêng. Cứ mỗi món, anh lại múc một thìa bỏ vào đĩa ăn của Tang Nhu, “Chúng tôi đã quen ăn như thế. Nên giờ thì cô hiểu tại sao chúng tôi không thể chịu nổi món lẩu rồi đấy.”

“Là chó chê mèo lắm lông chứ gì. Xét thấy dân ngoại quốc ở đây có vẻ người đông thế mạnh quá, tôi chỉ đành nhập gia tùy tục vậy.”

“Nhiều thành ngữ đấy, tôi phải tiêu hóa một lát đã.” Rồi vừa nhoẻn cười thong dong, Joey lại đẩy phần xoài dầm sữa chua tới trước mặt cô.

Bữa ăn diễn ra trong im lặng gần như tuyệt đối. Hẳn bởi do tâm trạng, biểu hiện của Tang Nhu có vẻ tĩnh lặng hơn. Dường như Joey cũng nhận ra cô chẳng thiết nói chuyện lắm, thế là cứ rù rì huyên thuyên suốt bữa ăn. Anh kể cô nghe về con chuột trong đền Taj Mahal, con voi trong ngõ hẻm chật hẹp, tín đồ tắm bên bờ sông Hằng, và cả tuyến xe lửa Ấn Độ bị đồn là tàu ma.

Tang Nhu cứ ngỡ đang được nghe Thần Ru ngủ Ole trong truyện cổ Andersen kể chuyện huyền ảo, phục vụ cô ăn hết bữa tối vừa đơn giản vừa nồng vị này. Trừ vài thông tin trong sách giáo khoa, hiểu biết duy nhất của cô về Ấn Độ là thuốc chống ung thư generic(1) mà tất cả các bác sĩ đều nằm lòng. Nhưng Joey đã lướt qua vấn đề nặng nề ấy.

(1) Thông thường, một thuốc sau khi hết hạn bảo hộ bằng sáng chế thì mặc nhiên trở thành thuốc generic. Thuốc generic được sản xuất không cần sự cho phép bởi công ty phát minh (kiểu thuốc lậu nhưng hợp pháp), có hoạt chất giống với thuốc biệt dược gốc và ở Ấn, loại thuốc này có giá rất cạnh tranh
nên Ấn còn được coi là “hiệu thuốc của các nước đang phát triển”.


“Ăn no uống say rồi, liệu đã có thể kể tôi nghe tại sao cô lại lâm vào cảnh không nhà để về không?” Khi tản bộ dọc bờ sông Lượng Mã, Joey vỗ vỗ bụng, nhướng mày nhìn cô.

“Từ mối tình thông thường biến thành mối tình éo le ngang trái thì sẽ, có một cô gái từ trên trời rơi xuống ngủ trên chiếc giường của tôi, và đến mai mới dọn đi. Tôi không biết rốt cuộc cô ấy là ai, cũng không rõ Giang Diên có bao nhiêu bí mật khó nói. Tôi chỉ biết là, việc này chẳng liên quan gì tới tôi hết. Bao giờ họ giải quyết xong xuôi thì tôi mới tính chuyện trở về.”

“Cô chấp nhận cho bạn trai mình và cô gái khác ở bên nhau qua đêm?” Joey thể hiện vẻ mặt không thể hiểu nổi: “Nếu cô là con gái Mỹ, tôi sẽ chẳng thèm ngạc nhiên. Nhưng cô là con gái Trung Quốc. Bây giờ và ở đây, tôi chỉ có thể giữ vững quan điểm của mình: Cô chưa từng yêu anh ta.”

“Bàn chuyện tình yêu với một cô gái không có nhà để về, anh có thấy gì không ổn không?”

Joey bắt chéo hai cánh tay và khoanh chúng lại trước ngực, đoạn quay người mặt đối mặt với cô. Một cách chậm rãi, anh bước lùi ra sau, đôi môi mím chặt, tựa hồ đã đắn đo gay não lắm rồi mới cất tiếng: “Cô không cảm thấy là, trong một tối ngoài kế hoạch thế này, rất thích hợp để kể một câu chuyện xưa cũ sao?”

“Chuyện nước Mỹ?” Nụ cười của Tang Nhu như bị lồng trong ánh đèn nê ông mờ tỏ như trăng khuyết.

Như vô số những người phương Tây cư trú ở Bắc Kinh, nơi Joey đang trọ ở quanh khu cầu Lượng Mã, nằm ngay gần đường cái thông thoáng và có cả ban công lộ thiên. Anh chỉ tay lên phía trên: “Tôi cũng ở tầng ba như nhà ở Nam Kinh của cô đấy. Nếu cô tin tưởng tôi, chúng ta có thể lên nhà làm một ly. Tôi biết nhiều cô gái sẽ để ý chuyện này.”

“Sao anh cứ khiến tôi cảm thấy Được, không thành vấn đề là một đáp án sai trái, nói ra sẽ phải ăn gạch chéo đỏ chót nhỉ.”

“Cô biết tôi không phải người thú vị gì mà.” Vừa nói, Joey vừa bật ngón tay vang “tách”, khiến ánh đèn điều khiển bằng âm thanh ngoài hành lang phụt sáng.

Khi mở đến chốt khóa cuối cùng, Joey thình lình ngoảnh lại nhìn Tang Nhu, “Cô ấy, đừng giật mình quá nhé…”

Tang Nhu chả hiểu mô tê gì, chỉ biết trố mắt nhìn anh đẩy mở cánh cửa. Từ bên trong, một con chow chow cỡ bự nhảy xổ tới. Đáng nói là, thậm chí con chó còn chẳng thèm liếc Joey lấy một cái chiếu lệ mà cứ thế lao thẳng tới Tang Nhu, đoạn ôm chặt lấy bắp chân cô không rời.

“Đừng sợ, nó cũng như tôi, chỉ thích con gái thôi. Cô cứ kệ nó là được.”

“Sợ cỡ này là vừa đủ, đủ để hóa đá.”

“Hóa đá?”

“Cưng à, cho chị vào nhà trước đã nhé.” Không còn cách nào khác, Tang Nhu đành cúi xuống, vò vò cái đầu to xù lông của nó.

Con chow chow này do Joey nhận nuôi từ trạm cứu hộ động vật. Lúc được nhận nuôi, nó bị bệnh da liễu khá nghiêm trọng, phải điều trị rất lâu. Chow chow tên là “Sư Tử Xù”, bởi lẽ Joey thấy cái tên Trung Quốc này thể hiện đặc điểm của nó rất trực quan.

“Trực quan là cái kiểu ngốc ngơ, tắm không sạch, lau không khô này á?” Tang Nhu ngồi bệt xuống tấm thảm xanh màu cỏ, thò tay vò mạnh bạo cái đầu lông lá của Sư Tử Xù. Coi bộ cậu chàng rặt một vẻ thành thật háo sắc này hưởng thụ quá trình bị chà đạp ghê lắm. Cu cậu ngoan ngoãn nằm rạp bên chân cô, khoan khoái rên lên những tiếng “grừ grừ” dễ chịu.

Joey rót hai ly rượu hiệu Black Label đặt lên bàn trà, lại kết nối máy tính với màn hình chiếu lớn, “Lúc tới Trung Quốc và biết phim ảnh được down thoải mái, tôi đã rất ngạc nhiên. Sau thì tải một đống về.”

“Chà, tôi không biết phải đáp lại thế nào nữa. Nên nói là tốt hay không tốt đây nhỉ.” Tang Nhu hãy còn thong thả nếm rượu. Trong đêm thu, vị mạch nha (malt) và đá cục phản ứng với nhau sinh ra một vị tuyệt diệu.

Joey tắt đèn, kéo rèm cửa, đoạn cũng ngồi xếp bằng xuống cạnh Tang Nhu. Cầm ly thủy tinh của mình lên và cụng nhẹ vào ly của Tang Nhu, anh uống ực một hớp lớn: “Vì một đêm hồi ức tuyệt vời.”

“Công dân Kane”, “Bài hát lễ tốt nghiệp”, “Les Choristes”, họ đã xem rất nhiều phim điện ảnh từ thời xưa, lại uống chai Black Label cạn sạch. Tang Nhu nhớ về rất nhiều những đêm thời đại học, khi cô và Giang Diên cùng trải bao đêm thâu trong tiệm cà phê gần trường.

Sư Tử Xù đã say tít, nằm phục bên chân cô. Joey kéo cái tướng ngủ khó đỡ của nó về ổ. Lúc trở ra, Tang Nhu đã để chân trần cuộn tròn trên sô pha.

Anh khom lưng thử hỏi xem cô đã ngủ chưa. Cô lắc đầu, bảo, Vẫn còn một phim nữa mà.

“Gì cơ?”

“Chuyện xưa nước Mỹ.”

Anh nhoẻn cười, ngồi xuống cạnh bên cô, lại vươn tay vén gọn mấy sợi tóc vương trên trán cô. Anh nói, Tôi là trẻ mồ côi.

“Mỹ cũng có một số lượng trẻ mồ côi nhiều không tưởng, khỏe mạnh có, khiếm khuyết có, da trắng có, da đen có. Chúng tôi đều không biết lý do mình bị vứt bỏ. Nghèo khó? Tai nạn? Con ngoài giá thú? Từ khi tôi nhớ được, tôi đã sống trong một cô nhi viện ở ngoại ô Washington, chỉ có các Sơ làm bạn cùng vượt qua suốt thời thơ ấu.”

“Sơ bảo chúng tôi rằng, vì tội nghiệt kiếp trước nên kiếp này mới gặp phải bất hạnh, nhưng tay chân toàn vẹn đã là điều đáng để biết ơn. Lúc ấy tôi đã nghĩ Cha trên trời rất khổ. Tôi không tin Cha có thể chăm sóc cho nhiều đứa trẻ đến thế. Thú thực, niềm tin với Thiên Chúa chỉ là một thói quen. Ở những người Mỹ thế hệ chúng tôi, ý thức về tôn giáo đã nhạt dần, tín ngưỡng chỉ như một thói quen, việc cầu nguyện cũng chỉ là những lời kinh ngoài miệng.”

“Năm mười một tuổi, tôi được một cặp vợ chồng trung niên ở địa phương nhận nuôi, tức bố và mẹ tôi sau này. Mẹ tôi thấp bé, nhỏ người, lương thiện. Họ có một cô con gái, tức chị tôi. Bố tôi cũng là trẻ mồ côi, được cha mẹ nuôi của ông nhận về từ một cô nhi viện ở Anh Quốc. Ông có họ của một dòng dõi quý tộc rất xưa bên châu Âu, Lancaster. Dĩ nhiên, như một lẽ thường tình, nó cũng trở thành họ của tôi.”

“Tôi nghĩ sau này mình sẽ nhận nuôi vài đứa trẻ. Cô có thể hiểu nó như một sự tiếp nối truyền thống không đáng kể. Cha trời không đủ rảnh rỗi để chăm lo cho nhiều đứa trẻ đến thế, vậy nên chúng tôi có thể tự coi mình là thiên sứ, dùng đôi cánh của mình để bảo vệ và ban phước lành cho một, hai đứa trẻ, cũng là để cứu chuộc tội nghiệt của mình. Thực ra tôi không thích những đạo đức, bác ái mà các cô cổ xúy. Nếu ai cũng có nỗi sợ và đều ý thức được tội lỗi của mình thì để cứu rỗi chính họ, họ sẽ cứu giúp nhiều người hơn.”

“Khi ở Nam Kinh, cô từng bảo với tôi là luôn phải sống trong sợ hãi, khiếp đảm. Tôi cũng luôn sống như thế.”

Bằng con mắt nhập nhèm ngái ngủ, Tang Nhu thấy trong ánh sáng lờ mờ, sườn mặt nghiêng của anh hệt bức tượng thạch cao làm mẫu trong mỗi giờ tập vẽ hồi bé. Cô thích âm giọng anh khi khẽ giọng thì thầm, thích biểu cảm trên mặt anh khi cố gắng sắp xếp từ ngữ.

Anh nói, “Cuộc sống thời tiểu học, trung học và đại học của tôi đều trôi qua ở Washington. Quên không nói, tôi học đại học y Washington đấy. Và cũng như cô, trước khi bước vào kì thực tập, tôi đã luôn mong mỏi về ngày mình trở thành bác sĩ. Nhưng năm ba tôi quen bạn gái, và cô ấy học ngành báo. Tôi có đi dự thính lớp cô ấy mấy lần, được xem rất, rất nhiều các video và phóng sự. Tôi không rõ quan điểm của các cô về chiến tranh Việt Nam, tôi chỉ thấy đó là một nỗi nhục lớn. Những người Việt Nam, người Trung Quốc, người Mỹ đã chết, có lẽ họ mới là những người cần tới bác sĩ nhất. Nhưng những bác sĩ như tôi thì, thì lại đang trong những bệnh viện tầm cỡ, chữa trị cho những công dân đầy đủ nhân quyền hòng mưu cầu địa vị và của cải. Và dù có sự tham gia của tôi hay không, mọi thứ vẫn sẽ diễn ra như thế. Chính trong năm ấy, dần dà tôi nhận ra tôi không muốn làm bác sĩ như mình đã tưởng.”

“Bởi thế nên sau này, tôi quyết định đến Trung Quốc để học lên bậc học cao hơn. Học về Xã hội học. Thú thực, tôi không cho mình có thể học được kiến thức về Xã hội học nào tiên tiến hơn Mỹ ở Bắc Kinh. Tôi chỉ muốn hiểu sâu hơn về phương Đông. Đó là lần đầu tiên tôi đi xa hơn phạm vi Washington. Và có lẽ chính vì lựa chọn lần ấy nên bây giờ, tôi không thể tiếp tục sống một cách thanh thản vô tư ở Washington được nữa.”

“Bạn gái anh thì sao?”

“Cô ấy tên là Rihanna. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc cho đài truyền hình hai năm, giờ thì đang theo học thạc sĩ ngành Khoa học truyền thông ở đại học Columbia. Cô là một phóng viên tâm huyết với nghề, và rất đẹp, đẹp tuyệt, còn vô cùng dũng cảm nữa. Trong rất nhiều lần đưa tin về các sự kiện, tai nạn lớn hàng bậc nhất, cô luôn là nữ chiến sĩ quả cảm xông pha trên tuyến đầu.”

“Anh bận lòng cho an nguy của vô số con người xa lạ chưa từng quen biết trên cái hành tinh đầy rẫy tệ nạn này, chẳng lẽ lại chưa từng lo lắng cho cô gái mình yêu?” Tang Nhu cong môi, nét mặt lờ mờ một vẻ gây hấn, đoán đâu đang trả thù cho tình yêu từng bị anh ngờ vực.

“Thì các cô thích nói hi sinh lắm mà. Tôi hi sinh cho cô, thế nên tôi yêu cô. Nhưng chúng tôi đều vui vẻ ủng hộ nhau thực hiện lý tưởng của mình, đều không mong người kia phải tầm thường, dở dang. Trong trận sóng thần thảm họa tại Indonesia năm 2004, lần đầu tiên tôi tham gia hành động cứu trợ quốc tế quy mô lớn, còn cô thì xin ra tiền tuyến đưa tin. Nhưng cả hai chúng tôi chưa từng được trông thấy mặt nhau, chỉ có thể gọi điện mỗi ngày hỏi thăm xem đối phương có còn bình an không. Mỗi đêm, tôi đều cầu nguyện với một sự thành kính hơn mọi thời điểm trước đó. Tôi chưa từng chứng kiến nhiều người chết đến thế. Trừ than khóc và suy sụp, không còn có thể làm gì khi ấy. Nhưng thảm họa sẽ không thức tỉnh nhân tính của tất cả. Suýt chút nữa, Rihanna đã bị nạn dân cưỡng hiếp tập thể. Nhưng tôi không thể bảo cô ấy là Em hãy về đi, về nước Mỹ đi được.”

“Dẫu phải mất mạng vì thế?”

“Dẫu phải mất mạng vì thế.”

Đèn ngoài hành lang đã tắt, trong không khí lững lờ vị của tinh mơ. Đêm dài lướt qua bên ô cửa, để bình mình im tiếng sát gần.

Vạn vật chìm sâu trong yên tĩnh tuyệt đối. Cái yên tĩnh khiến ta quên cả sự tồn tại của chính mình. Cơ thể vơi dần trọng lượng, giấc chiêm bao đã đến hồi ngã ngũ.

Khi bừng tỉnh khỏi phim ảnh, chuyện cũ và hơi cồn, dường đâu đã quá chính ngọ. Tang Nhu uể oải dụi mắt, chợt nhận ra mình đang an vị trên giường, Sư Tử Xù thì nằm phục trên tấm thảm cạnh bên, đôi mắt hau háu nhìn cô chăm chú.

Cô vươn vai ngồi dậy, thò tay vò cái đầu to xù lông của nó.

Phòng ngủ của Joey sạch sẽ và ngăn nắp, với tông màu chính là xanh lá và xám tro. Trên kệ, sách tiếng Anh chiếm đa số. Chẳng biết có phải anh đã bật máy sưởi sàn hay chưa mà nền phòng rất ấm, bước chân trần vẫn thấy rất dễ chịu.

Tang Nhu đẩy mở cánh cửa phòng ngủ, trở ra phòng khách. Joey đang nói chuyện điện thoại trên sô pha, chân ủ dưới tấm thảm lông nặng dày. Xem chừng cũng chỉ vừa mới thức.

Tang Nhu vào quầy rượu trong bếp rót hai ly nước, đem đặt lên bàn trà. Nghe sơ thì hình như anh đang nói chuyện với Rihanna, kèm một câu “I love you too” và một cái hôn gió tạm biệt. Tang Nhu nhoẻn cười, bảo Chắc chẳng bao giờ chúng ta có thể hiểu nổi tình yêu của nhau đâu.

“Hôm nay cô vẫn vô gia cư tiếp hả?” Joey vươn vai, một nụ cười tinh nghịch nở rộ trên nét mặt.

“Tôi nghĩ mình có thể về được rồi, không thì rượu của anh sẽ vào bụng tôi sạch mất.” Tang Nhu quơ hờ chiếc điện thoại đang cầm. Là tin nhắn từ Giang Diên.

“Liệu hai người có cãi hăng quá rồi đánh nhau không?” Joey trưng ra một nét mặt quá lố.

“Cười trên nỗi đau của người khác là không tốt đâu.”

Trước khi đi, Tang Nhu ra ban công nhà Joey hút một điếu thuốc, làm một ly cà phê. Qua cánh cửa kính chạm sàn đã đóng kín, có thể thấy Joey đang tất bật thay quần áo, xịt nước hoa trong phòng. Nếu anh không lên tiếng, đoan chắc cô không thể nhìn xuyên tới biển cả trong lòng anh và năm tháng rộng dài sau lưng anh.

“Cám ơn anh. Tôi đã có khoảng thời gian rất tuyệt.”

“Tôi cứ tưởng cô sẽ thấy cuộc sống của tôi tẻ nhạt lắm chứ.”

“Không chừng chính vì cuộc sống của các anh quá ư tẻ nhạt nên mới có ham muốn tìm kiếm kích thích mãnh liệt thế đó. Không như người Trung Quốc, ngày nào cũng phải sống trong lo âu khiếp hãi.”

Xe Joey dừng lại trước khu nhà nơi Giang Diên thuê trọ. Tang Nhu có vẻ không muốn xuống xe ngay.

“Tôi nghĩ chúng ta nên tạm biệt nhau rồi, không thì bạn trai cô sẽ trách tôi chiếm đoạt cô lâu quá mất.” Dường như Joey không hề phát giác được ý nghĩ của cô. Anh nghiêng người, trao cô cái ôm theo phép lịch sự rồi xuống xe, vòng ra bên ghế phụ lái và mở cửa cho cô.

Không giỏi đối mặt, nhưng cuối cùng vẫn phải đối mặt. Việc của tự nhiên, đôi khi sẽ tự giác vận hành theo quy luật. Việc của người thì lại chưa từng như thế. Tang Nhu đã thấu đáo điều này từ lâu.

Cô bước xuống xe, trả cho anh cái ôm đáp lễ. Anh vươn tay sát vành tai tạo thành tư thế như cầm điện thoại, đoạn vẫy tay tạm biệt cô.

Hệt như bao lần cô từng đi xem phim cùng Giang Diên, xem xong lại phải về đối mặt với cuộc sống lo toan vụn vỡ.

Đẩy mở cánh cửa nhà, đập vào mắt cô là hình ảnh Giang Diên dựa vào lan can ngoài ban công. Anh đang hút thuốc, nét mặt bình lặng như mải quan sát gì ở xa.

Thấy Tang Nhu bước vào, anh dụi tắt tàn thuốc, đoạn cất tiếng hỏi, Người chở em về là anh người Mỹ ở Nam Kinh đó hả?

“Ờ.”

“Hai người ở với nhau cả đêm?”

“Ờ.”

“Anh ta, thích em sao?”

“Hình như đây không phải chuyện chúng ta nên thảo luận lúc này.” Tang Nhu đặt cái ba lô xuống, không vội quan sát kĩ hơi mù giăng phủ trên mặt anh.

“Em, thích anh ta?”

“Không duyên không cớ cuộc sống của em bị người ta phá rối, thế mà giờ lại thành anh chất vấn em? Em ghét tất những ai làm xáo trộn cuộc sống của em. Ghét cay ghét đắng.” Tang Nhu không chắc liệu Giang Diên có thể thấu hiểu nổi tâm trạng mình lúc này hay không. Cô không về để chất vấn anh, càng không phải để mắng nhiếc gì anh. Cô chỉ mong anh hiểu rõ nỗi căm ghét của cô khi quyền khống chế cuộc sống của mình nằm trong tay kẻ khác.

“Anh xin lỗi, Tang Nhu.” Giang Diên thở ra một hơi thật dài, đoán là để kiềm chế cảm xúc trong anh.

Rồi anh tiến tới gần, vòng tay mạnh mẽ ôm siết Tang Nhu vào lồng ngực: “Anh không thể giải thích kĩ càng với em được. Anh không biết mình phải giải thích thế nào nữa. Anh quen cô ấy hồi cấp hai, bọn anh là bạn thân từ đó tới giờ. Cô ấy nghịch ngợm, hay chọc phá, người nhà cũng chiều theo. Chỉ như em gái thôi. Có lẽ Gia Lê luôn đinh ninh bọn anh từng là người yêu nhưng anh chưa bao giờ nghĩ như thế. Nhưng dù anh nói thế nào cô ấy cũng không chịu chấp nhận. Sau này gặp em, anh đã nghiêm túc cho cô ấy biết là anh muốn yêu một người đúng nghĩa.”

“Vậy còn mấy bức thư? Cái gì là người đứng ngoài nhìn trộm suốt mười năm? Rồi cả những lần anh biến mất nữa.”

“Anh và cô ấy quen biết đã mười năm có lẻ rồi. Anh nghĩ cô ấy đang nói chuyện này. Lần đầu hẹn em đi xem phim, cô ấy uống thuốc ngủ tự sát ngay trong trường, tất nhiên anh phải tới bệnh viện thăm. Lần thứ hai là khi cô ấy sang Anh du học. Cô ấy cứ nằng nặc bắt anh tới tiễn, còn dọa nếu không tới thì sẽ đi tìm em. Anh không muốn cô ấy gây rắc rối cho em, nên mới…”

“Em tin anh, nhưng đừng khiến em có thêm bất ngờ như thế lần nữa.” Tang Nhu lách mình khỏi vòng ôm của anh, đoạn cũng ra ban công làm một điếu thuốc. Thứ cô muốn chỉ là kết quả, không phải được nghe cả tràng phân bua. Cô lặng lẽ quan sát đầu mẩu bùng cháy trong không khí khô hanh, bất chợt nghĩ phải chăng mình thật sự có vấn đề rất lớn.

Đã từng, cô chọn cách không nghi ngờ hay dò hỏi gì anh. Vậy nên lúc này, cô tôn trọng lời giải thích của anh.

Joey nói Tôi đã mua sẵn cô ca và bắp rang chuẩn bị hóng kịch hay rồi đây, thế mà hai người lại giải quyết trong hòa bình thế đấy.

Tang Nhu nhắn tin đáp Trong xương anh đúng là đã ăn sâu cái tính xấu thâm căn cố đế của cảnh sát quốc tế rồi.

Đến tối đi ngủ, Giang Diên ôm Tang Nhu chặt hơn bao giờ hết, tựa như phải khiến cô tan cả vào máu thịt mình mới có thể an tâm vào giấc.

Anh bảo Trông em có vẻ vui hơn nhiều rồi, tiếc là không phải công lao của anh. Nhưng thấy em quen bạn mới, anh thật sự rất mừng.

Lúc ấy, cô sẽ trở mình áp tai vào lồng ngực anh, lặng yên nghe tiếng tim đập mạnh mẽ quy luật của anh. Dần dà vào giấc, chầm chậm vào mơ.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện