Ở gần đó có trường học nên xung quanh có khá nhiều hàng quán. Cả hai đi vào một quán trà sữa, vì đang là giờ học nên trong quán không có ai khác ngoài họ. Hai người chọn hai ly trà sữa hạt dẻ theo đề cử của nhân viên rồi ngồi xuống ở bàn gần cửa sổ.
Duyệt Chiêu chưa từng uống trà sữa hạt dẻ, khi nếm ngụm đầu tiên cảm thấy rất đáng kinh ngạc, cô nói: “Anh uống thử chưa? Lớp sữa hạt dẻ ngon ghê.”
Mạc Sậu còn chưa uống, nghe vậy bèn lắc nhẹ ly thức uống nóng, chờ lắng xuống rồi nhìn lớp sữa hạt dẻ trong ly, thấy nhiều hơn ly của Duyệt Chiêu mới nói: “Cô uống ly của tôi đi, lớp sữa hạt dẻ tận một phần ba ly lận.”
Không chờ Duyệt Chiêu nói gì, anh đã đổi ly với cô.
Cô nói: “Nhưng tôi lỡ uống rồi, hay anh xin thêm cái ống hút mới nhé.”
“Thôi, lười lắm.” Mạc Sậu dường như không để ý tới vấn đề này, chỉ rút tờ khăn giấy lau nhẹ vết son trên đầu ống hút.
Duyệt Chiêu im lặng. Trong suy nghĩ của cô, chỉ những người vô cùng thân cận mới thoải mái ăn đồ của nhau, ví dụ như hồi bé cô thường thấy ông ngoại ăn phần bánh ngọt còn thừa của bà ngoại vậy.
Cô chầm chậm uống nước, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn ra cửa sổ. Có vẻ như gần đây quán không lau cửa kính, mặt kính bị phủ một lớp bụi mờ khiến thế giới đầy tuyết ngoài kia như càng trắng xóa.
Duyệt Chiêu uống nước xong, lòng bàn tay cũng ấm trở lại, toàn thân thoải mái như vừa được nạp năng lượng sau quãng thời gian mệt mỏi.
“Cô đói không?” Mạc Sậu hỏi: “Mình tìm quán nào ăn cơm nhé?”
Cô cười nói: “Mới uống ly trà sữa to oạch nên không đói liền đâu, để lát nữa về nhà ăn sủi cảo đông lạnh.”
Anh nói: “Sủi cảo đông lạnh hả? Tôi cũng muốn ăn quá, cơ mà tôi đã ăn mất túi cuối cùng trong tủ lạnh nhà tôi vào mấy hôm trước rồi.”
Cô cảm thấy anh rất thích hợp đi theo hình tượng đáng yêu, đến cả việc muốn ăn sủi cảo với mình mà cũng có thể bày tỏ đáng yêu nhường này.
Duyệt Chiêu ra vẻ suy tư: “Để tôi ráng nhớ thử túi sủi cảo nhà tôi có đủ cho hai người ăn không.”
Anh hỏi: “Hay cho tôi ăn ké hai cái thôi nhé?”
Cô nói: “Hai cái sao đủ? Đừng lo, tôi đùa thôi, tôi mua hai túi to lận. Lát nữa về tôi nấu cho anh ăn.”
Hai người men theo đường cũ về nhà, tới cửa nhà Duyệt Chiêu, họ đặt hai chiếc ô trên bậc thềm rồi lần lượt vào nhà.
Duyệt Chiêu bật quạt sưởi, lấy cái ly sứ rồi thả túi hồng trà vào, rót nước sôi vô, sau đó đưa cho Mạc Sậu.
“Tôi đi nấu sủi cảo đây.” Cô vừa nói vừa đi tới tủ lạnh.
Mạc Sậu nhìn quanh, phát hiện nhà cô vẫn rất ít đồ đạc, giống như lúc nào cũng có thể dọn đi ngay nên chủ nhà lười trang trí hay mua thêm đồ dùng. Căn phòng khách quá đỗi trống trải khiến nó trông không quá nhỏ như diện tích thật.
Khi lướt qua cửa sổ, anh lại nhìn thấy chậu hoa thủy tiên vẫn chưa nở hoa. Tuyết đang rơi bên ngoài khung cửa sổ, chậu hoa thủy tiên lặng lẽ chiếm một góc phòng, chồi xanh nhàn nhạt của nó báo hiệu mùa xuân sắp đến rồi.
Mười mấy phút sau, Duyệt Chiêu bưng đĩa sủi cảo ra, trông thấy Mạc Sậu đứng bên cửa sổ ngắm chậu cây thủy tiên của mình, cô gọi anh tới ăn sủi cảo.
Mạc Sậu vừa đi tới bàn thì điện thoại reo chuông, anh nghe máy và nói “Tôi biết rồi”, chờ cúp máy thì nói với cô: “Giờ tôi phải lên công ty ngay.”
“Bây giờ?” Cô bỗng thấy lòng mất mát, “Ăn xong hẵng đi.”
Anh đáp: “Không được, tôi sẽ ghé cửa hàng tiện lợi dưới công ty mua đồ ăn.”
Duyệt Chiêu suy nghĩ một chút bèn nói: “Vậy đi, tôi bỏ sủi cảo vào túi, anh cầm theo ăn đi, đừng nhịn đói, kẻo tụt huyết áp thì nguy.”
Cô mở ngăn kéo trong bếp lấy túi đựng thực phẩm, trút đĩa sủi cảo nóng hổi vào túi để anh ăn trên đường cho tiện. Lát nữa cô nấu rồi ăn sau cũng được.
Mạc Sậu đi rồi, Duyệt Chiêu ngồi thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Có lẽ vì đột nhiên thiếu mất một người, Duyệt Chiêu bỗng cảm thấy cô đơn, không còn thèm sủi cảo nhân thịt nữa.
Cô ngồi thừ người ngắm tuyết rơi, chợt nghe tiếng thông báo tin nhắn, uể oải lấy điện thoại, rất bất ngờ khi phát hiện chị họ Duyệt Uyển nhắn tin cho mình.
“Duyệt Chiêu, chị là Duyệt Uyển đây. Tận hôm qua chị mới hay chuyện của em, mẹ em kể cho chị, chị mới xin mẹ em số điện thoại của em. Em bộp chộp quá đấy, có chuyện gì thì từ từ nói là được mà. Vậy đi, em báo chị địa chỉ chỗ em đang ở, chị tới thăm em, sẵn tiện xem thử có thể giúp đỡ em được gì không.”Duyệt Chiêu đọc xong, lại để điện thoại xuống.
Mười mấy phút sau, Duyệt Uyển gọi tới, Duyệt Chiêu do dự rồi cũng bắt máy, nghe thấy giọng chị họ, cô bình tĩnh trả lời: “Dạ, em nghe.”
Ba giờ chiều, Duyệt Chiêu nghe tiếng chuông cửa, ra mở cửa liền nhìn thấy người chị họ đã lâu không gặp. Duyệt Uyển mặc chiếc áo lông chồn đen, tay trái cầm ô, tay phải cầm chiếc ví thuộc da đặt hờ trên bụng, tay áo rộng thùng thình và bả vai của chị lấm tấm bông tuyết.
Duyệt Chiêu hỏi: “Tài xế chở chị tới hả?”
Chị họ nói: “Ừm, xe đang đậu ngoài đầu hẻm, chắc là không sao đâu ha.”
Cô mời Duyệt Uyển vào nhà, chị họ cô nhíu mày: “Nhà chỉ có tí xíu như này thôi hả? Nhỏ quá, còn lạnh nữa.”
Duyệt Chiêu mời chị họ ngồi, kéo quạt sưởi tới gần chân chị để sưởi ấm, sau đó đi pha một ly hồng trà nóng, chờ chị họ cằn nhằn xong cô mới chậm rãi giải thích: “Điều hòa hỏng rồi, chủ nhà nói lúc trước cũng định sửa mà vì xài lâu quá rồi, có sửa cũng hỏng tiếp nên thôi.”
Duyệt Uyển thảng thốt nhìn chằm chằm cô em họ mình: “Vậy em chỉ dựa vào một cái quạt sưởi để trụ qua mùa đông?”
Cô bình thản đáp: “Có nó là đủ rồi, em mượn của hàng xóm đấy.”
Chị họ không thốt nổi thành lời.
Duyệt Chiêu đặt ly trà nóng xuống trước mặt chị họ, Duyệt Uyển ôm ly bằng cả hai tay. Hơi nóng lượn lờ, Duyệt Uyển thở dài: “Tội tình gì em phải làm vậy? Có bất đồng quan điểm với bố mẹ đi chăng nữa thì cũng nên bàn bạc lại, tội gì phải chạy tới ở căn nhà đơn sơ như thế này chứ?”
Cô ngồi xuống rồi nói: “Em chịu thôi. Bố mẹ không chịu lắng nghe em, còn chọn xong cả chồng cho em nữa rồi. Nếu em tiếp tục ở nhà, phụ thuộc ăn ở vào bố mẹ, em sẽ không có tư cách từ chối yêu cầu của họ.”
Duyệt Uyển nhìn cô, cười bất đắc dĩ, nói: “Duyệt Chiêu à, chị muốn nói câu này, mong em nghe lọt. Chắc chắn bố mẹ đã suy nghĩ kỹ càng mới quyết định gả em cho ai nên anh ta không tệ đâu, em đừng bài xích quá. Chị nghe mẹ em kể về anh ta rồi, bản thân chị cũng thấy anh ta được đấy chứ. Em mới gặp anh ta hai lần thôi, chưa tìm hiểu đã bài xích người ta thì hơi cực đoan, đúng không?”
Duyệt Chiêu không đáp, cô không hề bất ngờ trước những lời nói của chị họ. Có lẽ mẹ cô nhờ chị họ đến làm thuyết khách. Cô bỗng thấy hối hận vì đã mềm lòng cho mẹ biết số điện thoại mới của mình.
Duyệt Chiêu lúc nào cũng lo lắng cho sức khỏe của mẹ, nếu cô biệt tăm biệt tích, không cho bà biết mình sống ở đâu, có lẽ mẹ sẽ đổ bệnh mất. Sao cô có thể không biết nghĩ như vậy chứ. Vì vậy cô nhường một bước, nào ngờ chỉ vì phút mềm lòng mà phải gặp chị họ.
Từ khía cạnh nào đó, chị họ coi như là người thích hợp để đảm đương vai trò thuyết khách, bởi lẽ chị ấy cũng nghe theo lời cha, tức bác cả của Duyệt Chiêu, cưới người chồng hiện tại.
Duyệt Uyển nói tiếp: “Bây giờ em còn trẻ, nhưng đằng nào cũng sẽ tới ngày phải lập gia đình, đúng không? Em tính tình đơn thuần, không có kinh nghiệm tình trường, cũng ít kinh nghiệm đánh giá đàn ông. Nếu để em tự tìm, với điều kiện nhà mình, em rất dễ bị người ta lừa gạt, vậy nửa đời còn lại chẳng phải bị hủy hoại rồi sao? Chẳng thà em chấp nhận người được bố mẹ chọn lựa, vừa đỡ tốn công lại vừa an tâm.”
Cô hỏi ngược lại chị mình: “Chị sống có hạnh phúc không? Chị có bao giờ hối hận vì đã nghe theo lời cha mẹ mà cưới anh rể không?”
Duyệt Uyển không ngờ Duyệt Chiêu lại hỏi thẳng thừng như vậy, điều đó khiến cô ấy hơi lúng túng nhưng vẫn thành thật đáp: “Hạnh phúc gì chứ, từ ngữ đó chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết mà thôi. Hôn nhân khác với tình yêu, chỉ cần tôn trọng, thấu hiểu và chung thủy là đủ.”
Dưới ánh nhìn chăm chú của Duyệt Chiêu, Duyệt Uyển nói tiếp: “Chị chưa từng hối hận, nếu cho chị chọn lại, chị vẫn chọn cưới anh rể em. Không thể không thừa nhận mắt nhìn của bố mẹ chị rất đúng. Bố mẹ là người yêu thương em
nhất, họ biết cái gì mới thực sự tốt cho em.”
Duyệt Uyển nói xong, bỗng nhớ về bản thân thuở ban đầu, cụp mắt xuống, xoắn ngón tay vào sợi dây của túi trà.
Khi ấy cô cũng chỉ mới ngoài đôi mươi, có người bạn trai đương độ mặn nồng, nhưng bố mẹ cô phản đối mối quan hệ của họ, nguyên nhân rất thực tế, bạn trai cô học điêu khắc, công việc tự do, trên người toát ra mùi nghệ thuật nồng nặc, gia cảnh không quá tốt. Dưới áp lực của bố mẹ, Duyệt Uyển chia tay người bạn trai đã hẹn hò hai năm, Sau khi chia tay, cô nghe theo sự sắp đặt từ gia đình, qua lại với một nghiên cứu sinh ngành tài chính, tám tháng sau kết hôn.
Sau khi tốt nghiệp, chồng cô hiển nhiên vào làm cho công ty của bố cô, nhanh chóng kiểm soát các nghiệp vụ quan trọng của công ty.
Nếu bàn về vấn đề hôn nhân của mình có hạnh phúc không, Duyệt Uyển không thể trả lời. Cô không thích tính cách của chồng, anh cực kỳ lý trí và thực tế, lại nghiện công việc, sau khi kết hôn, anh dồn toàn bộ sức lực để làm việc, rất ít quan tâm tới vợ, khiến cô thường xuyên cảm thấy cô đơn.
Cô không đi làm, vì chưa có con nên cô rất rảnh, rảnh đến mức nhiều lúc cô không biết phải làm gì. Nhưng cô sống một cuộc đời an nhàn, vật chất dư dả, có cả sức khỏe lẫn thời gian, còn là người vợ muốn mua gì thì mua. Những thứ đó là niềm mong mỏi của bao nhiêu cô gái, cô đã có được, không thể đòi hỏi thêm nữa.
Duyệt Uyển không dám chê bôi, cũng không dám hối hận.
Ai cũng biết hối hận là tâm thái của kẻ thất bại.
Duyệt Chiêu bỗng nói: “Em nhớ trước kia chị từng nói lớn lên muốn nối nghiệp bác cả.”
Chị họ cay đắng nói: “Chuyện hồi bé, em còn tin thật? Em có biết quản lý một công ty áp lực nhường nào không? Có biết khối lượng công việc mỗi ngày đồ sộ cỡ nào không? Bố chị vất vả hơn nửa đời người, có mấy lần còn ngất ở khách sạn khi đi công tác, tim đặt hai giá đỡ, đâu phải em không biết. Bố em cũng rất lao lực, kiếm được tiền nhưng không thể dừng lại để hưởng thụ bởi vì phải gánh vác chén cơm của rất nhiều người. Em tưởng công ty gia đình lớn mạnh là hoàn toàn nhờ vào may mắn? Cần phải có lòng phấn đấu và tinh thần trách nhiệm cao nữa. Tóm lại, một khi đã làm chủ thì không thể thư giãn dẫu chỉ một phút. Vì họ hiểu được điều đó nên mới không muốn chúng ta tiếp tục cuộc sống của họ.”
Duyệt Chiêu không nói gì, lòng thầm nghĩ vậy là họ thà chọn người ngoài làm người kế nghiệp, đồng thời giao hạnh phúc của con gái vào tay người ngoài đó, tuy nguy hiểm nhưng cũng hơn gấp bội so với việc để con gái mình chinh chiến.
Là vậy phải không? Nhưng sao lại vô lý thế?
Duyệt Uyển hỏi: “Em nói cho chị biết vì sao em không thích anh chàng mà bố mẹ giới thiệu cho em được không? Nghe mẹ em nói điều kiện của anh ta rất khá, trừ gia cảnh ra thì rất phù hợp với yêu cầu của chú thím.”
Cô chuyển tầm mắt sang chậu hoa thủy tiên trên bệ cửa sổ, nói chậm: “Không thích là không thích, không có lý do đặc biệt. Em gặp anh ta hai lần, cảm thấy em và anh ta quá khác nhau.”
Chị họ hỏi: “Em có mang nặng thành kiến quá không?”
Duyệt Chiêu nói: “Có phải là thành kiến hay không liệu có quan trọng? Yêu đương không nên để em tự yêu à? Kết hôn không phải là chuyện riêng của em à? Nếu em không thích anh ta thì người khác thích mấy cũng vô dụng.”
Duyệt Uyển lắc đầu, chỉ cảm thấy em họ mình quá ngây thơ, có lẽ nó vẫn chưa trưởng thành.
Cô quay đầu lại, nói với Duyệt Uyển: “Chị đừng khuyên em nữa. Em ở đây không có vấn đề gì. Nếu họ cho rằng em không chịu khổ nổi, sẽ về lại cái vòng an nhàn của mình sớm thôi thì cứ để họ đợi thêm đi, có lẽ vài ngày nữa em hết chịu nổi cuộc sống nghèo khó thì sẽ tự về không chừng.”
Duyệt Uyển thấy Duyệt Chiêu nói có lý, em họ cô đã quen với cuộc sống giàu sang, với điều kiện sống bây giờ, liệu nó được nổi bao lâu? Nếu là cô, nửa ngày cũng không chịu nổi.
Chờ con bé dùng hết số tiền trong thẻ, ắt hẳn nó sẽ về, đây cũng là ý của mẹ Duyệt Chiêu. Mẹ Duyệt Chiêu còn nói hiện giờ con bé đang trong thời kỳ nổi loạn, càng cấm nó thì nó càng chống đối, chẳng thà thả con bé ra ngoài một thời gian ngắn, rồi nó sẽ biết ở nhà ấm áp nhường nào.
Nghĩ vậy, chị họ không định nói thêm nữa mà nhã nhặn uống ly trà nóng trong tay. Chờ uống xong, Duyệt Uyển nghe em họ bình thản nói: “Ở đây lạnh quá, sợ chị bị cảm mất. Em tiễn chị ra xe.”
Buổi tối tuyết ngừng rơi, Duyệt Chiêu hoàn tất công việc, đi ra quán ăn, nhìn thấy Mạc Sậu đang đứng ở nơi không xa đợi cô.
Trên đường về, anh thấy cô không được vui, giống như bị mệt, còn không muốn nói chuyện. Mãi đến khi ngang qua một người tuyết, cô bỗng dừng lại, cúi người nhìn.
Người tuyết bị rớt mất một con mắt, Duyệt Chiêu ngồi xuống tìm xung quanh, sau một hồi cũng tìm ra quả óc chó bị chôn dưới tuyết. Cô nhặt lên, gắn mắt cho người tuyết, sau đó lại ngồi xuống, gom tuyết, nhào nặn và đắp lên người tuyết. Mạc Sậu rút cánh tay đã sắp rơi xuống đất của người tuyết, tạo tay mới cho nó.
Duyệt Chiêu nặn tuyết gần hai mươi phút, bàn tay đỏ bừng, chóp mũi cũng vậy. Mạc Sậu nhìn cô, ngơ ngẩn.
Cô lẳng lặng nhìn người tuyết, không những bàn tay và chóp mũi đỏ ửng mà hốc mắt cũng đỏ, có lẽ là bị gió thổi lâu.
Duyệt Chiêu ngồi im hồi lâu, mãi đến khi nghe Mạc Sậu gọi mình, cô mới nghiêng đầu nhìn. Không biết vì sao, khi nhìn vào đôi mắt sáng ngời của anh, mắt cô chợt thấy chua xót.
Kỳ cục quá, cô không muốn khóc, cũng chẳng có chuyện gì đáng để khóc, ngược lại sáng hôm nay cô còn rất vui vẻ. Nhưng giờ phút này, cô không hiểu nổi vì sao nước mắt lại lăn dài.
Có lẽ là do lạnh.
Duyệt Chiêu cụp mắt nhìn đụn tuyết dưới chân, những bông tuyết phát sáng lấp lánh như sao, có điều hơi mờ.
Cô cảm nhận được nơi khóe mắt bỗng ấm lên.
Mạc Sậu dùng ngón tay lau nhẹ khóe mắt cô, thấp giọng nói: “Mình đang đắp người tuyết mà, sao cô lại khóc? Ấm ức chuyện gì à?”
Duyệt Chiêu lắc đầu: “Đi làm mệt quá, tay tôi vừa nhức vừa mỏi, hôm nay còn bị một khách mắng.”
Anh nói: “Không vui thì đừng làm nữa.”
Cô lại lắc đầu: “Không vui thì nghỉ? Đâu tùy hứng vậy được.”
Mạc Sậu nói: “Sao lại không được tùy hứng? Cô không chết đói được đâu.”
Duyệt Chiêu hít mũi: “Tôi không đi làm thì lấy gì sống? Chẳng lẽ ngày nào tới giờ cũng cầm chén qua nhà hàng xóm xin cơm ăn?”
Anh nhìn cô: “Cô muốn nghe tôi nói thật không? Tôi ước gì ngày nào cô cũng tới xin cơm, đừng nói là chén, cô đem thau tới xin cũng được, tôi chỉ sợ cô không muốn thôi.”
Duyệt Chiêu nghe anh nói xong, bất chợt nhớ tới ảnh chế trên mạng: một người mang theo cái muôi khổng lồ nói tôi chỉ ăn một muôi thôi.
Cô thấy buồn cười, không nhăn nhó nữa mà bật cười.
Giờ thì hay rồi, cứ như ban nãy mình khóc là giỡn chơi vậy.