Còn một năm nữa kì thi Hội bắt đầu, người người nhà nhà có con vượt qua kì thi Hương đều chuẩn bị cơm áo gạo tiền, hành trang lên kinh. Do ba năm tổ chức một lần, chỉ cần đạt được kết quả cao sẽ được thi Đình.
Đỗ được Trạng Nguyên về làng, người người ngưỡng mộ, dòng họ tổ tiên tự hào đi đến đâu cũng ngẩng cao đầu, ra bộ "nhà tôi có quan Trạng".
Trần Trọng có chí tiến thủ, số tiền chàng tích góp được sau mấy năm làm công đủ để trang trải những ngày sống ở chốn kinh thành xa hoa.
Chỉ có điều, liệu ông bá có cho chàng nghỉ không đây? Cậu cả cũng đi thi, nhỡ đâu ông lo sợ không cho chàng đi thì sao?
"Ô...ông bá ạ."
"Mày định xin nghỉ hả?"
Ông bá ngồi trên ghế, tay cầm quạt mo phe phẩy phe phẩy. Thời khắc quan trọng đã đến, Trần Trọng ngập ngừng.
"Dạ vâng..."
"Được rồi."
Tóp tép nhai miếng trầu, chàng trố mắt kinh ngạc. Dễ dàng như vậy sao?
"Tao không cần mày phải đỗ Trạng hay gì, có chút công danh, đừng phụ lòng cái Mẫn là được."
Ông cổ hủ, có. Ông tham hư vinh, cũng có. Ngày trước, con nhà quan lớn đến dặm hỏi, nhiều lần ông liêu xiêu vì sính lễ, suýt nữa gả con gái đi. Nhưng, vợ mất, người đàn bà mà ông yêu nhất trên đời này trước khi chết đã căn dặn ông phải chăm lo cho hai mụn con đến nơi đến chốn.
Đời người con gái, chỉ dựa vào tấm chồng. Nếu thằng Trọng thật lòng, coi như ông yên tâm gửi gắm con Mẫn cho. Còn không thì tìm mối khác. Nếu không nữa thì ông nuôi nó cả đời cũng được.
Thằng Lâm mới là người đáng để đau đầu đây. Ông bá ngẫm lại năm xưa, ây, đáng tiếc. Cứ phải là con Thơm mới được sao?
Trần Trọng lên đường trước Phan Đình Lâm, cậu có bá hộ sau lưng nên ung dung. Chàng lại chỉ có một mình, phải đi trước xem xét, học hỏi người ta.
"Trọng, không được cũng không sao."
Phan Tư Mẫn từ bé đến lớn, luôn nói những câu gây mất hứng. Lúc quan trọng này cũng vậy. Phan Đình Lâm đập nàng một cái giáo huấn. "Mày động viên nó đi. Thằng Trọng đi xong lúc về dắt theo một cô nàng thì chết mày."
Bốp!
"Ai cho mày đánh em hả?"
Ngày hôm nay, không những có Phan Tư Mẫn và Phan Đình Lâm mà ông bá cũng ra tiễn chàng. Ông muốn xem thằng con rể tương lai này có bản lĩnh đến đâu. Liệu nó có vượt qua được thử thách hay từ bỏ? Rất đáng trông chờ.
"Trọng đi nha."
Tình chàng ý thiếp, hai mắt si mê nhìn nhau, ông bá biết đi về. Phan Đình Lâm ngó đầu sang nơi khác lại thấy thị Thơm đứng cách đấy không xa.
Chàng lúng túng tiến đến gần nàng, lấy tay vén tóc mai bên tai nàng. Ngập ngừng cúi xuống, hôn nhẹ lên trán nàng. Môi Trần Trọng mềm, ươn ướt lại ấm truyền đến da thịt Phan Tư Mẫn. Dù chỉ là một nụ hôn nhẹ thoáng qua, nhưng nàng vẫn rất hạnh phúc.
"Trọng thương Mẫn lắm, đợi Trọng nha."
Đây coi như là câu bày tỏ trực tiếp từ chàng. Trần Trọng biết, nếu chàng còn chậm chạp, sớm muộn gì nàng cũng bị cướp mất.
"Vâng."
Bên kia, Phan Đình Lâm thấy thị Thơm toan bỏ đi liền chạy đến giữ tay thị lại.
"Sao mấy ngày Thơm lại trốn tôi." Từ cái hôm ở nhà bà Mận về đến nay đã hơn mười ngày cậu chưa nhìn thấy thị. Cậu rất nhớ thị.
"Cậu cả, cậu buông tôi ra đi! Ngày mai tôi trở thành vợ người ta rồi."
"Cái gì?"
Về đến nhà, chỉ cần nghĩ đến câu nói của thị, cậu lại tức tối. Rõ ràng đang vui vẻ, cả hai còn hứa hẹn rất nhiều. Sao đùng một cái lại có chuyện?
"Thầy, mai thầy sang nhà thị Thơm hỏi cưới nha?!"
"Không. Mày với con Thơm mãi mãi, à vĩnh viễn không bao giờ có kết quả đâu."
"Tại sao vậy? Thầy không chấp
nhận thị sao? Thế sao thầy lại chấp nhận thằng Trọng?"
Ông bá câm nín. Hết nói nổi thằng con này. Ông đứng dậy chỉ tay vào mặt cậu.
"Nguyên do là vì cái bà Mận kia kìa."
Năm xưa, bà Mận từng là cô gái đẹp nhất làng. Có mối tình như mơ với cậu ấm nọ. Trao thân gửi phận cho người ta, nhưng lại bị phản bội. Tên đó bỏ bà lấy con gái của vị quan lớn, để bà phải vác cái bụng bầu. Hồi đó, lời cay nghiệt của mấy ả trong làng càng làm bà Mận thấy tủi nhục. Lại bị mấy tên đàn ông khốn nạn, nhân lúc bà khó khăn mà lợi dụng "trêu đùa" bà. Dần dà, bệnh tật đầy mình, già cả rồi, nhưng cái danh "chửa hoang" vẫn bám theo bà cả một đời.
Biết chuyện, đêm đó, Phan Đình Lâm đứng đực trước nhà thị Thơm một đêm đến ngất đi. Thị Thơm mủi lòng nhưng bà Mận lấy tính mạng mình ra đe doạ thị. Cuối cùng, thị vẫn gả cho một anh người làm ở làng bên.
Cậu cả nhà Phan sau đêm ấy bị bức đến điên loạn. Suốt ngày lang thang nơi đầu đường xó chợ. Ông bá từ đó cũng trở lên hồ đồ.
Tâm trí ông đã hình thành lên một chấp niệm "môn đăng hộ đối". Ông thay đổi suy nghĩ nhanh chóng mặt. Có cậu ấm nhà quan huyện ăn chơi có tiếng, xuống hỏi cưới Phan Tư Mẫn. Ấy vậy mà ông lại đồng ý.
"Thầy.... thầy... đừng mà! Con phải đợi Trọng, thầy hứa với con rồi mà! Đừng mà!"
"Con à, thầy chỉ vì lo cho con thôi."
Nói rồi, ông bá lấy con dao kề vào cổ mình.
"Con nghe lời thầy lần này được không? Coi như thầy xin con."
Trước là chữ hiếu, sau mới là tình.
Phan Tư Mẫn nức nở gật đầu. Thầy nuôi nàng, yêu thương nàng. Chỉ trách thân phận khác biệt, hữu duyên vô phận.
Ông bá từng có tiếng nhất vùng, giờ đã đi vào dĩ vàng. Người người nhà nhà trong thôn, nô nức ra đầu làng chào đón tân Trạng Nguyên. Trần Trọng áo gấm trở về, vì nàng, chàng đã làm được.
Trời phụ lòng người... khi quay về, thị Thơm tay dắt hai đứa con đứng trước mặt chàng nói: "Cô hai một năm trước, đã nhảy xuống giếng chết rồi."
Tên công tử kia lấy được Phan Tư Mẫn về vẫn chơi bời lêu lỏng. Thường xuyên đem mấy ả đào về mua vui. Do không chịu được, lại bị sảy thai ba lần liên tiếp.
"Vậy à..."
Thị Thơm không nghe được chút bi thương trong câu nói của chàng. Vô cảm, cực kì vô cảm. Trần Trọng lững thững đi đến bờ sông, nơi mà hai người họ hay ra đây tám chuyện. Đứng một hồi lâu, bờ vai không nhịn nổi mà run rẩy dữ dội.
"Mẫn bỏ Trọng rồi sao?"
Rất lâu về sau, người trong thông truyền tai nhau câu chuyện về chàng Trạng Nguyên cả đời không lấy vợ.
Có người nói chàng từng có mối tình đẹp như mơ với tiểu thư nhà phú hộ nào đó, cũng có kẻ đồn chàng mắc bệnh kín không thể thành gia lập thất.
Đám trẻ con trong làng, cứ chiều chiều lại ra bờ sông thả diều, ngày nào cũng thấy quan Trạng đứng đó, dù nắng hay mưa, chàng vẫn nhìn về nơi xa xăm như đang chờ đợi ai đó.