Bùi Gia Tu đứng dưới tầng trệt của đài phát thanh, gió tháng một rét căm căm lướt qua mặt anh, mang tới cảm giác ngột ngạt. Dường như anh đang quay về với những ngày đông tháng giá của New York, anh dành cả ngày trong thư viện, cho tới lúc đóng cửa mới nhận ra mặt đường loang loáng nước mưa tự bao giờ. Mưa tạnh, anh kéo cao cổ áo khoác, xách cặp giấy tờ đạp nước mưa đi về hướng nhà trọ. Kỳ nghỉ hè sau đó, anh cố gắng tìm một công việc gần thư viên, rồi thường xuyên trốn ra thư viện trong giờ làm việc, để tránh ông chủ biết, anh quẳng áo khoác lại chỗ làm, làm như anh chỉ bỏ ra ngoài một lúc. Thế nên thứ gió rét này chẳng thấm thía vào đâu so với anh.
Dáng người thẳng tắp của anh trở nên ngộ nghĩnh và mới lạ so với đám đông so vai rụt cổ. Anh chìa tay lấy di động ra xem, để chắc chắn mình không bỏ lỡ cuộc gọi nào, rồi lại lặng lẽ đợi chờ.
Anh thấy nghi ngờ, rõ ràng tầm trưa nói với anh buổi tối rất bận, thế mà đến chiều đã gọi điện đề nghị gặp mặt do có việc gấp, chắc con gái thường vậy, mọi phút mọi giây đều tiềm tàng khả năng vô hạn.
Dạo gần đây khi về nhà, anh thường có cảm giác bơ vơ là lạ khôn tả. Anh lẻ bóng đã mười mấy năm, sống một mình thành quen mất rồi. Lắm khi ghé nhà anh trai, thấy cháu trai cháu gái nô đùa ầm ĩ, anh cũng thấy vui nhưng bảo anh sống chung với hai đứa nó, anh chỉ muốn khước từ. Tối qua nằm trên giường, bỗng dưng anh có một mong ước, ước gì ai đó xuất hiện trước mặt anh, bất kể là vui vẻ hạnh phúc hay buồn bực khổ đau, sự xuất hiện của cô khiến anh ngập tràn hạnh phúc.
Đó là tình yêu chăng? Nếu phải, vậy cũng hơi muộn nhỉ, muộn đến nỗi anh có cảm giác tình yêu vất vả ghê. Hay người già thường thế?
Nhưng cô bé ấy, dáng vẻ bỏ chạy của cô luôn khiến cơn bực dọc trong anh bùng phát rất nhanh. Anh toan túm lấy cô, cảnh cáo cô đừng có mà làm ngơ; đừng có làm bộ cắm cúi đi lướt qua anh; đừng có mà cau mày bởi những thứ ngổn ngang trong lòng; cũng đừng nghĩ cách vùng khỏi anh. Thực lòng anh rất muốn hỏi cô, rốt cuộc mối quan hệ này là thế nào với cô, thế mà lần nào cũng như lần nào, lời dâng lên tới môi, anh lại như mắc phải xương cá, nhả không xong mà nuốt thì không đặng.
Nghĩ tới đó, anh liền thấy bất lực, hình như nhiều năm lắm rồi anh không biết tới thứ cảm giác này, thậm chí, đã quên đi phần nào. Thế mà vào những ngày đông rét buốt của năm 2000, một cô bé con lại khiến anh nếm trải mùi vị của thất bại.
Cái tên “anh già” là cách cô thường gọi anh, biết đâu đối với cô mà nói, anh có hơi già thật. Cơ mà những lúc ở bên nhau, anh cảm nhận được rất nhiều háo hức phấn khởi, chính là thứ cảm xúc tuổi đôi mươi chưa từng trải nghiệm, nay đã tìm thấy nơi cô.
Trước mặt cô, đôi khi anh tỏ ra trịch thượng, bởi anh xuất sắc, tài năng, có năng lực và sõi đời. Thế mà thi thoảng cũng tự ti lắm thay, bởi tuổi anh đâu còn trẻ nữa, cuộc sống của anh trầm lặng có quy củ đàng hoàng, anh là người đàn ông trung niên cơ mà. Còn cô, sự trẻ trung khiến anh chói mắt, cô hồn nhiên, ngay thẳng, luôn giương cao chính nghĩa, đầy sức sống, dù đôi khi rất bướng, nhưng mà bướng một cách đáng yêu.
Cái anh lo là, một ngày nào đó, thứ hào quang được tình yêu thắp lên trong anh sẽ tắt lịm, anh sẽ quay về với vẻ trầm mặc vốn có, liệu cô có chấp nhận nổi cuộc sống đó không? Lúc ấy, có lẽ anh đã là người đàn ông trung niên đúng chuẩn; còn cô, cô sẽ là người phụ nữ trưởng thành ở độ vừa chín. Lúc ấy, giá trị quan và thế giới quan của cô đã hoàn thiện, liệu cô có cho rằng bản thân mình chính là người mà cô muốn, cuộc sống kia chính là thứ mà cô mong đợi?
Ôi anh không trả lời được…
Anh rút điện thoại ra xem lần nữa, ngẩng lên thấy bóng dáng bé nhỏ từ chốn xa chạy lại, dù không nhìn rõ biểu cảm trên mặt cô, song anh vẫn rảo bước tiến tới, bởi anh chợt nhận ra nét mệt mỏi trong cô.
- Sao thế?
Cô giật mình ngẩng lên nhìn anh bằng ánh mắt trống rỗng. Cô không nói, chỉ lắc đầu nguầy nguậy.
Anh chau mày nhìn cô đầy lo lắng, tự nhiên lòng thấy xót xa.
- Về nhà anh trước đã, được không?
Biểu cảm của cô chực như sắp khóc.
Anh dìu cô lên taxi, dọc đường thấy cô im ỉm không hé môi lấy nửa lời, anh cũng căng thẳng hơn hẳn, chỉ lo lát nữa cô sẽ thông báo một tin vô cùng tệ hại. Anh siết chặt bàn tay lạnh ngắt của Thư Lộ, để chứng minh cô ấy vẫn ở ngay cạnh bên. Giá như có thể, anh ước giây phút này kéo dài đến vô tận, cứ nắm cho tới khi bàn tay ấy ấm lên…
- Hình như…
-?
- Em có… có em bé rồi.
Mắt Thư Lộ mở tròn xoe, dường như đến chính cô cũng không tin nổi.
- … – Gia Tu kinh ngạc nhìn cô, qua một lúc mới thốt lên: – Hay quá.
- Cái… cái gì hay quá.
- Ý tôi là…
Lần đầu tiên trong cuộc đời, đứng trước mặt cô mà anh không thốt nổi nên lời, tuồng như không từ ngữ nào có thể bày tỏ được cảm xúc của anh:
- Tuyệt vời, rất tuyệt… chúng ta lấy nhau nhé.
- Anh… – Thư Lộ trợn mắt lớn hơn: – Anh đùa cái gì thế! Anh bị điên à?
Gia Tu thật sự không biết nên cười hay khóc nữa, bình thường khi người đàn ông nói vậy, chẳng phải người con gái sẽ mừng cuống cả lên đó ư? Thế mà cô bé con này lại mắng anh điên…
- Em muốn bỏ đứa nhỏ à? – Anh đanh mặt nhìn cô, ánh mắt nguội lạnh. Không đợi cô đáp, anh đã khẳng định chắc nịch: – Tuyệt đối không được!
- … – Thư Lộ cứng họng, nhìn anh sửng sốt.
- Lát nữa tôi đưa em về.
- Anh làm gì…
Dường như cô vẫn chưa lấy lại tinh thần sau cú shock.
- Về việc chúng ta kết hôn, tôi mong nhận được sự đồng ý của ba mẹ em.
- … Anh không định làm thật đấy chứ.
Cô nhìn anh bằng vẻ mặt ngô nghê, nom đáng yêu vô cùng. Gia Tu muốn bật cười, nhưng bụng bảo dạ: đang thảo luận vấn đề nghiêm túc đó nhé, mình mà cười vào lúc này, thể nào cô bé cũng tưởng mình đùa cho coi.
Tin tức này đối với anh mà nói đúng là động trời, nhưng rất nhanh anh đã nghĩ, thực ra chuyện vẫn có thể chấp nhận được cơ mà. Phản ứng đầu tiên của anh là, anh muốn hai người sẽ cùng nhau nuôi nấng đứa nhỏ, vậy thì kết hôn là bắt buộc rồi. Thậm chí thảng thốt ban đầu đã vỡ òa thành niềm vui, bởi anh hồ hởi nhận ra, mình sắp có một gia đình hạnh phúc đích thực như một lẽ bình thường.
- Mọi việc quyết vậy nhé.
Anh chốt hạ bằng giọng điệu quen thuộc thường thấy trong phiên họp thường kỳ ở ngân hàng, không màng đếm xỉa tới vẻ chết trân của Thư Lộ.
Đưa nhóc con ủ rũ như gà rù về nhà xong, Gia Tu liền về nhà đi ngủ. Những chơi vơi, bực bội, khó chịu không tên trong vòng một tháng trước đều bốc hơi sạch sẽ, bỗng đâu thế giới này lại quay về trong tầm tay anh. Hoặc có khi chính Thư Lộ đã quay về với vòng tay anh.
Thậm chí trong lòng anh thầm mường tượng ra cá tính, tướng mạo, giới tính của đứa bé. Tới khi ngoảnh đầu nhìn lại, chính anh cũng giật mình, khát vọng về một gia đình từ lúc nào đã có trong anh? Từng chứng kiến biết bao mối quan hệ đổ vỡ và cả cuộc sống hậu hôn nhân thiếu niềm vui, cứ tưởng trái tim mình đã già cỗi không còn đủ sức để phát ra tín hiệu về “tình yêu”. Khi mà hồi ức về tình yêu trở nên mờ nhạt trong anh, thì cô lại mang đến cho trái tim cằn cỗi này những nhịp đập chộn rộn kì diệu.
Anh thiếp trôi vào giấc ngủ rất nhanh, thậm chí còn đánh một giấc ngon lành tính trong vòng một tháng trở lại đây.
Hôm sau, lúc gặp Thư Lộ, quầng thâm quanh mắt cô có vẻ nghiêm trọng hơn.
- Buổi tối nhớ ngủ đủ giấc. – Anh xót xa muốn xoa má cô, song đành nén xuống.
- Anh bảo em ngủ kiểu gì…
Cô mút nước hoa quả trong cốc thuỷ tinh, mặt tỏ vẻ bất lực.
- Chuyện hôm qua tôi nói, em thấy thế nào?
- …
Cô ngẩng phắt đầu nhìn anh, điệu bộ giống một em học sinh lưu ban nghe nói mình được phép thi lại:
- Nếu em nói, em không muốn kết hôn, anh có đồng ý không?
- Không. – Anh lạnh lùng cự tuyệt.
- … Vậy nếu em nói, em không muốn sinh con?
- Cũng không.
- Vậy em có quyền chọn lựa gì ở đây?
Cô gắt lên, khách khứa mấy bàn xung quanh trong nhà hàng đồng loạt đổ dồn ánh mắt về phía họ.
- Có. Em được phép chọn lựa thời gian nói chuyện với ba mẹ, chọn thời gian tổ chức hôn lễ. Em có thể chọn kiểu nhẫn và mẫu váy cưới, chọn nơi tổ chức và khách mời. Em được quyền quyết định tên đứa nhỏ và xem xét mình có nên đi làm trong thời kỳ bầu bì hay không.
Anh ngưng một lúc, đoạn nhìn cô:
- Em có rất nhiều quyền chọn lựa, trừ hai việc trên.
- Bây giờ em mới được biết anh là kẻ độc tài chuyên chế đấy. – Cô lí nhí nói trong miệng.
- Kể từ hôm nay em sẽ còn phát hiện ra rất nhiều truyện mà trước đây em không biết. – Anh tủm tỉm nói.
Thư Lộ gườm gườm nhìn anh. Còn anh, chẳng khó để anh nhận ra cơn giận dữ của cô. Nhưng anh vẫn thắc mắc, nhẽ nào cô không muốn lấy anh? Cô không muốn đứa trẻ này ư?
Bởi cô còn trẻ, hay bởi cô chưa sẵn sàng làm mẹ, hay… hay bởi cô chưa từng nghĩ đến việc làm mẹ của con anh?
Anh bối rối nhận ra, mình không biết phải nói thế nào, không biết phải bày tỏ tình cảm ra sao, thậm chí anh còn không thể mở miệng hỏi cô ấy có yêu mình không… Có lẽ, đối với người đàn ông đã bước qua cột mốc ba mươi, thừa nhận tình cảm là việc khó hơn lên trời, chẳng khác nào trần truồng đứng giữa đường giữa xá. Ba mươi lăm năm cuộc đời, anh đã quen làm một kẻ cẩn trọng, bảo thủ, mọi việc anh làm đều có quy luật và nguyên tắc của nó, bên cạnh đó, anh luôn quan niệm những việc mình làm là đúng. Nhưng Tào Thư Lộ lại luôn phá vỡ mọi nguyên tắc của anh. Anh miệt mài muốn thay đổi cô, song không ngờ người thay đổi lại là mình.
Mỗi lần sum họp gia đình, chị Cả thường nhắc đến chuyện hôn nhân đại sự của anh. Cả nhà sốt ruột lắm rồi, thằng con lớn nhà chị Cả năm nay vừa tốt nghiệp cử nhân, hai đứa nhà anh trai rục rịch ôn thi đại học. Chỉ có anh, hằng ngày lẻ loi đưa bước trên đường về, dường như cuộc sống độc thân đã thành lề lối, cứ thế mà đi thôi. Song có một lần, bà nội chín mươi mấy tuổi nhà anh bỗng cười nắc nẻ nói một câu đặc sệt khẩu âm Ninh Ba ngàn năm khó đổi:
- Rồi Gia Tu sẽ đợi được, rồi sẽ đợi được.
Nói xong câu đó, hôm sau, bà nội liền về với tổ tông ngay bên lò sưởi của phòng khách, nụ cười mủm mỉm vẫn đọng trên môi. Chính vào giây phút đó, lần đầu tiên anh cân nhắc một cách nghiêm túc về hôn nhân và gia đình.
Anh từng có mấy cô bạn gái, nhưng ấn tượng nhất là mối tình năm mười sáu tuổi, với Tâm Nghi, con gái chú Điền sống lầu trên.
Tâm Nghi lớn hơn anh ba tuổi, khi anh mới chỉ là một thằng nhóc lớp mười mặt non choẹt, thì chị đã là sinh viên đại học, không những cùng trường mà còn chung khoa với ông anh Gia Thần. Hai người chỉ được gặp nhau vào dịp cuối tuần, những hôm thứ Sáu anh luôn bồn chồn bất an một cách khó hiểu, rồi anh bắt đầu chú ý tới dáng vẻ của mình, sau đó thường xuyên bần thần ngẩn ngơ, hễ rảnh rỗi là trong đầu lại lẩm nhẩm những câu chuyện Tâm Nghi từng kể, biểu cảm của chị, nụ cười của chị… và anh sẽ vui, sẽ buồn, sẽ thấp thỏm, cả những nhớ nhung.
Trước đó anh chưa từng nếm mùi tình yêu, đồng thời cũng không tin vào tình yêu. Một học sinh gương mẫu luôn đứng đầu bảng từ hồi nhà trẻ như anh, bỗng trở nên ngỗ ngược vào năm lớp mười. Anh trốn học tới trường thăm chị, thành tích thi cử không còn là mục tiêu phấn đấu của anh nữa, thay vào đó là nụ cười của Tâm Nghi đã chiến hữu tất cả. Những lúc Tâm Nghi trống tiết, hai người thường tới công viên Cẩm Giang, hoặc bẽn lẽn ôm nhau trong vườn hoa vắng người vào buổi tối. Những lúc ở bên nhau, anh thấy mình không còn là cậu học trò “ba tốt”[1] ngoan ngoãn thật thà nữa, anh như biến thành chú mèo máy Đôrêmon bay liệng tự do giữa không trung.
Để anh vui vẻ cực dễ, chỉ cần nghĩ tới Tâm Nghi, và thế là lòng anh sẽ ngập tràn hạnh phúc. Cho tới một buổi tối Chủ nhật, Tâm Nghi nói với anh rằng, chị ấy đã phải lòng Gia Thần.
Bấy giờ anh mới vỡ lẽ, vì sao số lần hẹn hò dạo gần đầy ít ỏi đến đáng sợ. Gia Thần cũng hiếm khi về nhà, lần nào về cũng đắn đo như có lời muốn nói, chưa kể ông anh còn tìm đủ mọi cách để lấy lòng cậu em.
Không để anh kịp hoàn hồn thì một chuyện động trời đã xảy ra, Tâm Nghi có thai! Chú Điền nổi giận đùng đùng đuổi chị ra đường, Gia Thần đến tạ lỗi đồng thời cương quyết nói, anh ấy sẽ dẫn Thư Nghi bỏ đi. Mối tình đổ vỡ của Gia Tu trở thành màn dạo đầu ột vở kịch ái tình, nhiều năm sau khi nhớ lại, anh mới kinh ngạc nhận ra một điều hết sức nực cười, anh cũng là nam nhân vật chính trong phim Quỳnh Dao chứ chẳng đùa, có điều anh sắm vai nam chính hai đáng thương mà thôi.
Sau cùng, Gia Thần và Tâm Nghĩ vẫn đi tới hôn nhân, Thư Nghi nghỉ học sinh con, bão tố đã lặng gió tại đó. Gia Tu lại quay về với nếp sống gương mẫu trước kia, anh không kêu gào khóc lóc như những gã nam chính hai trong truyện Quỳnh Dao, cũng không lập kế hoạch chia rẽ bọn họ. Anh bình tĩnh chấp nhận mọi chuyện, bình tĩnh chấp nhận cuộc sống khiến anh tê liệt, như thể sóng gió chưa từng về quanh đây. Ngoại trừ một lần, nhìn bóng lưng anh miệt mài đèn sách, mẹ khẽ nói:
- Mẹ biết con không trách cứ Gia Thần và Tâm Nghi, song nếu con cảm thấy khó chịu, thì cũng đừng dồn nén trong lòng.
Đêm ấy, anh khoá trái cửa, lặng lẽ buông xuôi dòng nước mắt. Nhiều năm sau, anh không còn nhớ nổi tình trạng lúc đó của mình như thế nào nữa. Nhưng anh nhớ rõ, kể từ ngày đó anh đã hạ quyết tâm phải quên đi vết thương mang tên mối tình đầu này, để bắt đầu một cuộc đời mới.
Quả thực anh không oán giận Gia Thần và Tâm Nghi, có điều, kể từ đó về sau, càng ngày anh càng nề nếp, khuôn phép hơn. Qua bên Mỹ, anh cũng từng vắt vai đôi ba mối tình, song trái tim anh chưa một lần ấm lên. Lần nào chia tay họ cũng bày tỏ nỗi thất vọng về anh, anh chỉ biết cười trừ áy náy, đến bản thân anh còn chán chính mình nữa là…
Điều đáng tiếc nhất là, mười năm sau đó Gia Thần và Tâm Nghi đã đường ai nấy đi, họ không phải cặp đôi nam nữ chính, vượt qua mọi giông tố để được yêu, được nắm lấy tay nhau đi hết cuộc đời như trong kịch Quỳnh Dao. Chính điều đó đã khiến nỗi thất vọng về tình yêu và hôn nhân của Gia Tu càng thêm nặng nề, thì ra hai người chẳng bao giờ có được cái kết mỹ mãn như trong cổ tích, bất kể anh tận lực tác thành thế nào.
Rất nhiều năm sau đó, đã mấy lần anh nghĩ, nếu năm xưa Tâm Nghi không yêu Gia Thần, nếu người Tâm Nghi lấy là mình, vậy cuộc đời anh phải chăng sẽ khác đi. Nhưng sau lần quay về gặp Tâm Nghi, cuối cùng anh đã nghiệm ra, người trao anh hạnh phúc trong quá khứ đã không còn nữa rồi; dẫu có bao nhiêu cái “nếu như” cũng chẳng thể nào mang niềm hạnh phúc về với anh, huống hồ cuộc đời không hề có “nếu như”.
Thế mà vào lúc này đây, người phụ nữ thứ hai khiến anh ngập tràn trong hạnh phúc đang ngồi trước mặt anh. Dẫu mười mấy năm qua, khả năng tiếp đãi phụ nữ của anh chẳng tiến bộ tẹo nào, và anh cũng không hiểu phụ nữ cho lắm, song anh thầm tự nhủ, nhất định phải giữ lấy cô ấy, phải giữ lấy niềm hạnh phúc hiếm hoi này.
Hết giờ làm việc ngày thứ Sáu, Gia Tu hẹn Tôn Kiến Thiết – chồng Thư Linh. Hai người là bạn học ở Princeton, từng là làm chung với nhau bên New York một thời gian sau tốt nghiệp.
- Có chuyện gì mà gọi tôi ra đây bằng được thế.
Tôn Kiết Thiết chào đời tại Manhattan, học tại Bắc Kinh trước khi lên đại học. Sau khi kết hôn với Thư Linh, anh về Thượng Hải an cư lập nghiệp. Mọi thứ không có gì phải phàn nàn, trừ việc người ta thường xuyên lôi cái tên quê mùa của anh ra làm trò cười, khiến anh vô cùng khó chịu.
- Giúp tôi mua đồ. – Gia Tu căng thẳng nói.
Kiến Thiết đặt chiếc áo dạ trên tay xuống, vắt đại lên thành ghế bên cạnh.
- Mua gì?
- Nhẫn.
- Nhẫn gì? – Bấy giờ Kiến Thiết mới nhìn chằm chằm Gia Tu.
- … Nhẫn cưới?
- Ai cưới? – Kiến Thiết trợn ngược mắt.
- Tôi.
Tôn Kiến Thiết là người chất phác, vui buồn đều tỏ lộ trên mặt, nhưng chưa bao giờ Gia Tu thấy ở cậu ta đeo vẻ mặt kinh ngạc khó diễn tả bằng lời như lúc này, khiến anh không khỏi bật cười:
- Ngạc nhiên lắm à?
- Đâu chỉ ngạc nhiên. – Ông bạn già vỗ bàn, tách cà phê trước mặt Gia Tu bắn vấy ra bàn: – Đúng là sét đánh ngang tai.
Gia Tu nhoẻn miệng cười, không đáp.
- Forgive me, tôi học tự nhiên, không giỏi văn vẻ, hình như tôi diễn không chuẩn lắm thì phải, nhưng chắc ông cũng hiểu tôi ngạc nhiên thế nào rồi chứ. – Ngừng một lúc, đoạn Kiến Thiết tiếp lời: – Biểu hiện của tôi kinh hoàng lắm hả?
- Sure.
Gia Tu khoanh tay, mỉm cười nhìn lão bạn.
- Ông không biết chứ. – Kiến Thiết dùng tay ra hiệu: – Lần đầu tiên gặp ông ở văn phòng của hội sinh viên, tôi đã coi ông là kình địch một sống một còn, nhưng sau này tôi mới nhận ra, ông không thích phụ nữ cho lắm, nên tôi tự thấy thoải mái hơn một tẹo.
- …
- Thực ra hồi đó tôi cũng từng thắc mắc, hay ông bị… – Ông bạn bĩu môi, làm vẻ mặt châm biếm kiểu Mỹ, rồi vồn vã bổ sung thêm: – Dĩ nhiên, sau này tôi mới phát hiện ra, ông không phải vậy.
- Ông phát hiện kiểu gì?
Gia Tu thắc mắc nhìn lão bạn.
- À… – Kiến Thiết ngượng nghịu, nhìn lảng ra chỗ khác, miệng lí nhí nói: – Có lần tôi vất quần xì của mình lên giường ông, ông vừa thấy đã hất văng đi, nên tôi rút ra kết luận: ông không thích con trai.
Gia Tu nhún vai, thực ra anh chẳng ấn tượng gì về chuyện này.
- Thôi được rồi, này Harry. – Kiến Thiết bỗng nghiêm mặt nhìn anh: – Em nào… có phước lấy được ông thế?
Lúc câu “có phước” buột ra khỏi miệng, Kiến Thiết hơi ngập ngừng một tẹo, sau rồi bù đắp thêm một nụ cười chúm chím lấy duyên.
Gia Tu không trả lời, mà gọi phục vụ tính tiền. Áo khoác của anh vắt thẳng thớm trên lưng ghế, chỗ dính cà phê đã được anh dùng giấy lụa xử lý sạch sẽ.
Anh thích cái cảm giác nắm giữ mọi thứ trong tay, nhưng cứ gặp Thư Lộ là anh lại mất tự tin.
Chiều thứ Bảy, Gia Tu hẹn Thư Lộ đến nhà. Mấy ngày qua, hình như cô hơi có thành kiến với anh, thông minh cỡ anh mà không tài nào hiểu nối, cô nhóc hai tư tuổi này rốt cuộc đang nghĩ những gì.
Anh bật lò sưởi từ sớm, để cô bước vào sẽ không thấy lạnh. Chẳng hiểu cớ làm sao anh lại thấy căng thẳng, món đồ hôm qua chọn mua với Kiến Thiết, anh đặt ở góc sô pha.
Chuông cửa reo vang, anh liền hớt hải ra mở. Thư Lộ mặc áo phao dầy cộm đứng bần thần ngoài cửa, bờ môi mím chặt, nom căng thẳng chẳng kém. Cô khác hẳn những người con gái anh từng gặp, cô không có vẻ bề ngoài rực rỡ diễm lệ, song ma xui quỷ khiến thế nào mà anh không dứt mắt ra được.
- Vào đi.
Anh dắt cô vào nhà, rồi xuống bếp pha cà phê, đồng thời lẩm nhẩm trong dạ những lời đã nghĩ cả tối.
- Em.. em có chuyện muốn nói. – Thư Lộ bất ngờ lên tiếng.
-?
- Em… – Cô nhìn anh, đắn đo lưỡng lự: – Em không muốn sinh con, không muốn kết hôn.
- … Lý do?
Chiếc muỗng trên tay Gia Tu bỗng run lên.
- Em không biết nên giải thích thế nào để anh hiểu nhưng em biết, từ ngày anh nói chuyện kết hôn với em, hôm nào em cũng thấy sợ hãi, em sợ thật đấy.
Cô nghẹn ngào nói, như một người vội vã trút bỏ tâm sự:
- Tối nào em cũng mất ngủ, em không biết tương lai mình lấy anh sẽ thế nào, chúng ta… chúng ta quá khác biệt.
- …
Anh lặng lẽ nghiền ngẫm lời cô nói.
- Anh là người… người thông minh và rất tài giỏi. Còn em chỉ là cô sinh viên vừa tốt nghiệp cử nhân, so với anh, em chẳng khác nào đứa nhi đồng. Bản thân em chỉ giỏi khôn vặt mà thôi, em cũng không xinh đẹp gì cho cam, thậm chí em không có nổi một chiếc áo khoác của Channel, cũng chẳng biết Greenpan[2] là ai, lắm lúc em quen thói ỷ lại vào anh… nhưng, em là người có suy nghĩ độc lập! Thi thoảng đến chính em cũng không rõ mình muốn gì, nhưng em biết chắc chắn rằng, nếu không có tình yêu, vậy em không thể lấy anh được, không thể vì đứa nhỏ mà lấy anh được!
Câu sau cùng cô nói trong hoảng loạn, nhưng nói xong, cô lại có cảm giác như được giải thoát.
- …
Gia Tu nhìn cô, không hé môi nửa lời, “nhi đồng” cũng biết chống đối rồi đấy.
- Em… em không biết có anh hiểu không? – Thấy anh im lìm như hóa đá, cô đâm cuống: – Em không thể kết hôn vì mang thai ngoài ý muốn, hôn nhân không thể thiếu tình yêu…
- … Làm sao có thể thiếu tình yêu được
Mãi rồi anh mới lên tiếng.
- Làm sao mà có chứ… – Cô trợn mắt nhìn anh đầy bất ngờ.
- Làm sao có thể thiếu tình yêu được.
Anh lập lại lời mình, đoạn bước tới, hôn ngấu nghiến bờ môi cô.
Nếu không yêu, anh đã chẳng tới thư viện đều đặn hàng tuần cốt đợi cô; nếu không yêu, anh đã chẳng cồn cào ruột gan khi cô khóc; đã chẳng mượn rượu lên giường với cô; đã chẳng đố kỵ cái gã trước kia khiến cô một mực nhớ nhung … nếu không yêu, chẳng đời nào anh đề nghị cưới cô!
Lòng hoài nghi, nỗi ấm ức, và cả sự tức giận trong cô đang dần dịu xuống, anh có thể cảm nhận được. Nếu lý do cực tuyệt của cô chỉ vỏn vẹn chữ “yêu”, vậy cuối cùng anh cũng được thở phào…
- Anh thật… – Thư Lộ bất ngờ đẩy anh ra, ngây ngô hỏi: – … Thật sự yêu em ư?
Gia Tu mỉm cười nhìn cô, phớt nhẹ nụ hôn lên trán, đoạn ôm cô vào lòng:
- Em nói xem?
Thế mà chẳng ai nói năng gì, chỉ lặng lẽ cảm nhận hơi thở lứa đôi trong vòng ôm siết chặt.
Gia Tu đặt chiếc hộp nhung đen đã chuẩn bị sẵn vào tay Thư Lộ. Thấy ánh mắt nửa kinh ngạc nửa mừng vui của cô, lòng bỗng manh nha cảm giác, biết đâu mình sẽ có được những gì bản thân khát khao.
Song Gia Tu không hề biết rằng, rất nhiều năm sau này, Thư Lộ mới nhận ra, đây là lời bày tỏ thẳng thắn nhất của anh.
Gia Tu ngồi xuống bên bàn ăn, tiện tay bật đèn đoạn hỏi.
- Mai anh ghé nhà em được không?
Bầu trời mùa đông sập tối rất nhanh. Tầm chiều, nhân lúc Thư Lộ đang ngủ trưa, anh ra chợ mua mấy thứ nguyên vật liệu để chế biến món tủ. Khi bưng mấy món ăn bốc khói nghi ngút lên bàn, một cảm giác là lạ nhen nhóm trong anh, cứ như thể hai người đã sống chung nhiều năm lắm rồi vậy.
- Làm gì ạ? – Thư Lộ trợn tròn mắt, miệng cắn đũa.
- Nói chuyện với ba mẹ em.
- …
Biểu cảm của cô chẳng khác nào đứa học sinh cá biệt nghe tin thầy giáo sắp tới nhà gặp phụ huynh.
- Ngày mốt ba mẹ anh và chị gái về đây, ra Giêng, anh muốn hai gia đình sắp xếp gặp mặt.
- …
Bỗng Gia Tu nắm chặt tay Thư Lộ:
- Em sợ à?
Anh không rõ cô ấy có hiểu câu hỏi của mình hay không, nhưng khuôn mặt non nớt của cô lại tỏ ra kiên định:
- Sợ, nhưng em biết đó là việc nhất thiết phải làm.
Giây phút này, chính cô khiến trái tim anh xốn xang rung động. Anh nghe mắt mình có mùi ẩm ướt, bèn đứng dậy đi vào bếp, vờ như có đồ cần lấy, tránh để cô nhìn thấy. Nhiều khi cô quen thói dựa dẫm vào anh, hoặc đúng như cô ấy nói, cô ấy không sắc nước hương trời, chỉ giỏi khôn vặt, không khoác lên mình những bộ cánh đắt tiền, cũng chẳng biết chủ tịch Fed[3] là thần thánh phương nào. Vậy mà con người bé nhỏ ấy luôn giữ vững niềm tin, một khi đã chắc dạ vào điều mình làm, tất sẽ theo tới cùng.
- Nhưng có chuyện này, anh phải nhớ hộ em. – Thư Lộ co chân ngồi lên ghế sô pha: – Tuyệt đối không được nói với ba em việc em mang thai, bằng không…
- Ờ…
Gia Tu nhìn cái tủ lạnh trống rỗng, chẳng hiểu mình phải lấy gì. Có điều, trong anh đang âm ỉ vui sướng, cảm xúc na ná cái thời kỳ mười sáu tuổi lần đầu biết yêu, dường như cuộc đời anh đã bắt đầu sang trang từ đây.
Đưa Thư Lộ về nhà xong, tiện đường Gia Tu tạt qua thăm hai đứa cháu, bất ngờ ở chỗ Gia Thần cũng đang ở nhà.
- Hai đứa con đi coi phim đây!
Nhã Văn hớn hở múa máy chân tay nhảy ra khỏi cửa, theo sau là Nhã Quân đang mải mốt quấn khăn, đeo găng tay, như thể bên ngoài rét mướt cắt da cắt thịt không bằng.
- Muộn thế này rồi…
Gia Tu ra chiều khó hiểu, nhìn theo hai đứa nhỏ khuất sau cánh cửa.
Gia Thần rót tách trà nóng, đoạn nói:
- Nghe đâu là giải trí thông đêm, dù sao rạp phim cũng ở ngay đây, chắc chẳng sao đâu.
- Con cái đang học cấp ba mà anh cũng thoáng tính nhỉ. – Gia Tu đưa ra kết luận.
Gia Thần bưng tách trà ra ghế ngồi, cười nói:
- Anh cứ tưởng mình là người cha tắc trách chứ.
Gia Tu cởi áo khoác ngoài, ngồi xuống đầu bên kia của ghế sô pha, tạm thời không thể cụng tách trà mà lão anh vừa pha hộ:
- Chí ít anh cũng thương bọn trẻ.
Gia Thần không đáp, mỗi lần nói chuyện giữa hai người thường xuyên xuất hiện khoảng lặng, song không hề khiến người ta phải bối rối sượng sùng, riết rồi cũng quen.
- Chú vẫn giận Tâm Nghi à? – Đột nhiên Gia Thần lên tiếng hỏi.
Gia Tu cười tỉnh rụi:
- Giận gì? Giận chị ấy lấy anh à?
- Dĩ nhiên là không.
-?
- Giận cô ấy vứt lại hai đứa trẻ.
Gia Tu ngẫm một lúc mới trả
lời:
- Hơi hơi. Nhưng đó là chuyện của hai người, em không có quyền trách cứ ai cả.
- Cô ấy… lần trước về đây tìm chú phải không?
- Vâng.
Gia Tu lấy làm lạ, làm sao lão anh lại biết nhỉ. Song anh vẫn gật đầu thản nhiên, do ngay từ đâu anh không định bụng giấu giếm chuyện này.:
- Bọn em tới Starbuck uống cốc cà phê.
- Cô ấy vẫn ổn chứ?
- Không đến nỗi.
Bầu không khí im lặng lượn lờ chen giữa hai người, song không hề tẻ ngắt. Có thể họ đang cân nhắc, mà cũng có thể là không.
Qua một lúc, Gia Tu nhanh chóng cất lời phá tan bầu không khí im lặng giữa hai người:
- Em muốn… lấy vợ.
Gia Thần há hốc mồm nhìn cậu em, nói chẳng nên câu:
- Ngạc nhiên lắm à?
- Không… không… hề.
Gia Tu cười thầm trong bụng, lần nào nói dối, lão anh cũng lắp bắp như gà mắc tóc.
- Là cô bé đó à?
- À vầng.
Gia Tu gật đầu mà chẳng hề nhận ra vẻ dương dương tự đắc đang hiện sờ sờ trên mặt.
- Tuy có hơi đột ngột nhưng mà… – Gia Thần vỗ vai cậu em: – Chúc mừng chú! Hẳn ba mẹ sẽ mừng lắm, thằng lông bông như chú rốt cuộc cũng có người muốn lấy.
Gia Tu nhấc tách trà Gia Thần vừa pha, vị nhạt thếch trôi tuột xuống cổ họng. Mặc dù tình cảm giữa hai anh em lạt lẽo chẳng kém gì tách trà này, song thứ tình cảm đó là bất di bất dịch. Kiến Thiết từng hỏi anh, đã bao giờ hận Gia Thần, dẫu chỉ mảy may chút đỉnh. Anh thành thật trả lời: không hề, vì lão ấy là anh trai tôi mà.
Trưa hôm sau, Gia Tu mang quà tới nhà Thư Lộ. Thư Linh và Kiến Thiết trùng hợp thế nào cũng ở đó. Biết anh ghé nhà chơi, Thư Linh lập tức há hốc mồm, mắt trợn ngược, rặn mãi chẳng ra câu.
Những người khác cũng ngạc nhiên không kém, riêng mình Thư Lộ là đứng ngoài cười ngây ngô một cách bất lực.
- Cậu theo tôi vào đây.
Ông Tào nói với Gia Tu bằng giọng điệu cán bộ lão thành quen thuộc.
Gia Tu nối gót ông cụ bước vào thư phòng, trước khi cánh cửa kịp khép lại, vẫn loáng thoáng nghe thấy Thư Linh và bà Tào cùng lúc hỏi Thư Lộ:
- Thật đó à?!
Ông Tào chắp tay sau lưng, đứng trước cửa sổ. Cửa sổ thư phòng trổ về phía Bắc, lúc này ánh sáng hơi âm u.
- Cậu là bạn học với Thư Linh và Kiến Thiết?
- Vâng ạ.
Gia Tu bấm bụng nghĩ, kể từ đận thi đại học, bây giờ anh mới gặp lại cái cảm giác căng căng thẳng tột độ, đến mức lòng bàn tay rịn đầy mồ hôi kiểu này.
- Thư Lộ nhà tôi tuổi vẫn còn nhỏ.
- Vâng ạ.
- Cậu năm nay bao nhiêu rồi?
- Thưa bác, cháu ba nhăm ạ.
- Ba nhăm… cậu không nghĩ giữa hai đứa có khoảng cách về tư tưởng à?
- Cháu nghĩ… có ạ. – Gia Tu ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt ông cụ: – Nhưng điều đó không hề gây trở ngại cho cuộc hôn nhân của chúng cháu.
Mặt ông Tào vẫn đanh như thép, ông nhướn mày, đoạn quay mặt tránh nhìn Gia Tu. Qua một lúc lâu mới nói:
- Cậu đã cân nhắc kỹ chưa? Tôi tin với… tuổi của cậu, chắc hẳn cậu phải biết rõ kết hôn có ý nghĩa thế nào.
- Vâng, cháu đã nghĩ kỹ rồi ạ.
- …
- …
- Vậy được rồi, nhờ cậu chuyển lời tới ông bà bên đó, hy vọng hai nhà chúng ta có thể gặp nhau ăn bữa cơm.
Thực ra anh đã lên dây cót tinh thần, sẵn sàng chịu ăn mắng, chịu ngờ vực, thậm chí bị từ chối, song không ngờ mọi việc lại suôn sẻ đến vậy. Suýt chút nữa là anh đã phá ra cười, ông cụ nghiêm nghị đứng trước mặt anh lúc này chẳng mấy nữa là bố vợ anh rồi.
Chính lúc đó, bỗng có người gõ cửa, Thư Lộ thò đầu vô, mặt trắng bệch hơn cả mới rồi.
- Con xin phép cắt ngang tí ạ, con có chuyện muốn nói với Gia Tu.
Ông Tào nhìn hai đứa rồi miễn cưỡng khoát tay, cho phép Gia Tu ra ngoài.
- Sao thế?
Gia Tu theo Thư Lộ ra ngoài, nhẹ nhàng khép lại cánh cửa.
- Anh qua đây.
Thư Lộ kéo anh về phòng bình, sập cửa đánh “rầm”.
Mắt cô rưng rưng:
- Em… kinh… kinh nguyệt của em đến rồi.
Gia Tu sững sờ trong chốc lát, chốc sau mới cất tiếng “ừ”.
- Vậy chúng ta khỏi cần lấy nhau nữa rồi! – Cô lí nhí nói.
Giây phút ấy, não anh trống trơn, anh có cảm giác bồng bềnh chơi vơi, mọi thứ tuồng như không phải thật. Khi anh ngỡ tưởng mình đã túm được hạnh phúc thì cô lại lôi tuột anh về thực tại.
- Anh và ba em bàn tới việc đám cưới rồi à? – Cô luống cuống hỏi
- Dĩ nhiên…
- Ôi…
Dáng vẻ tuyệt vọng của cô khiến anh thắt lòng.
- Anh không lấy em vì đứa bé! – Anh cất giọng lạnh lùng: – Bất kể em có thai hay không, hoặc tin hay không thì cũng mặc, anh yêu em nên mới ngỏ lời cầu hôn.
- … – Cô nhìn anh, như thể lấy làm lạ lẫm bởi những lời anh nói.
- Nếu em chịu lấy anh chỉ vì đứa bé. – Anh ngưng một lúc, ra vẻ hạ quyết tâm rồi tiếp lời: – Vậy bây giờ em có đủ thời gian và lý do để căn nhắc lại rồi đấy.
Dứt lời, anh không màng nhìn cô lấy một cái, mà mở cửa bỏ thẳng ra ngoài. Thậm chí Thư Linh và Kiến Thiết đang mải nghe lén bên ngoài cũng không kịp chạy về ghế sô pha, để diễn trò “Ờ bọn này đang xem tivi mà”.
Anh không rõ mình đã chào tạm biệt ba mẹ Thư Lộ ra sao, chỉ láng máng nhớ rằng, lúc ra đến của vẫn nghe Thư Linh thì thào hỏi:
- Chuyện đứa bé là sao?
Nắng đông chan hoà rọi xuống thân anh, song Gia Tu không cảm nhận ra dòng máu đang cuộn chảy trong người. Đã nhiều năm qua, và bây giờ, lại một lần nữa anh nếm mùi thất bại.
Anh muốn về nhà, nhưng thực lòng không chịu nổi cái cảm giác cô đơn ngột ngạt; anh muốn tìm bạn bè uống rượu nhưng thằng bạn chí cốt đang bị phu nhân lẫn nhạc mẫu đại nhân luân phiên oanh tạc ở bên đó; anh muốn gặp cô ấy, nhưng sợ sẽ phải nghe thêm mấy lời “Không muốn kết hôn” phát ra từ miệng cô.
Mười mấy năm qua, trái tim anh luôn bình yên, bây giờ lại bị cô bé con này khuấy đảo cho rối bòng bong.
Rồi chẳng hiểu run rủi thế nào, anh đã đứng trước cửa nhà Gia Thần. Bỗng có người vỗ lưng anh, là Nhã Quân.
- Chú, hôm qua chú không dặn bữa nay học mà.
Gia Tu cười khổ:
- Chú không đến để kèm cặp mấy đứa.
- Ba con không ở nhà.
- …
Anh chẳng biết phải nói gì hơn.
- Chú lên nhà ngồi cái đã, con vừa mua thịt gà luộc này.
Nói rồi Nhã Quân liền đẩy ông chú lên lầu.
Quả nhiên Gia Thần không có ở nhà, căn phòng chìm trong tĩnh mịch, nếu lão ở nhà, tivi phòng khách luôn hoạt động hết công suất. Hồi nhỏ, nhà chỉ có chiếc tivi đen trắng hàng second-hand, năm Gia Tu lên đại học mới đổi sang chiếc tivi màu đầu tiên, chẳng rõ tự bao giờ mà Gia Thần hình thành thói cứ về nhà là phải bật tivi.
- Hôm nay ba con làm ca chiều, Nhã Văn đang ngủ tít mít.
Nhã Quân đổ thịt gà mới mua vào bát, chụp màng bọc thực phẩm lên, thao tác tỉ mỉ giống hệt Gia Thần.
Hẵng nhờ lần đầu gặp Nhã Quân, khi đó thằng bé mới chào đời, người nhỏ xíu, tay chân co quắp. Mười mấy năm sau, nó đã lớn vổng lên, thời gian không để lại vết tích quá rõ rệt trên người Gia Tu, anh chỉ ý thức được thời gian vụt trôi như bóng câu lướt qua cửa khi nhìn bọn trẻ trưởng thành qua từng ngày.
- Đêm qua bà nội gọi điện nói ngày mai mọi người sẽ lên máy bay.
- Ừ.
Gia Tu nhớ lời dặn của ba Thư Lộ, ánh mắt hơi sa sầm.
- Bà bảo muốn gặp bạn gái chú.
Anh không biết phải trả lời ra sao.
- Cô chú cãi nhau ạ?
Nhã Quân ngưng tay làm việc, đoạn hỏi.
- …
- …
- Không biết. – Gia Tu cười khổ: – Thực ra chú cũng mơ hồ về mối quan hệ này lắm.
- Vì sao ạ?
- … Là bởi chú không dám khẳng định cô ấy thích mình, cũng không biết cô ấy muốn ở bên chú không.
- …
- Cứ cho như, cả hai câu hỏi trên đều có chung đáp án “Có”, song chú cũng không dám khẳng định sau này, liệu cô ấy còn thích mình không, còn muốn ở bên mình mãi không.
Anh như một gã trung niên đang lài nhài kể lể cõi lòng của mình, bởi không một ai hỏi anh đang nghĩ gì, người ta luôn đón nhận mọi điều anh nói. Anh thông minh, anh ưu tú, anh quả quyết, nhưng không một ai muốn biết, cũng không một ai muốn tin vào khía cạnh yếu đuối trong anh.
- Chú có chắc chắn bây giờ chú thật sự yêu cô ấy không?
- … Chú nghĩ là có.
Anh không ý thức được rằng, mình đang trải lòng với đứa cháu trai mới mười bảy tuổi đầu.
- Vậy chú có dám khẳng định, mình sẽ yêu cô ấy trọn đời không?
- …
Gia Tu đăm chiêu. Về mặt lý luận thì: không thể. Bởi lẽ nào ai dám nói trước tương lai.
- Tình cảm chân chính không phức tạp như người lớn các chú hay nghĩ đâu.
Nhã Quân mở tủ bếp, lấy gói trà ra:
- Chỉ cần hai người thật lòng, cứ ở bên nhau mà thấy vui vẻ là được. Chuyện sau này, để sau hẵng tính.
Thật không ngờ, vào lúc Gia Tu chán đời, thì một thằng nhóc tuổi tác chỉ bằng phân nửa quãng đường đời anh đã đi, lại giải thích cho anh biết thế nào là tình yêu và phương pháp đối mặt với tình yêu là gì. Nó tóm gọn, tháo gỡ mớ bòng bong trong anh, có lẽ, chỉ những tâm hồn chưa nhuốm sự đời mới có thể nói ra một cách đơn giản và nhẹ tênh đến vậy.
- Chí ít. – Nhã Quân thả túi trà vào cốc, bỏ thêm ít kem sữa và đường: – Chỉ cần hai người yêu nhau là đã có thể ở bên nhau rồi, mọi người ai nấy đều tác thành, chẳng phải mọi thứ đều rất bằng phẳng đó thôi?
Dứt lời, thằng bé ghé miệng cốc vào vòi ấm giữ nhiệt, ấn nút bên trên, dòng nước nóng hôi hổi rót xuống cốc. Hỗn hợp trà, kem sữa và đường hòa quyện vào nhau, chẳng mấy chốc đã tan thành dung dịch màu cà phê.
- Sao nghe giọng con lại chán đời hơn cả chú thế?
Gia Tu tức cười hỏi.
Nhã Quân bĩu môi, có lẽ đây là biểu cảm duy nhất phù hợp với lứa tuổi của nó, bình thường, nó luôn cố biến mình giống Gia Thần.
Nhã Văn ngáp ngắn ngáp dài bước ra từ phòng ngủ, lèm bèm nói câu “Chú ạ”, đoạn nhận tách trà từ tay Nhã Quân, rồi chui tọt vào phòng.
Bất chợt Gia Tu sực nhớ tới mẹ chúng, nhớ tới những năm tháng trai tráng và phần ký ức khuất xa từ lâu. Có lẽ, anh là đứa con ưu tú, là người em tốt, là học trò ngoan, là nhân viên cốt cán nhưng xét về mặt tình cảm thì anh lại rớt ngay từ vòng loại.
Buổi tối, một mình trở về nhà, tiếng tích tắc gõ nhịp đều đặn của chiếc đồng hồ già nua vang khắp gian phòng, mang đến cảm giác bình yên bất chợt, bình yên đến mức anh khó mà chịu được.
Anh rút điện thoại, bất ngờ nhận ra mình tắt máy từ đó đến giờ, chắc sập nguồn. Chẳng rõ cô nhóc kia có gọi anh không, nếu có, liệu cô bé có thất vọng không?
Ngả người xuống sô pha, dưới ánh đèn vàng vọt, anh mới thấy được đôi chút ấm áp, đầu âm ỉ đau, rồi cũng đỡ hơn.
Bỗng chuông điện thoại réo vang. Ngó chiếc máy bàn hiệu Siemens màu đen, anh chần chừ chốc lát rồi uể oải nhấc máy:
- A lô…
- Tiểu Bảo à, mẹ đây.
Anh thấy đầu mình đau như búa bổ.
- Tối nay cả nhà lên máy bay rồi đó.
- Vâng, lúc đó, con sẽ tới đón.
- Nghe Đại Bảo nói, con có bạn gái rồi à?
Gia Tu bấm bụng nghĩ, mào đầu không phải tác phong làm việc của mẹ, cuối cùng bà đã nhắm vào trọng điểm, đủ để thấy bà cụ nôn nóng và tò mò thế nào.
- Vâng, mẹ về rồi bàn tiếp.
- Được được. – Mẹ anh hỉ hả nói: – Vậy nhé, để mẹ nói với ba con.
Dứt lời, bà liền cụp máy, câu “Tạm biệt” chưa bao giờ nằm trong từ điển của bà.
Điện thoại lại reo, lực bất tòng tâm, Gia Tu đành nhấc máy, chắc mẹ lại quên căn dặn gì rồi.
- A lô…
- …
- …
Tim anh bỗng lỗi một nhịp.
- Anh… về rồi ạ.
Là Thư Lộ.
- Ừ.
- Hồi chiều em gọi hoài cho anh mà không được…
- Máy sập nguồn.
- Anh… chiều nay làm gì thế.
- Không làm gì cả.
Đột nhiên anh nhận ra, mình ăn nói dấm da dấm dẳng, y chang mấy cô bé con đang làm mình làm mẩy để bạn trai phải thấy ăn năn hối lỗi kỳ được, để người nghe ở đầu dây bên kia phải sởn tóc gáy.
- … Anh giận đấy à?
- Ừ.
- Em không cố ý mà… vụ mang thai đó.
- …
- Em xin lỗi.
- Anh nói rồi, anh lấy em không phải vì đứa bé, dĩ nhiên, đứa bé góp phần xúc tiến quá trình kết hôn.
- Thế… chúng mình phải làm sao.
Giọng cô sụt sùi như sắp khóc, nghe đầy bất lực.
- …
- …
Rất lâu sau đó cả hai cùng im lặng, miết tới khi Gia Tu mở lời:
- Anh hỏi em lại một lần nữa, bây giờ em có muốn lấy anh không?
- …
Đâu dây bên kia vẫn im lìm như hạt thóc, gọi nỗi thất vọng ập đến với anh. Có thể, anh ép cô phải đưa ra quyết định khi tình cảm vừa manh nha bắt đầu, là việc cực kỳ vô lý.
- Em không cần phải trả lời ngay, cứ suy nghĩ cho kỹ rồi trả lời anh. Bây giờ anh hơi mệt, chúng ta không đày đoạ nhau nữa, cứ yên ổn ngủ một giấc đi nhé.
Gác máy, trái tim anh vẫn nặng trĩu, nhưng chí ít, anh đã tìm lại đôi chút lý trí. Lý trí mách bảo anh rằng, quả là bất công khi o ép một cô bé mới hai tư cái xuân xanh – phải dâng hiến cả phần đời còn lại bên cạnh một một người đàn ông hơn cô ấy mười tuổi, sau nửa năm quen biết – trừ phi hai người “có thai ngoài ý muốn”.
Anh cởi áo khoác, tắt đèn, về phòng nằm ngủ. Có lẽ, đó là việc duy nhất anh có thể làm vào lúc này.
Sáng hôm sau, Gia Tu xin nghỉ nửa ngày để ra sân bay đón ba mẹ và chị gái. Khi taxi lao vun vút trên cầu vượt, anh mới sực nhớ ra: cuối tuần đã là Tết rồi. Có lẽ đây là dịp vui vẻ nhất trong năm. Cả nhà ba thế hệ bao gồm ba mẹ, anh chị em và mấy đứa cháu, quây quần bên chiếc bàn tròn rộng vừa phải trong phòng khách vào đêm giao thừa, khung cảnh ấy khác xa với sinh hoạt tẻ nhạt vào dịp cuối tuần của người độc thân như anh. Ai nấy đều náo nức, bầu không khí gia đình ấm cúng, cửa sổ dán giấy đỏ, khói thơm lừng ngào ngạt gian bếp. Sau mỗi lần giải tán ai về nhà nấy, để lại mình anh bơ vơ giữa gian phòng khách, cứ nghĩ cảnh náo nhiệt trước đây chỉ có trong tưởng tượng, mọi thứ lại trở về với vẻ yên bình vốn có.
Hình như mẹ luôn là người tìm được anh bất chấp biển người nghìn nghịt, vừa ra khỏi cửa, bà đã vẫy tay gọi anh:
- Tiểu Bảo! Tiểu Bảo!
Nụ cười bất giác nở trên môi anh, làn mây mù dầy đặc khiến anh ngột ngạt bấy lâu, chí ít đã tan biến vào giây phút này.
Căn nhà vốn bình yên bỗng xuất hiện năm con người, khiến bầu không khí sôi động hơn hẳn. Hai đứa cháu đã thôi cái trò đuổi bắt quanh nhà như hồi còn bé, nhưng bàn trà vẫn bày bừa đồ ăn vặt, vụn bim bim rơi vãi khắp thảm. Ba mẹ anh chất đồ vào tủ lạnh đến chật ních, hai ông bà quẳng đống kem Haagen-Dazs của anh xuống bàn, chỉ để nhét vừa đống sủi cảo đông lạnh trị giá mấy đồng năm lạng, cho đến khi kem tan thành nước mới sực nhớ ra phải vất đi. Anh rể bận bịu không về, chị gái đang dồn tâm trí cố biến căn phòng cũ của mình quay về cái dáng vẻ thời con gái, còn phòng anh nghiễm nhiên biến thành nơi cất giữ những món đồ chị không cần.
Mà thôi cũng kệ, miễn sao Gia Tu thấy vui vẻ và ấm áp, có lẽ đây là quãng thời gian vui vẻ nhất trong năm. Anh đưa ba mẹ tới siêu thị, theo chị đến nhà thông gia, dắt cháu đi chơi bóng, chỉ khi cả nhà chìm vào giấc ngủ, căn phòng lấy lại vẻ yên bình vốn có, bấy giờ anh mới thả mình trong nỗi nhớ nhung cồn cào. Anh tưởng tượng câu trả lời cô đưa, thế rồi những phấn khích hay khổ đau trong tưởng tượng, sau rốt lại quay về với khởi điểm mơ hồ.
Anh không kể với bất kì ai, ba mẹ gặng hỏi thì anh lấp liếm cho qua, bạn bè ướm hỏi thì anh giả lơ rất tài. Anh tự nhận, mình là kẻ cố chấp trong tình cảm, anh muốn sở hữu thế giới riêng của hai người, anh không chấp nhận sự xuất hiện của bất kỳ ai, bất kì ai vào đều khiến anh khó chịu.
Anh không gọi cho Thư Lộ lấy một cuộc điện thoại, cho tới chiều ngày ba mươi, anh nhận được điện thoại của cô.
- A lô… – Cô dè dặt nói: – Em là Thư Lộ đây.
Đương nhiên anh biết đó là cô. Anh đã lưu đủ mọi số điện thoại, bao gồm số di động, số máy bàn ở cơ quan, số máy nhà cô, đồng thời ghi thêm chữ “A” trước đó, để nó luôn đứng đầu trong danh bạ.
- Ừ.
Tự nhiên anh thấy căng thẳng hơn hẳn, báo cáo lãi suất trên bàn bỗng biến thành một đống giấy lộn vô nghĩa. Thậm chí anh còn nghe thấy nhịp tim đang đập rộn ràng của mình
- Chúng mình… chiều nay gặp nhau được không?
Cô lí nhí hỏi.
Gia Tu nhấc tay xem đồng hồ, nhưng não anh không ghi nhớ nổi thời gian đang hiển thị:
- Được, mấy giờ?
- Bây giờ em được về rồi, bao giờ anh rảnh thì gọi em.
- Vậy nửa tiếng nữa, em xuống lầu đợi anh.
Cúp máy xong, anh máy móc gập laptop trước mặt lại, tuồng như có chút khó thở. Anh từng tiếp xúc với nhiều người, anh có thể nhận biết tâm lý, có thể phán đoán chuẩn xác hành vi và quyết định của họ, nhưng còn Thư Lộ, cảm giác về cô rất mơ hồ, lúc hiểu lúc không. Anh không rõ, rốt cuộc cô không tuân theo một quy luật này, hay bởi anh không tự tin vào chính mình?
Gia Tu rút cặp tài liệu, nôn nả choàng áo khoác chuẩn bị tan làm. Lúc này, giây phút này, chẳng gì quan trọng hơn việc nghe lời tuyên bố quan trọng của cô nhỏ kia.
Từ đằng xa anh đã thấy Thư Lộ co ro đứng trước cổng ra vào của đài phát thanh. Bước chân anh bất giác khựng lại, như thể chưa sẵn sàng để đi nhận tấm thẻ chết. Trên đường đi, anh đã tự nhủ, dù cô ấy cự tuyệt thì anh vẫn có cơ hội duy trì mối quan hệ nửa người yêu nửa bạn bè này; anh vẫn có cơ hội giành lấy tình cảm của cô; vẫn có cơ hội gây dựng giấc mơ hạnh phúc từng mong mỏi… Phải, vẫn còn đầy cơ hội cơ mà. Chỉ có điều, khi dừng chân nơi ngã tư này, lòng anh thoáng run rẩy, anh sợ phải đối mặt với hiện thực, dường như ngày tận thế đang cận kề.
Song anh vẫn dấn bước, bất kể thế nào, anh tự nói với chính mình, đây chưa phải là ngày tận thế.
Thấy anh, Thư Lộ bèn nhoẻn miệng cười bẽn lẽn. Mặt anh thoáng cứng đờ, anh cảm tưởng giữa hai người là một khoảng cách, đáng lẽ cả hai vốn xích lại gần, thì mấy ngày ngắn ngủi vừa qua dường như đã đẩy lùi mỗi người một bước.
- Đi thôi!
Anh kéo cánh tay cô:
- Chỗ này lạnh lắm, tìm chỗ ngồi cái đã.
Anh dẫn cô tới một quán ăn gia đình nhỏ tí hin, chỉ bày mấy chiếc bàn và lác đác mấy cặp đôi. Hai người ngồi xuống chiếc bàn cạnh cửa sổ, bà chủ mỉm cười bưng hai chén trà tới, đặt menu xuống liền quay vào.
Có thời gian, anh từng làm việc tại toà nhà văn phòng cách đây hai dãy phố, đã là khách quen ở đây mất rồi, chẳng trách bà chủ vẫn nhận ra anh.
Mũi Thư Lộ đỏ ửng vì lạnh, anh nghĩ thầm, chắc dập máy xong, cô ấy liền xuống nhà đợi.
Không một ai nói gì. Gia Tu đang cố tình. Tự nhiên anh thấy mình xốc nổi quá. Trước khi nhận được câu trả lời, anh sẽ không thèm để ý tới cô. Anh muốn để cô biết rằng: Không phải cái gì anh cũng nhường nhịn được đâu. Nhất là, anh không muốn để cô phát hiện ra, mình vẫn dịu dàng nâng niu cô ấy, kể cả cô ấy có từ chối mình đi chăng nữa.
Thư Lộ bối rối ra mặt, lát sau, dường như cô phải lấy hết can đảm để nói:
- Về chuyện lần trước anh hỏi … em đã nghĩ rất lâu…
- …
- …
Thư Lộ len lén liếc nhìn anh, song mặt anh vẫn lạnh lùng vô cảm.
- ….
Anh nhìn cô, không buồn đáp.
- Em nghĩ… nếu đã… nếu anh đã nói chuyện với bố em rồi…
Cô nuốt nước bọt, mà không hề biết rằng, mấy câu nhát gừng của cô khiến trái tim anh hẫng nhịp.
- Em nghĩ… chúng ta… lấy nhau thôi.
Câu “lấy nhau thôi” cất lên rất nhẹ, anh không dám tin, bèn trợn mắt nhìn cô:
- Em nói gì?
Thư Lộ hoang mang trả lời:
- Em nói… chúng mình kết hôn vậy.
Suýt chút nữa thì anh nhảy lên reo hò, song anh lại tỏ ra bình tĩnh một cách khác thường, đoạn gật gù:
- Ờ được. Thôi, gọi món trước đã.
Buổi tối về đến nhà, phòng khách vẫn bày bừa như một bãi chiến trường, đồ ăn rơi vãi khắp thảm; ba mẹ ngồi xem tivi trong phòng, tai ba anh có phần nghễnh ngãng nên tiếng tivi thường bật rất to; chị gái đang mải nấu cháo điện thoại với cô bạn thân lâu ngày chưa gặp; rác rến các thể loại chất đống trong phòng Gia Tu. Song cứ như thể mọi thứ chẳng hề tồn tại trong mắt anh, anh bước thẳng tới bên tủ lạnh, rút một chai bia, ngón tay khui nắp hơi run run.
- Tiểu Bảo này, bao giờ con dẫn bạn gái về.
Mẹ bước ra khỏi phòng, thấy anh liền hỏi.
- Sau mùng Hai ạ.
Anh ngẩng cổ, dốc cạn chai bia, không để ý tới ánh mắt kinh ngạc của mẹ ở phía sau.
Đêm đó, anh nằm mơ, trong mơ thấy mình và Thư Lộ tổ chức lễ cưới trên thảo nguyên bao lao, từng hàng ghế nối nhau kéo dài, cổng hoa thắt rất nhiều cờ đuôi cá đung đưa trong gió. Khách khứa ăn mặc hết sức kì cục, màu sắc thì sặc sỡ bảy màu. Anh thấy rất nhiều người, có thầy giáo dạy môn sinh vật hồi tiểu học, có hàng xóm mười mấy năm không gặp, có bạn bè và đồng nghiệp bên Mỹ… vân vân và mây mây. Ai nấy đều nở nụ cười rạng rỡ. Trong khung cảnh mông lung, anh và Thư Lộ mặc lễ phục, tiến từng bước…
Gia Tu không hề biết rằng, rất nhiều năm sau, bức tranh này sẽ xuất hiện trên tủ kệ của hiệu sách, đám trẻ con đi ngang qua sẽ chỉ trỏ vào bức tranh tô màu chì sặc sỡ ấy, và reo lên với ba mẹ chúng rằng:
- Đẹp quá mẹ ơi …
[1] Học tập tốt, sức khoẻ tốt, tư tưởng đạo đức tốt. Đủ ba tốt.
[2] Alan Greenspan là nhà kinh tế học Mỹ và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ từ 1987 đến 2006
[3] Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.