Kỷ Đông Nham phải nghe mãi mới nghe ra là thím Kiều. Anh gật đầu. Sau khi hỏi đường đi cụ thể, anh dẫn Tố Diệp đi thẳng về phía trước. Càng đi các căn nhà lại càng cũ nát. Có những nhà có thể dùng từ “xập xệ” để hình dung. Tố Diệp vô cùng lo lắng, chỉ sợ kiếp trước tạo nghiệt, kiếp này chịu quả bá, đi phía dưới không cẩn thận bị mấy căn nhà này sụp xuống đầu.
Nhưng cũ nát thì cũ nát. Đúng như người lúc trước chỉ đường, càng đi sâu vào khu dân cũ lại càng có cảm giác trở lại Hồng Kông thập niên sáu mươi, bảy mươi. Những ngư dân ra biển đánh bắt trở về tới giờ này đều đã nghỉ ngơi. Nơi đây toàn là những người trấn giữ đời đời kiếp kiếp, thế nên nhà nhà đều quen biết nhau. Có người túm tụm lại cùng xử lý lưới đánh cá, có mấy người quây thành một nhóm đánh cờ, còn có người lại đang hào hứng kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe trong một ngày qua.
Những người phụ nữ đi đang luôn tay bếp núc. Làn gió biển mang theo mùi tanh nồng của cá quyến luyến mảnh đất này. Có chút ướt át, có chút sánh quyện, bao bọc cùng mùi thức ăn, chốc chốc còn đi kèm với tiếng cười đùa của lũ trẻ và tiếng giục giã của các bà, các mẹ.
Kỷ Đông Nham cầm bức tranh, hỏi thăm nhà thím Kiều suốt dọc đường.
Thím Kiều năm nay đã hơn chín mươi tuổi. Ban đầu Kỷ Đông Nham lo lắng bà ấy là một người tai điếc mắt toét, hoặc có thể đã nằm liệt giường không đi lại được, chỉ có thể đợi con cái tới đút cơm cho. Dù sao thì bà ấy cũng đã cao tuổi như vậy, người có khỏe mạnh sức vóc thế nào cũng tới ngày gần đất xa trời rồi. Ai ngờ, khi Kỷ Đông Nham hỏi thăm một bà cụ đang thu lưới đánh cá xem thím Kiều là ai thì bà cụ cười hì hì: “Chàng trai, cậu tìm tôi à? Có chuyện gì vậy?”
Cả Kỷ Đông Nham và Tố Diệp đều đồng thời giật bắn mình. Họ ngơ ngác nhìn nhau sau đó lại quan sát bà cũ một lượt nữa từ trên xuống dưới. Bà cụ chỉ cười ha ha, gương mặt hiền từ, dường như không hề cảm thấy hai người họ xuất hiện đường đột.
Nhưng khi bà cụ mỉm cười nhìn họ, đa phần là quan sát Kỷ Đông Nham.
Kỷ Đông Nham và Tố Diệp không ai ngờ rằng người trước mặt chính là thím Kiều, một cụ bà đã hơn chín mươi tuổi. Bà có dáng người nhỏ thó, nhưng sắc mặt thì hồng hào. Nhìn tốc độ thu lưới của bà ban nãy có thể phán đoán ra tay chân bà vô cùng nhanh nhẹn. Mắt bà không toét, tai bà không điếc, nói năng còn rất rõ ràng. Chỉ có điều chắc vì thường xuyên sinh sống ở làng chài, nên gương mặt bà cũng nhăn nheo như quả đào hạch. Còn gò má, cổ, thậm chí là mu bàn tay đều có không ít vết đồi mồi.
Tố Diệp phản ứng lại, bước tới chỉ vào căn nhà trên bức vẽ, hỏi hơi lớn tiếng một chút: “Thím Kiều! Bọn họ đều nói thím là người cao tuổi nhất trong làng chài. Cháu muốn hỏi một chút, thím từng nhìn thấy căn nhà này bao giờ chưa ạ?”
Thím Kiều rời mắt từ phía Kỷ Đông Nham xuống mảnh giấy. Bà nheo mắt một lúc rồi gật đầu: “À, đây là nhà cổ rồi, từ những năm 50.”
Kỷ Đông Nham thấy có hy vọng, mắt sáng rực lên: “Sao thím nhận ra đây là nhà những năm 50 ạ?”
Thím Kiều chỉ lên căn nhà gỗ trên bức tranh: “Nhà gỗ bây giờ toàn xây mái bằng, nhưng năm mươi, sáu mươi năm về trước thì đều là mái nhọn. Căn nhà cậu vẽ là mái nhọn, vừa nhìn đã biết là thời kỳ ấy.”
Tim Tố Diệp chợt run lên. Dương Nguyệt có thể vẽ ra căn nhà một cách chuẩn xác như vậy, xem ra cô ấy không nói dối. Kỷ Đông Nham cũng nhận ra câu chuyện không bình thường. Anh cố kiềm chế, tiếp tục hỏi thím Kiều: “Vậy thím có biết làm cách nào để tới được căn nhà này không ạ?”
Thím Kiều quan sát anh: “Chàng trai! Cậu muốn tìm ai?”
“Cháu… muốn tìm Hải Sinh.” Kỷ Đông Nham nói ra cái tên này với vẻ rất khó khăn.
Tố Diệp đứng bên quan sát rất rõ ràng. Gương mặt của Kỷ Đông Nham càng lúc càng căng ra. Thật ra những điều anh đang nghĩ nhất định cũng giống như cô. Nếu Dương Nguyệt vẽ một căn nhà mái bằng trong bức tranh thì đủ để chứng tỏ đây là một màn kịch được lên kế hoạch tỉ mỉ. Nhưng bây giờ xem ra, không phải!
Sau khi nghe thấy cái tên ấy, thím Kiều lẩm bẩm: “Hải Sinh… Hải Sinh?” Hình như bà đang hồi tưởng, hàng lông mày nhíu chặt.
Kỷ Đông Nham và Tố Diệp đều đổ mồ hôi.
Bỗng nhiên, họ nghe thấy thím Kiều “a” lên một tiếng, sau đó nhìn thẳng vào Kỷ Đông Nham, chỉ vào anh, giọng nghe rất kích động: “Tôi bảo sao trông cậu quen quá. Hải Sinh! Con là Hải Sinh!”
Kỷ Đông Nham choáng váng, vô thức lùi về sau một bước. Tố Diệp lập tức giơ tay đỡ lấy lưng anh, sợ anh trong một giây phút ngỡ ngàng sẽ rơi từ trên sân xuống.
Thím Kiều ngắm anh từ trên xuống dưới, rồi lại nghi hoặc lắc đầu: “Không đúng! Hải Sinh chết từ lâu rồi. Sao cậu có thể là cậu ấy được? Nhưng lại vô lý, cậu giống cậu ấy thế cơ mà.” Bà lẩm bẩm một mình.
Mồ hôi lạnh trên trán Kỷ Đông Nham túa ra không ngừng.
“Thím Kiều! Thím nhìn kỹ đi ạ, anh ấy giống hệt Hải Sinh ư?” Tố Diệp vội vàng hỏi.
Thím Kiều gật đầu: “Đâu chỉ giống, mà là giống y như đúc. À không, Hải Sinh đen hơn cậu ấy một chút.”
Kỷ Đông Nham nuốt nước bọt rồi hỏi: “Vậy thím có biết Nghi Anh không?”
Sau khi nghe thấy cái tên này, gương mặt ánh lên vẻ nuối tiếc. Bà lắc đầu: “Haiz, tôi nhớ tới Hải Sinh là nhớ tới Nghi Anh. Họ thật sự là một đôi uyên ương khổ mạng. Tuổi còn trẻ mà đã lìa đời, chẳng để lại con cháu nối dõi. Nghi Anh đó sau khi biết tin Hải Sinh chết, ngày nào cũng tới bên bờ biển khóc
lóc, đêm nào cũng gọi tên Hải Sinh. Đúng là nghiệt duyên, đứa bé cũng chết theo.”
“Hai người họ rốt cuộc là thế nào ạ?” Tố Diệp vô cùng hiếu kỳ.
Thím Kiều đang định kể nhưng bỗng nhìn họ với ánh mắt cảnh giác: “Tôi biết cậu ta không phải Hải Sinh. Hai người đừng lừa gạt bà già này, nhà báo phải không?”
“Không ạ, không ạ!” Tố Diệp vội vàng giải thích. Cô đẩy Kỷ Đông Nham tới trước: “Là anh ấy định đi tìm gốc rễ.”
“Tìm gốc rễ?” Thím Kiều không hiểu.
Đầu óc Tố Diệp rất linh hoạt: “Anh ấy là người thân trong nhà Hải Sinh, có thể coi là em trai của em gái của con dâu của em trai của anh họ Hải Sinh. Tóm lại là, vẫn được coi là họ hàng gần.”
Thím Kiều bị cô làm cho rối loạn, cuối cùng ngơ ngẩn luôn: “Thật chứ?”
Tố Diệp huých vào người Kỷ Đông Nham một cái.
Kỷ Đông Nham thừa nhận một cách ngập ngừng.
Thím Kiều bán tín bán nghi, nhưng vẫn kể cho họ nghe câu chuyện của Hải Sinh và Nghi Anh. Tố Diệp lắng nghe mà dấu vết trong lòng mỗi lúc một lớn dần. Câu chuyện tình yêu mà thím Kiều kể gần như giống hệt lời của Dương Nguyệt. Còn Kỷ Đông Nham khi trước vì bài xích thân phận của Hải Sinh thế nên không nghe tới đầu tới đũa, hôm nay nghe lại, trong lòng bỗng có rất nhiều cảm xúc.
“Tại thời thế không tốt, cộng thêm gia đình Nghi Anh làm quan, còn quản lý ruộng muối ở đây. Nhà Hải Sinh thì chủ yếu là đánh bắt cá, làm sao xứng với Nghi Anh? Haiz, lúc ấy chỉ có thể nghe lệnh cha mẹ và lời bà mối, đâu có được tự do yêu đương như bây giờ.”
Giọng thím Kiều có chút bi thương, nhưng cũng không thể đau xót bằng bản thân câu chuyện.
Rất lâu sau, Tố Diệp mới hỏi: “Những người thân khác của Hải Sinh và Nghi Anh còn sống không ạ?”
Thím Kiều lại bắt đầu đánh giá Kỷ Đông Nham, nghi hoặc hỏi: “Nếu cậu có quan hệ thân thích với gia đình Hải Sinh, sao lại không nắm rõ tình hình của họ hiện giờ?”
Kỷ Đông Nham liếm môi, ấp úng đáp: “À… Cháu trước giờ vẫn ở nước ngoài, không liên lạc với họ.”
Thím Kiều hiểu ra, gật đầu: “Hải Sinh vẫn còn người thân, là một cậu cháu trai. Gia đình họ sống cách đây khoảng bốn trăm mét, dễ tìm lắm, trước cửa treo đầy lưới đánh cá. Còn gia đình Nghi Anh, vì sau này họ mới chuyển tới, nên từ khi Nghi Anh tự sát, bố mẹ cũng rời khỏi đây. Họ không còn ai thân thích ở đây cả, bây giờ lại càng không tìm thấy.”
Cháu của Hải Sinh vẫn còn?
Tố Diệp và Kỷ Đông Nham ngơ ngác nhìn nhau.
Tạm biệt thím Kiều, họ tới nhà cháu của Hải Sinh. Thật ra đúng là không khó tìm chút nào. Như thím Kiều tả, trước cửa phơi rất nhiều lưới đánh cá. Quan trọng hơn là, căn nhà gỗ trước mặt giống bức tranh của Dương Nguyệt y hệt.
Kỷ Đông Nham dừng bước, sững người.
Có đứa trẻ chạy ra, lập tức đâm vào chân Kỷ Đông Nham. Lúc này anh mới bừng tỉnh, cúi đầu đỡ đứa bé đang chạy lung tung. Ngay sau đó, có một người phụ nữ từ trong đi ra, giọng nói the thé: “Còn chạy đi chơi nữa là tối nay nhịn đói đấy!”
Kỷ Đông Nham ngẩng đầu lên.
Người phụ nữ sửng sốt giây lát, sau đó hét ầm lên một tiếng, làm Tố Diệp giật thót. Chị ta gào ầm vào trong nhà: “A Khánh! Mau ra đây!”
Tố Diệp và Kỷ Đông Nham đều chẳng hiểu chuyện gì. Chẳng mấy chốc, có một người đàn ông từ trong đi ra, cao lớn thô kệch. Dầu gội đầu trên mái tóc còn chưa rửa sạch. Có giọt nước rỏ xuống. Anh ta mắt nhắm mắt mở bước ra, quát lên với vẻ không vui: “Hét cái gì mà hét! Trời sập à?”
Người phụ nữ kia không nói được câu nào nữa. Chị ta không ngừng chỉ tay về phía Kỷ Đông Nham, nét mặt vừa kích động vừa khó tin. Người đàn ông ngẩng đầu lên, sau khi nhìn thấy Kỷ Đông Nham cũng bất chợt trợn tròn mắt!
“Anh… Anh…”
Tố Diệp phát hiện ra, ngón tay anh ta đang run rẩy.
“Bố! Mau ra đây!”
Kỷ Đông Nham bất chợt căng thẳng, cuộn chặt tay lại. Tố Diệp thấy thế, bèn kéo vạt áo anh, bảo anh cứ thả lỏng. Người đàn ông lập tức xông vào trong nhà. Thanh âm bên trong rất hỗn tạp, không thể nghe rõ anh ta đang nói chuyện với người nào. Một lát sau, anh ta đỡ một ông già từ trong đi ra, tầm khoảng 60, 70 tuổi, mái tóc đã bạc phơ, bước chân không vững cho lắm. Gương mặt trải qua gió táp mưa sa giờ héo quắt như miếng thịt bị gió hong khô trên tường.
Ông lão đi tới trước mặt Kỷ Đông Nham, ngẩng đầu lên, híp tịt mắt lại thành một đường thẳng rồi nhìn anh. Kỷ Đông Nham nuốt nước bọt, có chút bối rối, không biết nên đứng đâu. Thấy ông ấy cứ nhìn mình không chớp, anh bèn quay đầu, nhìn Tố Diệp với ánh mắt cầu cứu.
Lúc này Tố Diệp dĩ nhiên sẽ không lên tiếng. Cô muốn xem xem rốt cuộc là có chuyện gì.
Ông lão giơ bàn tay run lẩy bẩy ra, muốn chạm vào Kỷ Đông Nham nhưng lại ngập ngừng. Sau khi nhìn anh thật kỹ, khóe mắt ông ta chợt đỏ ửng, bờ môi run run, giọng nói khàn khàn: “Hải Sinh! Là anh ư? Anh quay về rồi ư?”