*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Nói thì như thế, nhưng chuyện sau này ai có thế nói trước được?
Khương Bồng Cơ hiếu chiến nhưng không phải là kẻ cuồng ngạo khát máu. Chỉ cần người khác đừng có bức ép quá đáng, chủ động khiêu khích cô thì trong những tình huống bình thường cô cũng sẽ không dưng mà đi kiếm chuyện với người khác. Còn về chuyện lão hòa thượng nói cô cắm cờ xưng vương, thậm chí còn kéo binh tự lập ra triều đại Nữ Đế... thì cũng phải xem tình hình như thế nào đã.
Cô không thích chủ động kiếm chuyện nhưng cũng không phải là kẻ nhát gan sợ phiền phức!
Nhìn bầu trời hoàng hôn đang dần dần ngả tối bên ngoài xe ngựa, tâm tình của Khương Bồng Cơ tương đối bình tĩnh, nhưng Liễu Xa thì lại không bình tĩnh nổi.
Trở về Liễu Phủ, Liễu Xa bảo Khương Bồng Cơ đi thăm Kế phu nhân trước, còn mình thì đi thẳng về phía chính viện. Ông vẫy tay cho tỳ nữ đang đi theo mình lui xuống, “Đứng ngoài trông cửa, không có lệnh của ta thì không ai được vào hết, nếu như Lan Đình sang đây, nhớ phải thông báo.”
Hai tỳ nữ thấp giọng “vâng” một tiếng, hai cô tỳ nữ xinh như hoa như ngọc ấy Liễu Xa đến nhìn cũng chẳng thèm, quay người bước đi nhanh như gió tiến vào phòng ngủ đã từng là của ông và Cổ Mẫn.
Theo quy củ thời đại bây giờ, bình thường chính thất thường sẽ ở Đông viện, nhưng tình cảm giữa ông và Cổ Mẫn rất sâu đậm, xưa nay thường xuyên ở cùng một phòng.
Trong phòng vẫn bày trí như trước khi vợ ông qua đời, Liễu Xa nhìn quanh một vòng rồi nhanh chân bước đến một góc trong phòng ngủ.
Cẩn thận nhấc cái rương ra, rồi dùng cây trâm ngọc trên đầu vạch trên mặt đất mấy vệt, sau đó nhấc những viên gạch lát ra theo những vết đã vạch. Phía dưới thế mà lại là một cái hốc rỗng cất chứa mấy cái hộp đồng chạm vàng nạm bạc.
Mỗi một cái hộp này đều có khóa, chiếc chìa khóa duy nhất được Liễu Xa cất giữ bên mình, ông mở một trong số những cái hộp bằng đồng ra, rồi thận trọng cầm mảnh lụa gấp gọn trong đó lên, trên mảnh lụa ấy viết kín đặc chữ.
Liễu Xa đọc toàn bộ nội dung trên mảnh lụa với tốc độ nhanh như gió, biểu cảm của ông dần trở nên âm u khó hiểu, sững sờ tại chỗ một lúc rất lâu. Mãi cho tới khi bên ngoài vang lên tiếng tỳ nữ thông báo Khương Bồng Cơ đến thỉnh an, ông mới quyến luyến bịn rịn mà gấp mảnh lụa lại như cũ, cất vào trong hộp, thu dọn ổn thỏa rồi chuyển cái rương về chỗ cũ.
Cẩn thận vuốt phẳng những nếp nhăn ở góc áo, Liễu Xa điều chỉnh lại tâm trạng của mình, chuẩn bị ổn thỏa sau đó mới ra khỏi phòng ngủ đi đến phòng khách ở chính viện.
Liễu Xa từng nói với Khương Bồng Cơ, sau này cô không cần đến tộc học nữa, Ngụy Công Tào lại đang ốm bệnh, cho nên nhiệm vụ của Tây Tịch tiên sinh tạm thời chuyển sang cho ông.
Ông nhận lấy cuốn thẻ tre và quyển sách Khương Bồng Cơ đưa đến, lật xem qua, “Đây chính là những gì mà con xem mấy ngày gần đây?”
Một quyển Binh Sách, nửa quyển Luận Ngữ.
Thư phòng này vốn dĩ là của ông, cho nên ông rất quen thuộc với những bộ sách có trong thư phòng, rất nhiều quyển thẻ tre còn có lời phê bình chú giải của ông. Lúc ông mở cuốn thẻ tre ra liền nhìn thấy không ít những lời bình, ghi chú mới, có vẻ sự hứng thú của con gái đối với quyển Binh Sách hơn hẳn quyển Luận Ngữ. Lời bình trong quyển Binh Sách đa phần đều đánh đúng trọng tâm, thậm chí có kế sách còn ghi thêm lối suy nghĩ và giả thiết của riêng bản thân mình nữa, còn quyển còn lại thì...
Chậc, thực ra ông và Khương Bồng Cơ đều giống nhau, từ trước đến nay đều không thích Luận Ngữ, đọc nhiều còn cảm thấy đau đầu.
“... Thánh hiền nói, lấy dân làm trọng, xã tắc thứ hai, quân vương là thứ yếu... chậc, nhưng thực tế thì ở trong quan trường đấu đá vài năm sẽ phát hiện ra câu nói này chỉ dùng để lừa trẻ con thôi... lời của Thánh nhân, chung quy cũng chỉ là một câu nói mà thôi.” Gấp cuốn thẻ tre lại, Liễu Xa đặt nửa cuốn Luận Ngữ sang một bên, cẩn thận đọc những dòng bình luận chú giải của Khương Bồng Cơ trong cuốn Binh Sách.
Chỉ dựa vào một câu đó thôi, Khương Bồng Cơ dám kết luận, Liễu Xa chính là một đóa hoa lạ của cái thời đại này, không chỉ cực kỳ hiếm thấy, mà còn có thể ẩn mình một cách hoàn mỹ giữa những đóa hoa bình thường khác.
Thời đại Nho giáo thịnh hành như thế này, ông ấy nói vậy có thật là ổn không? Theo lối tư duy bình thường của người ở thời đại viễn cổ này, không phải đều cho rằng đây là hiện tượng bình thường? Thậm chí còn cảm thấy đây là chuyện đương nhiên à?
Khương Bồng Cơ không thể biểu hiện quá nhiều, chỉ có thể thuận theo lời của Liễu Xa, nghi ngờ đặt câu hỏi: “Vua là thuyền, dân là nước, nước có thể đẩy thuyền cũng có thể lật thuyền, vì vậy có thể thấy dân quan trọng hơn vua... Chẳng lẽ những lời Thánh nhân nói cũng là giả?”
Liễu Xa lắc đầu chữa lại, “Không, không thể nói là giả, chỉ có thể
nói là quá hoàn mĩ.”
Ông biết đứa con gái này của ông bất phàm nhưng nói cho cùng nó vẫn chỉ là một đứa trẻ chưa trải sự đời. A Mẫn cũng thường nói độ tuổi 12 vẫn chỉ là một đứa trẻ còn chưa dứt sữa, có một số chuyện cần được dẫn đường một cách chính xác mà không phải là nuôi thả, để nó muốn học gì thì học.
12 tuổi, đúng vào độ tuổi để hình thành nhân cách tốt nhất, qua khỏi quãng thời gian này, tư tưởng đã cố định rồi, lúc ấy có muốn sửa cũng khó.
Con gái ông không thích Luận Ngữ, điều này có thể thấy được từ những lời bình ít ỏi, nhưng không thể vì không thích mà phủ định toàn bộ được.
Nửa bộ Luận Ngữ trị cả thiên hạ, câu này cũng không phải chỉ nói chơi.
Học, chắc chắn là phải học nhưng phải học có chọn lọc.
Người làm vua, học Luận Ngữ có thể rèn luyện tâm tính, biết cai quản thế nào, thu phục lòng người thế nào, thể nghiệm và quan sát dân ý... tóm lại có nhiều lợi ích.
Mấy năm nay ông nhậm chức làm quan tại nơi xa xôi hẻo lánh, nhưng việc cai quản lại cực kỳ có hiệu quả, mức độ phồn vinh cũng không kém Hà Gian là mấy. Từ nghèo rớt mùng tơi cho đến phú quý phát đạt, quận huyện dưới sự thống trị của ông xảy ra biến hóa long trời lở đất. Đám con cái của những nhà giàu mới nổi đó có tác phong như thế nào, ông biết rất rõ, cũng sợ Khương Bồng Cơ bởi vì tò mò hoặc tự đại mà đi nhầm đường.
“Lời của Thánh nhân là thứ để ước thúc quân tử, chứ không phải là cho tiểu nhân. Những lời quá sáo rỗng thế này, đọc biết là được rồi đừng đi sâu quá.”
Khương Bồng Cơ tin rằng nếu những lời này của Liễu Xa mà lọt ra ngoài nói không chừng sẽ bị đám Nho sinh cổ hủ vung bút chửi bới, quả thật là đại nghịch bất đạo mà.
Liễu Xa lại cười nói, “Tuy rằng nói là như thế, nhưng điều này cũng tiết lộ một chân lý: người có được lòng dân là có được cả thiên hạ!”
Đông Khánh hiện tại còn không phải là như thế sao?
Tiên đế hoang đường vô độ, giết cha chiếm ngôi, sau khi đăng cơ chỉ biết hưởng lạc, dùng người không khách quan*, lại dễ tin lời kẻ tiểu nhân... Đã thế lại còn cưỡng bức thím, ép chết chú ruột mình.
*Dùng người chỉ xem xét trên quan hệ thân thiết giữa cá nhân với nhau, không đánh giá đạo đức, tài năng.
Đến vị bệ hạ hiện tại thì lại càng đặc sắc hơn. Giết anh trai cướp chị dâu, cưỡng đoạt vợ của triều thần, chểnh mảng chuyện triều chính, hoa mắt ù tai tin dùng lũ gian nịnh, để mặc thân tín hãm hại hiền thần, lương tướng...
Cả triều đình trên dưới bẩn thỉu xấu xa, quan lại bao che cho nhau, tham ô đục khoét căn cơ Đông Khánh, án oan sai lại càng nhiều không kể xiết... Có một vị hoàng đế như thế này, Đông Khánh sớm muộn gì cũng game - over.
Còn về chuyện của Bắc Cương cùng với Trấn Bắc Hầu, chẳng qua cũng chỉ là cọng rơm cuối cùng đè chết con lạc đà mà thôi.
Nếu như không hòa đàm, Đông Khánh còn có thể tiếp tục chống đỡ vài năm nữa, đợi các hoàng tử trưởng thành nói không chừng lại có một vị hoàng đế sáng suốt lên ngôi, có lẽ còn có thể ngăn được cơn sóng dữ, cứu lại Đông Khánh sắp sụp đổ này.
Nếu như hòa đàm thì lại dẫn sói vào nhà...
Thiên hạ đã âm ỉ nhen nhóm ngọn lửa loạn lạc, cho nên ông mới tin lời của Liễu Trần đại sư nói.
Ánh mắt của Khương Bồng Cơ sáng rực nhìn về phía Liễu Xa, câu nói này của đối phương cực kì nghiêm túc, căn bản là không có bất kỳ yếu tố nói chơi nào trong đó.
“Những gì phụ thân nói, con trai nhất định sẽ khắc ghi trong lòng.” Khương Bồng Cơ âm thầm trợn mắt, Liễu Xa thế này là đang giật dây xúi giục cô và cũng đang cảnh cáo cô đây mà.
Thời đại viễn cổ này khác biệt quá nhiều với thời đại cô từng sống, không chỉ là về khoa học kỹ thuật mà còn cả xã hội nhân văn nữa, những gì Liễu Xa nói đối với cô vẫn có tác dụng. Còn về phần những thứ khác, cô vẫn cần thời gian và không gian để cẩn thận thấu hiểu.