“Lời này của tiểu chủ nhân khiến lão nô ngại quá.” Người này chính là chưởng quỹ của tiệm Tụ Bảo Trai ở Bắc Cương, tuy đã thoát khỏi tầng lớp nô tịch từ lâu nhưng đối mặt với giọt máu duy nhất của Cổ Mẫn ông vẫn tự xưng lão nô. Cách xưng hô này vừa thể hiện sự tôn kính với Khương Bồng Cơ vừa là tưởng nhớ Cổ Mẫn: “Xa cách hơn mười năm, tiểu chủ nhân đã lớn thế này rồi, bà chủ ở dưới suối vàng biết được sẽ vui mừng biết bao.”
Người thường đều trọng nam khinh nữ, vậy mà bà chủ vừa mới mang thai đã cầu thần bái phật khắp nơi mong ông trời ban cho con gái.
Cổ Tín sưu tầm không ít “Quan Âm tống nữ*” cho Cổ Mẫn nên cũng rất hiểu mong muốn của bà.
*Quan Âm tống nữ: nghĩa là Quan Âm tặng mệnh nữ, có thể hiểu là mong Quan Âm ban cho thai nhi là con gái.
Bây giờ nhìn con gái của Cổ Mẫn đã như ngọc thụ lâm phong, cuộc đời này cũng không hối tiếc.
Không đúng, khoan đã… Ngọc thụ lâm phong là cái quái gì?
Cố Tín nhìn Khương Bồng Cơ quyến luyến hồi lâu không nói được câu nào.
Khương Bồng Cơ nhìn đoàn binh mã ngoài thành: “Ông thực sự là người bên cạnh mẫu thân sao?”
Cổ Tín nói: “Tiểu chủ nhân chớ có hiểu lầm, những người kia đều là mượn của Liễu Châu mục. Thời thái bình thương nhân đi lại cũng không dễ dàng, huống chi là loạn lạc như hiện nay. Để có thể bình an mang đồ đến cho tiểu chủ nhân, lão nô đã mượn một ít binh mã của Liễu thái gia, không ngờ lại khiến cho tiểu chủ nhân hiểu nhầm.”
Khóe miệng Khương Bồng Cơ không nhịn được mà hơi cong lên, cô nói: “Đa tạ, không biết ta nên xưng hô với ông thế nào?”
Không nói đến tuổi tác với lai lịch của Cổ Tín, chỉ nhìn cách ăn mặc và phong thái của ông cũng biết không phải người bình thường. Khương Bồng Cơ sẽ không vì ông tự xưng “lão nô” mà thực sự coi ông là tôi tớ.
Nếu nói về tuổi tác, cộng cả tuổi kiếp trước lẫn kiếp này của Khương Bồng Cơ rồi làm tròn thì cơ bản có thể tính là cùng trang lứa với Cổ Tín.
Cổ Tín ngẫm nghĩ rồi nói với giọng hơi khàn: “Nếu tiểu chủ nhân không ngại thì gọi lão nô là chú Cổ là được.”
“Chú Cổ.”
Không biết Cổ Tín nhớ lại điều gì, tròng mắt hiện toàn tia máu nhưng lại rất vui vẻ đáp một tiếng: “Ừ!”
Ba người Phong Cẩn và khán giả xem livestream vẫn còn ngơ ngác, không hiểu tại sao tình thế lại đột nhiên chuyển hướng. Mãi cho đến khi hai người trò chuyện xong xuôi bọn họ mới hiểu ra mà thở phào một hơi.
Không phải đánh giặc là tốt rồi, Cổ Tín này chính là người quen của chủ công, không biết chừng còn mang đến thứ tốt.
Khương Bồng Cơ đã đoán được Cổ Tín mang thứ gì đến, cô cười đón lấy Trường Sinh trong lòng Phong Cẩn rồi thơm lên trán bé.
“Ngôi sao may mắn.”
Trường Sinh ngây thơ mở to hai mắt kêu a a, sau đó muốn thơm lại.
Khương Bồng Cơ không biết hành động lần này của cô đã làm Cổ Tín hiểu lầm lớn cỡ nào!
Ông kinh hãi nhìn Trường Sinh đang cười khanh khách di chuyển trên người Khương Bồng Cơ, sau đó lại trừng mắt với Phong Cẩn.
“Bế nó đi đi, tường thành gió lớn dễ bị cảm lạnh, trẻ con bị bệnh sẽ rất khó chữa.”
Khương Bồng Cơ nói xong rồi đưa cả chiếc áo chắn gió đang bọc Trường Sinh cho Phong Cẩn, bé con trông như bị tủi thân lắm vậy.
Huyện Tượng Dương đã hủy bỏ cảnh báo, người đến không chỉ không đem phiền phức cho cô mà còn tặng tiền, lương thực và ngựa.
Cổ Tín là người làm việc nghiêm túc và cẩn thận, ông tạm thời bỏ qua những rối rắm trong lòng, lùi lại phía sau một bước cùng Khương Bồng Cơ xuống thành, vừa đi vừa liệt kê những vật lần này ông mang tới, ngay cả số lượng hao hụt trên đường cũng trình bày rõ ràng. Cách làm việc thẳng thắn, quang minh lỗi lạc của ông khiến cho người khác vừa nhìn đã thấy ông rất chân thành.
Nghe nói Cổ Tín đã sắp xếp sẵn da cừu và ngựa, mấy người Phong Cẩn đều nhìn ông bằng ánh mắt khâm phục.
Thứ bọn họ thiếu bây giờ không phải lương thực, đồ Cổ Tín mang tới đúng là đã giải quyết vấn đề khẩn cấp trước mắt.
Lượng dân ở Thượng Kinh và Phụng Ấp di cư đến, cộng thêm mấy nghìn Thanh Y Quân, dẫn đến dân số huyện Tượng Dương hiện giờ còn nhiều hơn thời kỳ trước động đất. Mùa đông ở phương bắc Đông Khánh rất lạnh, trong thành không đủ quần áo chống rét. Thời gian trước Từ Kha còn rầu rĩ làm sao chống chọi qua mùa