Đài khí tượng Dung Thành xin thông báo về cơn bão đã được báo động đỏ vào lúc 15 giờ 27 phút ngày 23 tháng 7 năm 2018.
Đêm hôm nay, sức gió ở vùng duyên hải sẽ dần tăng mạng với cường độ 11 đến 13, cấp gió giật lớn nhất tại khu thành thị Dung Thành có thể đạt đến 11~13.
Ngày 23, toàn thành phố có mưa lớn, có những khu vực mưa nặng hạt, lượng mưa dao động ——”
Gần đây những tin tức thời tiết như vậy nhiều không đếm xuể, Kinh Du cầm điều khiển lên tắt tivi, ăn vài muỗng hết chén cháo rồi đứng dậy đi đến cạnh bàn, giơ tay xoa đầu Mạc Hải bảo: “Em rửa chén đi.”
Một năm qua đi, Mạc Hải vẫn chẳng lớn lên là bao, cậu chỉ biết phồng má không dám cãi lại: “Được rồi, được rồi.”
Kinh Du đi tới trước cửa sổ, từ tuần trước, Dung Thành cứ đổ mưa liên tục, hiện tại mưa có phần nhỏ đi nhưng gió lại rất mạnh.
Anh đang mãi đăm chiêu thì Mạc Hải ở phía sau lưng gọi một tiếng: “Anh ơi! Điện thoại của anh!”
“Đến đây.”
Kinh Du trở lại cạnh bàn, thấy tên người gọi đến.
Anh vừa cầm điện thoại lên bắt máy đã nghe thấy giọng rống to của Thiệu Quân ở bên kia: “Cái tên óc chó nhà cậu, đang trong kỳ huấn luyện mà cậu chạy lung tung đi đâu.
Lão Vương lên tiếng rồi đó, chờ cậu quay lại không lột da cậu không được.”
Thiệu Quân hùng hổ nói xong nhưng không nghe thấy tiếng của Kinh Du bèn lấy điện thoại xem thử, màn hình hiển thị vẫn đang trong cuộc gọi, thế là anh ấy lại nói tiếp: “Alo alo? Alo!!! Anh zai, cụ nội, Kinh tổ tông! Cậu có đang nghe không?”
“Đang.” Kinh Du đáp.
“Má nó chứ.” Thiệu Quân hỏi: “Cậu quay về làm gì đấy hả? Tháng sau là Á vận hội rồi, bây giờ cậu chậm trễ một ngày thì càng cách chức vô địch một bước, cậu không biết chuyện nào quan trọng chuyện nào không quan trọng sao? Rốt cuộc cậu đang nghĩ —-”
Kinh Du nhẹ giọng cắt ngang tiếng gào của anh ấy, giọng vô cùng bình thản: “Hôm nay là sinh nhật cô ấy.”
Thiệu Quân nhất thời sửng sốt: “Tôi…”
“Tôi hiểu rất rõ, sẽ không chậm trễ việc tập luyện.” Kinh Du đến Dung Thành vào đêm khuya hôm qua, ban đầu dự định sáng sớm sẽ đến nghĩa trang rồi trong buổi sáng sẽ lên máy bay trở lại thành phố B, song chẳng ngờ lại gặp ngày bão nên máy bay và tàu cao tốc đều ngừng hoạt động.
“Thôi tùy cậu vậy.” Giọng Thiệu Quân trầm lại: “Hai ngày nay Dung Thành đang bão, cậu nhớ chú ý an toàn, huấn luyện viên bên này tôi sẽ nói giúp cậu.”
“Cảm ơn nhé.”
“Miễn đê, cậu giúp bọn tôi giành nhiều quả huy chương vàng trong Á vận hội sắp tới là tôi quỳ xuống cảm ơn cậu rồi.”
Kinh Du cười khẽ: “Bây giờ mức độ sùng bái cậu dành cho tôi… Đã đến chừng này rồi à?”
“Phắn đê!”
Thiệu Quân thở phì phò cúp máy, Kinh Du cười cười đặt điện thoại xuống.
Anh quay đầu nhìn bóng dáng Mạc Hải đang rửa chén trong bếp, trầm mặc một hồi mới lên tiếng: “Mạc Hải, anh ra ngoài tí, sẽ về nhanh thôi.”
Mạc Hải nghe vậy lập tức chạy ra khỏi bếp với đôi tay còn dính đầy bọt xà phòng: “Mẹ em bảo hôm nay không được ra ngoài, sẽ bị gió thổi bay mất.”
“Anh đi làm chút việc, về sớm thôi, không bị gió thổi mất đâu.” Kinh Du nhìn cậu: “Em ở nhà một mình có sợ không?”
“Không sợ ạ! Có robot biến hình ở với em rồi.”
Nghe vậy, Kinh Du hơi kinh ngạc, sau đó ngó về phía robot biến hành trên bàn trà.
Đó là quà Hồ Điệp tặng Mạc Hải vào dịp sinh nhật năm ngoái của cậu bé.
Lúc ấy Kinh Du còn lo lắng không bao lâu sau Mạc Hải sẽ làm hỏng nó, nhưng một năm đã qua mà nó vẫn còn lành lặn để ở đó.
Chỉ là vật vẫn như cũ nhưng người chẳng còn đâu.
Kinh Du mỉm cười xoa xoa đầu cậu: “Được, vậy lát anh về sẽ mua kem cho em.”
“Được!”
Thực tế cho thấy việc ra ngoài vào ngày bão không hề dễ dàng chút nào.
Từ đường Hải Dung đến nghĩa trang tưởng niệm chỉ khoảng hai ba cây số nhưng trong lúc đi đến đó, áo mưa trên người Kinh Du không có bất cứ tác dụng che chắn gì khiến quần áo ướt sũng dính sát vào người anh.
Nhân viên quản lý nghĩa trang đẩy cửa sổ ló đầu nhìn ra, hỏi thăm: “Cậu cũng đến nghĩa địa số ba sao?”
“Vâng, sao chú biết vậy?” Kinh Du lau nước mưa trên mặt: “Bây giờ có thể vào chứ?”
“Có thể, trước cậu không lâu cũng có một người đến nghĩa trang số ba.” Nhân viên quản lý bảo anh vào phòng điền đơn đăng ký: “Nhưng cậu đừng ở lâu quá, bão sắp đổ bộ rồi.”
“Được, cảm ơn.” Trong lòng Kinh Du thầm đoán người đến trước mình, anh nhanh chóng điền đơn xong rồi lại mặc áo mưa vội vàng đi vào nghĩa trang tưởng niệm.
Hồ Viễn Hành cũng đợi cả ngày hôm nay, thấy sẩm tối mưa nhỏ đi phần nào mới quyết định đến đây, khi Kinh Du đến, ông đang chuẩn bị rời đi.
Tưởng Mạn đang ở nhà một mình, ông không quá yên tâm.
Thấy Kinh Du đến, Hồ Viễn Hành hơi kinh ngạc: “Con về lúc nào đó?”
“Tối qua ạ.” Kinh Du nhìn tấm hình trên bia mộ cách màn mưa mỏng: “Muốn quay lại thăm em ấy.”
“Con có lòng quá.” Hồ Viễn Hành vươn tay che dù cho anh: “Thời tiết thế này cũng không đốt được gì, mẹ con bé ở nhà có nhắc, chú thấy mưa nhỏ bèn chạy tới đây.
Một năm rồi, thời gian trôi qua cũng nhanh thật.”
Kinh Du đáp tiếng “vâng”, cũng không biết nên nói gì.
“Được rồi, chú thấy có vẻ mưa sắp lớn lại, con đừng ở đây lâu quá, chú ra ngoài trước chờ con.”
“Được ạ.”
Nom Hồ Viễn Hành che dù đi xa, Kinh Du mới ngồi xổm xuống trước mộ Hồ Điệp, cất giọng như đang đùa: “Đã một năm rồi, em không nhớ anh chút nào sao?”
Sau khi trở lại thành phố B, anh những tưởng sẽ thường xuyên mơ thấy cô nhưng một lần cũng chẳng có.
“Em quên mất anh nhanh quá đấy.”
Mưa to như trút nước, từng giọt đập vào tấm bia đá trên mặt đất phát ra tiếng lốp bốp vang dội.
Kinh Du nhìn tấm hình trên đó, mỉm cười nhẹ nhàng: “Sinh nhật vui vẻ em nhé.”
Từ lúc đến đây cho tới khi rời đi, Kinh Du chỉ nói ba câu như vậy.
Thời điểm về là do Hồ Viễn Hành lái xe đưa anh về, chiếc xe chậm rãi chạy về phía trước trong màn mưa.
Tại một trụ đèn đỏ, Hồ Viễn Hành dừng xe và bỗng nói: “Năm sau đừng đến nữa.”
Kinh Du nhìn cần gạt nước đang đong đưa không ngừng trước mắt, chẳng đáp được hay không được.
“Con đường của con vẫn còn rất dài.” Hồ Viễn Hành nói: “Con có thể nhớ con bé mãi nhưng đừng cứ sống trong quá khứ, dù sao con cũng phải nhìn về phía trước.”
Từ đầu đến cuối Kinh Du đều trầm mặc, tựa như một pho tượng đá không biết nói chuyện.
Hồ Viễn Hành nhìn anh, tiếp tục chờ đèn đỏ chuyển sang đèn xanh, không nói gì thêm nữa.
Nửa tiếng sau, xe dừng lại đầu con phố Hải Dung.
Kinh Du đặt tay lên tay nắm cửa, nói câu đầu tiên kể từ sau khi lên xe: “Hôm nay cảm ơn chú, con đi trước.”
Hồ Viễn Hành nhìn anh, toan nói lại thôi, cuối cùng chỉ lặng im nhìn anh hòa mình vào cơn mưa to.
Kinh Du về đến nhà mới nhớ ra quên mua kem cho Mạc Hải, thế là anh vòng ra lại đầu đường, tới khi về nhà lần nữa thì Mạc Hải đã đi ngủ mất rồi.
Anh cất kem vào tủ lạnh, cởi quần áo ướt sũng ra đi vào phòng tắm.
Khi nước nóng xả xuống, Kinh Du nhớ lại lời của Hồ Viễn Hành.
Anh hơi ngước đầu để mặc cho nước nóng chảy xuôi qua mặt mình, yết hầu nơi cổ chuyển động, có thứ gì đó chảy xuống theo dòng nước nóng.
Anh không muốn quên.
Thích cô, chính là chuyện cả đời.
Đêm hôm nay, lần đầu tiên Kinh Du nằm mơ thấy Hồ Điệp.
Cô vẫn là dáng vẻ hệt như trong trí nhớ, cô khóc lóc gọi anh là anh Kinh Du, hỏi anh tại sao lại quên đi cô.
Không có…
Anh không có…
Kinh Du đột nhiên bừng tỉnh khỏi giấc mộng, giây phút tỉnh lại, trong miệng anh còn kêu anh không quên cô, tiếng mưa rơi vô cùng rõ ràng trong đêm khuya tĩnh lặng.
Anh ngồi dậy bên mép giường, đưa tay đến balo đang để bên cạnh.
Lúc chuẩn bị lấy thuốc lá và bật lửa, anh thấy có một phong thư để bên trong ngăn kép của balo.
Đây là phong thư duy nhất và cũng là Hồ Điệp viết cho anh mà Hồ Viễn Hành đã đưa cho anh trước khi Kinh Du rời khỏi Dung Thành năm ngoái.
Sau khi đọc thư, anh vẫn luôn mang nó theo bên mình.
Kinh Du buông gói thuốc lá, lấy lá thư ra.
Miệng phong thư bị niêm phong đã được mở, anh rút thư bên trong ra.
Đập ngay vào mắt là những nét chữ quen thuộc, nội dung anh gần như đã thuộc nằm lòng.
“Anh Kinh Du:
Hôm nay là ngày 16 tháng 8 năm 2017, khi anh thấy bức thư này, có lẽ em đã đi nơi khác mất rồi.
(Mở đầu cũ kỹ thật đó TvT)
Khoảng thời gian này em cứ hay chảy máu mũi làm em buồn bực vô cùng, hai ngày trước em phát hiện hình như mình không cảm nhận được mùi vị như bình thường nữa, có lẽ em thật sự phải đi rồi, vậy nên hôm nay nhân lúc tâm trạng tốt, em viết cho anh vài dòng.
Ừm…
Thật ra em cũng không biết phải nói gì, cũng không biết di thư của người khác viết thế nào (thở dài).
Em biết chắc chắn anh sẽ rất khó chịu rất buồn bã nhưng em hy vọng anh sẽ không đau khổ quá lâu.
Em chưa từng rời đi, em vẫn luôn ở đây.
Khi anh ngắm mặt trời lặn, em chính là đám mây cạnh mặt trời, khi anh ngắm trăng sáng, em chính là vì sao cạnh ánh trăng.
Có thể em còn là ngọn cỏ nhỏ ven đường, cây đại thụ cao chọc trời, là cơn mưa anh đắm mình vào đó, là ngọn gió thổi qua, thậm chí là không khí mà anh hít thở.
Em sẽ giống như chú bướm bên trong quả cầu pha lê anh tặng em vậy, sẽ luôn ở bên cạnh anh.
Vậy nên anh Kinh Du à, đừng đau khổ vì em, hãy mang ước mơ của cả hai ta cố gắng bơi về phía trước anh nha.
Em sẽ ở tại vạch đích chờ anh.
——- Bướm nhỏ của anh để lại.”
…
Có vài chữ trên bức thư đã trở nên mờ nhạt, từng vòng nước đọng lan ra xung quanh.
Kinh Du hít một hơi thật sâu, ngón tay vuốt ve chữ ký ở cuối cùng, cảm xúc đau đớn và bi thương tức khắc dâng trào.
Anh cúi đầu, nước mắt thấm ướt lá thư, lại có thêm vài con chữ nhạt đi.
_
Một tuần sau đó, Kinh Du trở về thành phố B, huấn luyện viên Vương Võng bắt đầu khóa huấn luyện khép kín cuối cùng cho anh.
Giữa tháng tám, tất cả các vận động viên Trung Quốc tham gia Á vận hội lên đường bay đến Jakarta.
Kinh Du – người được đồn đã giải nghệ nay lại trở lại sân đấu là một trong những đối tượng được phần lớn các phóng viên chú ý.
Vì để không ảnh hưởng tới trạng thái của anh, cũng không khiến các thành viên khác của đội bơi lội gặp vấn đề tâm lý thì khi máy bay vừa đáp xuống sân bay, Vương Võng đã dặn dò người đưa cả đội lên xe buýt trước.
Á vận hội chính thức khai mạc vào hai ngày sau, các vận động viên của từng hạng mục chỉ có thời gian trong hai ngày này để bắt đầu làm quen với quy trình và sân thi đấu.
Thiệu Quân và Kinh Du ở cùng một phòng, hai người tham gia hạng mục khác nhau nhưng thời gian thi đấu đều chung một ngày, sau đó còn cùng tham gia cuộc thi bơi phối hợp tiếp sức với nhau.
Vào buổi tối trước hôm thi, Vương Võng gọi họ đi họp.
Sau khi họp xong trở về nhà ở tập thể, Thiệu Quân đưa cho Kinh Du một cây bút thu âm.
Thiệu Quân gãi gãi cổ: “Cái này là lần trước nhóm chú Trương Khang Hoa nghe tin cậu sẽ trở lại thi đấu nên đã ghi âm vài câu gửi tới cậu, tự cậu nghe đi, tôi đi tắm trước.”
Dứt lời, không chờ Kinh Du phản ứng thì anh ấy đã cầm quần áo đi vào phòng tắm.
Kinh Du cầm cây bút ghi âm kia, ấn phát lên cùng lúc với tiếng nước chảy phát ra.
“Tiểu Du à, chú là chú Trương đât, nghe nói lần này con sẽ tham gia Á vận hội, vì vậy chú dì đã nhờ bạn Tiểu Thiệu giúp chú dì ghi âm cổ vũ cho con.
Nào nào nào, mỗi người nói một câu đi —–”
“Tiểu Du à, dì là dì Tống đây, chúc con thi đấu tốt nhé, ừm… Một mình con ở nước ngoài phải chú ý, bên đó nhiệt độ cao, cẩn thận bị cảm nắng.”
“Ây dà! Nói hay hơn xíu đi.” Tưởng Trung Cường lên tiếng: “Tiểu Du cố gắng nhé! Ngày cuộc thi diễn ra chú dì sẽ xem phát sóng trực tiếp, con phải cố hết sức mình ha! Đừng làm chú dì mất mặt!”
“Mấy ông bà cũng thật là, tạo áp lực lớn cho thằng bé làm gì.” Người nói câu này chính là Đỗ Lập Viễn.
Ông cười bảo: “Tiểu Du đừng nghe họ nói, con cứ phát huy như bình thường, có giành chức vô địch hay không chú dì không bàn tới, quan trọng là phải gắng hết sức mình vào cuộc thi, đừng phụ lòng bao công sức khổ cực lâu nay của bản thân.
Với cả ba con cũng đang ở trên trời cao xem, nếu thấy con trở lại sân đấu thì chắc chắn ông ấy cũng vui như chú dì vậy.”
Trương Khang Hoa tiếp lời: “Đúng đó, niềm kiêu hãnh lớn nhất của lão Kinh chính là con, con nhất định phải thi đấu tốt nhé Tiểu Du, chú dì chờ con trở lại.”
…
Đến cuối cùng, nhóm chú dì trung niên số tuổi cộng lại lên tới hai ba trăm suýt cãi nhau vì ai nói khó nghe nhưng Kinh Du lại cảm thấy vô cùng gần gũi.
Anh cười cười cầm bút thu âm lên, nhấn quay lại nghe đoạn ghi âm này ba lần.
Vào lần cuối cùng, anh không bấm quay lại nữa mà chờ đoạn ghi âm chạy hết rồi tự động dừng lại.
Câu nói cuối cùng của Tống Kính Hoa: “Ây dà, sao bút ghi âm chưa tắt nữa.”
Tiếp đó là một loạt tiếng động sột sà sột soạt, Kinh Du chuẩn bị đưa tay cất bút ghi âm đi thì đột nhiên nghe thấy giọng nói quen thuộc từ trong phát ra.
“Anh Kinh Du, cố gắng thi đấu nha.”
Kinh Du phút chốc sững sờ, cả người như bất động tại chỗ.
Anh khó tin bấm quay trở lại rồi liên tục bấm tua nhanh.
Trong lúc anh tua đoạn ghi âm, Thiệu Quân tắm rửa xong đi ra khỏi phòng tắm và vừa khéo nghe được câu cổ vũ “Anh Kinh Du, cố gắng thi đấu nha!” của Hồ Điệp.
Anh ấy đứng tại chỗ lau tóc, nhìn bóng lưng im lìm của Kinh Du rồi cất giọng: “Trước khi bé Bướm qua đời đã gửi cho tôi, bảo chờ cả đám quay lại thi đấu rồi đưa cho cậu nghe.”
“… Cảm ơn.” Kinh Du quay đầu nhìn Thiệu Quân mỉm cười, lần này anh không còn rơi nước mắt nữa.
Năm nay, thành tích của đội tuyển Trung Quốc đứng đầu bảng huy chương với 132 huy chương vàng, 92 huy chương bạc và 65 huy chương đồng.
Mà Kinh Du – người mà tất cả mọi người đều trông chờ cũng không hề phụ sự kỳ vọng của họ, với hai huy chương vàng và một huy chương bạc, anh đã được một phóng viên trong nước gọi là “Vị vua niết bàn trở lại”.
Sau khi Á vận hội kết thúc, Kinh Du lại biến mất một khoảng thời gian.
Đến khi trở về đội thì thành phố B đã sang thu.
Huấn luyện viên Vương Võng phê bình nghiêm nghị trước hành động này của anh: “Lần sau nếu em còn biến mất không báo một tiếng như vậy nữa thì em không cần trở lại làm gì cả, đội bơi lội không thiếu người.”
Kinh Du không cãi lại, chỉ đáp: “Xin lỗi huấn luyện viên, sau này em sẽ không như vậy nữa.”
Vương Võng vẫn xụ mặt: “Được rồi, đi tập luyện đi.”
Kinh Du gật đầu, sau đó xách túi thể thao của mình đi vào phòng thay quần áo.
Thiệu Quân ở bên cạnh bá vai anh đi về trước cùng anh: “Khoảng thời gian rồi cậu đi đâu vậy?”
“Không đi đâu hết, vẫn luôn ở Dung Thành.” Kinh Du đẩy cửa tiến vào phòng thay đồ: “Thầy đồ tập luyện đi.”
“Ô cơi.” Thiệu Quân buông tay ra, đi tới trước tủ của mình và cởi quần áo cất vào, mới cầm mũ bơi và kính bơi quay lại trông thấy lưng của Kinh Du thì kìm lòng chẳng đặng mắng tục: “Mẹ kiếp.”
Kinh Du đang giơ cánh tay cởi áo phông, nghe tiếng bèn hỏi: “Gì đấy?”
“Cậu đây? Xăm hả?” Thiệu Quân chỉ chỉ vị trí xương bả vai bên phải của anh.
Nơi ấy xăm một chú cá voi và một chú bướm.
Không có màu sắc gì, chỉ có nét vẽ đen đơn giản.
Kinh Du không mấy để ý đáp tiếng “ừ”.
Thiệu Quân hỏi: “Cậu về Dung Thành để đi xăm đấy à?”
Kinh Du gật đầu: “Lão Vương đâu có nói là không được xăm?”
“Không nói thì đúng là không nói nhưng trong đội có ai dám xăm đâu.” Thiệu Quân tặc lưỡi: “Cậu cẩn thận đó, hôm nay thầy ấy vốn đã tức giận vì cậu mất liên lạc, nếu còn thấy cậu xăm mình khéo đuổi cậu khỏi đội bơi thật đấy.”
Kinh Du cười cười: “Đến lúc đó lại nhờ cậu nói vài câu tâng bốc tôi rồi.”
“Lượn dùm, lúc cậu xăm sao không nghĩ tới tôi?” Thiệu Quân đẩy cánh tay đang lấy lòng của anh ra: “Cậu chỉ biết ỷ vào việc lão Vương cưng cậu, muốn làm gì thì làm thôi.”
Kinh Du không phủ nhận, cười nói: “Vậy sau này cậu có bị mắng tôi sẽ hỗ trợ khen cậu vài câu.”
“…” Thiệu Quân đánh cái bốp vào lưng anh, âm thanh lanh lảnh.
Kinh Du nhíu mày: “Đậu xanh…”
Thiệu Quân cười bỏ chạy ra ngoài trước khi anh đánh trả: “Đi thôi, đi tập luyện.”
Kinh Du liếc qua gương, trên lưng có một dấu bàn tay vô cùng rõ, ở vị trí bên phải phía trên nó là hình xăm chú bướm và chú cá voi.
Chú cá voi chính là bản vẽ mẫu mà Hồ Điệp muốn xăm nhưng lại không xăm lúc trước.
Chuyến này trở về, anh tìm lại cô gái thợ xăm đó xăm thêm chú bướm phía trên chú cá voi.
Vì không xăm màu nên chỉ cần một tháng đã lành rồi.
Anh cong tay đụng một cái, sau đó đóng tủ đi ra ngoài.
Vương Võng không nói gì đến chuyện Kinh Du xăm hình bởi dầu gì trên thế giới cũng có rất nhiều vận động viên bơi lội xăm hình lên cơ thể.
Ông chỉ trầm mặc đá chàng trai đang vận động làm nóng người rơi cái tủm vào trong hồ bơi.
Cuối cùng còn lạnh lùng nói: “Cậu tập luyện đàng hoàng cho tôi.”
Kinh Du lơ lửng trong nước, anh lau nước trên mặt rồi khép ngón trỏ và ngón giữa đặt bên thái dương làm động tác chào với ông: “Tuân lệnh!”
Vương Võng tức giận nhấc dụng cụ thể thao bên cạnh chuẩn bị đánh anh.
Kinh Du bật cười bơi đi xa.
Vương Võng nhìn anh, dường như lại thấy được cậu thiếu niên hăm hở trong quá khứ.
Ông buông dụng cụ thể