Đôi kiếm Trường Dạ và Diễm Dương, một dài một ngắn, một đen một lam, nằm song song trên bàn. Bề ngoài của Trường Dạ giống như tên, đen tuyền từ chuôi đến vỏ; còn kiếm Diễm Dương thì xanh biếc như màu trời trong.
Tà đại hiệp luôn mang đôi kiếm này bên mình nhưng rất hiếm khi nhân sĩ giang hồ thấy Diễm Dương xuất ra khỏi vỏ.
Quân Tiêu Mặc cũng thắc mắc lắm, từng hỏi thành lời: "Kiếm mà cứ nằm trong vỏ thì khác gì kiếm cùn?"
Quân Huyền thoáng quay đầu qua nó, bình thản, dửng dưng đáp: "Diễm Dương mà là kiếm cùn thì Trường Dạ là thứ đồ bỏ đáng vứt đi."
Nếu Trường Dạ có linh hồn, nghe được câu này của chủ thì sẽ hộc máu văng xa ba ngàn tám trăm dặm rồi khóc thành sông mất.
Nghe vậy, Quân Tiêu Mặc nhận định đầu óc Quân Huyền bất bình thường. Đặt Trường Dạ nằm cạnh Diễm Dương mới thực sự là tủi thân cho nó chứ, tội nghiệp. Dù gì thiếu niên vẫn còn nhỏ tuổi, non nớt, thấy đối tượng nổi tiếng gần bên suy nghĩ quái lạ quá nhiều, cũng hơi nao nao thắc mắc, rốt cuộc được mở mang trí óc không ít, tâm đắc như ngộ đạo. Về phần ngộ ra điều gì thì để tương lai nhóc ấy tìm thấy người mình muốn trân trọng đã.
Tuy Quân Huyền nói mình giấu Tế Khứ làm tin để Quân Tiêu Mặc đừng chạy trốn nhưng hắn giấu kỹ quá đi, nó muốn nhìn qua một chút cũng không được.
"Lâu lắm rồi ta không cầm kiếm." Mang tâm lý giận dỗi, Quân Tiêu Mặc đứng ngay trước cửa chờ chủ nhà về, nói ngay: "Tay của ta sắp mất cảm giác."
Quân Huyền cầm giỏ đồ đặt xuống bàn bếp, từ tốn rửa sạch rau củ rồi lau khô tay, về phòng lấy Trường Dạ ném vào tay nó, bảo: "Thiếu chủ muốn chém gì tùy ý."
Tùy ý?
Quân Tiêu Mặc ôm bảo kiếm mà có cảm giác nó là một thanh sắt vụn, nói 'cảm ơn' rồi chạy ra sân, phấn khởi rút kiếm khỏi vỏ, tùy tiện múa một đoạn kiếm phổ Xuyên Sơn phái.
Tai Quân Huyền thính từ nhỏ, lại còn luyện Không Cảnh công gia tăng độ nhạy bén của các giác quan, lắng nghe cũng hình dung ra được vài động tác người thiếu niên đang múa.
Bởi vì hắn đã từng thấy kiếm pháp của phái Xuyên Sơn. Kiếm pháp Xuyên Sơn lấy 'ngay thẳng' làm khẩu quyết, tựa như lời giang hồ ca ngợi: "Lan quân tử như trúc Xuyên Sơn."
Vút! Một tạp âm chợt xen vào.
Soạt! Dường như là tiếng động Quân Tiêu Mặc lăn mình dưới đất, vung kiếm quát: "Ai!"
Nó thấy một toán người áo đen bịt mặt thoăn thoắt leo tường vào, ám khí phóng tới như mưa, lập tức đạp chân nhảy về sau tránh né. Qua khóe mắt gặp tên lên nỏ, đang bận giữa không trung, nó đành liều lĩnh xoay mình vung kiếm chém gãy tên. Vì tầm quá sát mặt đất nên hành động khiến thân thể mất thăng bằng, bả vai nó bị trầy rách vải, đỏ au một vệt dài tới nửa lưng. Bật máu.
Toán áo đen đã tận dụng thời gian nó bị va chạm để bao vây lấy nó.
Quân Tiêu Mặc cầm ngang kiếm để phòng thủ, phân tích tình hình.
Bảy người. Thân thủ cực kỳ nhanh nhẹn, phối hợp nhịp nhàng. Ám khí và nỏ, sát thủ!
Bất ổn... địch dùng nỏ tầm xa, mình lại dùng kiếm bị giới hạn phạm vi. Địch đông, mình đơn độc.
"Các hạ là người từ đâu đến? Tại sao lại tấn công tại hạ?"
Họ không đáp. Một người với giọng cực trầm như cố tình đè ép hỏi: "Tế Khứ đâu?"
"Đây." Quân Huyền đáp.
Tất cả mọi ánh mắt đều dồn về phía nam tử bạch y cầm thanh trường kiếm màu xám bạc. Kẻ vừa hỏi phất tay. Tên lạch cạch lên nỏ.
Quân Tiêu Mặc biến sắc: "Đừng!"
Nhưng ai quan tâm chứ, sáu mũi tên vun vút nhắm vào Quân Huyền tức thì bị một bóng đen nhoáng lên chặt gãy hết. Mạc Nhất cầm hai cây thích quỳ dưới đất, mắt lạnh như băng, cánh tay còn đang tròng qua một giỏ cá tươi.
Sáu chiếc nỏ quay quắt hướng vào Quân Tiêu Mặc. Kẻ kia tiếp tục nói: "Kiếm hoặc người."
Quân Huyền lắc đầu, nâng tay cầm lấy chuôi Tế Khứ: "Xưa nay thấy kiếm như thấy người, nào có đạo kiếm người riêng biệt."
Tên lạch cạch lên nỏ.
Lưỡi kiếm ra khỏi vỏ một đoạn ngắn, hai mũi tên liền cắm vào bắp chân Quân Tiêu Mặc. Thiếu niên thở dốc cắn môi, cương quyết không bật ra nửa tiếng rên, tay siết kiếm vững vàng.
"Ra vậy."
Kẻ áo đen duy nhất lên tiếng từ đầu giờ chợt nhíu mày.
Quân Huyền tự nhiên nói: "Ra vậy."
Thưa Tạ tướng quân... Hắn hít sâu một hơi, hôm nay vãn bối bất đắc dĩ đành phải dùng kiếm của ngài, mong ngài bỏ qua.
Lập tức - Tế Khứ rời vỏ! Kiếm ngâm như ưng thét!
Quân Huyền và Mạc Nhất không cần hẹn mà đồng thời hành động. Đám nỏ xoay chuyển, tên vun vút ào ào về phía bọn họ. Phựt! Phựt! Phựt! Tiếng dây đàn hồi trả về vang lên liên tục.
Cặp thích của Mạc Nhất xoay vù vù trong tay, tạo thành khiên chắn cho hắn và Quân Huyền. Thân thủ của ảnh vệ vốn nhanh nhẹn, tiếp cận kẻ thù trong chớp nhoáng, mũi thích nhọn hoắt vung lên liền cắt cổ ba sát thủ. Máu văng tung tóe.
Mạc Nhất phóng một cây thích vào ngực một trong ba kẻ kịp nhảy lùi, xoay người đạp cái nỏ dưới đất văng lên, vừa phóng cây thích còn lại trúng gã thứ hai, rồi bắn tên trong nỏ xử lý kẻ cuối cùng.
Nhanh, gọn. Thân thể sạch sẽ, giỏ cá không rớt ra con nào.
Mười ba ảnh vệ bên cốc chủ được chính tay Tả hộ pháp huấn luyện đều phải đạt đến thân thủ như thế này.
Mạc Nhất quay đầu lại, thấy Quân Huyền đang đưa lưng cõng Quân Tiêu Mặc, kiếm Tế Khứ dính máu trong tay, lạnh nhạt đi qua thi thể của kẻ áo đen ra điều kiện, nói: "Chuẩn bị rời khỏi đây. Nơi này không an toàn nữa rồi."
.
Bí điểm Thần tích của tộc Điệp Cách là một cánh cửa đồng rất lớn nằm sâu dưới ba thước đất sa mạc. Thử hỏi con người làm sao có thể đào xới và xây dựng được một kiến trúc đáng kinh ngạc như vậy dưới lòng đất?
Thế nên nơi này được xem là di tích của thần linh và vùng đất thần thánh mà chỉ Đại tư tế đã trải qua nghi lễ thanh tẩy phức tạp mới được phép bước vào.
Thuở xa xưa là vậy, mai sau, đường hầm kỳ lạ này dưới thời tộc Điệp Cách bị ngoại quốc chiếm đóng, đã được tận dụng để trở thành nhà tù giam giữ hoàng tộc và nghĩa sĩ chống đối. Và ngày nay, nó vẫn được giữ nguyên kiến trúc thời ấy, tộc Điệp Cách chịu ảnh hưởng của tư tưởng ngoại quốc không còn coi nó là chốn thần thánh nữa, nhưng vẫn gọi là Thần tích.
Cửa đúc bằng đồng thau nguyên khối, không tính được tuổi đời, chỉ biết cửa đã tồn tại từ rất lâu. Đa phần bề mặt đều bị gỉ sét, những chỗ y nguyên màu lấp lánh như vàng ròng.
Hoa văn chạm khắc trên cửa cực kỳ tỉ mỉ, hầu hết là chữ Điệp Cách rất cổ xưa, ít ghi chép còn tồn tại sau thời bị chiếm đóng khiến bao nhiêu nhà thông thái phải đau đầu.
Rồi, xuất hiện một nhân vật ngoại tộc đã giải nghĩa được đoạn ngắn ở gần tay nắm cửa. Đoạn văn tự ấy ghi chép về năm khối ngọc trắng tên Sinh Tử bội tương ứng với năm hõm trên cánh cửa, kết hợp với hai khối ngọc đã được đặt khớp vào sẵn biểu diễn một vòng pha mặt trăng. Năm khối Sinh Tử bội còn thiếu lần lượt là: mảnh trăng non, mảnh thượng huyền, mảnh trăng tròn, mảnh hạ huyền và mảnh trăng tàn.
Trong đó, Quốc sư đã tìm được hai khối ngọc thượng huyền và trăng tàn.
Còn ba khối mất tích.
"Tương truyền Thượng thần Trường Ly sinh ra từ tâm trời đất, người là phiên bản thành hình thành dạng của trời đất, trong lòng chứa chúng sinh. Vạn vật đều là chúng sinh, Thượng thần chính là hóa thân của trời đất. Chúng sinh hạnh phúc, Thượng thần vui vẻ; chúng sinh lầm than, Thượng thần đau khổ.
"Tích kể rằng, nhân gian từng thấy vầng trăng không đủ sáng để soi tỏ trời đêm, kêu cầu thần linh, Thượng thần liền cắt tóc mình dán lên trời làm sông Ngân. Tích khác lại kể rằng, đương thời bốn mùa xuân, hạ, thu, đông vẫn chưa tuần hoàn ổn định, nhân gian không biết dấu hiệu báo trước mùa xuân để đánh dấu ngày tháng và sửa soạn gieo giống, Thượng thần nghe lời cầu xin liền dùng máu nhuộm đỏ một loài hoa luôn sẽ tàn vào cuối đông. Đó là loài hoa ở đuôi mắt ngươi, phải không?"
Quốc sư nghiên cứu các ghi chép cổ xưa cực kỳ kỹ lưỡng, đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng từng câu, từng chữ và mọi chi tiết nhỏ lẫn truyền thuyết không rõ hư thực.
Tất cả là để tìm cách mở cửa Thần tích.
Kỳ thật, Mạc Tử Liên lẫn Quốc sư đều không biết tìm được đủ Sinh Tử bội thì có mở cửa Thần tích ra hay chăng. Bọn họ chỉ... hi vọng.
Quốc sư không quan tâm đến việc thần linh tồn tại hay không tồn tại, hồ Khô Lâu với hàng vạn bộ xương khô dù không ảnh hưởng tới thịnh suy của tộc Điệp Cách nhưng vẫn phải được xử