Nước trên mái ngói men theo rãnh chảy thánh dòng, nhỏ giọt tí tách.
Đường phố được cơn mưa rửa sạch như lau như ly, mấy cửa hiệu lúc trước đóng cửa giờ lần lượt mở cửa bán hàng trở lại, người đi đường cũng đông dần lên.
Khương Trầm Ngư cụp ô, đi vào khu chợ.
Khu chợ nằm ở góc Đông bắc Lô Loan này là khu buôn bán nổi tiếng, thương nhân đến từ bốn nước đã biến nơi này trở nên phồn hoa náo nhiệt, ngoài phố Hoa Tân thuộc về Hách Dịch nàng đi qua lúc nãy, còn có ba con phố song song chạy theo hướng Nam Bắc, mà trong đó con phố nằm ngoài cùng về hướng Đông chính là phố Vân Tường.
So với Hoa Tân có đủ loại hàng hóa, sầm uất nhộn nhịp, phố Vân Tường lại nổi danh nhờ sự phong nhã, đắt đỏ, hàng hóa bán ra đa phần là đồ cổ thư pháp, châu báu dược phẩm… Vì thế, cho dù trong bốn phố nhỏ, nó vắng vẻ nhất, nhưng trên đường toàn là hương xa bão mã, các khách nhân đều ăn mặc sang trọng.
“Đếnhiệu Sái gia trên phố Vân Tường, mua ba cân Mê Điệt hương”.
Đây là lời phụ thân dặn nàng trong lá thư mật.
Cũng có nghĩa là hiệu Sái gia tọa lạc trên con phố này là một quân cờ ngầm mà Khương Trọng cài vào Trình quốc, Khương Trầm Ngư nhìn con phố trước mặt, không kìm được khâm phục sự suy tính sâu xa, chu toàn trong thuật gián điệp của phụ thân. Ai cũng biết, nơi ẩn náu tốt nhất chính là phố chợ, nơi nhiều người qua lại cũng là nơi tin tức nhanh nhạy nhất, vì thế, khi thiết lập điểm tập hợp tin tình báo, người ta thường đặt địa điểm chợ. Nhưng, người ta lại quên mất một điều rất quan trọng – tin tức dân gian là tin tức thiếu chuẩn xác nhất.
Đúng như cái gọi là những lời đồn đại, tam sao thất bản, một sự việc truyền qua miệng nhều người, ắt sẽ bị thêm mắm thêm muối, thậm chí hoàn toàn ngược lại với ý nghĩa ban đầu, cho nên, tin tức có được từ trà quán tửu lâu quá ư hỗn độn, cũng quá chậm trễ. Nhưng hiệu Sái gia thì khác, giá cả hàng hóa ở đây đắt đỏ, chuyên phục vụ các nhà hào phú, hàng hóa bán ra lại là phấn son hương liệu, trang sức châu ngọc mà nữ quyến quý tộc không thể thiếu được. Quần thể thích buôn chuyện thị phi của người khác, có quan hệ mật thiết với đương sự nhưng lại đứng ngoài sự việc này là nguồn tin đáng tin cậy, an toàn nhất trong việc thu thập tin tức của cửa hiệu. Mà điều quan trọng nhất là nơi đây mới là nơi nàng – một sứ thần từ Bích quốc đến cũng không khiến ai nghi ngờ.
Khương Trầm Ngư cất bước đi về phía hiệu Sái Gia cách đó hơn mười trượng.
Cửa hiệu mở rộng, bên chiếc quầy cao hơn nửa người, một người có vẻ là chưởng quầy đang nói chuyện cũng một bà lão. Trong tay bà lão còn bế một đứa bé, đứa bé khóc oa oa, bà lão vội vàng vừa đung đưa vừa dỗ cháu. Trước một giá hàng trong góc, hai người bán hàng đang chào mời một quý phu nhân xem đồ trang sức, quý phu nhân đó lấy từng chiếc vòng trong hộp ra, đeo lên cổ tay,rồi lại lắc đầu, bỏ xuống, lại đeo chiếc khác lên.
Khương Trầm Ngư càng lúc càng lại gần, có thể nhìn rõ hoa văn trên những chiếc vòng kia, còn chục bước nữa, chín bước, tám bước…
Quý phu nhân cầm một chiếc vòng Bạch Ngọc Thanh Điền lên, từ từ đeo vào tay, chất ngọc trong suốt khiến cổ tay nàng ta trông càng them thon thả mềm mại.
Còn cách bảy bước, sáu bước, năm bước…
Bà lão vừa dỗ đứa trẻ, vừa quay đầu sang nói với chưởng quầy: “Không hiểu vì sao hai ngày nay cháu tôi cứ quấy khóc suốt”.
Chưởng quầy an ủi: “Trẻ con ấy mà, khóc một tí mới tốt”.
Còn cách bốn bước.
Người bán hàng nói: “Phu nhân, mua chiếc vòng này nhé, chiếc này rẻ…”.
Còn cách ba bước.
Cửa hiệu đã gần trong gang tất, Khương Trầm Ngư đột nhiên xoay người, bước vào cửa hiệu bên cạnh.
Lâp tức có người bán hàng chạy tới chào hỏi: “Cô nương muốn mua đàn ạ? Mời qua bên này…”.
Bên cạnh cửa hiệu Sái gia là một cửa hiệu bán đàn, đến trước một cây Lôi Ngã cầm, trầm ngâm không nói. Người bán hàng liến thoáng: “Cô nương đúng là có con mắt tinh tường, chiếc đàn này là bảo bối trấn điếm(*) của tiệm chúng tôi, do đại sư chế tác đàn Lôi Văn làm ra lúc sinh thời, cô nương xem thân đàn được làm bằng loại gỗ hông thượng hạng nhất…”.
(*)Bảo bối trấn điếm (trấn điếm chi bảo) tức là món đồ quan trọng nhất của cửa tiệm, nếu không có nó tình hình cửa tiệm sẽ không ổn. Thường được người bán hàng chỉ món đồ giá trị nhất, đặc sắc nhất của cửa hiệu.
Những lời nói của hắn cứ lao xao bên tai biến thành phông nền, mà phía bên trong phông nên ấy thứ nổi bần bật nhất lại là – Không ổn, hiệu Sái gia có gì đó không ổn!
Là bà, lại không biết cháu mình bị rớt một chiếc giầy.
Là một quý phu nhân, lại có một đôi tay có vết chai.
Là một người bán hàng, lại hoàn toàn không có kỹ năng chào mời…
Tất cả, tất cả đều không ổn.
Những chi tiết không hợp logic này ngầm cho thấy một điềm báo nào đó, vì thế, trong giây phút cuối cùng nàng quay đầu, bước vào một cửa hiệu khác.
“Không phải tự khen chứ âm sắc của cây đàn này dù không phải tuyệt thế vô song, cũng có thể xếp hàng thứ hai…”. Gã bán hàng cửa hiệu đàn vẫn đang thao thao bất tuyệt.
Khương Trầm Ngư đột ngột quay đầu, nói: “Ta thử đàn”.
Gã bán hàng sững người rồi vội vàng nói: “Được được, không vấn đề gì, cô nương, mời ngồi bên này”.
Khương Trầm Ngư ngồi xuống trước một chiếc bàn bằng ngọc, từ góc nhìn của nàng, vừa hay có thể quan sát tình hình phía bên kia đường. Bên ngoài mấy cửa hiệu bán chữ, tranh, có mấy người bán kẹo rong; cách vào bước, còn có hai tên ăn màu đang lười biếng tựa tường sưởi nắng.
Nàng càng lúc càng khẳng định suy đoán của mình.
Khách nhân trên con phố này ai lại đi mua loại kẹo rẻ tiền đó? Sao lại để cho ăn mày sưởi nắng ở đây? Hơn nữa, vừa tạnh mưa xong, đường vẫn còn ướt, ăn mày chỉ là những người nghèo túng, chứ không phải là đồ ngốc, sao hoàn toàn không biết bận tâm đến chuyện đường ướt mà thản nhiên ngồi đó?
Mọi điều trên chỉ dẫn đến một kết luận: Cửa hiệu Sái gia có chuyện rồi.
Vì thế, cứ điểm ban đầu nay đã trở thành cái bẫy. Vậy thì, người đối phương muốn bắt là một mình nàng hay là tất cả gian tế nước địch ẩn náu ở Trình quốc.
Cho dù là thế nào, vừa nãy chỉ cần nàng bước vào cửa thì chắc chắn sẽ bị tóm gọn.
Còn như có bắt nhầm người hay không, phải trải qua dùng hình thẩm vấn mới có thể phán đoán được.
Nghĩ đến khả năng này, sống lưng nàng bất giác ớn lạnh.
Lúc này gã bán hàng lấy đàn ra, đặt lên bàn, ân cần nói: “Đây đàn đã được bôi dầu, cũng đã cân chỉnh, cô nương cứ an tâm thử đàn nhé”.
Khương Trầm Ngư nghĩ một lất, giơ tay lên, tiếng nhạc đột ngột nổi lên,nàng đàn khúc “Hoạch lân” (*)
(*)"Hoạch lân" hay còn gọi là "Hoạch Lân Thao":Nộii dung căn cứ vào một câu chuyện trong "Xuân thu tả truyện": Thời Lỗ Ai công, có người bắt được một côn lân, nhưng làm nó bị thương. Khổng Tử sau khi đến xem, cảm thấy bi thương, cho rằng loài động vật mang điềm lành này xuất hiện không gặp thời nên bị hại. Thực ra đó chính là tâm sự Khổng Tử liên hệ đến bản thân không được trọng dụng khi đó. Cầm phổ của "Hoạch lân" xuất hiện sớm nhất trong phổ tập "Thần kỳ thần phổ",(Chu quyền biên soạn năm 1425), căn cứ vào phổ pháp và kết cấu nhạc khúc, có thể thấy rõ sự khác biệt với cầm khúc đời sau, nên có thể coi đây là một cầm khúc tương đối cổ.
Lân hề lân hề, hợp nhân trọng nghĩa, xuất hiện đúng thời.
Bước đi đúng mực, xoay mình đúng mực, tiếng tựa nhạc khí.
Nó đi tới đâu phải chọn rõ ràng rồi mới đến, nhân đức là ở chỗ cỏ tươi chẳng xéo, côn trùng sống chẳng giẫm.
Ở chẳng cùng bầy, đi không cùng bạn.
Lân hề một sừng năm móng, khi nó kêu lên, hội tụ càn khôn. Nay xuất hiện không đúng thời, ăn sắt sinh vàng, uổng thay cho sự phi thường của nó…
Tiếng đàn tao nhã uyển chuyển, giữa âm điệu du dương, trầm bổng đan xen, nỗi bi phẩn như song vỗ ào ào, nỗi thê lương tựa như tiếng thở dài khe khẽ, nhịp nhịp thương tâm, tiếng tiếng khắc cốt, nhưng từ đầu đến cuối lại tràn đầy hàm ý từ bi.
Tương truyền vào thời Lỗi Ai công, có người bắt được một con kỳ lân, nhưng làm nó bị thương. Sau khi Khổng Tử nhìn thấy, cảm thấy đau lòng, không kìm được lệ ướt vai áo.
Khúc nhạc này chia làm sáu đoạn, Khương Trầm Ngư chỉ đàn đoạn đầu tiên “Thương thời Lân hề”, nhưng cũng đủ để khiến người trong hiệu chú ý, người đi đường dừng chân. Khi nàng dừng tay, một tràng vỗ tay từ hậu sảnh vang lên.
Nàng quay đầu lại, chỉ thấy rèm gấm tầng tầng, không thấy người sau rèm.
Tiếng vỗ tay ngừng, một tiểu đồng vén rèm đi ra, tuổi chừng mười ba, mười bốn, gương mặt tròn trĩnh, không cười mà như cười, nhìn giống như một con búp bê đất, cực kỳ dễ thương.
Chỉ thấy hắn bước nhanh đến trước bàn, dừng
lại nói: “Công tử nhà ta nói cô nương chơi đàn rất hay, cái gì mà ‘vời vợi chừ, như Hoa Sơn’…”.
Sau rèm có người ho, còn có một giọng nói rít lên: “Thái Sơn! Là Thái Sơn ấy! Đồ đầu heo!”.
Tiểu đồng vội vàng sửa: “Đúng rồi, là ‘Vời vợi chừ như Thái Sơn’, cái gì ‘Mênh miing chừ như… như… như…”.
Giọng nói the thé ấy lại keu lên: “Giang Hà(*)!”.
(*)Tức Trường Giang và Hoàng Hà.
“A đúng rồi, mênh mông chừ như Giang Hà, tóm lại là hay nhất trên trời dưới đất… Cho nên, để cảm tạ khúc nhạc này của cô nương, công tử nhà ta xin cô nương nhất định phải nhận cây đàn này!”.
Khương Trầm Ngư vội vàng đứng dậy nói: “Đợi đã, bèo nước gặp nha, không dám nhận món quà quý giá như thế này”. Cây đàn này ít nhất cũng phải nghìn lượng bạc, không biết thân phận của người tặng đàn, sao nàng dám nhận bừa?
Nhưng tiểu đồng đó vẫn lắc đầu nói: “Công tử nhà ta nói ngài tặng cô nương đàn chỉ là muốn cảm tạ khúc nhạc nàng vừa đàn ban nãy, hơn nữa, cũng chỉ có người có cầm nghệ xuất chúng như cô nương mới xứng với cây đàn này”.
Khương Trầm Ngư vẫn định chối từ, sau rèm chợt có tiếng động, tiếng bước chân xa dần, dường như đối phương đã rời khỏi đó.
Tiểu đồng nhe răng cười, nói: “Công tử nhà ta đi rồi, ta cũng phải đi đây. Cô nương đừng từ chối nữa, tuy nói là cái gì nước gặp nhau, nhưng có duyên tất sẽ gặp lại. Cáo từ”. Nói đoạn, quay người nhảy chân sáo chạy đi.
Khương Trầm Ngư nhìn thấy một cỗ xe ngựa có nóc màu xanh đậm nhanh chóng rẽ ngoặt ở góc phố rồi biến mất.
Gã bán hàng bên cạnh nói: “Vậy để tiểu nhân bọc đàn lại cho cô nương, không biết phủ đệ của cô nương ở đâu? Tiểu nhân sai người đem đàn tới”.
Khương Trầm Ngư hỏi: “Ngươi có biết người tặng đànlà ai không?”.
“Chỉ biết là một công tử nhà giàu, đến sớm hơn cô nương một chút, đang ngồi xem đàn trong hậu sảnh, không ngờ chẳng mua gì cho mình nhưng lại mua đàn tặng cho cô nương”. Gã bán hàng vừa nói vừa cười ám muội, “Nhưng cầm nghệ của cô nương đúng là tuyệt thế vô song, vị công tử đó tặng đàn cảm tạ tri âm, cũng coi là một câu chuyện đẹp”.
Khương Trầm Ngư nhất thời im lặng. Nàng đàn khúc này vốn chỉ muốn thăm dò cửa hiệu sát vách có phản ứng thế nào, xem xem những con cờ ngầm của phụ thân bị quét sạch một mẻ, hay là vẫn còn cá lọt lưới, có lẽ sau khi nghe thấy tiếng đàn của nàng, họ sẽ đoán được nàng đã đến, sẽ nghĩ cách truyền tin. Mà nay, chư do thám được động tĩnh của láng giềng, ngược lại tự dưng lại nhận được cây đànnày, đúng là “cố ý trồng hoa hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu liễu xanh um”.
Lại nhìn cửa hiệu Sái gia vẫn không có động tĩnh, xem ra hôm nay sẽ chẳng thăm dò được gì, nàng cũng không thể ở đây quá lâu để tránh để lộ thân phận, nàng bèn cho gã bán hàng địa chỉ của dịch trạm, còn mình đi bộ về.
Không ngờ vừa về đến dịch trạm, đã nhìn thấy cỗ xe ngựa có mái xe màu xanh sẫm trước sân.
Nàng vội hỏi: “Đây là xe ngựa của ai?”.
Lý Khánh đáp: “A, cô nương ra ngoài hai ngày nên không biết, đây là xe ngựa của sứ thần Yên quốc”.
“Sứ thần Yên quốc đến rồi sao? Là ai vậy?”.
“Nói ra thật khó tin, Yên vương đích thân đến”.
Khương Trầm Ngư khựng lại, kinh ngạc hỏi: “Cái gì? Yên vương?”.
“Đúng thế, ai mà ngờ được chứ. Lần này, Trình vương quả là hãnh diện, Nghi vương và Yên vương đã đến cả…”. Lý Khánh than.
Khương Trầm Ngư chăm chú nhìn cỗ xe ngựa nhìn có vẻ bình thường đó, trong lòng cảm thấy vừa căng thẳng vừa bất an – Trong các quân chủ của bốn nước hiện nay, Chiêu Doãn tuổi tre nhất, thời gian lên ngôi cũng ngắn nhất, bên ngoài bình luận y, phần lớn là lông cánh chưa đủ, bị thần tử khống chế năm nay y đột nhiên trừ sạch Tiết gia, đích thân nắm quyền, bình luận chuyển thành kiên nhẫn cố chấp, lòng dạ sâu xa; bình luận về Nghi vương là tốt nhất, phóng khoáng thân dân, hài hước phong nhã, đã chấp chính sáu năm, trong nước không có chuyện lớn phát sinh, cũng không có điều gì thất đức; Minh cung tuổi tác cao nhất, khi còn tráng niên ít lời vô sỉ, lật lọng là chuyện cơm bữa, hơn nữa hiếu chiến ham công, bị các nước xung quanh coi thường, nhưng con dân Trình quốc lại có một sự sùng bái thâm căn cố đế, thậm chí có thể nói là mù quáng điên cuồng đối với lão, tóm lại, Minh cung là một quốc quân tương đối phức tạp…
Thế nhưng, nếu nói đến người thực sự có phong độ đế vương thì đó chính là Yên vương Chương Hoa.
Cả đời Chương Hoa có thể nói là xuôi chèo mát mái, do quốc mẫu chính thống sinh ra(*), vừa ra đời đã được thụ phong thái tử, bình an đến lúc mười bảy tuổi, lão Yên vương đột nhiên nhìn thấu hồng trần, xuất gia làm hòa thượng, vì thế thuận lợi truyền ngôi cho con trai duy nhất. Mà Yên vương lại có một vị hảo thừa tướng một lòng trung thành, phò tá y đến năm hai mươi tuổi, mọi việc thành thục, trong nước không ẩn họa ngầm, bên ngoài chẳng mối âu lo, lão thừa tướng mới từ quan cáo lão, vân du thiên hạ.
(*)Tức Chương Hoa là con của đích hoàng hậu
Mà con người Chương Hoa cũng đúng như lời y tự thuật: “Duy có Hách Dịch rực rỡ sáng chói, rạng rỡ như vũ trụ nhật nguyệt, mới có thể sánh với ta”.
Yên quốc được y thống trị, binh túc mã cường, nước giàu dân mạnh, sức mạnh tổng hợp có thể coi là đứng đầu bốn nước, y chấp chính sáu năm, cất nhắc người tài không thiên vị đảng phái, cho gánh vác nghiệp lớn, để họ dốc hết kỳ tài. Nghe theo lẽ phải, tế thế an dân, công tích hiển hách.
Nếu muốn nói y có uy vọng thế nào, có một việc có thê chứng minh.
Tội tử hình của Yên quốc phải qua ba lần tấu, thẩm, phê, mới có thể thi hành. Vào năm Hoa Trinh thứ tư, trong cả nước người bị khép vào tội chết tổng cộng có bốn mươi chín người. Vừa hay trùng dịp năm mới, Chương Hoa hạ lệnh cho bốn mươi chín người này về nhà đón Tết cùng gia đình, qua mùa thu năm sau trở về thụ hình, kết quả bốn mười chín người đều trở về đúng ngày, không ai bỏ trốn.
Việc này truyền đến ba nước còn lại, ai cũng kinh ngạc.
Sau Tết, Chiêu Doãn lập tức phái Tiết Thái đi sứ Yên quốc, cũng vì thế dệt nên giai thoại Chương Hoa tặng tuyệt thế mỹ ngọc”Băng Ly” cho Tiết Thái.
Còn nay, vị đế vương nổi danh này cũng đến Trình quốc? Hơn nữa, vừa nãy còn tặng nàng một cây đàn.
Cho dù Khương Trầm Ngư có trầm ổn, trấn tĩnh đến thế nào đi nữa, trái tim vẫn không chịu nghe lời mà đập điên cuồng, khi cất tiếng, giọng nói gấp gáp hẳn lên: “Yên vương bây giờ ở đâu?”.
“Yên vương cũng ở đây, nhưng vừa nãy trong cung có người mời ngài đi rồi”.
Lời vừa dứt, một người từ trong nhà chạy ra, bù lu bù loa kêu lên: “Làm cái gì thế, ta mới chợp mắt một lúc, tất cả đều bỏ ta mà đi hết cả? Ta…”. Đang gào dở chừng, ngẩng đầu thấy Khương Trầm Ngư, kinh ngạc lắp bắp: “A, cô nương… đánh đàn”.
Người này không phải ai khác mà chính là tiểu đồng vừa tặng đàn cho nàng.