Trong tẩm điện Hoàng đế rèm gấm nặng trĩu, Long Tiên Hương hòa cùng mùi dược liệu ngập tràn trong điện, Tùy Tùy vừa tiến vào điện, từ chính ngọ đã đến lúc hoàng hôn.
Hoàng đế ốm đau trên giường, nên tiếp kiến nàng trên ngự tháp, ông khoác hoàng bào tươi sáng, ngồi tựa trong một chồng chăn gấm và ẩn nang, chỉ lộ mặt và tay vàng vọt nhăn nheo, như một cành cây khô cắm trong bụi hoa tươi, chuyện ám sát đêm Thượng Nguyên đả kích ông không thể nói không nặng, bệnh căn phát tác, lúc này càng như tàn đuốc trong gió.
Biến hóa lớn nhất chính là ánh mắt của ông, Tùy Tùy nhớ rõ lúc gặp Hoàng đế ở đại triều Nguyên Đán, hai mắt vẫn sáng chói khiếp người, hiện tại lại đen tuyền như mắt cá, lộ ra tử khí nặng nề như gian phòng này.
Tùy Tùy bất giác hơi ngẩn người, bình tĩnh lại tiến lên hành lễ: "Mạt tướng bái kiến bệ hạ."
Hoàng đế hơi gật đầu: "Tiêu khanh miễn lễ."
Hắn ra dấu trung quan ban tọa, chăm chú nhìn nàng một hồi, rồi chậm rãi nói: "Hôm nay mời Tiêu khanh vào cung, thứ nhất là cảm tạ ơn cứu mạng của Tiêu khanh."
Tùy Tùy vội hành lễ: "Bệ hạ quá lời, mạt tướng không kịp cứu giá, khiến bệ hạ kinh sợ."
Hoàng đế xua tay: "Tiêu khanh đại nghĩa, đừng quá khiêm tốn..."
Ông nói rồi ra hiệu bằng mắt với trung quan, chỉ chốc lát sau liền có nội thị bưng mấy cuốn sách lụa tới.
Hoàng đế nói: "Đây là hai trạch đệ điền trang của trẫm, một nơi ở Đại Ninh phường, một nơi ở vùng ngoại ô thành Nam, tuy nhỏ hẹp đơn sơ, có lẽ có thể dùng làm nơi đặt chân khi Tiêu khanh nhập kinh, cũng sẽ thoải mái hơn dịch quán một chút."
Nhỏ hẹp đơn sơ tất nhiên là khiêm tốn, Đại Ninh phường cách Bồng Lai cung cũng chỉ có một phường, mà trong đó đều là trạch đệ của quý thần vương công, trạch viện nơi đó dù có tiền cũng không mua được.
Tùy Tùy nói: "Mạt tướng thẹn không dám nhận."
Hoàng đế nói: "Đây chỉ là chút tâm ý của trẫm, Tiêu khanh chớ nên từ chối."
Dừng một chút lại nói: "Ngoài ra trẫm đã thương nghị xong với Tể tướng, nâng khanh lên chức khai phủ Nghi Đồng Tam Ti, Trung Thư môn đang dự thảo chiếu thư, cần chờ thêm mấy ngày nữa."
Khai phủ Nghi Đồng Tam Ti là cấp quan nhất phẩm, ban thêm cho trọng thần công huân lớn lao, Tiêu Yến cũng hơn bốn mươi tuổi mới lên bậc này, mà Tiêu Linh mới hơn hai mươi tuổi đã là nhân thần mãn cấp, tuy có công cứu giá, nhưng cũng có chút quá rồi.
Trái tim Tùy Tùy hơi chùng xuống, Hoàng đế vừa gặp mặt đã ban điền trạch trang viên còn nâng quan của nàng, nhất định không phải đơn giản là tri ân báo đáp.
Hoàng đế âm thầm quan sát nét mặt Tiêu Linh, phát hiện khuôn mặt của vị tướng lãnh trẻ tuổi này không những không nhìn ra chút dấu hiệu đắc ý vênh váo nào, ngược lại hơi lộ ra vẻ trầm ngâm.
Trong lòng ông không khỏi thở dài, nếu Thái Tử có một nửa trầm ổn và cảnh giác của nàng, ông cũng có thể yên tâm giao giang sơn này cho hắn, sẽ không đến mức đi đến bước hiện tại.
Tùy Tùy kiên nhẫn chờ đợi lời sau, Hoàng đế trầm mặc một lúc, cuối cùng bình lui trung quan và cung nhân hầu hạ bên cạnh, khẽ thở dài: "Ta có một yêu cầu quá đáng, mong Tiêu khanh thành toàn."
Ánh mắt Tùy Tùy khẽ động: "Bệ hạ quá lời, người cứ việc phân phó, mạt tướng có sẽ không từ chối."
Hoàng đế nói: "Hiện tại nơi này không có người khác, ta và ngươi không cần tuân lễ quân thần, ta dùng thân phận là bạn tốt của phụ thân ngươi năm đó, và thân phận phụ thân Diệp Nhi nhờ vả ngươi."
Trái tim Tùy Tùy khẽ run, đoán được ông muốn nói gì, nàng chỉ hơi rũ mi mắt.
Hoàng đế nói: "Ta vốn không biết lần này ngươi đặc biệt nhập kinh là vì chuyện gì, hiện giờ đại khái đã đoán được, là vì chuyện năm đó của Diệp Nhi, có đúng không?"
Lời nói của ông tựa như trưởng bối bình thường, từ ái bình thản, giảng giải từng bước.
Tùy Tùy không phủ nhận, tới lúc này rồi, hư tình giả ý không cần thiết nữa, nàng dứt khoát thừa nhận: "Bệ hạ anh minh, lần này mạt tướng nhập kinh thật sự là vì chuyện của Tiên Thái Tử."
Hoàng đế thở dài: "Làm khó ngươi qua nhiều năm như vậy còn canh cánh trong lòng việc này."
Tùy Tùy nói: "Tiên Thái Tử đối với mạt tướng tình thâm ý trọng, mạt tướng vô dĩ vi báo*, chỉ có thể tẫn hết sức mọn."
(Ji: *无以为报 - không thể đáp trả)
Nàng không đợi Hoàng đế nói tiếp: "Mạt tướng khẩn cầu bệ hạ giao cho Hữu Ti thẩm tra xử lý án Thái Tử mưu nghịch, hành thích Tề Vương lúc Thu Tiển và mưu hại Tiên Thái Tử, trả công đạo cho người chết."
Sắc mặt Hoàng đế khẽ biến, do dự nói: "Hoàn Dung phạm tội ác tày trời, luận tội mà trị, trẫm sẽ không bao che nghịch tử này."
Tùy Tùy biết sau đó nhất định sẽ có hai từ "Chỉ là".
Quả nhiên, Hoàng đế nói tiếp: "Chỉ là chuyện của Diệp Nhi đã qua nhiều năm, nhắc lại chuyện xưa cũng phí công vô ích, chỉ khiến người thân thêm tổn thương, đau càng thêm đau..."
Ông dừng một chút rồi nói: "Hoàng Hậu đến nay vẫn không biết nguyên nhân cái chết của Diệp Nhi liên quan đến Hoàn Dung. Nếu biết thân huynh đệ bọn họ tay chân tương tàn, chỉ sợ không chịu nổi đả kích này. Nếu tội nhân đã chú định đền tội, tất phải rạch mở vết sẹo năm đó? Mong ngươi niệm tình Diệp Nhi, cứ như thế buông tay đi..."
Tùy Tùy rũ mắt im lặng, đại điện cao rộng vắng lặng, chỉ có tiếng leng keng của ngọc linh trên trướng giác.
Đây gần như là quyết định gian nan nhất trong cuộc đời của nàng.
Thật lâu sau, cuối cùng nàng cúi người hành lễ: "Mạt tướng khẩn cầu bệ hạ trả một công đạo cho Tiên Thái Tử."
Sắc mặt Hoàng đế hơi trầm xuống: "Nếu Diệp Nhi dưới cửu tuyền biết được, nhất định cũng không muốn thấy mẫu hậu lại trầm cảm đau buồn vì nó nữa..."
Tùy Tùy nâng mắt lên, bình tĩnh chăm chú nhìn gương mặt già nua của Hoàng đế: "Đến tột cùng bệ hạ lo lắng Hoàng Hậu nương nương trầm cảm đau buồn, hay lo lắng Hoàng Hậu nương nương biết bệ hạ biết rõ kẻ hại chết Tiên Thái Tử là ai, còn che giấu thay hung thủ?"
Nét mặt Hoàng đế rét lạnh: "Hỗn xược!"
"Tiêu Linh, ngươi biết mình đang nói chuyện với ai không?" Sắc mặt ông như bầu trời sắp nổi mưa bão, "Ngươi có biết, chỉ dựa vào lời vừa rồi của ngươi, trẫm có thể luận ngươi tội đại bất kính hay không?"
Tùy Tùy nói: "Mạt tướng sợ hãi."
Tuy nói thế, vẻ mặt nàng vẫn nhàn nhạt, không thấy tia sợ hãi chút nào.
Hoàng đế trầm mặt chăm chú nhìn nàng hồi lâu: "Trẫm không cần thương lượng với ngươi."
Tùy Tùy cúi người nói: "Chỉ cầu bệ trả cho Cảnh
Sơ một công đạo, mạt tướng tan xương nát thịt cũng không một câu oán hận."
Đột nhiên nghe thấy danh tự của trưởng tử, thân thể Hoàng đế không tự chủ được mà run rẩy.
Thân thể mà ông gắng gượng chống đỡ như ngọn núi đất trong mưa to sắp sụp đổ, vẻ tức giận dần phai, lệ quang thấp thoáng trong đôi mắt vẩn đục.
Qua hồi lâu, ông khẽ nói: "Trẫm thực xin lỗi Đại Lang, nhưng lúc trẫm biết thì ván đã đóng thuyền, Hoàng Hậu cực kỳ bi thương, khoảng thời gian đó Nhị lang là niềm an ủi duy nhất của nàng..."
Tùy Tùy lạnh lùng nhìn ông, im lặng nghe ông tìm cớ cho bản thân. Ông che giấu giúp Nhị tử, chẳng qua là bởi vì lúc đó có nhiều mặt để suy xét, Nhị tử thích hợp làm Thái Tử cũng thôi đi, nhưng Hoàn Diệp chết, đến tột cùng ông ta có thông đồng thậm chí dẫn dắt hay không? Lúc huynh ấy đề nghị nhường trữ vị, có lẽ Hoàng đế đã hoàn toàn thất vọng với trưởng tử, bắt đầu suy xét lập trữ quân khác.
Tùy Tùy nói: "Bệ hạ nhìn thấu mọi việc."
Hoàng đế không nói nữa, chỉ rũ mắt nhìn đôi tay nhăn nheo của mình, sau một lúc lâu, ông nâng mắt lên, nhìn Tùy Tùy nói: "Trẫm đáp ứng ngươi, giao Hoàn Dung cho Đại Lý Tự và Ngự Sử Đài thẩm tra xử lý công bằng, trẫm sẽ không nhúng tay."
Tùy Tùy chắp tay nói: "Mạt tướng khấu tạ bệ hạ thành toàn."
Hoàng đế lại nói: "Chuyện của ngươi và Tam Lang, trẫm đã biết rồi."
Tùy Tùy không hề kinh ngạc, chuyện của bọn họ không xem là cơ mật mấy, chỉ cần có lòng tra, rất dễ tra ra, dù cho ban đầu Hoàng đế không biết, sau chuyện Thái Tử thất bại nhất định cũng sẽ kéo nàng và Hoàn Huyên xuống nước.
Nàng mím môi nói: "Việc này không dính dáng tới Tề Vương, điện hạ không hề biết thân phận của mạt tướng."
Hoàng đế gật đầu: "Trẫm biết."
Ông nhìn nàng một cái thật sâu: "Trẫm tổng cộng chỉ có ba đích tử, Lục Lang, Thất Lang bên dưới Tam Lang tuổi còn nhỏ."
Tùy Tùy hiểu ý của ông, sau khi Thái Tử bị phế sát, Hoàn Huyên làm trữ quân là lẽ đương nhiên không thể chối từ.
Hoàng đế lại nói: "Tam Lang không giống Đại Lang."
Sống lưng Tùy Tùy cứng đờ.
Hoàng đế nói tiếp: "Đại Lang vốn là nhàn vân dã hạc*, tuy lúc trước nó là vì đến Hà Sóc mới đưa ra ý từ bỏ trữ vị, nhưng đây cũng là chí hướng của nó. Nó ôn hòa lương thiện, không tranh thế tục, trữ vị với nó mà nói trước nay đều là gánh nặng. Tam Lang không như thế, bởi vì vài duyên cớ, Hoàng Hậu không thân cận với nó, ta bận chính vụ, cũng hiếm khi hỏi đến chuyện của nó. Nguyễn Thái Hậu thích yên tĩnh, không thích trẻ con phiền nhiễu bên cạnh, nó có thể trưởng thành với bộ dạng như hiện tại, hoàn toàn dựa vào tâm khí của bản thân, nó có tham vọng cũng có chí hướng."
(Ji: *闲云野鹤 - tự do tự tại như đám mây trôi hững hờ, như cánh chim hạc chao lượn)
Ông dừng một chút, nhìn thẳng vào hai mắt Tùy Tùy nói: "Đứa nhỏ này đi đến bước này cũng không dễ dàng. Ý của Trẫm, Tiêu khanh có hiểu chăng?"
Tùy Tùy đương nhiên hiểu ý của ông, có lẽ lúc này Hoàn Huyên sẽ vì không cầu được mà không cam lòng, thậm chí vì nàng đầu nóng lên mà ngay cả trữ vị tới tay còn đẩy ra ngoài, nhưng sau khi đạt được sở nguyện khó đảm bảo sẽ không hối hận.
Huống hồ nàng cũng không có ý tiếp tục dây dưa với hắn, nàng nói không chút do dự: "Mạt tướng nhất định tận tâm tận lực phụ tá bệ hạ và Tề Vương điện hạ."
Hoàng đế thấy ánh mắt nàng quang minh chính đại thản nhiên, lúc này mới gật đầu nói: "Vậy thì trẫm yên tâm rồi."
Ông xoa trán nói: "Nói có mấy câu, lại có chút mệt mỏi rồi."
Tùy Tùy lập tức đứng lên hành lễ cáo lui.
Rời khỏi cung, nàng lập tức trở về Đô Đình Dịch. Tới dịch quán, nàng bình lui thị hầu, đóng cửa phòng, lấy một chiếc hộp gỗ tử đàn hẹp dài ra từ rương hòm.
Đây là《dược sư kinh》lúc tiệc thưởng mai vào cung yết kiến, Hoàng Hậu đưa cho nàng, sau khi mang về liền đặt dưới đáy hòm, vẫn chưa mở ra.
Nàng mở tráp ra, lấy cuốn kinh, rút dải lụa, cẩn thận mở ra.
Nàng nhẹ nhàng vuốt v3 từng hàng chữ vàng, cảm giác lụa gấm hơi lạnh, hơi thoáng hương đàn nhàn nhạt sâu lắng.
Tùy Tùy vừa nhìn thư tích liền biết cuốn kinh này không phải do Hoàn Diệp viết, nhưng chữ viết tú nhã hàm chứa căn cốt, bút tự của người chép kinh này cũng không kém Hoàn Diệp. Hoàng Hậu nói đây là vật yêu thích của Tiên Thái Tử, có lẽ là bút tích của một vị thư gia hoặc danh tăng nào đó.
Nàng không tin Phật, biết sát nghiệt của mình quá nặng, trước nay cũng không tìm kiếm an ủi từ thần phật.
Nhưng lúc này lại lặng lẽ đọc từng câu từng chữ trong cuốn kinh Hoàn Diệp để lại, như muốn xua tan bất an trong lòng.
Lời của Hoàng đế cũng không phải không có đạo lý, chân tướng năm đó giống một thanh kiếm sắc, một khi công khai, nhất định sẽ tổn thương mẫu hậu mà hắn tôn trọng kính yêu.
Nàng cố chấp cầu một kết quả như thế, rốt cuộc là vì hắn hay là vì chấp niệm trong lòng mình?